Đứt gánh giữa đường

PHAN HOÀNG 09/04/2018 09:04

Thông tin Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh công bố danh sách gần 2.000 sinh viên bị cảnh báo, có nguy cơ bị đuổi học do kết quả quá thấp không thể cải thiện (trong đó có 257 sinh viên đã có quyết định thôi học) thực sự gây lo lắng cho phụ huynh và học sinh, nhất là trong những ngày này, khi các trường đại học đang ra sức làm công tác tuyển sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc công bố danh sách sinh viên bị đuổi học và có nguy cơ bị đuổi học là hành động cứng rắn nhằm siết lại chất lượng đào tạo.  Có người thậm chí còn kêu gọi nên đưa ra quy định tất cả trường đại học phải công bố danh sách sinh viên bị buộc thôi học như là một hình thức đánh giá chất lượng đào tạo của mỗi trường. Một sinh viên bị đuổi học, sẽ chỉ có một hai lý do; nhưng hàng trăm hàng ngàn sinh viên bị đuổi học, tất sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra phân tích, mổ xẻ. Lỗi tại sinh viên ham chơi, học không nổi, chán nản vì không như hình dung ban đầu khi chọn ngành học; lỗi tại sự quản lý lỏng lẻo của cơ sở đào tạo; lỗi thuộc về vĩ mô như chương trình học nặng nề không phù hợp… Và lại dấy lên chuyện nên siết đầu vào hay siết đầu ra của đại học.

Nhưng, có một điều dễ nhận ra ngay, khi đang là mùa tuyển sinh: thực trạng từ câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh.

Như mọi năm, năm 2018 này, phụ huynh và học sinh cũng loay hoay trong việc chọn lựa nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Mùa tuyển sinh năm nay, ngay từ đầu, việc chọn tổ hợp các môn xét tuyển lại càng khiến học sinh bối rối. Một số trường đại học chọn tổ hợp xét tuyển ngược với ngành đào tạo; các chuyên gia giáo dục thậm chí cho rằng đây là việc các trường cố tăng cơ hội để tuyển đủ sinh viên, vì lợi ích kinh tế. Bởi hiện tại, một số trường đại học đào tạo ngành giống nhau nhưng tổ hợp các môn xét tuyển lại khác nhau.

Hướng nghiệp cho học sinh hay tư vấn cho sinh viên chọn chương trình phù hợp, nếu làm một cách nghiêm túc, có tâm và tầm ngay từ đầu, quá trình học tập cũng như lựa chọn nghề cho tương lai sẽ khả quan hơn rất nhiều. Phương án tuyển sinh lớp 10 công lập của Quảng Nam năm học 2018-2019 thực hiện theo lộ trình giảm chỉ tiêu (từ 90% xuống còn 85%) nhằm đẩy mạnh phân luồng và góp phần nâng cao chất lượng đầu vào các trường THPT cũng là một cách hướng nghiệp cho học sinh. Vấn đề là làm thế nào để xã hội nhận thức được đúng bản chất của việc hướng nghiệp này.

Mười bảy năm trước, khi tôi học đại học, dù không nhiều như bây giờ nhưng cũng có trường hợp sinh viên bỏ học hoặc bị nhà trường buộc thôi học. Có bạn làm lại từ đầu, bằng quyết tâm thi lại ngành mình yêu thích, phù hợp với khả năng. Có người chuyển sang học nghề và thành công trong quá trình lập thân lập nghiệp. Có người về quê và đứt gánh giữa đường trong chuyện học, mải miết với cuộc mưu sinh. Những người mà tôi biết, dù nhọc nhằn với con đường học hành, nhưng họ đều sống tử tế.

Ở Quảng Nam, chưa có công bố về thống kê sinh viên bỏ học giữa chừng hoặc bị buộc thôi học. Nhưng rải rác vẫn có nhiều câu chuyện đứt gánh giữa đường, vì học không nổi, vì lấy chồng sinh con, vì gia cảnh khó khăn. Dù bất cứ lý do nào, các… cựu sinh viên ấy cũng cần sự đồng hành của gia đình và xã hội, ít nhất là chỉ cho họ một lối ra, không chỉ từ con đường sách vở.

PHAN HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đứt gánh giữa đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO