Phát huy truyền thống quê hương 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thời gian qua xã Duy Hòa (Duy Xuyên) dồn mọi nỗ lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Dù triển khai thực hiện chương trình này chỉ hơn 1 năm nhưng vùng quê này đã thay da đổi thịt...
Diện mạo nông thôn Duy Hòa khang trang hơn. |
Đảng viên đi trước
Cận Tết Quý Tỵ, nhân dân thôn La Tháp Tây và Phú Lạc (xã Duy Hòa) hăng hái ra quân đổ bê tông tuyến đường chính nằm trên trục du lịch Kiểm Lâm - Mỹ Sơn với tổng chiều dài 700m. Ông Trương Văn Hạnh - Trưởng thôn La Tháp Tây cho biết, để làm con đường này, hơn 70 hộ dân đã tự nguyện dỡ bỏ tường rào, hiến nhiều diện tích đất, chặt phá cả nghìn cây ăn quả và lâu năm mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Nhìn dãy tường rào kiên cố trị giá 20 triệu đồng vừa đập bỏ, ông Lê Đức Dũng trú thôn La Tháp Tây nói: “Việc đập hàng rào này dời vào trong làm gia đình tôi bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Nhưng vì cái chung, mình chấp nhận. Tuyến đường rộng rãi, thông thoáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Xuất phát từ suy nghĩ đó nên tôi tự nguyện làm trước”.
Ông Ngô Bá Lợi - Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho biết, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, địa phương mới chỉ đạt được 2 tiêu chí là hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Thế nhưng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân nên qua 1 năm triển khai thực hiện, đến nay Duy Hòa đã hoàn thành thêm 7 tiêu chí, gồm: quy hoạch, hệ thống điện, chợ nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa. Năm 2012, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình khoảng 23 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,3 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 14,7 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp 1,1 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và vốn tín dụng. Theo kế hoạch, năm 2013 này Duy Hòa phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí nữa là trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư và quyết tâm trở thành xã nông thôn mới trước năm 2015. |
Có rất nhiều trục đường liên thôn khác trên địa bàn Duy Hòa khi thực hiện việc mở rộng, bê tông hóa cũng nhận được sự ủng hộ hết mình của nhân dân. Theo ông Ngô Bá Lợi - Chủ tịch UBND xã, để làm được những tuyến đường theo chuẩn quy định, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi họp dân nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trên tinh thần dân chủ, công khai, đặc biệt là biết phát huy vai trò tiên phong của đảng viên với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Điển hình là đảng viên Lê Công Tiến ở thôn La Tháp Đông tự nguyện phá bỏ tường rào dài 20m và dời vào trong 3m để mở rộng đường liên thôn. Ông Tiến cho biết: “Gia đình tôi mới xây tường rào này hơn 1 năm, bây giờ phải tháo bỏ cũng tiếc nhưng vì chủ trương chung nên phải hy sinh thôi. Không tính công tháo dỡ, tôi phải bỏ ra 25 triệu đồng để xây lại tường rào mới. Địa phương còn nghèo nên tôi không nghĩ đến chuyện đền bù mà tự giác thực hiện”. Không những phá bỏ hàng rào kiên cố để mở rộng đường mà nhiều đảng viên khác ở Duy Hòa còn tự nguyện hiến đất để xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội. Ví dụ như đảng viên Trương Thế Hồng - người đã tự nguyện hiến 1.000m2 đất vườn để xây dựng trạm y tế xã. Ông Hồng bày tỏ: “Ngày trước, nhiều đồng đội của tôi đã âm thầm hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, như vậy mới đáng tôn vinh, chứ chừ tôi hiến chút đất làm trạm y tế để nhân dân đến khám, chữa bệnh thì có đáng gì”.
Nhờ lồng ghép nhiều nguồn vốn, năm 2012 Duy Hòa tiếp tục bê tông hóa hơn 6km giao thông nông thôn. Tính đến thời điểm này toàn xã đã có gần 41km đường liên thôn, liên xóm được kiên cố hóa. Ngoài ra, địa phương còn vận động nhân dân hiến 45.000m2 đất, đóng góp 2.500 ngày công để đắp mới, mở rộng 15km giao thông nội đồng, nâng cấp trạm bơm điện, bê tông hóa 3km kênh mương cấp 3... Theo thống kê, trong vòng 1 năm trở lại đây, Duy Hòa đã chi gần 10 tỷ đồng cho việc xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, trong đó nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng...
Tiếp sức cho nhà nông
Năm 2012 xã Duy Hòa canh tác 1.340ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa là 942ha. Nhờ chú trọng kỹ thuật canh tác nên năng suất bình quân đạt 55,6 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với năm 2011. Ông Trần Xuân Dũng - Chủ nhiệm HTX Duy Hòa 2 cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua đơn vị vẫn đảm bảo tốt dịch vụ thủy lợi, cung ứng vật tư, phân bón với giá thấp hơn giá thị trường nhằm tạo điều kiện cho xã viên phát triển sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao theo hướng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Dũng nói: “Nhờ sản xuất theo phương thức này thu nhập của nhà nông tăng lên đáng kể. So với lúa thường thì bình quân 1kg lúa giống có giá trị cao hơn 2 - 5 nghìn đồng”.
Theo ông Dũng, vụ đông xuân này HTX Duy Hòa 2 giúp xã viên gieo trồng 280ha lúa và hoa màu, trong đó hợp đồng với các công ty sản xuất 82ha lúa giống các loại. Để tiếp sức cho nhà nông, đơn vị đã trích 275 triệu đồng mua 25 tấn phân NPK cấp cho hàng trăm hộ dân thực hiện khâu bón lót và tích cực vận động, hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân mua công cụ ra quân tiêu diệt chuột bảo vệ mùa màng. Bên cạnh việc liên kết sản xuất lúa giống, HTX Duy Hòa 2 còn đầu tư 365 triệu đồng lắp đặt hệ thống lò sấy hạt giống, xây dựng nhà kho, sân phơi để phục vụ khâu thu hoạch, sơ chế. Máy sấy có công suất 10 - 12 tấn giống/mẻ, giữ được chất lượng hạt giống, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ông Dũng chia sẻ: “Vụ hè thu năm ngoái, 31 tấn lúa giống và 14 tấn lúa thương phẩm của xã viên thu hoạch vào thời điểm mưa lớn kéo dài nên bị ẩm ướt nhưng nhờ có máy sấy nên tất cả đều được sấy khô kịp thời, đảm bảo chất lượng. Hiện mô hình này đang được nhiều địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm”.
Thời gian qua, để giúp những hộ nghèo có điều kiện vươn lên, xã Duy Hòa đã triển khai nhiều phương thức hỗ trợ hiệu quả như trồng một cây, nuôi một con, trợ giá vật tư nông nghiệp… Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 10%, 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 6/9 thôn được công nhận thôn văn hóa, 100% hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 lên 14,2 triệu đồng/người/năm. Điều đáng mừng hơn, hiện tất cả các thôn trên địa bàn đã tổ chức thu gom rác thải tập trung, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường...
VĂN SỰ - PHI THÀNH