Duy trì và nâng chuẩn xã nông thôn mới: Nguồn lực ngân sách không đảm bảo

NGUYỄN SỰ 09/06/2023 08:51

Khi áp dụng bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, hàng loạt xã trên địa bàn Quảng Nam không giữ chuẩn nông thôn mới. Trong khi rất nhiều địa phương thiếu nguồn kinh phí đầu tư duy trì và nâng chuẩn nông thôn mới thì một số nơi lại không sử dụng hoặc tiêu không hết vốn do tỉnh hỗ trợ.

Hầu hết xã rớt chuẩn nông thôn mới đều mong tỉnh xem xét tăng nguồn kinh phí hỗ trợ. Ảnh: PV
Hầu hết xã rớt chuẩn nông thôn mới đều mong tỉnh xem xét tăng nguồn kinh phí hỗ trợ. Ảnh: PV

Nơi cần thì không có

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú (Duy Xuyên) cho biết, năm 2019 địa phương được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM).

Thời gian qua Duy Phú tiếp tục triển khai nhiều phần việc và mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Thế nhưng, khi áp dụng bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 2072 (ngày 9/8/2022) của UBND tỉnh thì hiện nay Duy Phú chỉ đạt 14/19 tiêu chí NTM; các tiêu chí rớt chuẩn là quy hoạch, giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất - phát triển kinh tế nông thôn, y tế.

Ông Ngô Tấn cho biết, hiện nay bình quân mỗi xã cần khoảng 10 - 12 tỷ đồng để duy trì chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, thế nhưng hầu hết địa phương đều rất khó khăn về nguồn lực tài chính để thực hiện công tác này, do vậy cần sự tiếp sức từ cấp trên.

“Đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài chính, Sở KH-ĐT xem xét cân đối hỗ trợ 248 tỷ đồng cho các xã đã đạt chuẩn NTM để duy trì, nâng chuẩn theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025” - ông Tấn kiến nghị.

Ông Hải cho rằng, trong 4 năm qua, hằng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ địa phương 500 triệu đồng để đầu tư duy trì và nâng chuẩn bộ 19 tiêu chí xã NTM là quá ít so với nhu cầu thực tế.

Từ nay đến năm 2025, muốn duy trì chuẩn NTM, hằng năm Duy Phú cần đầu tư ít nhất 1 tỷ đồng. Còn nếu muốn nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí thì mỗi năm cần không dưới 2 tỷ đồng.

“Trong khi khả năng tài chính còn quá eo hẹp, xã mong tỉnh xem xét tăng kinh phí hỗ trợ lên chứ vẫn giữ mức 500 triệu đồng mỗi năm như lâu nay thì không đảm bảo nguồn lực để thực hiện” - ông Hải nói.

Trừ thị trấn Nam Phước và 2 xã vùng đông là Duy Nghĩa, Duy Hải phát triển theo hướng đô thị, toàn huyện Duy Xuyên có tổng cộng 11 xã tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Ông Đoàn Công Minh - cán bộ chuyên trách lĩnh vực NTM của Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, đến cuối năm 2020 cả 11 xã trên địa bàn huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, tuy nhiên khi rà soát, đánh giá theo bộ 19 tiêu chí mới thì toàn bộ không còn đủ chuẩn.

Trong đó, xã rớt ít nhất là 2 tiêu chí, nhiều nhất là 8 tiêu chí. Theo ông Minh, qua tìm hiểu nhu cầu của các địa phương cho thấy, từ năm 2023 - 2025, ngoài nguồn vốn trung hạn, bình quân mỗi xã ở Duy Xuyên cần 2 - 2,5 tỷ đồng để đầu tư duy trì và nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí NTM.

Chỗ có lại không tiêu

Mới đây, tại cuộc họp liên quan tình hình thực hiện chương trình NTM do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh nói: “Khi áp dụng bộ 19 tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 thì trong số 118 xã trên địa bàn Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2021, có đến 98 xã không duy trì được chuẩn theo quy định”.

Hầu hết xã rớt chuẩn nông thôn mới đều mong tỉnh xem xét tăng nguồn kinh phí hỗ trợ. Ảnh: PV
Hầu hết xã rớt chuẩn nông thôn mới đều mong tỉnh xem xét tăng nguồn kinh phí hỗ trợ. Ảnh: PV

Có một nghịch lý là trong khi hầu hết địa phương đang rất cần tỉnh tăng mức hỗ trợ kinh phí để có điều kiện triển khai nhiều phần việc nhằm duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM thì có một số nơi lại không sử dụng hoặc tiêu không hết vốn do tỉnh hỗ trợ để thực hiện công tác này.

Tại cuộc họp trên, ông Ngô Tấn cho hay, năm 2022 UBND tỉnh giao cho xã Điện Hòa (Điện Bàn) và Bình Tú (Thăng Bình) mỗi xã 500 triệu đồng để duy trì và nâng chuẩn NTM, thế nhưng xã Điện Hòa chỉ sử dụng 15 triệu đồng, còn trả lại 485 triệu đồng. Trong khi đó, xã Bình Tú không sử dụng đồng nào, trả lại toàn bộ 500 triệu đồng.

Điều đáng nói, hiện nay 2 xã nêu trên chưa đảm bảo duy trì chuẩn NTM theo quy định. Cụ thể, xã Điện Hòa đạt 17/19 tiêu chí, còn xã Bình Tú mới đạt 11/19 tiêu chí. Ngoài việc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn và UBND huyện Thăng Bình kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan, ông Ngô Tấn kiến nghị UBND tỉnh xem xét không cấp kinh phí duy trì chuẩn NTM cho xã Điện Hòa và Bình Tú trong năm 2024 và chuyển cấp cho các xã khác có nhu cầu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duy trì và nâng chuẩn xã nông thôn mới: Nguồn lực ngân sách không đảm bảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO