Duy trì và phát huy hiệu quả công trình nước sạch nông thôn

PHAN VINH 12/05/2020 14:34

(QNO) - Nhiều công trình nước sạch do Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ xây dựng trên địa bàn tỉnh bị bỏ hoang do không phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Tuy nhiên, vẫn có nhiều công trình nước sạch được duy trì, phát huy hiệu quả tích cực.

Công trình nước sạch ở thôn Tú Trà, xã Bình Chánh (Thăng Bình) vẫn duy trì hoạt động. Ảnh: PHAN VINH
Công trình nước sạch ở thôn Tú Trà, xã Bình Chánh (Thăng Bình) vẫn duy trì hoạt động. Ảnh: PHAN VINH

Giải quyết ô nhiễm và khô hạn

Trước đây, gia đình ông Lê Đức Thắng (thôn Tú Trà, xã Bình Chánh, Thăng Bình) đóng một giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng bị nhiễm phèn. Sau đó, ông lại bỏ ra một khoản tiền nữa để đóng giếng nhưng kết quả vẫn không thay đổi.

Năm 2003, tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ cho xã Bình Chánh kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng công trình nước sạch đặt tại thôn Tú Trà. Gia đình ông Thắng chỉ bỏ ra 500 nghìn đồng để lắp đặt đường ống dẫn nước, đồng hồ và có nước sạch dùng cho đến nay.

“Nước sạch đến với dân thôn Tú Trà và những thôn lân cận là vô cùng cần thiết, bởi nguồn nước nơi đây bị nhiễm phèn khá nặng. Người dân sống cùng với ô nhiễm thì lo lắng bệnh tật. Từ hồi có nước sạch đến nay, gia đình tôi rất an tâm. Tôi còn xây thêm một bể lắng, phòng đường ống lâu ngày bị ô nhiễm và để trong nhà lúc nào cũng có nước sạch. Mỗi tháng, gia đình tôi trả 50 nghìn đồng, lượng nước dùng trung bình khoảng 10m3 nước từ công trình nước sạch” - ông Thắng nói.

Gia đình ông Thắng đầu tư thêm bể chứa nước sạch trong nhà. Ảnh: PHAN VINH
Gia đình ông Thắng đầu tư thêm bể chứa nước sạch trong nhà. Ảnh: PHAN VINH

Từ hiệu quả của công trình nước sạch tại thôn Tú Trà, năm 2008, tổ chức Đông Tây hội ngộ tiếp tục hỗ trợ cho xã Bình Chánh một công trình nữa tại thôn Ngũ Xã.

Bình Chánh là một trong số ít các xã được đầu tư 2 công trình nước sạch. Ngoài nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn nặng, địa phương này còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình khô hạn khi vào mùa nắng nóng.

Ông Nguyễn Thanh Ba (thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh) chia sẻ: “Hồi chưa có nước sạch, người dân trên ni phải xuống tới Bình Tú, Bình Phú chở nước về dùng vào mùa hè. Tất cả các giếng đều khô, có nơi chung tiền khoan giếng sâu đến hơn 30m nhưng cũng không có nước, đến khi có rồi thì cũng không dùng được vì không sạch. Những năm gần đây thì đỡ hơn nhiều”.

Cần kinh phí tôn tạo

Việc quản lý 2 công trình nước sạch trên địa bàn xã Bình Chánh được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Chánh (HTX Bình Chánh). Ông Lê Văn Thủy - Tổ trưởng tổ quản lý công trình nước sạch cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 550 hộ với khoảng hơn 2.400 nhân khẩu được sử dụng nước sạch trong bán kính cách các công trình nước khoảng 2km. Hằng năm, HTX Bình Chánh phối hợp với các cấp cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng nước để đảm bảo yếu tố sạch trước khi cung cấp phục vụ người dân.

“Công trình được thực hiện theo chuẩn quốc tế, có giám sát kỹ thuật của đơn vị tài trợ là tổ chức Đông Tây hội ngộ nên ngay từ ban đầu, các thông số kỹ thuật của quy trình thăm dò nguồn nước, bơm, lắng, lọc nước được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, chất lượng nguồn nước được bơm lên, xử lý tại trạm rất đảm bảo. Những năm qua, chưa ghi nhận phản ánh tiêu cực nào từ người dân” - ông Thủy nói.

Nhiều người dân an tâm dùng nước sạch trong nhiều năm qua. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều người dân an tâm dùng nước sạch trong nhiều năm qua. Ảnh: PHAN VINH

Ông Hồ Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, những năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương vô cùng biết ơn và ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của tổ chức Đông Tây hội ngộ dành cho địa phương về vấn đề xây dựng công trình nước sạch trên địa bàn xã. Tuy nhiên, công trình hiện đã được xây dựng khá lâu, cơ sở hạ tầng và thiết bị ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và gây thất thoát nước. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân cũng tăng, trong khi 2 công trình này mới chỉ phục vụ được 50% dân số của Bình Chánh.

“Trong khi đó, số tiền thu từ hộ dân dùng nước chỉ đủ để vận hành hệ thống và chi trả tiền cho công tác quản lý, sửa chữa nhỏ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các ban ngành cấp trên tiếp tục hỗ trợ thêm kinh phí để địa phương đầu tư nâng cấp, sửa chữa, thay mới đường ống dẫn nước trong thời gian gian tới" - ông Dũng đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duy trì và phát huy hiệu quả công trình nước sạch nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO