Xã Duy Trung nằm ở trung độ huyện Duy Xuyên. Vùng đất liền kề ven núi ven sông, cái địa thế chênh vênh ấy tạo cho Duy Trung sức bền gan góc trong kháng chiến cũng như trong xây dựng quê hương.
Trang sử vàng
Những năm 1936 - 1939 ở Duy Trung đã xuất hiện tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, và đến đầu những năm 1942 giữa vùng đất này đã được gieo mầm hạt giống đỏ cách mạng cho Đảng bộ xã Duy Trung ra đời. Lúc đầu chỉ có vài ba đảng viên do đồng chí Nguyễn Đức Nhi làm Bí thư chi bộ. Từ đây các tầng lớp nhân dân Duy Trung đã có Đảng lãnh đạo, dìu dắt đi vào con đường đấu tranh chống lại các thế lực phong kiến thực dân..., phần đông là những thợ dệt xuất thân từ nông dân làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng.
Đường vào Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung) được xây dựng khang trang. Ảnh: V.SỰ |
Từ một đốm lửa nhỏ giữa đêm tối đã bùng cháy thành ngọn lửa to lan tỏa khắp cả một vùng. Cờ đỏ búa liềm xuất hiện trên tỉnh lộ 105 (nay là đường 610 từ Cầu Chìm đến Trà Kiệu). Nhân dân nô nức chuẩn bị mọi phương tiện cần thiết theo tiếng gọi của Đảng đứng lên tham gia cướp chính quyền, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nghe theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước. Không chịu làm nô lệ...”, nhân dân Duy Trung già trẻ, gái trai đứng lên cầm vũ khí chiến đấu chống lại kẻ thù, góp phần cùng cả nước đi đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ.
Pháp thua, đế quốc Mỹ nhảy vào dựng lên bộ máy chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cực kỳ phản động, nham hiểm và tàn bạo. Chúng đàn áp trả thù những người kháng chiến (cũ). Hàng trăm đảng viên và quần chúng yêu nước bị bắn chết, tù đày, tra tấn dã man ở lô cốt Hòn Bằng, chùa Bà Giám, cây đa Xuyên Mỹ, Cầu Chìm, nhà ông Khóa, Bến Chức, Lò Vôi... Song, nhân dân vẫn bền gan vững chí nuôi giấu cán bộ đảng viên được tổ chức bố trí nằm lại trong dân để “giữ lửa” cách mạng, chờ đến thời cơ Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, đứng lên đồng khởi đánh bại kẻ thù, giải phóng quê hương.
Đổi thay từng ngày
Trải qua 21 năm chiến đấu đầy gian khổ, ngày 27.3.1975 cùng với nhân dân trong huyện, nhân dân Duy Trung đã quét sạch kẻ thù, giải phóng quê hương.
Phát hành sách Lịch sử Đảng bộ xã Duy Trung giai đoạn 1930 - 1975 Phát huy và kế thừa truyền thống hơn 70 năm đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ đảng viên của Đảng bộ xã Duy Trung, nhân 39 năm giải phóng quê hương (27.3.1975 – 27.3.2014), Ban Chấp hành Đảng bộ xã Duy Trung phát hành sách Lịch sử đấu tranh của Đảng bộ xã Duy Trung giai đoạn 1930 - 1975 nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao giác ngộ cho đảng viên, suốt đời phấn đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng, noi theo gương anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên quê hương Duy Trung anh hùng. |
Từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, bom mìn kẽm gai của địch cài lại dày đặc, nạn đói đe dọa từng ngày, Đảng bộ và nhân dân Duy Trung với sức mạnh đoàn kết đã chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Địa phương chọn cơ cấu sản xuất hợp lý, chuyển đổi cây trồng, tăng đầu con vật nuôi gia súc gia cầm; duy trì và phát triển tiểu thủ công nghiệp như dệt vải thủ công, dịch vụ thương mại gia đình để phát triển kinh tế. Giữa vùng cát trắng mênh mông đã hình thành Cụm công nghiệp Tây An đang được lấp đầy. Nhiều mặt hàng công nghiệp có giá trị kinh tế cao bắt đầu xuất hiện trên mảnh đất Duy Trung như: kính Đại Dương, may mặc Đoàn Kết (Tây Ban Nha), giày da (Phước Kỳ Hà), gạch ngói Gia Phú, mây tre đan xuất khẩu Nam Phước...
Từ một trong những địa phương nghèo của huyện, xã Duy Trung đã vươn lên đạt mức tăng trưởng khá. Những năm gần đây, đặc biệt năm 2013 tổng giá trị sản xuất đạt trên 164 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2012, thu nhập bình quân đầu người 20,5 triệu đồng (tăng 1,7 triệu đồng so với năm trước), hộ nghèo giảm xuống còn 11% (giảm 3% so với năm 2012). Bộ mặt nông thôn ở Duy Trung từng ngày thay da đổi thịt, ruộng đồng thẳng cánh cò bay, lúa hai mùa đơm bông nặng hạt. Đường giao thông thảm nhựa rộng hai chiều với bốn làn xe nối từ ĐT610 vào Cụm công nghiệp Tây An. Đường liên thôn, liên xóm, liên tổ được bê tông hóa, rợp bóng cây xanh. Điện thắp sáng công cộng chạy bao quanh ngõ xóm đường thôn sáng rực trong đêm không khác nào “phố thị”... Khu trung tâm của xã được xây dựng nâng cấp khang trang sạch đẹp. Trường học các cấp, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, các thiết chế văn hóa xã, thôn như đài truyền thanh, sân vận động, điểm sinh họat văn hóa thôn cũng như tổ đoàn kết trên địa bàn dân cư được củng cố, xây dựng mới, đảm bảo điều kiện sinh hoạt hội họp cho nhân dân.
Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ xã Duy Trung chỉ còn lại 8 đảng viên. Qua 38 năm xây dựng và phát triển, hiện nay đảng bộ có 220 đảng viên, trên 40% là đảng viên trẻ có độ tuổi từ 20 - 40 và trên 20% trong số đảng viên này được bồi dưỡng đào tạo tại các trường chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều đảng viên trưởng thành qua thực tế, thể hiện vai trò nòng cốt ở địa phương. Đảng bộ luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, học tập rèn luyện phẩm chất cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ đảng viên, đảm bảo tốt cơ cấu lãnh đạo lâu dài cho địa phương. Liên tục nhiều năm liền Đảng bộ xã Duy Trung đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
HỒNG NGUYÊN