Duy tu, bảo dưỡng tàu mực dịp cuối năm

PHƯỚC HIẾU 31/01/2024 13:15

Với mong muốn chuyến ra khơi đầu năm Giáp Thìn 2024 sẽ thuận buồm xuôi gió, hiện nay nhiều chủ tàu mực ở xã Tam Giang (Núi Thành) đã đưa tàu vào cảng An Hòa (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) để duy tu, bảo dưỡng, trang bị thêm máy móc hiện đại trước khi ra khơi.

Hàng chục tàu cá, mực cập Cảng An Hòa để duy tu, bổ dưỡng. Ảnh: P.H
Hàng chục tàu cá, mực cập Cảng An Hòa để duy tu, bổ dưỡng. Ảnh: P.H

Những ngày này công việc sửa chữa tàu mực ở Cảng cá An Hòa (xã Tam Giang) diễn ra khá chộn rộn. Trên bến dưới thuyền những người thợ đang khẩn trương chẻ tre làm mành phơi mực, sơn sửa cho thân tàu, gắn thêm máy móc… Những người phụ nữ làm nghề vá lưới thuê cũng khá bận rộn để kiếm thêm thu nhập mua sắm Tết Nguyên đán.

Ông Phạm Quy (xã Tam Giang) chủ tàu QNa-01956 cho biết, tàu vỏ gỗ của ông dài hơn 27m, rộng 7,4m. Tàu có 54 bạn biển, đánh bắt mực ở Trung Sa, mỗi năm ra khơi 4 chuyến. Năm nào cũng vậy, sau chuyến biển cuối năm, ông đưa tàu vào cảng để duy tu, bảo dưỡng như sơn sửa, làm giàn phơi…

Năm nay, ông Quy đưa tàu cập bến từ tháng 9 âm lịch để bạn biển về nghỉ ngơi, chung vui với gia đình và tiện sửa lại thân tàu, trang bị thêm 2 đầu máy.

“Đợt này, tôi chi hơn 1 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng cho tàu mực. Công việc sửa chữa tàu có thể kéo dài 15 - 20 ngày. Tôi dự định khoảng rằm tháng Giêng tới sẽ cho tàu ra khơi đánh bắt mực trở lại.

Tàu được trang bị thêm máy móc, sửa chữa cẩn thận sẽ giúp việc đánh bắt gặp nhiều thuận lợi, anh em hành nghề trên tàu cũng yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển” - ông Quy chia sẻ.

Tương tự, ông Lương Văn Viên (xã Tam Giang) chủ tàu sắt QNa-91612 cũng đang thuê thợ sửa chửa lại thân tàu để chuẩn bị ra khơi đánh bắt mực sau Tết Nguyên đán.

Ông Viên cho biết, tàu của ông có hơn 50 thuyền viên, hành nghề đánh bắt mực ở Trường Sa. Năm nay thời tiết thuận lợi, mỗi chuyến ra khơi tàu của ông đánh bắt được hơn 30 tấn mực. Nghề đi biển còn tùy theo tình hình thời tiết mà thời gian ra khơi ngắn hay dài và sản lượng đánh bắt cũng khác nhau.

Tháng 11 âm lịch cũng là chuyến biển cuối cùng, ông Viên đã cho tàu vào cảng để sửa chữa. Đợt sửa chữa này chủ yếu kiểm tra lại máy móc, trang thiết bị và sơn lại vỏ tàu, chi phí khoảng vài trăm triệu đồng.

“Mỗi năm, tôi đều đưa tàu vào cảng để sửa chữa, làm nước ít nhất một lần. Nếu sửa chữa vào đầu vụ sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội để khai thác hải sản, vì vậy cuối vụ là thời điểm đưa tàu lên bờ để sửa chữa là phù hợp nhất, bảo đảm an toàn khi vươn khơi mùa biển động” - ông Viên nói.

Được biết, ở xã Tam Giang có hơn 50 tàu đang neo đậu ở cảng cá An Hòa. Sau khi ra khơi đánh bắt hải sản trở về, chủ tàu thường cập cảng này để cân bán mực, cá cho thương lái và neo đậu sửa chữa.

Để đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động ngoài biển khơi, các cơ sở và thợ sửa chữa tuân thủ đúng kỹ thuật, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất để ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duy tu, bảo dưỡng tàu mực dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO