(QNO) - Để đối phó với cơn bão số 4 (Noru), huyện Duy Xuyên chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tàu thuyền khẩn trương vào bờ
Có mặt tại khu vực âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), chúng tôi thấy rất đông ngư dân khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. Vừa cùng 5 thuyền viên buộc dây neo vào các trụ bê tông, ông Lê Văn Dũng ở thôn Hội Sơn (xã Duy Nghĩa) cho biết, ngay sau khi nắm bắt thông tin về hướng di chuyển của bão số 4, ông cùng anh em “đi bạn” lập tức thu dọn ngư lưới cụ và cho thuyền quay vào bờ tìm nơi trú ẩn an toàn.
Không riêng ông Dũng, nhiều ngư dân khác cũng khẩn trương điều khiển phương tiện vào bờ tránh trú bão. Có mặt tại âu thuyền Hồng Triều, ông Diệp Tấn Lực - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho hay, thời điểm này, âu thuyền đang có hơn 350 chiếc tàu của ngư dân Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và một số phương tiện khác của thị xã Điện Bàn, huyện Thăng Bình vào tránh trú.
Theo ông Diệp Tấn Lực, được sự giúp sức của lực lượng xung kích, các chủ tàu nhanh chóng hoàn thành việc cột chặt nhiều dây neo vào các trụ bê tông lớn nhằm tránh va đập. Cạnh đó, chính quyền xã Duy Nghĩa cũng bố trí người túc trực để quản lý, bảo vệ tài sản của ngư dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam lúc 6 giờ 30 phút sáng nay 26.9, ông Trần Văn Siêm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho hay, toàn bộ 127 tàu thuyền của ngư dân địa phương đã vào bờ tránh bão. Theo ông Siêm, số tàu thuyền này chủ yếu neo đậu tại khu vực rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An) và âu thuyền Hồng Triều.
Ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, tính đến 11 giờ trưa hôm qua 25.9, toàn bộ 300 chiếc tàu thuyền của ngư dân 3 xã vùng đông Duy Xuyên gồm Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Vinh đã di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn. Chính quyền các địa phương đang quản lý chặt chẽ phương tiện tàu thuyền, tổ chức sắp xếp neo đậu an toàn nhằm tránh va đập do gió bão. Cạnh đó, chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
Sẵn sàng di dời dân
Nằm ngay "họng gió" Cửa Đại nên mỗi khi xuất hiện mưa bão, gia đình ông Nguyễn Chùa ở thôn Trung Phường (xã Duy Hải) luôn nơm nớp lo sợ. Ông Chùa cho biết, mấy hôm nay ông theo dõi thông tin về cơn bão số 4 nên phải lo chằng chống nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại. Khi nước biển dâng cao thì cả gia đình sẽ khẩn trương di dời đến nơi cao ráo theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, qua khảo sát, địa phương hiện có 265 hộ dân với khoảng 1.240 nhân khẩu hiện sinh sống trong những ngôi nhà tạm, không kiên cố, có nguy cơ xói lở. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các thôn Tây Sơn Đông, Tây Sơn Tây, Trung Phường.
Trong trường hợp nước biển dâng cao thì toàn xã có khoảng 555 hộ dân với 2.270 nhân khẩu phải sơ tán đến nơi cao ráo, an toàn như trường học, nhà dân xây dựng kiên cố.
“Trường hợp cần thiết, địa phương lập tức di dời những hộ dân trong diện này đến những nơi an toàn. Ngoài ra, đối với những nhà neo người thì xã huy động lực lượng xung kích tới hỗ trợ xúc cát đổ vào bao tải, đưa lên mái tôn chằng chống. Đồng thời, giúp các hộ dọn dẹp, di chuyển vật dụng trong nhà đến nơi an toàn nếu phải sơ tán khẩn cấp” - ông Thống nói.
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên thông tin, 2 ngày qua, bên cạnh trực tiếp đi kiểm tra các vùng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn tại các xã vùng Đông của huyện, các ngành liên quan còn huy động lực lượng, phương tiện cắt tỉa cành cây dọc theo tuyến quốc lộ 14H và trên những trục đường ĐH, ĐX.
Theo ông Tường, Duy Xuyên đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó kịp thời. Phát huy hiệu quả việc tuyên truyền của các xe lưu động trên địa bàn 14 xã, thị trấn.
Đặc biệt, huyện tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở vùng ven biển, ven sông, ven núi, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm... thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra. Thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
“Huyện Duy Xuyên cũng triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở các địa phương đến từng tổ dân phố, tổ đoàn kết để giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển người dân đến nơi trú ẩn an toàn, sẵn sàng thực hiện cứu nạn cứu hộ. Các đơn vị trên địa bàn cũng khẩn trương gia cố, chằng chống trụ sở làm việc, kho tàng, trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng. Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu...” – ông Tường nói thêm.