Duy Xuyên chủ động ứng phó thiên tai

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 14/09/2023 08:04

Trước những diễn biến khó lường của thiên tai, huyện Duy Xuyên đang chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Hiện nay, huyện Duy Xuyên tập trung cắt tỉa cây cối dọc các trục đường để đề phòng gió bão gây ngã đổ. Ảnh: T.P
Hiện nay, huyện Duy Xuyên tập trung cắt tỉa cây cối dọc các trục đường để đề phòng gió bão gây ngã đổ. Ảnh: T.P

Thiệt hại lớn do thiên tai

Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, năm 2022 huyện kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và thông báo về diễn biến thời tiết để các ngành, địa phương và nhân dân chủ động triển khai biện pháp ứng phó. Đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện cắt tỉa, gia cố bảo vệ cây xanh ở các cơ quan, trường học, ven đường để tránh ngã đổ.

Đối với các hồ, đập chứa nước, UBND huyện chỉ đạo các địa phương thành lập ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), phân công thành viên trực ban và lực lượng xung kích sẵn sàng ứng cứu nếu sự cố xảy ra.

Thường xuyên theo dõi tình hình mưa bão và kế hoạch điều tiết nước ở các công trình thủy điện đầu nguồn để kịp thời thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh lũ lụt, nhất là cư dân ven sông Thu Bồn.

Mặc dù vậy, thời gian qua thiên tai đã gây thiệt hại lớn đối với Duy Xuyên. Theo ông Công, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão, 2 đợt áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn. Qua thống kê, toàn huyện có 24 người bị thương khi chèn chống nhà cửa; 948 nhà dân, 37 phòng học và phòng chức năng, 13 công trình văn hóa bị tốc mái, hư hỏng.

Ngoài ra, bão lũ cũng khiến 882ha lúa, 732ha hoa màu, 45ha cây ăn quả, 218ha cây công nghiệp, 1.224ha rừng trồng bị ngã đổ, ngập úng, hư thối. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, kè chống xói lở ven biển bị hư hỏng… Ước tính tổng giá trị thiệt hại hơn 224 tỷ đồng.

Công tác PCTT&TKCN trên địa bàn Duy Xuyên cơ bản được thực hiện tốt. Tuy nhiên, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, nhà ở dân cư nói riêng vẫn còn thấp. Việc thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã có nơi còn hình thức.

Công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng phòng chống thiên tai cho lực lượng xung kích chưa được triển khai ở nhiều xã, thị trấn; việc trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho các lực lượng chưa đáp ứng yêu cầu cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra...

Chủ động ứng phó

Năm 2023, diễn biến thời tiết, thiên tai được dự báo ngày càng cực đoan, nguy cơ rủi ro gia tăng. Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm; lũ trên các sông, ngập lụt ở các vùng trũng thấp ngày thêm nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Vì vậy, huyện Duy Xuyên chuẩn bị sẵn sàng các phương án, tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Ông Nguyễn Chí Công cho biết, thời gian qua địa phương tập trung kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; căn cứ nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, địa phương xây dựng phương án đảm bảo sát với tình hình thực tế.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin, vận động nhân dân chủ động phòng chống mưa bão. Xây dựng phương án sơ tán gần 3.000 hộ dân với khoảng 9.000 nhân khẩu ở những vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi, ven sông, ven biển, ngập lụt sâu.

Cùng với đó, kiểm tra, đánh giá lại mức độ an toàn các công trình hạ tầng xung yếu như âu thuyền Hồng Triều (Duy Nghĩa), tuyến kè chống xói lở tuyến đường Đông Bình - Hà Mỹ (Duy Vinh).

Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, mùa mưa bão năm nay địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Cạnh đó, xác định những cơ sở an toàn để di dời dân tập trung, trong đó ưu tiên đảm bảo an ninh trật tự, địa điểm tập kết, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, lương thực, nước uống.

Trường hợp bão có khả năng đổ bộ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức và hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền tránh trú, kiểm đếm tàu thuyền đã vào bờ. Trên đất liền, tiến hành rà soát khu dân cư có nguy cơ xói lở để sơ tán nhân dân đến nơi an toàn.

Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trực chiến sẵn sàng ứng cứu ở từng địa bàn xung yếu. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế, người dân chèn chống nhà cửa đề phòng tốc mái do gió bão.

“Khi dự báo xuất hiện lũ mức báo động 3 trở lên, các ngành liên quan chủ động nắm bắt thông tin, bố trí lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để kịp thời tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, trũng thấp và các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Kiểm tra tình hình dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân sơ tán hoặc bị cô lập, chia cắt do lũ lụt. Đặc biệt, tổ chức lực lượng canh gác, lập biển báo, chốt chặn các tuyến giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết. Vận động nhân dân hạn chế và không đi lại trong các ngày lũ lụt, nhất là đi vớt củi, bắt dế.

Đồng thời chủ động cho học sinh nghỉ học đối với các vùng nguy hiểm và phụ huynh phải thường xuyên theo dõi, quản lý việc đi lại của con em để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra…” - ông Phúc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duy Xuyên chủ động ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO