(QNO) - Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, huyện Duy Xuyên khẩn trương di dời người dân ở các vùng trọng điểm, xung yếu, ven sông, ben biển, vùng có nguy cơ ngập lụt, triều cường… đến nơi an toàn càng sớm, càng tốt.
Chiều 27.10, theo chân lãnh đạo xã Duy Hải (Duy Xuyên), chúng tôi ghé thăm trạm y tế xã. Ngoài việc chuẩn bị các vật tư y tế, nơi đây đang bố trí cho 15 người dân thuộc diện già cả, neo đơn, thường xuyên đau ốm tránh trú. Tất cả đều được cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống và được các y bác sĩ thăm khám đều đặn.
Bà Đinh Thị Tư (thôn An Lương, xã Duy Hải) cho hay, lâu nay bản thân bà sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 thiếu kiên cố, lại thường xuyên đau ốm. Trước diễn biến hết sức phức tạp của cơn bão số 9, được chính quyền địa phương đến tận nhà di dời tới trạm y tế, bà cảm thấy rất ấm lòng. Không riêng gì bà Tư, nhiều hộ dân khác ở các thôn An Lương, Trung Phường, Thuận Trì của xã Duy Hải cũng được chính quyền cơ sở và các đơn vị liên quan đưa đến những nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online, ông Trần Văn Siêm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, đến 21 giờ tối 27.10, điạ phương hỗ trợ di dời khẩn cấp gần 120 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, trong đó có 67 người dân đang tránh trú tại Trường Tiểu học Duy Hải và trạm y tế xã.
“Ngoài việc hệ thống truyền thanh của xã liên tục phát đi thông tin về cơn bão số 9 thì chúng tôi cũng bố trí lực lượng xung kích hỗ trợ những hộ dân này chằng chống nhà cửa, di dời các vật dụng cần thiết để chạy bão và bố trí tạm trú ở những địa điểm an toàn. Cả hệ thống chính trị của xã đều đặt mục tiêu bảo đảm tính mạng của người dân là trên hết” – ông Trần Văn Siêm nói.
Để chủ động ứng phó với diễn biến cực kỳ nguy hiểm của cơn bão số 9, huyện Duy Xuyên triển khai đồng bộ các biện pháp với mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Ông Nguyễn Văn Ngọc – thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên cho biết, tính đến tối 27.10, địa phương đã tiến hành di dời khẩn cấp 1.847 hộ dân với 4.814 nhân khẩu đang sinh sống trong những nhà tạm bợ thuộc 14 xã, thị trấn trên địa bàn đến nơi an toàn.
“Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa để yên tâm di dời đến nơi kiên cố tránh bão, tuyệt đối không được để bất cứ ai ở lại vùng nguy hiểm. Đồng thời, đối với những người dân nào ở vùng xung yếu, rủi ro cao, nếu không chịu di dời đến nơi an toàn thì tiến hành cưỡng chế buộc phải di dời tránh bão. Cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự để người dân yên tâm chuyển đến nơi an toàn phòng tránh bão” – ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, đến thời điểm này, mọi công tác ứng phó với bão số 9 đã và đang triển khai thực hiện quyết liệt, tạo nhận thức nâng cao cảnh giác phòng ngừa thiên tai trong nhân dân, thông qua việc chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối. Đối với ngư dân các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh (Duy Xuyên) cũng như các địa phương khác như Thăng Bình, Điện Bàn, Hội An đang neo đậu tàu thuyền ở âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa) thì tối 27.10 lãnh đạo huyện Duy Xuyên, chính quyền địa phương đã đến kiểm tra và yêu cầu toàn bộ ngư dân lên bờ, đến nơi an toàn tránh trú bão.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên cho hay, lúc 14 giờ 30 phút chiều 27.10, trong lúc chằng chống nhà cửa để ứng phó với cơn bão số 9, ông Phạm Dũng (sinh năm 1967, ở thôn Hà Nam, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) không may bị té ngã, gãy xương sườn. Trong khi đó, tại xã Duy Tân, cũng trong lúc chằng chống nhà cửa, ông Nguyễn Đình Hậu (ở thôn Thu Bồn Tây) bị trượt ngã, bị gãy xương cẳng chân.