UBND huyện Duy Xuyên vừa tổ chức buổi gặp mặt doanh nhân, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10) nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của quê hương.
Những rào cản về cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, xúc tiến đầu tư, tiềm năng và thế mạnh để thu hút doanh nghiệp về với địa phương... là những vấn đề được nêu ra tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện Duy Xuyên với cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Chính quyền sát cánh
Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, 3 năm qua chính quyền, nhân dân địa phương và hơn 700 doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, thách thức do vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Cảnh, để đồng hành với doanh nghiệp, huyện đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng dần việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Duy Xuyên luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo 100% công nhân trong các doanh nghiệp được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Nhờ vậy, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Riêng 9 tháng đầu năm 2022, các ngành may mặc, xây dựng, công nghiệp phi kim loại, sản xuất thực phẩm đạt mức tăng trưởng khá, trong đó giá trị may công nghiệp xuất khẩu đạt 1.134 tỷ đồng, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 3.714 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 70% kế hoạch năm 2022.
Ông Phan Xuân Cảnh khẳng định, sức sống của nền kinh tế Duy Xuyên phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe và sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện kinh tế tư nhân chiếm hơn 95% trong các thành phần kinh tế, tỷ lệ sử dụng lao động cũng chiếm tỷ trọng tương ứng. Điều đó chứng tỏ rằng, vị trí, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
“Để tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo, huyện xác định tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng - đô thị và phát triển nguồn nhân lực” - ông Cảnh nói.
Lắng nghe doanh nghiệp
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại hội nghị đối thoại, các ý kiến của doanh nghiệp đều đánh giá cao sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, luôn xem sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo của sự phát triển nền kinh tế. Mặc dù vậy, hiện nay, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Trần Thị Hiển - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Đại Dương Kính (Cụm công nghiệp Tây An, xã Duy Trung) nói: “Thời gian đến, tôi mong muốn chính quyền huyện tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở cụm công nghiệp. Đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ và đạt chất lượng, phát huy hiệu quả công trình, qua đó đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn”.
Ông Phan Ngọc Minh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh chia sẻ, hiện nguyên liệu khai thác sản xuất gạch đang dần cạn kiệt nên nhiều doanh nghiệp phải cố gắng tìm vùng nguyên liệu mới. Trong khi đó, cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, khai thác khoáng sản đang làm khó cho nhiều doanh nghiệp.
“Tôi mong các cấp, các ngành ở huyện, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này. Ngoài ra, nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận do vướng ở nhiều khâu, cần sớm có hướng giải quyết” - ông Minh nói.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sự phát triển của các làng nghề truyền thống, nhất là lụa Mã Châu. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang tìm kiếm việc làm.
Đẩy mạnh khâu xúc tiến đầu tư, gợi ý các cơ hội, tiềm năng, thế mạnh để thu hút doanh nghiệp về với địa phương. Huyện cần quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, có các giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số...
Sau khi nghe các doanh nghiệp trình bày những vướng mắc trong quá trình sản xuất - kinh doanh, ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Xuyên chia sẻ với những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách.
Ông Dũng khẳng định: “Duy Xuyên sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, cấp thoát nước và tạo dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Các cấp, các ngành không ngừng đổi mới tư duy, cách làm, hành động quyết liệt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành phục vụ doanh nghiệp, người dân một cách tốt nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực lấy lại đà tăng trưởng sau tác động của đại dịch Covid-19”.