(QNO) - Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng thổn thức: “Quê hương là gì hả mẹ?/ Mà cô giáo dạy hãy yêu/ Quê hương là gì hả mẹ?/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều”. Thật sự chẳng ai định nghĩa được 2 từ “quê hương” cho đến lúc tết cận kề. Không còn niềm háo hức quần áo mới như thời thơ bé, chỉ còn đó nỗi nhớ mùi nhang tết, nhớ dáng mẹ hao gầy, nhớ con ngõ nhỏ…
Cứ vào dịp này, mỗi lần gặp những người bạn cùng quê Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, họ đều hỏi tôi: “Bao giờ thì về quê đón tết?”. Họ hỏi thế vì biết tôi yêu Duy Xuyên quê tôi vô cùng, chẳng năm nào mà tôi lại không về để đón mùi nhang mới, hít hà không khí xuân ngập tràn trên khắp quê nhà dấu yêu.
Tôi yêu Duy Xuyên không chỉ vì nơi đó gắn với di sản văn hóa thế giới là Đền tháp Mỹ Sơn, nhà thờ Trà Kiệu, nơi hội tụ của những dòng sông thơ mộng Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang…; mà ở đó, từng tấc đất, cỏ cây, xóm làng hằn in trong ký ức. Ký ức của một thời đói nghèo, vất vả nhưng an nhiên, nơi có đầy đủ cha mẹ, anh em.
Nơi đất khách, tôi gặp nhiều người bạn, họ than thở rằng năm nay kinh tế khó khăn, chắc sẽ không về quê ăn tết. Thế nhưng tôi vẫn khuyên họ nên về quê để thăm gia đình, cho dù thành phố có rộn ràng pháo hoa, đông vui thì mình vẫn cô đơn, không thể bằng ngôi nhà mình đã lớn lên.
Nhà tôi đó, nằm trong một con ngõ nhỏ ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên. Gia đình đông con, cha mẹ vẫn cố gắng để anh em tôi có một cái tết đúng nghĩa.
Hồi nhỏ, anh em chúng tôi trông đến tết chỉ để nhìn thấy những lò rang nổ bằng đất sét mọc lên khắp đường, được có dịp tụm năm tụm bảy với đám bạn, hít thật sâu mùi vị nếp rang đặc trưng.
Là cảm giác lắng lại trong chiều cuối năm, trên gian thờ tổ tiên, nhìn cha mẹ thành kính dâng lên đĩa bánh da, bánh thuẩn - loại bánh dân dã luôn góp mặt trên mâm cúng ngày tết, là thức quà quê gợi nhớ gợi thương với những người con Quảng Nam xa xứ.
Là cái giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa, hồi hộp được đếm từng cánh hoa mai nở đầu xuân để cầu mong năm mới với nhiều điều may mắn.
Là sáng mùng Một tết, được ăn bữa cơm đầu năm bên gia đình đầy đủ các thành viên, rồi lại lắng nghe những ca khúc chào xuân ngân lên từ loa phát thanh của huyện.
Sau này, mỗi lần trở về, tôi còn tranh thủ đi dạo và ngắm nhìn Cầu Chìm trong cái se lạnh của ngày tết. Đứng đó, ký ức một thời của đám học trò trường huyện lại ùa về, nhất là những ngày mưa lụt, nước băng qua Cầu Chìm để được nghỉ học…
Chỉ cần vậy, Duy Xuyên trong tôi luôn đủ đầy những tháng ngày thanh xuân sôi nổi và tươi mới của mình.
Duy Xuyên nay nhộn nhịp, rộn ràng hơn trong mùa xuân mới với khúc hát quê hương: “… Đói nghèo đau thương đã vĩnh viễn đẩy lùi/ Xưởng máy biển khơi với công sức bao người/ Xây đắp Duy Xuyên với trí tuệ mồ hôi/ Ánh điện về đây chắp cánh cho đời vui…”(Duy Xuyên ngày mới - Phạm Tuyên)
Và dù quê nhà có đổi khác thế nào, trong lòng những người con xứ Quảng, vẫn luôn là Duy Xuyên có núi cao, biển rộng, sông dài; có vùng quê lãng mạn, xanh ngát biền dâu, có bao người mẹ tảo tần nắng mưa…
Và trong tôi, Duy Xuyên còn là điểm tựa bám trụ niềm tin trong thời thanh xuân xa quê vào Nam lập nghiệp… Để đến hôm nay, khi đã ở độ tuổi trung niên, tôi vẫn như đứa trẻ muốn vùi mình vào quê hương mà nũng nịu. Nơi đó, luôn dành cho tôi một tình yêu thủy chung và nỗi nhớ vẹn nguyên theo tháng năm.