Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan diện rộng, khó kiểm soát, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi, ngành liên quan và chính quyền các địa phương ở Duy Xuyên triển khai nhiều biện pháp đối phó.
Thiệt hại nặng
Ông Đinh Ngọc Lai - cán bộ thú y xã Duy Phú cho biết, tái bùng phát trên địa bàn từ cuối tháng 9.2021, tính đến ngày 2.12 bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi của xã với gần 900 con heo (tổng trọng lượng 7,1 tấn) của 216 hộ buộc phải tiêu hủy khẩn cấp, thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.
Điều đáng lo là hiện nay sự lây lan của mầm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, công tác khoanh vùng, dập dịch hết sức khó khăn do không có thuốc đặc trị.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở hầu hết địa phương của Duy Xuyên. Tính đến hôm qua 2.12, dịch đã xảy ra ở 72 thôn, khối phố của cả 14 xã, thị trấn với tổng số heo mắc bệnh, chết phải tiêu hủy bắt buộc là 4.806 con (tổng trọng lượng hơn 380,7 tấn) của 1.672 hộ chăn nuôi.
Bà Võ Thị Mỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên nhìn nhận, bệnh dịch bùng phát mạnh do đang thời điểm mùa mưa làm sức đề kháng của đàn heo giảm và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán diện rộng.
Người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, mua và bán con giống không rõ nguồn gốc, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chăm sóc nuôi dưỡng kém, vệ sinh môi trường không đảm bảo, chưa quan tâm đến khâu phòng chống dịch bệnh và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Mặt khác, hoạt động kiểm soát giết mổ không được thực hiện; việc buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo chưa được kiểm soát chặt chẽ...
Dốc sức chống dịch
Hơn 2 tháng qua, từ nguồn hỗ trợ của cấp trên và ngân sách địa phương, chính quyền xã Duy Phú (Duy Xuyên) hỗ trợ người dân 5 tấn vôi bột, 150 lít hóa chất Benkocid và Iodine để duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng nhằm ngăn chặn sự phát tán của vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú, nói: “Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch, chính quyền địa phương chủ động khuyến cáo người chăn nuôi tạm thời không đầu tư tái đàn heo trong thời điểm này.
Đối với những hộ dân cũng như các gia trại chưa bị dịch xâm nhiễm, chúng tôi vận động và hướng dẫn họ thực hiện tốt biện pháp cách ly triệt để, chăn nuôi an toàn sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, không để người lạ vào khu vực nuôi nhốt. Đồng thời liên tục thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan”.
Bà Võ Thị Mỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên cho biết, để chủ động khoanh vùng, khống chế dịch, trung tâm cử cán bộ đứng điểm, tăng cường bám sát cơ sở, nắm thông tin tình hình dịch và báo cáo kịp thời để có hướng xử lý.
Đồng thời phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn có dịch và Phòng NN&PTNT tổ chức tiêu hủy số heo mắc bệnh chết. Tăng cường công tác giám sát ở những địa phương có dịch, thông tin cho người dân về các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi dịch bệnh xảy ra.
“UBND huyện Duy Xuyên đã hỗ trợ 14 xã, thị trấn gần 1.000 lít hóa chất Benkocid và Iodine để duy trì công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng; các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật và những địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.
Chính quyền cấp xã cũng đã củng cố, kiện toàn hệ thống thú y cơ sở và đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh” - bà Mỹ nói.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay toàn tỉnh xảy ra 225 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 147 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố (trừ Hội An, Đông Giang, Tây Giang).
Tổng số heo mắc bệnh phải tiêu hủy là 37.712 con với tổng trọng lượng hơn 2.409 tấn. Hiện nay, còn 109 ổ dịch chưa qua 21 ngày của 109 xã trên địa bàn 12 huyện.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh vừa có Công điện số 13 yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo kế hoạch của UBND tỉnh. Chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phân công cán bộ đứng điểm tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp chống dịch tại địa bàn các xã có dịch...
Công điện cũng yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung và phương án thực hiện công tác quản lý giết mổ trên địa bàn tỉnh, chậm nhất vào cuối quý I năm 2022.
Sở phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ của nhân viên thú y tại cơ sở giết mổ động vật tập trung để đảm bảo động vật đưa vào giết mổ khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra việc kiện toàn, tăng cường nguồn lực chuyên môn chuyên ngành chăn nuôi - thú y cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất vào cuối quý I năm 2022; phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc hỗ trợ tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương để tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí theo đúng quy định...(VĂN SỰ)