(PRX) - Năm 2022, dù đối mặt với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thiên tai và giá cả vật tư, nguyên liệu tăng cao… nhưng huyện Duy Xuyên vẫn tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều chuyển biến rõ nét trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần tạo động lực cho khát vọng vươn tầm thị xã trong tương lai gần.
Kinh tế tăng trưởng khá
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, năm 2022 nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện canh tác tổng cộng 14.225ha cây trồng hằng năm. Trong đó, cây lương thực có hạt 8.002ha (gồm 6.996ha lúa, 1.006ha bắp) và tổng sản lượng đạt 41.456,6 tấn.
Đáng ghi nhận, với 1.800ha đất màu chuyên canh, luân canh, gối vụ các loại cây trồng cạn và rau đậu chủ lực, năm 2022 người dân Duy Xuyên có mức thu nhập khoảng 140 - 190 triệu đồng/ha.
“Bên cạnh việc duy trì những mô hình liên kết sản xuất hàng hóa đối với cây lúa, ớt, sen và một số loại rau củ quả trong các năm qua thì năm 2022 ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương cũng tích cực hỗ trợ xây dựng thêm 6 dự án liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị” - ông Tường nói.
Theo ông Trần Huy Tường, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Duy Xuyên thời gian qua tiếp tục mang lại thành công lớn. Tính đến cuối năm 2022, tất cả 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện đều giữ vững và nâng tầm bộ 19 tiêu chí theo quy định. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 24 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, ngoài 14 sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn 3 - 4 sao cấp tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2021 thì năm 2022 Duy Xuyên tiếp tục hỗ trợ các chủ thể phát triển thêm 3 sản phẩm OCOP là đĩa khu đền tháp Mỹ Sơn, nước mắm nhĩ Cửa Đại, quạt gỗ “Quảng Nam - miền di sản”.
Theo ông Phan Xuân Cảnh, để hạn chế tối đa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022 nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện không chỉ thay đổi mục tiêu, phương án sản xuất - kinh doanh mà còn nỗ lực cấu trúc, sắp xếp lại mô hình hoạt động và tăng cường đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường, giữ vững thương hiệu. Theo thống kê, năm 2022 giá trị sản xuất ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 5.253 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2021.
Trong khi đó, hoạt động thương mại - dịch vụ cơ bản duy trì, giá cả ổn định, đảm bảo các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhân dân. Đặc biệt, hoạt động du lịch dần phục hồi nên năm 2022 lượng khách đến tham quan đạt 92.968 lượt (chủ yếu tại khu đền tháp Mỹ Sơn).
Trong đó, khách nước ngoài ước đạt 50.240 lượt, tăng 48.914 lượt so với năm 2021 và khách nội địa ước đạt 42.728 lượt, tăng 30.219 lượt so với năm 2021. Năm 2022 tổng giá trị toàn ngành thương mại - dịch vụ - du lịch của Duy Xuyên đạt 6.317 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2021.
Tạo bước chuyển mạnh mẽ
Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) và hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu lớn Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XXI đề ra.
Theo ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, thời gian tới địa phương ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện công tác tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành một số vùng chuyên canh gắn với sản xuất hàng hóa. Nâng cao hiệu quả các chương trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tranh thủ các chính sách ưu đãi, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ tiên tiến hiện đại, giá trị kinh tế cao vào hoạt động trong các cụm công nghiệp.
Tích cực xúc tiến đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Gò Biên. Thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển nghề truyền thống, làng nghề gắn với phát triển dịch vụ, du lịch.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu thương mại - dịch vụ đã được phê duyệt. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từng vùng.
Lồng ghép nhiều nguồn vốn để triển khai xây dựng các công trình đầu tư công theo kế hoạch năm 2023, ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình kiên cố hóa các tuyến đường ĐH, giao thông nông thôn.
Đồng thời, lập các thủ tục đầu tư, sớm triển khai xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 1 đi vùng Đông. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt các dự án lớn của tỉnh và trung ương triển khai trên địa bàn huyện, nhất là Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
“Bên cạnh việc tập trung phát triển mạnh kinh tế và đầu tư xây dựng hạ tầng, Duy Xuyên sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.
Chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả, đồng bộ gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Đồng thời, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần tạo dựng một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân” - ông Phan Xuân Cảnh nói.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Duy Xuyên đạt 9,9%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt xấp xỉ 1.381,3 tỷ đồng, trong đó thu phát sinh kinh tế trên địa bàn gần 653,6 tỷ đồng (tăng 7,4% so với dự toán tỉnh giao và tăng 28,2% so với năm 2021). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.
Trong năm 2022 toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 1.982 lao động. Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của Duy Xuyên đạt 50,2 triệu đồng (tăng 6,6 triệu đồng so với năm 2021) và hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,39%.
Qua đánh giá, năm 2022 toàn huyện có 31.837 hộ dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 92,61%) và 64/78 thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 22 thôn, khối phố đạt 3 năm liên tục.
Theo mục tiêu đặt ra, năm 2023 huyện Duy Xuyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 10%, giá trị ngành dịch vụ tăng 15%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 20%, tạo việc làm mới cho 1.800 lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng, giảm 70 hộ nghèo...