Thời điểm này, nhiều trường học tại huyện Duy Xuyên nỗ lực hoàn tất các công việc chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp…, sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024.
Nâng cấp trường lớp
Có mặt tại Trường THCS Trần Cao Vân (thị trấn Nam Phước) vào đầu tháng 8, chúng tôi cảm nhận được sự hối hả chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới của thầy cô giáo và học sinh nhà trường.
Những phòng học cũ kỹ, xuống cấp trước đây đang được thay thế bằng dãy phòng học quy mô 2 tầng với 10 phòng và một số hạng mục phụ trợ khác, đảm bảo cho các em những điều kiện tốt nhất để rèn luyện, học tập.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình gần 11 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục. Thầy Văn Phú Sang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công và sẽ nghiệm thu, đưa vào sử dụng công trình trước thềm năm học mới.
“Năm học 2023 – 2024, nhà trường thu nhận 745 học sinh, bố trí 19 lớp học ở tất cả khối lớp. Nhà trường đang hoàn thiện những công việc cần thiết để sẵn sàng cho năm học mới như quét dọn, vệ sinh trường lớp, tu sửa lại bàn ghế, hệ thống điện, quạt mát, ánh sáng. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các giáo viên phụ trách các lớp đầu cấp và cuối cấp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và rèn ý thức, đạo đức cho các em” - thầy Sang nói.
Nhiều trường học khác ở Duy Xuyên cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình để đưa những dãy phòng học mới khang trang vào sử dụng trước lễ khai giảng.
Ông Nguyễn Hữu Sáu - Trưởng phòng GD-ĐT Duy Xuyên cho hay, quy mô, hệ thống trường lớp được đầu tư, sửa chữa kiên cố, khang trang, hiện đại là một trong những cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng công tác dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì vậy, ngành giáo dục huyện sớm chủ động tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây mới, nâng cấp trường lớp.
Cùng với huy động nguồn lực xã hội hóa, năm 2023 toàn huyện đầu tư hơn 28 tỷ đồng xây mới, nâng cấp phòng học, nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ như tường rào, cổng ngõ, nhà vệ sinh… ở các xã Duy Châu, Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải, thị trấn Nam Phước.
Cạnh đó, mua sắm trang thiết bị dạy học như máy tính, bàn ghế... trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Năm học này, toàn ngành phấn đấu duy trì, nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia và tiếp tục gặt hái nhiều thành quả, nhất là trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Ông Sáu cho biết, đến thời điểm này, qua kiểm tra của Phòng GD-ĐT huyện cũng như các ngành liên quan, những công trình trường học được đầu tư nâng cấp, xây mới đã hoàn thiện hơn 80% khối lượng. Quan điểm chỉ đạo là công trình nào thi công hoàn thành thì bàn giao ngay để nhà trường khẩn trương quét dọn vệ sinh trường lớp, đảm bảo cho năm học mới.
Tạo đột phá mới
Hiện nay, Duy Xuyên có 52 trường từ bậc mầm non đến THCS với 1.386 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Ông Nguyễn Hữu Sáu cho hay, để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới 2023 - 2024, trong dịp hè, đơn vị chủ động lập kế hoạch và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên đứng lớp, cán bộ quản lý.
Đồng thời, tuyên dương khen thưởng các giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm kịp thời động viên, khích lệ tinh thần các thầy cô giáo tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.
Trong năm học này, toàn ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, bảo đảm an toàn trường học.
Ngoài ra, cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”; tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Đa dạng, linh hoạt, sáng tạo các hình thức dạy học và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng dẫn học sinh về nhà tự học và học tập theo nhóm. Tập trung nguồn lực đầu tư công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay là toàn huyện thiếu đến 116 giáo viên. Phòng GD-ĐT đã kiến nghị các cấp, ngành ở huyện, tỉnh sớm có giải pháp bổ sung đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Đồng thời, giao cho các đơn vị trường học chủ động hợp đồng giáo viên vừa mới nghỉ hưu và sinh viên ra trường để đảm bảo cho công tác giảng dạy” - ông Sáu nói.