Mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, các loại sâu bệnh nguy hiểm phát sinh gây hại diện rộng nhưng vụ đông xuân năm nay huyện Duy Xuyên vẫn thắng lớn.
Năng suất lúa tăng mạnh
Ông Lê Tấn Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, đông xuân 2022 – 2023 toàn xã gieo sạ 325ha lúa, trong đó 2 loại giống chủ lực Thiên ưu 8 và ĐT100 được cơ cấu sản xuất với diện tích lớn. “Theo số liệu thống kê ban đầu, vụ này năng suất lúa bình quân của Duy Thành đạt 68 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái” – ông Bảo nói.
Ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước thông tin, tính đến ngày 5/5 nông dân đã thu hoạch xong toàn bộ 491ha lúa. Năng suất lúa bình quân của xã đạt 75,7 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.
Không riêng vựa lúa Duy Thành và Duy Phước, nhiều nơi khác trên địa bàn Duy Xuyên cũng được mùa. Bà Trương Thị Hoài Nhân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, đông xuân năm nay nông dân 14 xã, thị trấn của huyện sản xuất tổng cộng 3.474ha lúa.
Theo đánh giá tại nhiều vùng và tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương, vụ này năng suất lúa bình quân toàn huyện ước đạt 66,5 tạ/ha, tăng 8,6 tạ/ha so với đông xuân 2021 - 2022. “Nhờ năng suất tăng mạnh nên đông xuân này tổng sản lượng lúa của Duy Xuyên đạt hơn 23.102 tấn, tăng 702 tấn so với kế hoạch đề ra và tăng 2.631 tấn so với cùng vụ sản xuất năm trước” – bà Nhân nói.
Cây trồng cạn cho giá trị cao
Những ngày qua, có mặt trên nhiều xứ đồng của xã Duy Châu, chúng tôi thấy nhà nông rất phấn khởi khi nhiều loại cây trồng cạn chủ lực vụ đông xuân cho năng suất cao và giá bán sản phẩm tăng mạnh so với mùa trước, nhất là đối với cây ớt.
Ông Lê Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho hay, trên địa bàn xã có 250ha đất màu. Những năm qua, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện, chính quyền địa phương nỗ lực huy động nhiều kênh vốn khác đầu tư ít nhất 30 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi hóa đất màu, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất.
Cùng với việc tập trung lo khâu nước tưới, UBND xã Duy Châu cũng tích cực hỗ trợ người dân cải tạo ruộng đất và thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn cấp trên tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh – liên kết để nông dân hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng cạn theo phương thức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
Ông Lê Văn Hưng cho biết, với 250ha đất màu, trong vụ đông xuân năm nay nông dân Duy Châu chủ yếu liên kết với doanh nghiệp trồng ớt xuất khẩu, đồng thời sản xuất những loại cây trồng khác như bắp nếp, đậu phụng, bắp lai, đậu cô ve...
“Người dân địa phương đã cơ bản thu hoạch xong các ruộng bắp và đậu, còn ớt thì sẽ hái trái đến tháng 6 dương lịch. Qua khảo sát, nhờ năng suất đạt khá cao và giá bán rất hấp dẫn, vụ này 1ha ớt mang lại cho nhà nông mức thu nhập khoảng 360 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi so với đông xuân năm trước. Còn 1ha bắp đạt giá trị 80 triệu đồng, 1ha đậu cô ve đạt 70 – 80 triệu đồng và 1ha đậu phụng đạt 56 triệu đồng” – ông Hưng nói.
Ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên thông tin, đông xuân 2022 – 2023 toàn huyện sản xuất 4.390ha cây trồng cạn, rau đậu các loại. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua Duy Xuyên chú trọng đầu tư thủy lợi hóa đất màu, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành những vùng sản xuất hoa màu theo phương thức hàng hóa tập trung.
“Trong số 4.390ha đất màu, đến nay đã có 50% diện tích được ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương quy hoạch xây dựng những vùng chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại hoa màu chủ lực như ớt, đậu phụng, bắp, đậu cô ve, đậu xanh và một số loại rau củ quả.
Trong đó, các xã Duy Châu, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước là những vùng trọng điểm. Mặc dù đầu vụ đông xuân này thời tiết ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của nhiều đối tượng cây trồng nhưng ước tính bình quân 1ha đất màu vẫn cho nông dân mức thu nhập từ 60 – 180 triệu đồng, tùy từng loại cây” – ông Tường nói thêm.