Duy Xuyên thiếu phòng học cấp mẫu giáo

MỸ LINH - PHAN VINH 10/10/2016 14:59

(QNO) - Năm học 2016 - 2017 vừa bắt đầu, nhiều trường mẫu giáo tại huyện Duy Xuyên thiếu phòng học và cơ sở vật chất khác.

Xã Duy Nghĩa hiện có 6 điểm trường mẫu giáo, trong đó điểm trường tại thôn Sơn Viên chỉ có 2 phòng học dành cho học sinh lớp nhỡ và lớn, các cháu lớp bé không có phòng học, phụ huynh phải gửi ra điểm trường chính tại trung tâm xã.

Dù mới xây nhưng điểm trường Mẫu giáo Duy Hải vẫn thiếu phòng học. Ảnh LINH - VINH
Dù mới xây nhưng điểm Trường Mẫu giáo Duy Hải vẫn thiếu phòng học. Ảnh LINH VINH

Theo quy định về số lượng học sinh ở các lớp thuộc trường mầm non, mỗi lớp bé có tối đa 25 cháu, lớp nhỡ 30 cháu và lớp lớn 35 cháu. Tuy nhiên, theo cô Đoàn Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Duy Nghĩa, toàn xã hiện có 570 cháu trong độ tuổi mầm non và 477 cháu đang ra lớp. Theo quy định, 6 điểm trường gồm 15 lớp chỉ được tối đa 450 cháu. Như vậy, một số lớp đã vượt số lượng. Theo cô Yến, do cách đây khoảng 2 năm, các cháu 3 tuổi chưa ra lớp, nhà trường đã tuyên truyền vận động đưa trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp nhưng chỉ một bộ phận phụ huynh thực hiện, còn lại phần lớn người dân vẫn không gửi trẻ. Số lượng trẻ hàng năm tăng lên đáng kể, cụ thể năm học 2014 - 2015 có 370 cháu, chia làm 13 lớp; năm học 2015 - 2016 có 437 em chia làm 14 lớp và năm 2016 - 2017 có 477 cháu chia làm 15 lớp. Ngay từ đầu năm học này, nhà trường đã gặp khó khăn khi số lượng học sinh vượt quá số lớp theo quy định. Đến nay, các lớp đã ổn định theo phương án linh hoạt của Phòng GD-ĐT huyện và UBND xã.

Mặt khác, với số lượng 477 cháu nhưng Trường Mẫu giáo Duy Nghĩa chỉ có 1 bếp ăn nằm tại điểm trường trung tâm xã. Cứ đến bữa trưa, các cô giáo phải vất vả để vận chuyển cơm đi khắp 6 điểm trường cho trẻ. Tất cả các trường đều dạy theo hình thức bán trú. Bếp ăn nhỏ, đường ống nước cũng xuống cấp, càng khó khăn hơn vào những ngày mưa. Điểm trường tại trung tâm xã cũng đã xuống cấp, được cải tạo từ ngôi trường tiểu học có từ năm 2005. “Chưa biết khi nào mới được xây dựng lại do đây là khu vực nằm trong vùng dự án. Quy hoạch vẫn chưa rõ ràng, phải biết tái định cư cho người dân tại đâu để xác định vị trí trung tâm xây dựng trường” - cô Yến cho biết.

Hiện tại số giáo viên đứng lớp đảm bảo. Tuy nhiên chỉ có 19 giáo viên biên chế, 2 giáo viên là hợp đồng của huyện, 5 giáo viên thỉnh giảng, còn lại 4 giáo viên là do trường hợp đồng, tiền lương được chi trả từ nguồn đóng góp của phụ huynh.

Ở xã Duy Hải cũng gặp khó khăn tương tự về cơ sở vật chất và nhân lực. Khi các dự án vùng đông khởi động, nhiều vùng của Duy Hải nằm trong quy hoạch phải di dời đến vùng tái định cư, dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp. Trường Mẫu giáo xã Duy Hải được quy hoạch là điểm trường chính. Trong tương lai sẽ tập trung tất cả các điểm trường về đây, trên diện tích 39ha. Hiện điểm trường đang trong quá trình xây dựng, có 6 lớp theo học tại 5 phòng. Với 60 cháu lớp bé nhưng chỉ có 1 phòng học, vì thế nhà trường đã trưng dụng văn phòng làm việc của trường để mở thêm lớp. Còn văn phòng hiện tại được mượn tạm của Trường Tiểu học Duy Hải.

6 điểm trường nhưng trường Mẫu giáo Duy Nghĩa chỉ có 1 bếp ăn. Ảnh LINH - VINH
Có 6 điểm trường nhưng Trường Mẫu giáo Duy Nghĩa chỉ có 1 bếp ăn. Ảnh LINH VINH

Cô Nguyễn Thị Kim Chi - Hiệu trường Trường Mẫu giáo Duy Hải nói: “Hiện toàn xã có 13 phòng học, trong khi có đến 14 lớp. Vì vậy, nhà trường phải linh hoạt xử lý để đảm bảo tất cả các cháu đều được đến lớp theo quy định. Địa phương có 28 giáo viên, trong khi chỉ có 17 giáo viên có biên chế, còn lại 11 giáo viên do Phòng GD-ĐT huyện và nhà trường hợp đồng nhờ nguồn thu từ phụ huynh”.

Ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên xác nhận thực trạng thiếu thầy, thiếu lớp ở các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện, không riêng 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải. Hiện nhiều trường vẫn không đảm bảo tỷ lệ chuẩn. Một số nơi không đủ phòng học nên linh hoạt xử lý tăng 5 - 7 cháu/lớp. Số cháu trong độ tuổi 3, 4 tăng rất nhanh vào những năm gần đây. Trong khi đó, cơ sở vật chất và phòng học vẫn còn nhiều hạn hạn chế. “Phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên đã nắm được tỷ lệ sinh tự nhiên tại địa phương nên việc xây dựng trường sẽ đảm bảo trong vòng 3 - 5 năm tới. Nếu có sự gia tăng dân số đột biến thì địa phương cũng sẽ có phương án tốt nhất để đảm bảo để các cháu đều có nơi học tập” - ông Hoàng nói.

Duy Hải, Duy Nghĩa là 2 trong số rất nhiều xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển vùng đông của tỉnh. Trong tương lai không xa, các vùng này sẽ được quy hoạch, dân số sẽ gia tăng, có thể do gia tăng tỷ lệ sinh tự nhiên hoặc công nhân đi làm ăn xa trở về quê, người dân ở các địa phương khác đến tìm cơ hội việc làm. Biến động dân số là điều chắc chắn xảy ra.

MỸ LINH - PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duy Xuyên thiếu phòng học cấp mẫu giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO