Năm 2021, Duy Xuyên tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, góp phần tạo động lực cho khát vọng vươn tầm thị xã trong tương lai gần.
Dấu ấn kinh tế
Năm 2021, sản xuất nông nghiệp của Duy Xuyên gặp nhiều khó khăn do khô hạn, nhiễm mặn ảnh hướng lớn đến việc tưới tiêu, nhất là với các diện tích nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Dẫu vậy, toàn huyện vẫn canh tác hơn 14.344ha cây trồng các loại, tăng 0,4% so với năm 2020; trong đó năng suất lúa đạt 62,1 tạ/ha, tăng 1,07 tạ/ha so với năm 2020, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm lên 50.429 tấn, tăng 6,5% so với kế hoạch. Ngoài ra, nông dân Duy Xuyên gieo trồng 1.800ha hoa màu các loại, bình quân mỗi héc ta cho giá trị 140 - 190 triệu đồng.
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, năm qua bên cạnh duy trì các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa đối với cây lúa, ớt, sen và một số loại rau củ quả, địa phương hướng dẫn, xây dựng 10 dự án liên kết sản xuất nông sản, trong đó đã tiếp nhận và phê duyệt 4 chuỗi giá trị với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng.
“Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị và chung sức, đồng lòng của nhân dân nên đến cuối năm 2021, tất cả 11 xã của huyện đều giữ vững, nâng tầm 19 tiêu chí theo quy định và có thêm 9 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu” - ông Tường nói.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Duy Xuyên đạt 4,2%; tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 1.014 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.170 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2020). Theo mục tiêu đặt ra, năm 2022 Duy Xuyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, tăng thu ngân sách 19%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 19%, tạo việc làm mới cho 1.800 lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,4 triệu đồng.
Duy Xuyên được các bộ ngành Trung ương thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Cùng với đó, thực hiện chương trình OCOP, năm 2021 địa phương phát triển thêm 4 sản phẩm mới đạt 3 sao và nâng cấp 1 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho nông sản.
Năm 2021, để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện không chỉ thay đổi mục tiêu, phương án sản xuất - kinh doanh mà còn sắp xếp lại hoạt động, tăng cường đầu tư máy móc hiện đại để cạnh tranh thị trường, giữ vững thương hiệu.
Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, nhiều doanh nghiệp lấy mục tiêu vượt qua khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu, coi đây là cơ hội để tự khẳng định và vươn lên. Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện trong năm qua đạt hơn 4.630 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2020.
Hoạt động thương mại - dịch vụ cơ bản duy trì, giá cả ổn định, đảm bảo các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhân dân. Tổng giá trị toàn ngành thương mại - dịch vụ năm 2021 đạt 5.630 tỷ đồng…
“Có thể nói, những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế năm 2021 tạo tiền đề quan trọng để Duy Xuyên bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn kế tiếp” - ông Cảnh nói.
Tạo đột phá mới
Theo ông Phan Xuân Cảnh, năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của dịch Covid-19. Vì vậy, Duy Xuyên tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch theo hướng thích ứng an toàn và linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; tăng cường các biện pháp hỗ trợ phục hồi ngành thương mại - dịch vụ.
Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, gắn với 3 nhiệm vụ đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Huyện sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới thương mại - dịch vụ; nâng cấp, sắp xếp lại các chợ nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu dân cư tại Nam Phước, Duy Phước, Bàn Thạch, Kiểm Lâm; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng NTM nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từng vùng.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đã được xây dựng, năm 2022 huyện Duy Xuyên tích cực lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng các trục đường huyện, giao thông nông thôn, lập thủ tục đầu tư tuyến đường từ quốc lộ 1 đi vùng đông.
Toàn huyện nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới GD-ĐT, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM gắn với quá trình đô thị hóa, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Địa phương cũng chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hiệu quả và đồng bộ gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tập trung giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội, không để xảy ra điểm nóng, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần tạo dựng một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc...