Duyên hải miền Trung: Kết nối đã có nhưng chưa thực chất trong liên kết vùng

QUỐC TUẤN 25/09/2017 16:34

(QNO) - Đó là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi chủ trì Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 - năm 2017 tại Đà Nẵng vào sáng nay 25.9.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Q.T
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Q.T

Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 với chủ đề "Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững" thu hút hơn 600 đại biểu gồm các chuyên gia, cố vấn hàng đầu của Chính phủ; lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận cùng lãnh đạo các tập đoàn lớn như Thaco, Vingroup, FLC...

Vẫn còn mạnh ai nấy làm 

Theo số liệu từ Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, hầu hết các địa phương trong vùng đều có tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2016 (hơn 8%) trong khi tốc độ tăng trưởng của cả nước chỉ vào khoảng 5,9%. Tổng thu ngân sách 9 tỉnh, thành trong năm 2016 đạt hơn 132 nghìn tỉ đồng. "Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được khá toàn diện của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các tỉnh thành miền Trung, đặc biệt là 9 tỉnh thành vùng duyên hải miền Trung trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

Quang cảnh diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2. Ảnh: Q.T
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2. Ảnh: Q.T

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, liên kết vùng và cát cứ đang là rào cản lớn của sự phát triển, dù trong hơn 3 năm qua (kế từ khi diễn đàn lần 1 được tổ chức) đến nay các tỉnh thành trong vùng đã có nhiều kết quả tích cực hơn. Kết nối trong vùng đã có nhưng chưa thực sự kết dính dẫn đến phát triển dưới tiềm năng và mong đợi. Tỷ trọng nông nghiệp còn lớn (chiếm 17-18%) nên thu nhập bình quân còn thấp so với cả nước. 

Một con số đáng lưu tâm mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra tại diễn đàn, là vùng duyên hải miền Trung chỉ đóng góp 2% trong kim ngạch xuất khẩu, trong khi ở hai đầu Bắc - Nam đều chiếm 30-40%. Một đặc điểm vừa là lợi thế nhưng cũng tiềm tàng nguy cơ gây chia rẽ trong vùng duyên hải miền Trung là các lợi thế và tiềm năng của các địa phương đa phần giống nhau, trong khi liên kết địa lý lại không thành cụm khiến triệt tiêu lợi thế của nhau. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví von rằng: "Thế mạnh nhất của miền Trung thời gian qua là mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy làm".

Cần phát huy thế mạnh du lịch

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, chủ trương của Bộ Chính trị trong nghị quyết về phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn thì miền Trung là "trọng điểm của trọng điểm". Các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong là những hạt nhân trung tâm phát triển lớn của vùng, trong khi Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang phải trở thành các trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

Cần có những chiến lược phát triển du lịch biển để du khách tới biển miền Trung không chỉ để tắm biển. Ảnh: Q.T
Cần có những chiến lược phát triển du lịch biển để du khách tới miền Trung không chỉ để tắm biển. Ảnh: Q.T

Theo kết quả khảo sát tại diễn đàn, có 61% đại biểu cho rằng du lịch là thành tố có thể tạo nên đột phá cho vùng duyên hải miền Trung, trong khi chỉ có 15% bầu chọn cho thành tố khu kinh tế, 10% chọn công nghiệp chế tạo - công nghệ cao... Ngoài ra cũng có tới 43% đại biểu nhìn nhận liên kết vùng các tỉnh thành duyên hải miền Trung hiện nay chưa có gì, thậm chí 35% đại biểu cho rằng liên kết vùng hiện đang rất kém. Theo TS. Trần Đình Thiên, du lịch miền Trung hiện đang rất nổi tiếng trên cả nước và cả quốc tế nhưng vẫn chủ yếu khách đến để tắm biển, phần giá trị gia tăng du lịch rất thấp. 

Phát triển kinh tế tư nhân cũng là một trọng tâm thảo luận tại diễn đàn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp trong khu vực tăng nhanh trong 10 năm qua. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp bình quân đầu người còn thấp, chỉ khoảng 35 doanh nghiệp/10.000 dân. Vai trò điều hành của chính quyền và tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cũng được các đại biểu quan tâm. Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định là những địa phương có chỉ số PCI cao (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), được các doanh nghiệp đánh giá có chất lượng điều hành tốt. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty Hương Điền cho rằng, việc Bộ Công thương vừa đưa ra kế hoạch cắt giảm một loạt điều kiện kinh doanh là điểm đột phá rất tích cực. Các địa phương trong vùng cần rà soát lại các điều kiện cản trở sự phát triển của doanh nghiệp để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duyên hải miền Trung: Kết nối đã có nhưng chưa thực chất trong liên kết vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO