Duyên kỳ ngộ sau 39 năm

HỒNG VÂN 24/03/2013 06:37

Ba mươi chín năm trôi qua, kể từ ngày được cô y tá cách mạng cứu sống trong chiến dịch Thượng Đức, hôm nay Đỗ Minh Long, anh lính chế độ cũ mới gặp lại ân nhân của mình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải xem lại vết thương năm xưa của anh Đỗ Minh Long.Ảnh: HỒNG VÂN
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải xem lại vết thương năm xưa của anh Đỗ Minh Long.Ảnh: HỒNG VÂN

Quê Đại Lãnh, Đại Lộc, tham gia nghĩa quân được 2 năm nhưng đến tháng 8.1974, Đỗ Minh Long mới biết thế nào là chiến tranh, khi quận lỵ Thượng Đức bị quân Giải phóng tấn công. Hai bên giao chiến dữ dội. Quân ngụy thất trận, tìm đường thoát thân. Long bị dính B40 toàn thân cháy sém và được du kích xã đưa đến một nhà dân bỏ hoang ven sông, bên khe Mõm Lợn, làng Hà Tân. Lúc này trong nhà có hơn chục lính biệt động, địa phương quân bị thương nằm rên la ầm ĩ. Bỗng đám lính ngụy thấy xuất hiện một người giắt súng K59 bên hông cùng mấy anh du kích trẻ măng và cô y tá chừng 15, 16 tuổi, mặc áo bà bà đen, mũ tai bèo, cây AK dài tưởng chừng chạm đất. Trên tay họ là nồi cơm to còn nóng hổi. Thôi rồi! Chắc cách mạng cho bữa cơm cuối cùng rồi tử hình. Bọn lính không ai bảo ai đều chắp tay lạy, xin tha mạng. Không ngờ, người chỉ huy nói từ tốn: “Các anh là nạn nhân chiến tranh, cầm súng chẳng qua bị bắt buộc. Chúng tôi mang cơm cho các anh ăn, cô Hải y tá sẽ băng bó vết thương. Cứ yên tâm ở đây cho đến khi tạm ổn, sẽ chuyển về tuyến sau”. Tất cả ồ lên, kinh ngạc. Vậy là ngày lại ngày, khi ngơi tiếng máy bay của quân ngụy phản kích, cô y tá Hải và thỉnh thoảng có thêm cô Điểm với cây súng trên vai lại tất tả băng bộ đem cơm cho hơn chục tên lính ngụy đồng thời tiêm thuốc, chạy chữa vết thương cho cả bọn. Vết thương của Long nặng nhất. Lớp da ngoài đã hoại tử, đen kịt, đôi chỗ có dòi. Hải phải cắt bỏ những chỗ nhiễm trùng. Cô làm nhẹ nhàng khéo léo, vậy mà khi đau quá, Long và nhiều tên khác hét toáng lên. Cô gái hóm hỉnh: “Như vậy các anh chưa anh hùng rồi. Tôi băng bó cho quân giải phóng thấy các anh có la ré gì đâu”. Cả bọn xấu hổ, từ đó để yên cho cô điều trị.

Có lần “cô tiên nhỏ” - tên cả bọn đặt cho Hải - đến trễ, ai cũng mong ngóng. Đến nơi, người cô lấm lem bụi đất. “Tôi suýt chút nữa trúng bom bi của máy bay các anh. May mà còn sống”. Cô cười hồn nhiên làm cả bọn ứa nước mắt. Đi lính ngụy, bị bọn chỉ huy nhồi nhét tư tưởng chống cộng, không ai nghĩ rằng cộng sản lại hiền hậu, giàu tình người đến thế. Long lại thương thằng Ngọc, con ông Ba Trà trong xóm, chỉ là học sinh vậy mà nghe Việt cộng vào, sợ quá, chạy cùng với đám tàn quân mất tích không thấy về... Khoảng chục ngày sau, khi vết thương cả bọn tạm lành, người chỉ huy lại đến cùng du kích chuyển tất cả xuống ghe của dân xuôi theo sông Vu Gia đi sơ tán. Số nặng hơn như Long được tiếp tục điều trị tại bệnh viện dã chiến quân đội ở khe Hà Ra...

Anh lính ngụy Đỗ Minh Long năm xưa bây giờ đã là người cha của 5 đứa con trai. Hai đứa đã đi bộ đội. Gia đình làm nông không giàu có nhưng kinh tế cũng ổn định. Lâu nay anh vẫn muốn đi tìm người nữ y tá đã cứu mình năm xưa nhưng không biết ở đâu. Anh kể: “Cuộc đời tôi chịu ơn hai người phụ nữ. Đó là mẹ tôi và cô y tá ở Thượng Đức. Nhà tôi đông chị em nhưng chỉ mình tôi là con trai, nên được mẹ cưng chiều. Mẹ tôi đã được đưa đi lánh nạn ở An Điềm, nhưng khi biết tôi bị thương, mẹ trốn mọi người vượt sông Bung, lặn lội mấy ngày đường về tìm tôi. Khi biết tôi đã được cách mạng cứu chữa mẹ mừng muốn ngất”.

“Cô tiên nhỏ” năm xưa là Nguyễn Thị Thanh Hải, nay là Phó phòng Tổ chức, hành chính, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Đà Nẵng. Cùng chị ruột tham gia du kích từ năm 1972, Hải được học lớp y tá cấp tốc phục vụ chiến trường. Cha là cơ sở mật, địch ném bom, bị thương, chúng không cứu chữa kịp thời nên đã phải chết tức tưởi. Chị gác lại thù riêng, hứa với mẹ đã làm nghề y thì phải lấy tính mệnh người bệnh lên trên hết. Có lần chị đã chữa khỏi bệnh cho vợ một thiếu tá ngụy. Khi tên này tử trận, người vợ trẻ được đưa về khu tập trung trong tình trạng bị tả đã mấy ngày, đang lả dần. Chị tìm thuốc nam cho uống và chữa khỏi bệnh. Người vợ ôm cô y tá Việt cộng, rơi nước mắt: “Ơn em làm sao quên được!”.

Anh Long cũng không biết rằng cô y tá nhỏ cứu anh năm xưa cùng quê Đại Lãnh với mình (nay quê chị Hải tách ra thành Đại Hưng). Khi chị Hải kể câu chuyện cứu toán lính ngụy năm xưa, trong đó có người bị thương rất nặng là Đỗ Minh Long, chị ruột của chị đã tìm ra được. Khi biết tin, anh Long tức tốc phóng xe ra Đà Nẵng gặp chị Hải và Đại tá Ngô Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Quản lý hành chính Công an Đà Nẵng, người chỉ huy xuất hiện với chị Hải ở khe Mõm Lợn năm nào. Anh Hải là an ninh Quảng Đà về tiếp quản Thượng Đức. Thấy địch chết ngổn ngang, kẻ bị đạn, pháo không ít, anh chỉ đạo du kích xã chôn cất tử tế và cứu chữa số bị thương. Gạo thì lấy ở kho, thuốc bổ và kháng sinh thì “mượn tạm” của tiệm thuốc bà Sáu Thành. Hầu hết lính ngụy bị thương nặng không đi được, du kích phải dùng cáng, xe bò hoặc dìu về điểm chữa trị. Nhờ đó mà hàng chục lính ngụy bị thương nặng đã được cứu sống.

Buổi gặp mặt giữa những người hai bên chiến tuyến diễn ra trong dào dạt ký ức một thời đạn lửa. Họ chỉ mong chiến tranh sẽ mãi lùi xa, để không còn những vết sẹo in hằn như trên tay anh Đỗ Minh Long.

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duyên kỳ ngộ sau 39 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO