Duyên lành nơi chân tháp

TÂY BÌNH 06/02/2019 05:48

Làm hướng dẫn viên ở di sản đặc thù như Mỹ Sơn, là cơ hội để anh Đặng Văn Minh gặp duyên lành với những vị khách đặc biệt.

Anh Minh hướng dẫn du khách tại Mỹ Sơn. Ảnh: Tây Bình
Anh Minh hướng dẫn du khách tại Mỹ Sơn. Ảnh: Tây Bình

Cuộc gặp thú vị

“Trong suốt 12 năm gắn bó với Mỹ Sơn, có một vị khách làm tôi nhớ mãi” - anh Đặng Văn Minh (hiện là Phó phòng Văn hóa - thông tin huyện Duy Xuyên) mở lời. Đó là vào buổi trưa cuối tháng 3.2008, có một vị khách Ấn Độ bước vào nhà nghỉ chân phía cổng và nói với anh Minh rằng, muốn tìm một người “biết” về khu vực này. Sau khi nghe anh Minh đề nghị giúp đỡ, vị khách đồng ý với yêu cầu “hỏi gì nói nấy”, chứ không cần hướng dẫn viên. Gần hai tiếng đồng hồ đưa vị khách tham quan các tháp, cả hai trở ra trong cái nóng hầm hập. Trong lúc nghỉ ngơi, vị khách đưa cho anh Minh tờ giấy rồi cáo từ. Khi đọc nội dung, anh Minh mới biết rằng mình vừa tiếp một vị khách đặc biệt. Tờ giấy ghi: “Đây là lần đầu tiên tôi có chuyến thăm đến Mỹ Sơn. Ông Minh đã cho tôi chuyến tham quan thật tuyệt vời, bởi ông am hiểu về Mỹ Sơn, về nền văn minh Chămpa. Là người Ấn Độ, tôi có thể thấy rất rõ về sự kết nối sinh động và mạnh mẽ để gắn bó Việt Nam và Ấn Độ. Ông Minh đã mang đến sự tin cậy cho đơn vị mà ông ấy công tác” (Jitendra Nath Misra - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh).

Khoảng 3 tháng sau, anh Minh mới biết đó là chuyến đi tiền trạm của Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh Jitendra Nath Misra cho buổi biểu diễn của đoàn múa Odissi đầu tiên tại Mỹ Sơn. “Ở Mỹ Sơn không có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, nhưng lại là nơi cả thế giới tìm đến. Vì vậy, tôi có cơ hội học hỏi thông qua những câu chuyện khi hướng dẫn du khách, đặc biệt khách là những giáo sư, nhà nghiên cứu, đoàn sinh viên các trường đại học từ muôn phương… Và cuộc gặp với ông Jitendra Nath Misra là một duyên lành như vậy” - anh Minh chia sẻ.

Đi tìm bia ký

Mười mấy năm làm việc ở Mỹ Sơn, cái được với tôi là học cách sống chậm. Giống như hành trình đưa du khách về thời vàng son, bạn có thể gói gọn những thông tin cơ bản, hoặc túc tắc trò chuyện. Bởi Mỹ Sơn như vòng tròn đồng tâm, kết nối, lan tỏa không chỉ vùng lân cận mà cả khu vực, nên phải tích cóp, học hỏi mỗi ngày” .(Đặng Văn Minh)

Sau cuộc gặp bất ngờ với ngài Jitendra Nath Misra, 4 năm sau anh Minh lại có hành trình thú vị với Tùy viên văn hóa Ấn Độ - Giáo sư thần học Shahai vào năm 2012. Lần gặp này, giáo sư Shahai nhờ anh Minh đưa đi tìm một văn bia tại Chiêm Sơn (xã Duy Sơn). Vì không có manh mối, nên cả ngày trời tìm kiếm một văn bia thất lạc quả rất khó khăn. Đến lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, sau khi lân la hỏi chuyện người dân ở gần cầu Chiêm Sơn, thì được chỉ bụi tre sát bờ sông, ngay dưới chân cầu có một văn bia. Khỏa lớp đất bụi, giáo sư Shahai vui mừng khi nhìn thấy dòng chữ (được dịch là): “Cung kính ngài Siva, tất cả phải thần phục” vẫn còn khắc rõ trên tấm bia cổ. “Qua câu chuyện này cho thấy, cái khó khi hướng dẫn du khách ở Mỹ Sơn là không chỉ nói riêng về Mỹ Sơn mà phải có bề dày hiểu biết về vùng văn hóa Chăm. Bởi nhiều phế tích vẫn còn nằm ở bán kính rộng lớn quanh khu tháp, cũng như mối liên kết của văn hóa Chămpa ở Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung” - anh Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Hường - nguyên Trưởng ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn cho hay, anh Đặng Văn Minh được phân công hướng dẫn Tùy viên văn hóa Ấn Độ Shahai khi lần đầu đến thăm Mỹ Sơn. Đó cũng là chuyến khảo sát để tiến tới hợp tác lâu dài giữa Ấn Độ và Việt Nam trong bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp Chăm tại Mỹ Sơn về sau này. “Nhiều năm qua, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá về giá trị và bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn. Đến Mỹ Sơn nếu không có hướng dẫn viên, phần lớn du khách khó có thể hiểu và cảm nhận hết vẻ đẹp di tích. Và họ đã bắc nhịp cầu cho những ai mê Mỹ Sơn, và cả những quyến luyến đủ để khách tìm đến không chỉ một lần”.

TÂY BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duyên lành nơi chân tháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO