Tháng 7.1976, tôi đi dạo trên đường Lê Lợi (Sài Gòn) tìm mua sách cũ và bất ngờ tìm thấy bản in The Prison Diary of Ho Chi Minh ấn hành tại Mỹ 5 năm trước đó.
Vài dòng về Harrison E. Salisbury
Harrison E. Salisbury, nhà báo nổi tiếng của tờ The New York Times, từng đoạt giải Pulitzer năm 1955, người đã đến nhiều nơi không thể tiếp cận nhất trên thế giới trong chiến tranh lạnh và sau này trở thành một biên tập viên hàng đầu ở Mỹ. Ông từng phụ trách công tác phóng viên trên toàn nước Mỹ giai đoạn 1962-1964, tổ chức một cuốn sách dày về gia đình Kennedy sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy. Ông cũng từng làm Trưởng đại diện của Times ở Moscow trong nhiều năm và đến Hà Nội ngay trong khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt (1967) để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nghỉ hưu năm 1973 và mất tại Mỹ trong một cơn đau tim đột ngột khi đang cùng vợ đi trên đường phố ở bang Massachusetts vào năm 1993, thọ 84 tuổi.
Salisbury là tác giả của 29 cuốn sách, trong đó có cuốn thuộc loại bán chạy (best seller): “The 900 Days: Cuộc vây hãm Leningrad” phát hành năm 1969 và “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh (7.1971). Ông cũng là biên tập viên đầu tiên của trang nổi tiếng Op-Ed tại Times. Sau đó, là một trong những Tổng biên tập của tập đoàn The Times, là người góp công duy trì và nâng cao chất lượng của sự đa dạng tin tức báo chí. Cùng với các biên tập viên khác, ông góp phần làm phong phú nhiều loại tin tức khác nhau trên thế giới liên quan đến nghệ thuật và tôn giáo, ủng hộ sự đổi mới tin tức của Times. Là một nhà báo và một tác giả, Salisbury luôn chứng tỏ sự gan dạ, dám nghĩ dám làm và không mệt mỏi. Cuốn sách sau cùng của ông, “Heroes of My Time” xuất bản đầu năm 1993 đã được Michael Janeway, hiệu trưởng trường báo chí Medill School of Journalism (Northwestern University) giới thiệu và đề nghị gọi Salisbury là một tượng đài của nhà báo thẳng thắn, can đảm, chiến sĩ đơn độc chống lại khuynh hướng chính thống (“monument to the fine perversity of the reporter in the field who deals in grit, risks life and limb and tilts against orthodoxy”).
Salisbury và Nhật ký trong tù
Khi giới thiệu “Nhật ký trong tù” với bạn đọc Bắc Mỹ, Harrison E. Salisbury cho biết: Trong những năm cuối đời, Hồ Chí Minh thường nêu câu hỏi với những người Mỹ đến thăm Hà Nội đang quan tâm về việc kết thúc cuộc chiến: “Hãy nói xem thể chế về quyền tự do có còn không? Với tôi, nó phải luôn là trên hết!”. Lúc đó, trông ông đã già yếu nhưng vẫn nhanh nhẹn trong từng bước đi. Điều đó gây ra sự ngạc nhiên với những người khách từ phương Tây tìm đến với ông. Một người phương Đông cổ kính với mái tóc lưa thưa, chòm râu bạc, trang phục kiểu Mao, quần vải lanh cũ kỹ và đôi sandal rẻ tiền, nhưng lại biết sâu sắc không chỉ về chính trị thế giới và chiến tranh hiện đại. Ông cũng am tường về các nhân vật trong lịch sử cách mạng Mỹ, từ Washington, Jefferson, Patrick Henry, Lincoln, Wilson và cả Roosevelt…
Salisbury viết tiếp: “Tôi không đánh giá quá cao sức lôi cuốn và hấp dẫn của ông Hồ đối với nước Mỹ. Đó là một người cộng sản lớn tuổi và rất nổi bật khi ông ra đi vào ngày 3.9.1969. Trong phong trào cộng sản quốc tế, cụ Hồ không bao giờ nhìn thấy bất cứ điều không tương thích nào giữa chủ nghĩa Mác-xít và những nguyên tắc, ví dụ như bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Vì vậy, trong lời mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2.9.1945 ông đã dẫn lời của bản Tuyên ngôn của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, có quyền sống, mưu cầu hạnh phúc và tự do…”. Nhiều học giả đã tranh luận sôi nổi rằng ông là người theo chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa cộng sản trước tiên. Nhưng câu trả lời hiển nhiên ở ông là cả hai. Ông là nhà dân tộc chủ nghĩa trước khi trở thành người theo chủ nghĩa cộng sản; nhưng ông trở thành người cộng sản chỉ vì ông tin rằng nó là con đường dẫn đến độc lập và tự do toàn diện cho Đông Dương…”(*).
Với độc giả Bắc Mỹ, tác giả cuốn sách cho rằng người Mỹ chỉ biết về ông Hồ trong khuôn khổ cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ tham chiến. “Ông ấy là Uncle Ho, là lãnh tụ độc nhất vô nhị và huyền bí (unique and inscrutable leader) của những người cộng sản đang sát cánh dưới chiến hào để chống lại sức mạnh kỹ thuật quân sự hùng hậu của Mỹ chưa từng thấy trong thời đại chúng ta. Sự tương phản giữa Uncle Ho và con người nhỏ nhắn của ông cùng đôi dép làm bằng lốp xe cũ, nơi làm việc khiêm tốn phía sau dinh Toàn quyền cũ ở Hà Nội, phẩm chất lịch thiệp khi ông ngồi uống trà với khách (tặng hoa hồng cho quý bà, nói chuyện vui đùa với cánh đàn ông) là những chi tiết mang đầy tính huyền thoại… “Nhưng đó không phải là chủ ý của ông Hồ, Bernard Fall, chuyên gia hàng đầu người Pháp về Việt Nam, đã một lần nhấn mạnh những chi tiết về ông Hồ trong hồi ký của mình. Ông Hồ đã lảng tránh trả lời một câu hỏi của Bernard bằng ánh mắt hóm hỉnh khi nói rằng “Anh biết đó, tôi là một ông già, rất già. Một người già thì ít muốn bộc lộ những bí ẩn của họ. Tôi muốn giữ lại cho mình một ít bí ẩn đó. Tôi chắc là anh sẽ hiểu”.
Đến hôm nay, nhiều điều của “một ít bí ẩn” đó đã rõ. Từ năm 1920 cho đến lúc qua đời, ông Hồ luôn luôn nói và viết nhiều chủ đề. Ông rời quê hương khi mới hai mươi tuổi và không trở về gần 30 năm sau đó nhưng lúc nào cũng chú tâm đến đại cuộc Việt Nam (Vietnam cause) và do vậy, như ông thường nói, không còn thời giờ để lấy vợ hay xây dựng gia đình. Vì thế đến cuối đời ông mong ước được gọi mọi người Việt đều thuộc gia đình mình. Nhưng ông Hồ không chết và không bỏ lại phía sau một câu chuyện - hơn là một câu chuyện - về một con người mạnh mẽ (nuclear man), về bản chất tinh thần của ông, về cốt lõi của triết lý đã đưa ông trở thành một nhà lãnh đạo của cách mạng và đất nước ông.
Ngay trên đầu sách, nhà xuất bản Bantam Book đã cho biết đây là tác phẩm lần đầu tiên được xuất bản ở Mỹ vào tháng 7.1971 với lời giới thiệu của Harrison E.Salisbury và lời tựa của Phan Nhuận. Toàn bộ tác phẩm bằng Anh ngữ do Aileen Palmer dịch từ tiếng Việt và Hán văn… The Prison Diary of Ho Chi Minh dày 104 trang khổ 13x19cm, phát hành đồng thời tại Canada và Mỹ, giới thiệu 115 bài thơ tứ tuyệt, giá bán lúc đó là 1,25USD, là không rẻ chút nào đối với thể loại sách “non-fiction” ở Mỹ. |
“Trong túi xách của tôi khi tôi trở về từ Hà Nội năm 1967, có một số sách in bằng giấy trắng và giấy màu cùng một tập sách giấy mỏng in ở Hà Nội. Nó có tên Prison Diary của Hồ Chí Minh mà tôi chưa hề biết trước đó. Ông Hồ từng bị bắt giam một đôi lần trong đời mình. Cuốn Nhật ký trong tù này được viết từ 28.8.1942 đến 16.9.1943, khi ông bị bắt giam ở các nhà tù phía nam Trung Quốc. Ông bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác và thường bị cùm chân, sống trong những điều kiện vô cùng khó khăn…
“Nhật ký trong tù” của ông không phải là “nhật ký” như ở phương Tây. Nó bao gồm 115 bài thơ loại 4 câu (tứ tuyệt) và thơ Đường cổ kiểu Trung Quốc. Chúng đa số được viết bằng Hán tự để không cho bọn cai ngục đọc được, vì có thể tạo ra sự giận dữ, nghi ngờ… Sau 13 tháng bị cầm tù, ông Hồ đã bị đưa qua 30 nhà lao khác nhau và có ngày bị dẫn bộ đến 25 - 30 dặm trong khi chân vẫn bị xích, đêm phải ngủ trên nền đất của nhà lao và ăn cơm nguội. Sự khác biệt trong những vần thơ của ông là ở niềm tin và sự thanh thản (faith and serenity) của tác giả khi phải đương đầu với những nghịch cảnh không thể tin được; năng lực giữ cho tâm hồn cân bằng của ông là nhìn lên bầu trời xanh, ngắm nhìn loài chim bay qua cửa, hít thở hương hoa nở trong đêm và cảnh vật của những ngọn núi mờ xa hoặc những chi tiết bình thường của những thôn dân nghèo, như người phụ nữ đang xay bột, ngọn lửa đỏ trong bếp lò, âm thanh từ cây sáo trúc của cậu bé đang thổi… Còn đây là những sắc thái ông đã bắt gặp trong đời sống lao tù: cảnh bắt rận, ghẻ lở, ăn cắp, cái đói, sự ác độc của bọn cai ngục, gông cùm, cái lạnh, thiếu tiện nghi và mùi hôi thối… Với tất cả những cái đó, đã xâm chiếm tâm hồn của một người đàn ông và được ông ghi lại trong thơ mình…
“Khi bạn đọc một bài thơ của Nhật ký trong tù lần đầu, bạn sẽ thấy rõ một nhân phẩm kết hợp giữa một tâm hồn sắt thép và sự nhạy cảm (steel and sensitivity). Nhưng ông không phải là nhà thơ trữ tình chuyên ngợi ca thiên nhiên. Ông là nhà thơ kiểu mới, ở bên ngoài sương hoa tuyết nguyệt để cho ra đời những bài thơ chứa đầy chất thép. “Nhà thơ” theo ông, cũng cần phải xung phong (also should know how to lead an attack). Và như vậy, như Hồ đã viết, khi ra khỏi chốn lao tù có thể xây dựng quê hương… Khi cửa nhà lao mở ra, con rồng thật sẽ bay lên…
Dường như với thể thơ tứ tuyệt, ông Hồ đã viết ra một loại văn bia (epitaph) cho mình, một nhà thơ với tâm hồn của một con rồng. Có lẽ điều này cũng chính là di sản của ông đã dẫn đến một thời đại cách mạng, kể cả trong nước lẫn bên ngoài. Ý chí và lòng can đảm của Con Người. Trong khi lửa đạn vẫn còn, Hồ đã nói rõ rằng: Không một sức mạnh nào có thể chiến thắng được nó!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
(*): Những đoạn trích từ cuốn sách của Harrison E.Salisbury do Trương Điện Thắng lược dịch.