Ngày càng có nhiều du khách đến miền Trung ưa thích khám phá cuộc sống, văn hóa của từng vùng, miền bằng phương tiện xe máy, và họ đã chọn những “easyrider” làm bạn đồng hành, kiêm hướng dẫn viên trong suốt hành trình rong ruổi.
“Easyrider” Andy Phạm cùng du khách trên hành trình khám phá miền núi Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Easyrider” là những người cầm lái mô tô đưa du khách tham quan các địa điểm du lịch, đi “phượt” theo một lịch trình được thiết kế và thỏa thuận trước. Với du khách, “easyrider” không đơn thuần là bạn đồng hành, mà còn kiêm hướng dẫn viên cho mỗi nơi họ đến, mỗi chặng đường đi qua và là cầu nối giao lưu với văn hóa bản địa. Các “easyrider” tại Hội An, Đà Nẵng… thường gọi vui nhóm của mình là “đội xe ôm cao cấp”, vì lúc nào các bác tài cũng rất “cá tính”, “ngầu” với phong cách nhanh nhẹn, đi mô tô khủng, máy tính xịn, thông thạo ngoại ngữ,… và gần như suốt ngày rong ruổi trên đường.
Nghề chọn người
Andy Phạm (tên thật là Phạm Hữu Hậu, quê Bắc Trà My) là người mà dân du lịch thường tìm đến khi lựa chọn tour xuyên Việt với “easyrider”. Theo Andy Phạm, những người theo nghề này tôn trọng sự độc lập, tự do, có chút ngang tàng nhưng vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc nghề nghiệp để phục vụ công việc một cách chuyên nghiệp. Yêu cầu đầu tiên của một “easyrider” chính là phải thể hiện tố chất, bản lĩnh của người dẫn đường, đảm bảo an toàn cho bạn đồng hành và cho bản thân. Khi theo đuổi nghề “easyrider”, theo Andy cần phải trang bị ngoại ngữ kỹ năng giao tiếp thông dụng, trang bị kiến thức lịch sử, du lịch, văn hóa. Đồng thời cơ hội lớn nhất mà anh và các đồng nghiệp có được từ những chuyến trải nghiệm thực tế chính là rèn những bản năng, kỹ năng sinh tồn. Từ cách phân biệt từng loại cây rừng có thể và không thể ăn, đến cách tìm lấy những ngụm nước thanh sạch giữa núi rừng, “điểm mặt” những loại côn trùng độc, đến cách xử lý những vết cắn của côn trùng, rắn rết một cách dân dã nhưng hiệu quả. Và trong suốt hành trình, bất cứ lúc nào khi sự cố xảy ra “easyrider” cũng phải biết khắc phục, như sửa chữa mô tô, tìm phương hướng nếu lạc, biết nấu ăn, dựng lều để ăn, nghỉ giữa hành trình…
“Easyrider” trở thành thợ sửa xe khi gặp sự cố trên đường. |
Anh Nguyễn Văn Bình (Cẩm Nam, Hội An) - một trong số những “easyrider” tại Hội An cho biết, “easyrider” gần như phải tự kết nối, tiếp thị mình với khách hàng. Và trong cộng đồng du khách ưa chuộng loại hình du lịch bụi như thế này sẽ truyền tai, mách cho nhau những “easyrider” kinh nghiệm, đáng tin. Phải biết tìm kiếm, lựa chọn những cung đường mới và hướng dẫn bạn đồng hành cùng khám phá cũng là một trong những thử thách mà các “easyrider” hướng đến chinh phục khách và cũng để khẳng định tên tuổi, bản lĩnh nghề của mình. Tuy hoạt động có vẻ đơn lẻ vì không phải lúc nào cũng có khách đặt tour 3 - 4 người trở lên, nhưng các “easyrider” luôn có sự kết nối, liên hệ hỗ trợ nhau trên các chặng hành trình. “Nếu lỡ gặp sự cố không xử lý được giữa đường đi, chỉ cần gọi điện, những đồng nghiệp ở địa bàn gần nhất sẽ đến hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình” - anh Bình cho biết.
Kết nối văn hóa
Khi du lịch tại Hội An, Đà Nẵng, Huế… phát triển, nhiều du khách có sở thích du lịch khám phá các tỉnh, thành, cung đường miền núi, vùng biển,… bằng mô tô hơn là ô tô hay tàu hỏa. Và đội ngũ “easyrider” cũng từ đó hình thành.
Bốn phi công Hà Lan tham gia hành trình xuyên Việt với “easyrider”. |
Andy Phạm tâm sự: “Mỗi chuyến đi tôi đều nỗ lực mang lại cho bạn đồng hành (thường là nhóm người) những trải nghiệm mới mẻ, vui vẻ, thư giãn và có nhiều thông tin về vùng đất đi qua”. Điều thú vị là nhiều du khách khi đến Việt Nam thời gian dài đã bỏ tiền ra mua hẳn chiếc xe gắn máy để được lang thang khám phá những vùng đất khác nhau cùng với các “easyrider” và họ thường tặng lại chiếc xe cho “easyrider” sau khi kết thúc hành trình. Andy Phạm khoe 4 chiếc mô tô hiện giờ của anh là bạn đồng hành tặng kèm lời nhắn nhủ “chăm sóc xe tốt để sau này sẽ quay lại cùng rong ruổi”. Andy Phạm kể, chuyến dài nhất anh đi tour cùng với khách là 16 ngày, từ TP.Hồ Chí Minh xuống miền Tây, ra Vũng Tàu, bọc về đường Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, qua các tỉnh Tây Nguyên rồi dừng lại ở Hội An. Đó là chuyến đi cực kỳ thú vị với 4 chàng phi công trẻ người Hà Lan. Mỗi người một mô tô rong ruổi bên nhau và cũng từ chuyến đi này, Andy Phạm nhận ra, những người như anh sẽ là cầu nối góp phần kết nối nét đẹp Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Cũng từ đó mà anh thêm yêu quý, tự hào với nghề nghiệp của mình. Theo Andy Phạm, thường hành trình tour “easyrider” kéo dài 3 - 4 ngày trở lên nên giữa du khách và người dẫn đường tự nhiên sẽ xuất hiện tình cảm gắn bó với nhau. Hơn nữa, trên hành trình thường sẽ có nhiều biến cố buồn vui, hồi hộp, cùng ăn uống nghỉ ngơi… nên giữa hai bên sẽ là những người bạn đường chứ không phải là quan hệ người mua kẻ bán.
Nữ “easyrider” Thu Vân quê tận Cần Thơ, nhưng chị đã chọn Hội An làm điểm dừng chân và trở thành hướng dẫn viên tự do. Do đam mê những cung đường xuyên Việt nên Thu Vân kiêm luôn vai trò “easyrider” mỗi khi khách thích du lịch theo kiểu “phượt”, khám phá. Thu Vân tâm sự: “Trước mỗi chuyến đi, các “easyrider” phải nghiên cứu lịch trình, thông tin, cập nhật kiến thức lịch sử, văn hóa sẽ qua và sẽ đến. Đồng thời hướng dẫn cho du khách những kỹ năng, kiến thức, quy định về Luật Đường bộ Việt Nam, kể cả những thói quen của người dân địa phương khi tham gia giao thông, cách ứng xử trước các tình huống gặp phải trên đường… để hạn chế rủi ro. Thế nhưng vẫn có nhiều tình huống hài hước, lẫn nguy hiểm đòi hỏi “easyrider” phải bình tĩnh xử lý”. Theo Thu Vân, một trong những yêu cầu “easyrider” phải rèn luyện chính là bản lĩnh, khả năng xử lý tình huống, nói theo ngôn ngữ của dân trong nghề là phải “gan và lỳ”. Có khách đi tour xuyên Việt, xe chạy đường dài nên không thể tránh khỏi những tình huống nguy hiểm như mưa tắc đường, sạt lở núi, khách đòi chạy xe nhưng tay lái không vững… Trong bất cứ tình huống nào, điều quan trọng nhất là phải đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng và tài sản của khách trên hết. Đi với nhiều đối tượng khách, có khi bản thân các “easyrider” nếu không khéo léo cũng sẽ rơi vào những tình huống “dở khóc dở cười” khi khách nảy sinh tình cảm luyến ái. Vì rong ruổi dài ngày, gặp nhiều đối tượng khách, nên các “easyrider” rất giỏi chiều ý khách và biết rõ đặc trưng của du khách quốc tịch khác nhau. Chẳng hạn như khách Đức thường kỹ tính về chỗ ăn ở; khách Hà Lan thích ngắm cảnh đồi núi, ăn các món dân dã kiểu thôn quê; khách Úc, Mỹ thì dễ tính, ưa khám phá, mạo hiểm…
KHA THỊNH