Việc ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm Ebola mới tại Tây Phi khiến cuộc chiến dập tắt dịch bệnh Ebola của toàn cầu cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa.
Trong thông điệp gửi đi vào cuối năm 2014, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon hy vọng rằng, với sự tăng tốc của thế giới trong việc phản ứng có hiệu quả với dịch bệnh Ebola thì đến giữa năm hoặc cuối năm 2015, Ebola sẽ bị dập tắt.
Vắc xin đầu tiên phòng Ebola đang được thử nghiệm tại Tây Phi. (Nguồn ảnh: Japantimes) |
Căn bệnh chết người hoành hành tại Tây Phi từ tháng 3.2014 đến nay đã làm khoảng 9.000 người tử vong, hơn 22 nghìn người bị nhiễm. Cuộc chiến với Ebola trong thời gian qua đem lại nhiều khả quan khi một số nước trong khu vực công bố đã chấm dứt được dịch bệnh, không phát hiện ca lây nhiễm mới. Sau Senegal, Nigeria, Congo, vào ngày 18.1 vừa qua, Mali - quốc gia Tây Phi này đã tuyên bố thoát dịch.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông báo lo ngại khi số ca lây nhiễm Ebola mới đã tăng trở lại từ tuần cuối của tháng 1.2015 tại 3 nước vẫn còn bệnh dịch rất nghiêm trọng. Cụ thể là thêm 80 ca lây nhiễm mới ở Sierra Leone, 39 ca ở Guinea và 5 ca ở Liberia. WHO khuyến cáo các nước trong khu vực cùng cộng đồng quốc tế phải khẩn cấp hành động trước khi mùa mưa bắt đầu ở Tây Phi vào tháng 4 tới, vì việc tiếp cận với những vùng sâu vùng xa ở đây hết sức khó khăn và phức tạp. Các chuyên gia y tế giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng trở lại số ca nhiễm Ebola mới là do nhiều địa phương bắt đầu chủ quan, chưa thật sự kiểm soát vấn đề vệ sinh và sự lây nhiễm Ebola sau khi không phát hiện ca nhiễm mới trong nhiều tuần trước đó. Hơn nữa, việc chôn cất những ca tử vong Ebola ở một số nơi do người dân tự chôn cất, thay vì tuân thủ đúng quy trình là do các nhân viên được trang bị bảo hộ y tế đầy đủ. Nhiều người thân khi tham gia chôn cất đã tiếp xúc trực tiếp với ca tử vong.
Tiến sĩ David Nabarro, đặc phái viên của LHQ về Ebola nói, việc số ca nhiễm Ebola quay trở lại buộc chúng ta phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nỗ lực như trong thời gian qua của nhiều cộng đồng đã đem lại rất nhiều tiến bộ, nếu cố gắng hơn nữa, chúng ta có thể dập tắt được đại dịch này.
Một cuộc thử nghiệm hai loại vắc xin phòng bệnh Ebola, do các nhà khoa học Mỹ và Canada bào chế, trên quy mô lớn vừa mới được bắt đầu cách đây vài ngày tại Tây Phi. Các vắcxin này đã được thử nghiệm thành công tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, được khẳng định là an toàn đối với người tiêm vắc xin. Theo kế hoạch, mỗi ngày sẽ có 12 tình nguyện viên (khỏe mạnh) được tiêm vắc xin cAd3-EBOZ và VSV-ZEBOV tại trung tâm thử nghiệm vắc xin ở thủ đô Monrovia của Liberia. Dự kiến cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài đến tháng 6.2016, thu hút sự tham gia của 27 nghìn tình nguyện viên khỏe mạnh, trong đó có những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế, những người chôn cất Ebola, những người sống trong ổ dịch… từ 18 tuổi trở lên.
QUỐC HƯNG