EC phạt "thẻ vàng" thủy sản Việt Nam thêm 6 tháng: Nhiều điểm yếu cần khắc phục

VIỆT NGUYỄN 05/07/2018 09:33

Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định kéo dài thời gian phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam thêm 6 tháng, sau chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế hồi cuối tháng 5. Ngành thủy sản còn quá nhiều việc phải làm để EC có thể gỡ thẻ trong 6 tháng tới.

Quảng Nam chưa xác nhận nguồn gốc hải sản ngư dân khai thác được. Ảnh: V.NGUYỄN
Quảng Nam chưa xác nhận nguồn gốc hải sản ngư dân khai thác được. Ảnh: V.NGUYỄN

Vẫn còn nhiều hạn chế

Bộ NN&PTNT vừa gửi văn bản đến các địa phương có nghề cá trong cả nước yêu cầu khẩn trương thực hiện hiệu quả khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - cho biết, trong các ngày 16 - 24.5, đoàn thanh tra của EC đã sang làm việc với Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng IV, Chi cục Thú y vùng VI; kiểm tra thực địa, làm việc với các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật nghề cá 2 tỉnh Bình Định, Kiên Giang và các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Kết thúc chuyến làm việc, đoàn công tác đã có thông báo kết quả kiểm tra. Theo đó, EC ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc cải thiện thực hiện IUU, đặc biệt là hoàn thiện Luật Thủy sản có nhiều nội dung phù hợp với khuyến nghị của EC.

Tuy nhiên đoàn thanh tra của EC cho rằng, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp theo IUU tại các địa phương có nghề cá của Việt Nam vẫn còn yếu. Các địa phương chưa chỉ đạo sát sao cơ quan chuyên môn trong việc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu.

Tàu cá của Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản vẫn còn nhiều và diễn biến phức tạp; trong khi đó, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sức răn đe, chưa tương xứng với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Sau khi có báo cáo kết quả của đoàn thanh tra, EC đã gia hạn thêm 6 tháng để Việt Nam thực hiện tốt hơn các khuyến nghị về khai thác hải sản.

Theo đó, đến tháng 1.2019, đoàn thanh tra của EC sẽ trở lại Việt Nam kiểm tra và sẽ ra quyết định gỡ “thẻ vàng” hay phạt “thẻ đỏ” đối với hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Trước những vấn đề EC đưa ra, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương có nghề cá của cả nước cần nghiêm túc khắc phục tồn tại, thiếu sót, bất cập trong thời gian qua.

Trong đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nghề cá, tạo chuyển biến thật sự trong toàn hệ thống quản lý nghề cá. Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo toàn thể ngư dân, cán bộ phụ trách, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, thu mua, vận chuyển, chế biến hải sản nắm rõ các thông tin về việc cảnh báo “thẻ vàng” thêm 6 tháng của EC.

Trong 6 tháng cuối năm, các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực tăng cường kiểm soát tàu cá khi xuất bến, tàu cá tại cảng. Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển phải rút giấy phép khai thác hải sản, không cấp giấy phép mới khi phát hiện tàu cá của ngư dân nước ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản…

Quảng Nam cùng vào cuộc

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành thủy sản Quảng Nam sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Thuận lợi của Quảng Nam là toàn tỉnh không có tàu cá khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển nước bạn. Tuy nhiên, Quảng Nam có không ít ngư dân tham gia sản xuất trái phép tại vùng biển nước ngoài khi đi “bạn” cho các chủ tàu cá của Quảng Ngãi, Bình Định.

Theo ngành chức năng, tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân còn hạn chế; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng là thủy sản, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư với chính quyền 6 địa phương có nghề cá chưa đồng bộ dẫn đến điều tra, xác minh, thu thập thông tin phục vụ đấu tranh, xử lý ngư dân cố ý vi phạm vùng biển nước ngoài còn thiếu quyết liệt.

Bởi vậy, từ nay cho đến cuối năm, các ngành chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nghề cá tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân hơn, nội dung tuyên truyền sát thực hơn, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là ngư dân hay sản xuất xa bờ.

Hạn chế lớn nhất của Quảng Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC là chưa xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác vào thời điểm này.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, bất cập trong công tác xác nhận nguồn gốc xuất xứ của hải sản khai thác là hiện nay các cảng cá do Nhà nước đầu tư thiếu đồng bộ, dịch vụ đi kèm hạn chế nên số tàu cập cảng, vận chuyển hải sản chiếm tỷ lệ rất ít. Trong khi đó, phần lớn tàu cập các cầu cảng của tư nhân có nhiều dịch vụ đi kèm; mặt khác một số tàu cá thực hiện bán hải sản trên biển, nên không thể kiểm soát được.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, sẽ tham mưu Sở NN&PTNT thành lập các tổ xác nhận nguồn gốc xuất xứ hải sản khai thác ở tất cả khu vực có tàu cá cập bờ bán hải sản trên địa bàn tỉnh để phối hợp chặt chẽ với đơn vị thu mua hải sản thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản.

“Mọi chủ tàu cá khi bán hải sản đều phải chứng minh nguồn gốc khai thác. Sau khi tổ xác nhận nguồn gốc hải sản làm việc, chúng tôi sẽ chứng nhận nguồn gốc hải sản giúp cho việc chế biến hải sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu được thông suốt hơn sau khi đáp ứng các tiêu chí của EC” - bà Tâm nói.

Vấn đề lớn nhất của Quảng Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC là có nhiều tàu cá sản xuất xa bờ chưa trang bị thiết bị giám sát tàu cá.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho hay, hiện tại Quảng Nam mới chỉ có quy định tàu cá được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản xuất trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa phải có thiết bị giám sát tàu cá; các tàu cá khác không nhất thiết phải có thiết bị giám sát tàu cá.

“Thực hiện khuyến cáo của EC cũng như triển khai Luật Thủy sản có hiệu lực vào ngày 1.1.2019, chúng tôi sẽ tập hợp chủ tàu sản xuất xa bờ, thông báo thông tin và yêu cầu tất cả phải đầu tư thiết bị giám sát tàu cá. Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt máy này nên ngư dân có thể dễ dàng thực hiện từ nay đến cuối năm” - ông Toàn nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
EC phạt "thẻ vàng" thủy sản Việt Nam thêm 6 tháng: Nhiều điểm yếu cần khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO