Một người 78 tuổi, mắt mờ, lưng còng nuôi một người 82 tuổi mù lòa, nằm liệt giường. Hai chị em sống tựa vào nhau.
Hôm chúng tôi đến thôn Khánh Thọ, xã Tam Thái (Phú Ninh), trong nhà chỉ có người chị là cụ Khưu Thị Mỹ (82 tuổi), đang nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp. Nghe có bước chân người, cụ Mỹ tưởng em gái nên cố nói thật to: “Đói quá, có gì ăn không, sáng giờ tui đói bụng, sắp lủi rồi”. Một người bạn đi cùng tôi mua một bát cháo về đút cho cụ. Tự nhiên nước mắt chúng tôi chảy dài. Có lẽ đối với một người già tật nguyền và cô đơn như cụ Mỹ thì một tô cháo nóng cùng sự quan tâm đã là điều hạnh phúc.
Gia tài của chị
Em gái đút cơm cho chị. |
Xế chiều, cụ Khưu Thị Đắt (78 tuổi, em gái cụ Mỹ) đi làm về, ống quần chân thấp chân cao, lom khom bước vào nhà, trên tay cầm một củ sắn. Cụ Đắt nói như phân bua: “Lâu ni bị đau nên tui không đi hái rau được, bữa ni mới được hàng xóm cho củ sắn, rứa là tối ni hai chị em tui khỏi phải ăn cơm với muối rồi”.
Trong căn nhà của hai chị em, gia tài duy nhất là bằng chứng nhận “Huy chương Kháng chiến” của cụ Khưu Thị Mỹ. Còn tất cả mọi vật dụng khác đều chẳng có gì đáng giá. Cụ Đắt kể, ngày nhỏ mắt cụ Mỹ đã bị mờ, lúc thấy lúc không. “Từ khi tham gia cách mạng về, đôi mắt chị ấy bị mù luôn” - cụ Đắt nói. Còn theo lời một người hàng xóm, thời con gái cụ Đắt được nhiều người theo đuổi và cũng có ý định kết duyên với một người cùng làng, nhưng rồi nhìn chị bệnh tật không ai chăm sóc, cụ lại quyết định không lập gia đình mà ở vậy nuôi chị.
Khi chúng tôi hỏi thăm, cụ Đắt thật thà chia sẻ: “Chừ cực thật, nhưng cũng không khổ bằng hồi chiến tranh mô! Hồi đó chị Mỹ bị mù, nhiều lần tui phải cõng bả chạy bộ hàng chục cây số để tránh bom đạn, có khi đói bụng phải bứt cả lá cây mà ăn chứ làm gì có cơm ăn sướng như chừ!”. Rồi cụ Đắt kể về những năm tháng tuổi xuân của hai chị em, về “gia tài” của người chị gái. Chỉ có tấm bằng “Huy chương Kháng chiến” được Nhà nước trao tặng. Còn chúng tôi nghĩ, “gia tài” của cụ Mỹ bây giờ là người em gái đã già yếu vẫn hằng ngày đi hái rau, nấu cơm nuôi chị.
Mơ ước tuổi già
Trời chạng vạng tối, trong căn nhà ẩm thấp, mâm cơm được dọn ra với chỉ đúng một bát cơm với ít sắn luộc. Em đút cơm cho chị. Chị nói sắn thơm và nóng. Nước mắt người già không còn để chảy ra. |
Trong câu chuyện, thỉnh thoảng cụ Đắt lại than thở: “Trời không thương người nghèo”. Bởi cụ Mỹ đã mù lòa, trong một lần bị té, cụ bị gãy chân cùng căn bệnh tai biến, cụ nằm liệt giường suốt mấy chục năm nay. Vết thương ở chân lúc trái gió trở trời lại đau nhức. Nghe chị rên rỉ vì đau, cụ Đắt chỉ biết thở dài. Hằng ngày, ngoài chăm sóc cho chị, cứ hễ có thời gian rảnh là cụ lại lặn lội khắp nơi nhặt nhạnh từng lon bia, chai nước hay lên núi hái rau, lượm củi mong sao đổi gạo cho hai chị em …
Thời gian gần đây, do tuổi cao, sức yếu, lại mang trong mình nhiều căn bệnh tuổi già nên cụ Đắt không thể lao động được nữa. Hiện tại, cuộc sống của hai con người khốn khổ này chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp người già và bệnh tật hằng tháng. Nhưng số tiền ít ỏi đó cũng chẳng đủ để mua thuốc giảm đau cho cái chân sưng vù của cụ Mỹ mỗi khi “trái gió trở trời”. Bởi vậy, khi chúng tôi hỏi cụ có mơ ước gì không, cụ thật thà: “Chừ tôi chỉ ước hằng ngày có cơm ăn no, lâu lâu có được ít thịt để chị Mỹ “tẩm bổ” và có tiền mua thuốc giảm đau thường xuyên cho cái chân ngày càng teo tóp của chị là tốt lắm rồi”.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ Phòng Công tác xã hội Báo Quảng Nam, địa chỉ: 142 Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, điện thoại: 05103.810.524; hoặc gửi theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Quảng Nam; số tài khoản: 4200211000646 - Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Quảng Nam. Nội dung ghi: (cụ thể tên bài viết và nhân vật được phản ánh). |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: “Bà Khưu Thị Mỹ có công với cách mạng được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến. Nhưng nay bà phải nằm liệt giường và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, bà thuộc diện hộ nghèo neo đơn của xã. Trong thời gian qua, mặc dù địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện về mọi mặt nhưng cũng không giảm bớt được khó khăn cho gia đình bà. Rất mong các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ để hai cụ vượt qua những khó khăn trong thời gian đến”.
Rời khỏi thôn Khánh Thọ trong cơn mưa phùn buốt giá, lòng chúng tôi trĩu nặng. Hình ảnh hai chị em cụ Đắt “người yếu nuôi người mù” cùng nồi cơm lẫn sắn cứ không thể tan đi.
KHƯƠNG MỸ