Em khóc xíu được không mọi người...

HOÀNG VĂN MINH 02/08/2020 06:36

“Em khóc xíu được không mọi người, vì thực sự em rất mệt. Em không biết sẽ gồng được bao lâu...”. Lời chia sẻ của điều dưỡng Thái Thị Thu Hà - công tác tại Phòng khám Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng - một trong hàng ngàn người vừa cách ly vừa thực hiện công tác phòng chống dịch trong bệnh viện mấy hôm nay khiến bạn đọc muốn khóc trước.

 

Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ lây dịch

Đã hai ngày rồi, ông Hải, một người dân sống ở đường Tú Mỡ, thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) luôn khẩu trang kín mít và không dám ra khỏi nhà nửa bước vì “bây giờ nhìn đâu, gặp ai cũng thấy nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19”.

Nỗi sợ hãi đối với dịch Covid-19 của ông Hải không còn là bóng ma như người ta ví von mà đã trở thành điều gì đó hiện hữu, tưởng có thể sờ nắn được. Nhất là thông tin mới nhất cho biết, trong số 8 ca dương tính vừa công bố ngày 29.8, có một ca là nữ công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh đang thuê nhà trọ ở ngay đường Tú Mỡ. “Dịch đã đến sát bên nách rồi” - ông Hải nhại lại cảm giác rùng mình kinh hãi khi trò chuyện với tôi từ xa qua bờ rào.

Những ánh mắt lạc quan của bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng.
Những ánh mắt lạc quan của bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng.

Ông Hải lo lắng không thừa bởi khác với đầu năm, đợt dịch lần này ở Đà Nẵng nguy hiểm hơn rất nhiều do đến thời điểm này vẫn chưa truy dấu được ai là F0 của bệnh nhân 416 – bệnh nhân đầu tiên dương tính với Covid-19. Và đáng nói là số ca dương tính đã tăng lên từng ngày.

Cho đến sáng ngày 30.7, Đà Nẵng có 34 ca dương tính đang điều trị và từ “nguồn” Đà Nẵng, số ca dương tính đã lan ra Quảng Nam, Hà Nội, Đăk Lăk… Nguy hiểm hơn, số ca nhiễm tại Đà Nẵng phân bố toàn thành phố, những điểm họ tới lui nhiều đến mức đọc bở hơi tai khiến chính quyền phải cho phong tỏa một lúc 3 bệnh viện là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng cũng như giãn cách ở mức độ cao nhất theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở tất cả 6 quận và huyện Hòa Vang. Và tất nhiên, câu trả lời cho câu hỏi liệu số ca nhiễm ở Đà Nẵng đã dừng lại hay chưa, cho đến thời điểm này vẫn còn mờ mịt như việc truy dấu F0 của bệnh nhân 416…

“Em khóc tí được không mọi người”, đó còn là cảm giác chung của nhiều người dân Đà Nẵng khi lần đầu tiên họ cảm nhận rõ ràng nhất như thế nào là sự kỳ thị đến từ người khác khi cô Thúy nào đó trên mạng làm một loạt clip từ chối bắt tay, xua đuổi một cô gái khi nghe giới thiệu “em đến từ Đà Nẵng” cùng hành động lau chùi, xịt khuẩn căn phòng.

Tệ hại hơn, một cô gái khác, đang sinh sống ở Đăk Lăk đăng trên Facebook cá nhân đòi… thiêu sống toàn bộ người dân Đà Nẵng để ngăn ngừa bệnh dịch. Nhẹ nhàng và chính đáng hơn, nhưng vẫn gây cho tôi cảm giác buồn tủi và muốn khóc khi chuẩn bị về Huế - về nhà thì nhận được tin người đứng đầu của “Huế mình” phát văn bản thông báo những công dân từ Đà Nẵng muốn vào Huế phải được sự “cấp phép” của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Phút nghỉ ngơi của một bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng.
Phút nghỉ ngơi của một bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng.

Muốn khóc, là khi tôi đọc những lời tâm sự của chị điều dưỡng Thái Thị Thu Hà trên Facebook cá nhân: “Nhóm chúng tôi cũng có người dương tính, nhận được kết quả phải cách ly đến nơi khác. Lòng lo lắng cho mình không bao nhiêu nhưng lại lo cho ba mẹ và những người tiếp xúc với mình rằng họ có sao không, có bị lây nhiễm bởi mình không? Rồi hàng xóm ánh mắt kỳ thị, lo lắng bởi họ tiếp xúc với mình. Vì thế mọi người ơi, đừng xa lánh chúng tôi chỉ vì chúng tôi là nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Chúng tôi cũng vì người bệnh, vì tất cả mọi người mà bỏ gia đình đến bệnh viện cách ly và chống dịch. Chúng tôi ở đây có gì xài nấy. Có người nằm trên chiếc giường nhỏ chỉ đủ vừa tấm lưng, chỉ cần nghiêng qua là rớt xuống đất. Tiếng muỗi vo ve bay trong đêm... Vì thế mọi người hãy vì chúng tôi mà ở yên trong nhà. Thương lắm đồng nghiệp của tôi khi nói: “Em khóc xíu được không mọi người, vì thực sự em rất mệt. Em không biết sẽ gồng được bao lâu...”.

Vòi sen thay bằng vòi xịt bồn cầu

Bác sĩ Nguyễn Minh Hải, công tác ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện C Đà Nẵng là một trong số ít bác sĩ “may mắn” không bị cách ly trong bệnh viện vì “khi bệnh nhân 416 đến khám, em đã hết ca trực về nhà”. Bác sĩ Hải là F2 của bệnh nhân 418, đang cách ly tại nhà, nói “ngoài này chúng ta lo lắng, bất tiện, khổ cực vì sợ dịch, vì giãn cách xã hội một thì các đồng nghiệp của chúng tôi ở trong bệnh viện lo lắng, bất tiện, khổ cực đến mười, đến một trăm”.

Giờ hãy nghe tâm sự của điều dưỡng Thái Thị Thu Hà: “Đêm đầu tiên cách ly có những người mẹ đã khóc vì nhớ con. Bầu sữa cương cứng vì không được cho con bú. Con thì nhớ mẹ gọi điện thoại liên tục. Có những cặp vợ chồng công tác cùng bệnh viện, phải gửi con cho nội ngoại. Có những bà bầu không ngủ được vì nghén, bụng to, đi không nổi. Mọi thứ thật khó khăn nhưng chúng tôi đồng lòng vì đại dịch...”.

“...Giờ thì bộ đồ màu xanh khiến chúng tôi không còn nhận ra nhau nữa rồi. Bình thường gặp nhau sẽ tụm 3 tụm 7 nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời “kiểu như gặp miết nhưng vẫn không hết chuyện để nói” thì bây giờ thấy nhau phải lầm lũi bước đi như những cái bóng vô định. Thường ngày chúng tôi bắt đầu ngày làm việc bằng ly cà phê  buổi sáng, kể về ca trực ngày hôm qua người bệnh trở nặng cấp cứu, người bệnh suy hô hấp, người bệnh không chịu hợp tác, người bệnh đến khám bệnh khó tính, người nhà đó thế này thế kia... Thì bây giờ là chúng tôi lại bàn về “ui hôm nay có ca người bệnh đó dương tính; ê xem thử ca đó mình có tiếp xúc không? Ca đó nằm giường số mấy, có bao nhiêu người nhà chăm... Chủ đề của chúng tôi đã thay đổi về người bệnh và thay ly cà phê buổi sáng vui vẻ bằng những giọt mồ hôi và nước mắt lo lắng vì chỉ mong ngày mới không còn người bệnh nào dương tính nữa...” - chị Hà chia sẻ.

Và làm sao không muốn khóc cho được khi nghe chị Hà nói: “Chúng tôi thèm lắm bữa canh nóng, cá kho, thịt luộc... Được ngồi với người thân trong gia đình nói về chuyện công việc, bạn bè, cuộc sống... Thèm lắm cảm giác về nhà vô phòng tắm rộng thênh thang mở vòi sen tắm phát mát lạnh (vì ở bệnh viện không có nhà tắm, chỉ có nhà vệ sinh, vòi sen thay bằng vòi xịt bồn cầu). Thèm lắm chiếc giường rộng có đủ gối và mền cho giấc ngủ được ngon giấc (ở bệnh viện không đủ chăn mền gối và giường, mỗi người tự tìm cho mình một góc để ngả lưng sau giờ chống dịch). Thèm lắm cái ôm của người chồng, người con sau giờ tan ca, chỉ cần thủ thỉ con nhớ mẹ nhớ ba thì mọi buồn phiền tan biến (bây giờ phải gọi online để thấy mặt nhau, nỗi nhớ chỉ thể hiện qua ánh mắt chứ không được ôm nhau) và nước mắt cứ thế lại rơi. Sáng dậy thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng mắt, tôi hỏi cô ấy nói: “đêm qua ngủ dưới đất con gì cắn sưng mắt” nhưng tôi biết đêm qua cô ấy nhớ con khóc liên tục vì tôi đã từng trải qua nên tôi hiểu”.

Chị Hà bảo: “Mấy ngày nay mọi người nhắn tin hỏi liên tục rằng ở bệnh viện chúng tôi cần gì, muốn gì mọi người sẽ giúp. Dạ, chúng tôi cần sự động viên của mọi người rất nhiều, bên cạnh đó nhu yếu phẩm được mọi người cho rất nhiều như sữa, nước, bánh, đồ hộp... nhưng hiện tại trong bệnh viện đa số là chị em phụ nữ vì vậy nhu cầu cá nhân cũng rất là nhiều như: Giấy vệ sinh, quần lót vệ sinh, băng vệ sinh... Chăn mền, chiếu, gối, dầu gội, dầu xả, xà phòng giặt, máy sấy tóc, bông ngoáy tai, bao bọc điện thoại, móc treo đồ, kem đánh răng, bàn chải đánh răng... Ví dụ nhân viên khoa hồi sức mặc đồ bảo hộ liên tục và áo quần ướt hết, mỗi lần thay đồ phải tắm liên tục. Bước vào cuộc chiến chống dịch không được chuẩn bị sẵn nên rất cần những đồ dùng cá nhân. Vì vậy mong bạn bè của mình ai có thể giúp được xin liên hệ mình để có thể giúp cái cần thiết đến cho người cần dùng”.

“Khi cho đi là còn mãi, mọi người chung sức chúng tôi đồng lòng thì mọi khó khăn chỉ là thời gian thôi. Hãy làm cho thành phố chúng ta đáng sống hơn nữa, hãy chứng minh để mọi người thấy dịch không làm quật ngã ý chí của toàn dân....” - chị Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Em khóc xíu được không mọi người...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO