[eMagazine] - Bà Hai Cúc tìm mộ liệt sĩ

MỸ LINH - HỒ QUÂN 25/07/2023 16:12

(QNO) - Thương đồng chí, đồng đội còn nằm lại nơi núi rừng lặng lẽ, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã kém nhưng với nghĩa cử và trách nhiệm với những người đã ngã xuống cho quê hương đất nước, nữ cựu chiến binh Đặng Thị Cúc (xã Tam Sơn, Núi Thành) vẫn lặn lội nơi rừng sâu núi cao, lặng thầm giúp đỡ các thân nhân liệt sĩ tìm kiếm hài cốt, đưa các anh về với quê hương, người thân. 

 
 

Bà Hai là cái tên thân thương mà người dân xã Tam Sơn (Núi Thành) hay gọi bà Đặng Thị Cúc - một “nhân chứng sống” của những sự kiện lịch sử ở xã miền núi này trong những năm chống Mỹ. Ở tuổi 72, tóc điểm bạc, sức khỏe giảm sút, nhưng khi ai hỏi về trận đánh, địa danh lịch sử hay thông tin chiến sĩ hy sinh, mắt Bà Hai sáng trưng, kể lại làu làu.

Bà kể, năm 1967, khi chiến tranh diễn ra ác liệt ở vùng Nam Tam Kỳ, bà khi ấy mới 15 tuổi, xung phong đi bộ đội và được biên chế về Bệnh xá tỉnh (CK150 - đóng trên địa bàn Núi Thành) đảm nhận việc tiếp phẩm, phục vụ thương binh.

“Ngày trước xã Kỳ Yên (nay là Tam Sơn) là căn cứ địa cách mạng, các Trung đoàn 402, 406, 409 đóng quân tại đây. Ban ngày chiến đấu, ai bị thương thì chuyển về CK150 chữa trị. Tham gia công tác trên chiến trường và phục vụ thương binh hằng ngày nên tôi biết rõ tình hình chiến trận mỗi ngày, lực lượng nào tham gia chiến đấu, ai bị thương, ai hy sinh…” - bà Cúc nói.

Bà Đặng Thị Cúc lặng thầm hỗ trợ các gia đình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Q.L
Bà Đặng Thị Cúc lặng thầm hỗ trợ các gia đình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Q.L

Sau năm 1973, bà điều chuyển công tác về Phòng Hậu cần (thuộc Tỉnh đội Quảng Nam) và được tạo điều kiện đi học bổ túc. Đến 1978, bà là một trong các cán bộ tăng cường lên tỉnh Gia Lai - Kon Tum, công tác tại văn phòng Ty Thương nghiệp tỉnh.

Chồng bà qua đời, năm 1989, bà xin về hưu để giành thời gian chăm sóc con cái và tham gia công tác cựu chiến binh ở xã Tam Sơn. Năm 2006, bà được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Sơn. Từ đây, bà bắt đầu dồn tâm sức vào việc hỗ trợ thân nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

“Sau năm 1975, xã bắt đầu quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang. Từ 2006, nhiều thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc lần theo thông tin để lại, tìm về xã Tam Sơn để được hỗ trợ tìm kiếm. Hội Cựu chiến binh xã và các lực lượng chức năng được phân công đảm trách nhiệm vụ này. Và những “dữ liệu” của tôi về mảnh đất Tam Sơn trong những năm chống Mỹ đã giúp ích rất nhiều cho việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ” - bà Cúc cho biết.

Xã Tam Sơn là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Q.L
Xã Tam Sơn là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Q.L
 

Bất kỳ ai tìm đến, mong được hỗ trợ thông tin liệt sĩ, bà Cúc liền giúp đỡ. Thông tin nào biết, bà phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện Núi Thành và  cán bộ của xã rà soát, đối chiếu để xác định vị trí chiến sĩ hy sinh, an táng. Với trường hợp liệt sĩ chưa được quy tập vào nghĩa trang, bà dựa vào trí nhớ của mình rồi dò hỏi những người từng tham gia chiến đấu ở chiến trường này để xác minh, củng cố.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Sơn - nơi bà Cúc cùng các ban ngành, đoàn thể quy tập nhiều hài cốt liệt sỹ về an táng cẩn thận. Ảnh: Q.L
Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Sơn - nơi bà Cúc cùng các ban ngành, đoàn thể quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ về an táng cẩn thận. Ảnh: Q.L

Xác định địa điểm khu vực chiến sĩ ta chiến đấu, hy sinh, bà cùng thân nhân và các lực lượng địa phương lên đường tìm kiếm. Dù tuổi cao, gầy gò ốm yếu nhưng sức bền lội suối, trèo đèo, ăn, ngủ ở rừng, ở núi của ba Hai Cúc thì ai cũng phải nể phục. Bà nói, việc tìm kiếm, quy tập mô liệt sĩ không hề dễ dàng. Ngày trước, chiến sự cấp bách, anh em chiến sĩ hy sinh thường chôn cất sơ sài. Giờ đã qua mấy chục năm, địa hình, mốc dấu thay đổi, chưa kể, mưa bão tạo dòng chảy xói lở, người dân phát dọn trồng keo, động vật cày xới… Nhiều trường hợp đã xác định vị trí chôn cất nhưng mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mới tìm kiếm được.

“Chiến tranh qua đi, ai cũng muốn tìm kiếm hài cốt thân nhân mình đưa về quê an táng, hương khói. Song do điều kiện kinh tế khó khăn, nên cả mấy mươi năm sau, nhiều gia đình mới đủ điều kiện vào đây tìm kiếm thông tin. Biết họ khó khăn, nhận hỗ trợ trường hợp nào, tôi ngỏ ý đưa họ về nhà, lo chỗ ở, ăn uống trong suốt thời gian đi tìm mộ liệt sĩ. Có đoàn cả chục người cùng lúc song tôi không thấy thiệt thòi gì về mình mà nhiệt tình giúp sức bởi tôi hiểu được mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ. Với tôi, tìm thấy hài cốt liệt sĩ, thân nhân yên lòng là hạnh phúc lắm rồi” - bà Cúc chia sẻ.

Bà Hai Cúc và những chuyến đi đầy khó khăn, vất vả để tìm kiếm mộ hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Tư liệu xã Tam Sơn
Bà Hai Cúc và những chuyến đi đầy khó khăn, vất vả để tìm kiếm mộ hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Tư liệu xã Tam Sơn

Từ năm 2005 - 2023, bà Cúc tham gia cùng Ban chỉ huy Quân sự huyện Núi Thành và lực lượng chức năng xã Tam Sơn, các thân nhân liệt sĩ và người dân địa phương tìm được 21 phần mộ liệt sĩ, trong đó quy tập 9 phần mộ liệt sĩ đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Sơn, 12 phần mộ được bà Cúc và thân nhân tìm kiếm, đưa về nghĩa trang quê hương liệt sĩ.

Hiện nay, bà cùng với chính quyền địa phương vẫn đang tích cực hỗ trợ tìm kiếm 7 phần mộ liệt sĩ.

Hình ảnh tư liệu về các mộ liệt sĩ được tìm thấy và đưa về quê hương. Ảnh: Gia đình liệt sĩ
Hình ảnh tư liệu về các mộ liệt sĩ được tìm thấy và đưa về quê hương. Ảnh: Gia đình liệt sĩ

 

Hơn 15 năm qua, qua cả trăm chuyến đi tìm kiếm, nhưng chuyến nào bà Cúc cũng nhớ như in. Bà kể, những năm 2006, đường sá ở Tam Sơn còn rất khó khăn, quá trình tìm kiếm phần lớn đều lội bộ. Người nào cũng gói theo gạo, mắm, muối, xoong nồi và võng để ở lại rừng tìm kiếm dài ngày. Có những chuyến lên tận nóc Ông Hồng, Ông Bền, Ông Nguyên hay đèo Ba Ví, đèo Thầu Đâu… xa lắc, cách trở. Có những chuyến đi thành công, nhưng cũng không ít lần thất bại. Song đôi chân bà Cúc không mỏi, lòng không nản, hễ có thân nhân liệt sĩ đến nhờ giúp đỡ tìm mộ thì bà chẳng từ nan.

Bà Cúc viếng hương NTLS xã Tam Sơn, nơi có 9 phần mộ được bà tham gia tìm kiếm và quy tập. Ảnh: Q.L
Bà Cúc viếng hương NTLS xã Tam Sơn, nơi có 9 phần mộ được bà tham gia tìm kiếm và quy tập. Ảnh: Q.L

[VIDEO] - Bà Đặng Thị Cúc chia sẻ quá trình tìm kiếm mộ liệt sĩ tại Tam Sơn:

Với gia đình thân nhân liệt sĩ Phùng Văn Lung (SN 1947, hy sinh năm 1970) thì quá trình tìm được phần mộ của liệt sĩ là một sự kì diệu. Từ Hải Phòng, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm nơi yên nghỉ của liệt sĩ, gia đình tìm được thông tin liệt sĩ hi sinh tại tỉnh Quảng Đà. Qua giới thiệu, ông Phùng Đình Điện (ở Hải Phòng) - em ruột của liệt sĩ đã kết nối được với bà Hai Cúc. Từ đây, bà Cúc tích cực hỗ trợ, hướng dẫn gia đình tìm kiếm và xác định phần mộ và nơi liệt sĩ yên nghỉ. Ngày đón được liệt sĩ về quê hương với gia đình, ông Điện vỡ òa xúc động.

 
phần mộ của liệt sĩ Phùng Văn Lung ở tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Sơn. Ảnh: Q.L
Phần mộ của liệt sĩ Phùng Văn Lung ở tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Sơn. Ảnh: Q.L

Thắp nén nhang trước phần mộ của liệt sĩ Phùng Văn Lung ở tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Sơn, lòng bà Đặng Thị Cúc vô cùng ấm áp vì công sức của bà và thân nhân gia đình liệt sĩ Phùng Văn Lung đã có kết quả mãn nguyện.

Vẫn còn đó những phần mộ chưa xác định được tên tuổi, chưa liên lạc được với thân nhân… “Mỗi ngày vẫn còn những người mẹ ngóng đợi tin con, nhiều gia đình lặn lội mấy chục năm đi tìm mộ người thân thất lạc. Tôi chỉ mong đôi chân còn khỏe, trí nhớ còn minh mẫn để có thể đi tìm và giúp họ đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương” - bà Cúc mong mỏi.

Sau mỗi chuyến đi, bà Cúc lưu giữ hình ảnh, thông tin cẩn trọng. Ảnh: Q.L
Sau mỗi chuyến đi, bà Cúc lưu giữ hình ảnh, thông tin cẩn trọng. Ảnh: Q.L

Sau mỗi đợt tìm kiếm, bà đều ghi chú lại các thông tin, lưu trữ cẩn thận để sau này đối chiếu, rà soát. Bà nói, chiến tranh qua gần 50 năm, nhiều thông tin liệt sĩ có thể nhầm lẫn, sai sót. Bà không hề muốn thân nhân liệt sĩ bỏ thời gian, công sức, di chuyển hàng trăm cây số vào tận đây nhưng việc tìm kiếm, quy tập bị sai sót. Điều này rất có lỗi với người đã hy sinh …

Với anh Trương Duy Quang - cán bộ phụ trách công tác lao động thương binh xã Tam Sơn - người nhiều năm qua đã cùng bà Cúc trèo đèo, lội suối tìm mộ liệt sĩ thì mỗi chuyến đi là câu chuyện theo anh mãi sau này.

“Những nhân chứng sống như cô Cúc thực sự rất quan trọng đối với công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tại địa phương. Chính sự nhiệt tâm, trách nhiệm và quyết tâm của cô là động lực, truyền lửa để thế hệ trẻ thấy được trách nhiệm đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ” - anh Quang nói.

Bà Cúc là tấm gương cho thế hệ trẻ Tam Sơn noi theo. Ảnh: Q.L
Bà Cúc là tấm gương cho thế hệ trẻ Tam Sơn noi theo. Ảnh: Q.L

Không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, lúc còn khỏe, bà Hai Cúc nhân lúc rảnh rỗi lại hái rau, bắt ốc, gói bánh bán để có kinh phí hỗ trợ cựu chiến binh khó khăn. Bà còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà tình nghĩa tặng thương binh tại địa phương...

Dù không khá giả gì, nhưng với tinh thần sẻ chia, bà Hai Cúc vẫn âm thầm tích góp những khoản tiền nhỏ để tặng những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình.

Bà Hai Cúc thăm hỏi, động viên những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: H.Q
Bà Hai Cúc thăm hỏi, động viên những hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: H.Q

Dù nay đã không còn giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Sơn, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tận tụy, bà Cúc trở thành địa chỉ tin cậy của rất nhiều thân nhân liệt sĩ trong việc hỗ trợ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Gần như tuần nào bà cũng nhận được các cuộc gọi thăm hỏi, xác minh thông tin liệt sĩ. Khi đã chắc chắn với thông tin tại địa phương, bà hẹn thời gian và sẵn sàng tiếp đón nhân nhân liệt sĩ. Bà chỉ mong, đôi chân đủ khỏe, để đồng hành cùng thân nhân các liệt sĩ dài hơn, lâu hơn.

 

Với những đóng góp trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, bà Đặng Thị Cúc đã được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Núi Thành và xã Tam Sơn tặng bằng khen.  

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Bà Hai Cúc tìm mộ liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO