[eMagazine] - Bay trên bầu trời Chu Lai

HOÀNG ĐẠO 04/02/2022 10:00

(QNO) - Phải đến 7 năm trời (2013 – 2020) học tập, những học viên đầu tiên của Trường Hàng không New Zealand mới có thể bay trên phi trường Chu Lai, mở ra chân trời mới về đào tạo phi công tại mảnh đất đầy cát, nắng và gió.

 
 

“Trải qua quá trình thực hiện dự án từ giai đoạn thực hiện khảo sát ban đầu tháng 7.2013 đến nay, chúng tôi dường như đã quen và cảm thấy chai lỳ trước khó khăn, có những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc như một số dự án trường bay khác đã từng tới trước đó. Nhưng bằng sự nghiêm túc, niềm đam mê, quyết tâm và trăn trở với sự phát triển ngành hàng không Việt Nam, chúng tôi đã vượt qua để đánh dấu cột mốc cho sự phát triển trong công tác huấn luyện đào tạo phi công cơ bản trong nước” – ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trường Hàng không Chu Lai mở đầu câu chuyện.

Trường Hàng không New Zealand. Ảnh: H.ĐẠO
Trường Hàng không New Zealand. Ảnh: H.ĐẠO

Dự án đào tạo huấn luyện phi công gặp thuận lợi từ sự ủng hộ chủ trương của Chính phủ, các cơ quan ban ngành Trung ương từ Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch- đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Quân chủng Phòng không – Không quân và UBND tỉnh Quảng Nam.

Còn khó khăn thì vô kể, nhất là liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư, cụ thể dự án Trường Hàng không New Zealand đã mất hơn 4 năm kể từ khi nộp hồ sơ thực hiện dự án tới Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (nay là Ban Quản lý các khu kinh tế - khu công nghiệp tỉnh) cho đến khi dự án được chính thức cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Rào cản chính là địa điểm đầu tư, khu đất được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận về mặt chủ trương phát triển Trung tâm Huấn luyện phi công cơ bản tại Cảng Hàng không Chu Lai. Nhưng vì địa điểm này thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, tạm bàn giao nên chưa đủ cơ sở pháp lý để được cấp giấy chứng nhận đầu tư” – ông Hải nói.

Đội ngũ giảng viên chất lượng đến từ New Zealand. Ảnh: H.ĐẠO
Đội ngũ giảng viên chất lượng đến từ New Zealand. Ảnh: H.ĐẠO

Để chuẩn bị nhân sự cho dự án, ban lãnh đạo Trường Hàng không New Zealand đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo khoảng 30 người, chủ yếu là con dân Quảng Nam. Trong đó có những người được cử đi đào tạo dài hạn tại nước ngoài để làm chủ các công nghệ vận hành trường bay, công nghệ bảo dưỡng các máy bay huấn luyện. Tuy nhiên, dự án giậm chân tại chỗ gần 10 năm đã bào mòn niềm tin và nhiều người đã rời bỏ dự án, hiện chỉ còn khoảng 10 người vẫn còn tiếp tục làm việc tại trường bay.

Khó khăn kế tiếp mà Trường Hàng không New Zealand vấp phải là những quy định, văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động huấn luyện bay. Tại Việt Nam chưa có loại hình đào tạo phi công cơ bản nên chưa có hệ thống pháp lý, quy chế cụ thể cho hoạt động huấn luyện phi công sử dụng máy bay nhỏ.

Các máy bay huấn luyện cho học viên học bay của Trường Hàng không New Zealand. Ảnh: H.ĐẠO
Các tàu bay huấn luyện cho học viên tập bay của Trường Hàng không New Zealand. Ảnh: H.ĐẠO

Ông Hải tâm tư: “Chúng tôi phải tuân thủ tất cả quy định dành cho máy bay thương mại. Ví dụ như việc tính toán mức giá dịch vụ cất hạ cánh tàu bay hiện tại áp dụng cho loại máy bay nhỏ nhất là mức dưới 20 tấn trong khi máy bay huấn luyện của chúng tôi chỉ có tải trọng cất cánh tối đa là 805kg, hay như các loại máy bay sử dụng cho huấn luyện đào tạo vẫn đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 30%, không được hưởng chính sách như máy bay dành cho chở khách. Đồng thời các đường bay huấn luyện, khu vực huấn luyện… cũng chưa có quy định cụ thể nào. Vì vậy, chúng tôi dò dẫm từng bước một, xin từng loại giấy phép để các học viên được thỏa ước mơ”.

Khi những “hòn đá tảng” đã được tháo gỡ bước đầu thì đại dịch Covid-19 ập đến ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không. Nhà trường phải thực hiện khóa huấn luyện đầu tiên trong bối cảnh cả nước vừa kết thúc giãn cách xã hội, thiên tai bão lũ ập đến miền Trung làm gián đoạn quá trình huấn luyện của các học viên cũng như công tác tuyển sinh…

[CLIP] - Trường Hàng không New Zealand

“Chúng tôi luôn hiểu rằng là những người tiên phong, “lửa thử vàng, gian nan thử ý chí” nên khó khăn là một phần không thể thiếu trong quá trình thực hiện dự án. May mắn mới đây, quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Chu Lai đã được Chính phủ phê duyệt và các cơ quan hữu quan đang tiến hành thủ tục pháp lý cuối cùng giúp Trường Hàng không New Zealand có thêm những thuận lợi để phát triển giai đoạn 2 của dự án” – ông Nguyễn Hoàng Hải phấn khởi.

 
 

Công tác huấn luyện đào tạo nhân sự kỹ thuật cao ngành hàng không ở Việt Nam hiện nay - đặc biệt là phi công, hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cách đây chừng 10 năm, trên 95% phi công của VietJet Air, Jetstar Pacific và 40% phi công của Vietnam Airlines là người nước ngoài.

Từ năm 2011, chính sách xã hội hóa đào tạo phi công cơ bản đã được triển khai và đây là hướng đi đúng đắn nhằm thu hút phát triển nguồn lực cho công tác đào tạo phi công. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, ngoài Trường Hàng không New Zealand ở Việt Nam mới chỉ thực hiện phần huấn luyện lý thuyết bay, chưa có các hoạt động huấn luyện bay dân sự trong nước. Việt Nam đang thiếu hụt - hay đúng hơn là trống vắng nguồn nhân sự cho công tác huấn luyện bay cơ bản, sát hạch bay từ mức độ cơ bản đến nâng cao trong các hoạt động hàng không chung. Tất cả học viên phi công Việt Nam phải ra nước ngoài để thực hiện giai đoạn huấn luyện bay và kèm với đó là những khoản chi phí lớn cùng chất lượng huấn luyện không đồng đều.

 

Ông Trần Hải Đăng – Giám đốc điều hành của AESC chia sẻ: “Với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi tin rằng liên doanh này sẽ mang lại hiệu quả chi phí, cùng chất lượng đào tạo với tiêu chuẩn New Zealand dành cho các học viên Việt Nam ngay trong nước và từng bước xây dựng đội ngũ nhân sự giáo viên bay, giáo viên sát hạch bay cho ngành công nghiệp hàng không Việt Nam trong tương lai. Với sự hợp tác này, AESC sẽ thực hiện công tác bảo dưỡng máy bay, huấn luyện và đào tạo nhân viên kỹ thuật hàng không, đồng thời chịu trách nhiệm về hoạt động marketing và tuyển dụng học viên. Thị trường của chúng tôi không chỉ ở Việt Nam mà còn phục vụ các học viên đến từ Lào, Campuchia, Myanmar...”.

Mục tiêu của dự án là đào tạo khoảng 300 học viên phi công mỗi năm, với việc huấn luyện bay đến mức đủ điều kiện cấp Giấy phép Người lái máy bay tư nhân (Private Pilot License) tại Việt Nam, sau đó học viên sẽ sang New Zealand và hoàn thành Chương trình huấn luyện Người lái máy bay thương mại (Commercial Pilot License). Đây sẽ là một hoạt động đa dạng bao gồm việc phối hợp giữa giáo viên bay, hệ thống quản lý hàng không của New Zealand và Việt Nam.

[CLIP] - Học viên được đào tạo bay:

“Sứ mệnh của nhà trường là nhân rộng mô hình đào tạo phi công đang được thực hiện thành công tại New Zealand vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội và cũng là thách thức cho dự án Trường Hàng không New Zealand” – ông Đăng cho biết. Theo đó, giai đoạn đầu các học viên sẽ được huấn luyện khóa học lấy giấy phép Người lái máy bay tư nhân (PPL) tại sân bay Chu Lai, giúp học viên trang bị các kỹ năng bao gồm cả lý thuyết và thực hành để có thể thi và lấy bằng PPL. Học viên sẽ được đào tạo lý thuyết và có tối thiểu 50 giờ bay, trong đó có 10 – 15 giờ tự bay một mình.

Ông David Woodington – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Hàng không New Zealand nói: “Chúng tôi đã bắt đầu được khoảng 2 năm. Tính tới thời điểm này đã có 12 học viên được cấp PPL, 9 học viên hoàn thành khóa học. Các học viên đã hoàn thành khóa học tại Việt Nam sẽ chuyển tiếp sang Trường Eagle Flight Training để tiếp tục các học phần còn lại. Vậy là chúng tôi đã thành công, tuy nhiên vẫn có thể cải thiện thêm về vấn đề bảo dưỡng máy bay, nắm bắt thời tiết… để quá trình học của học viên có thể diễn ra nhanh chóng hơn”.

 
 
Huấn luyện bay. Ảnh: H.ĐẠO
Huấn luyện bay. Ảnh: H.ĐẠO

Vũ Minh Đức là người đầu tiên được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy phép Người lái máy bay tư nhân trên loại máy bay một động cơ sau khi tốt nghiệp tại Trường Hàng không New Zealand. Cùng với 15 học viên đang tham gia huấn luyện tại Chu Lai, Vũ Minh Đức được đào tạo bài bản về kiến thức, huấn luyện kỹ năng, rèn luyện ý thức kỷ luật, tính tuân thủ cao để có thể trở thành một phi công tư nhân, bước khởi đầu quan trọng trên con đường đến với nghề phi công.

Những ngày huấn luyện trong điều kiện nắng nóng lên tới 40, 41 độ C, những ngày khắc khoải đợi chờ các cơn bão qua đi để có thể tiếp tục bay huấn luyện vào cuối năm 2020, những chuyến bay đầy thách thức, bay huấn luyện đan xen với hoạt động quân sự cùng các chuyến bay thương mại dày đặc… có lẽ là những những kỷ niệm vô cùng cảm xúc trên con đường trở thành phi công thương mại của Đức.

 

Hiện tại, trường có 6 học viên đang huấn luyện tại sân bay Chu Lai. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 năm có thể làm chậm lại tiến độ huấn luyện của các học viên nhưng không thể làm lung lay khát vọng, đam mê làm việc trên vùng trời của các bạn trẻ đang học tập tại Trường Hàng không New Zealand nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung. Mai này các học viên của trường sẽ trở thành phi công thương mại điều khiển những chiếc máy bay hiện đại như Boeing, Airbus của các hãng Hàng không Việt Nam.

Trường Hàng không New Zealand là đơn vị tổ chức huấn luyện bay đầu tiên tại Việt Nam, đã xây dựng và cung cấp đầy đủ cả phần huấn luyện lý thuyết và thực hành bay, được Cục Hàng không Việt Nam kiểm soát, cấp Giấy chứng nhận phê chuẩn. Hoạt động huấn luyện bay đến cấp giấy phép Người lái máy bay tư nhân của trường đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các hoạt động bay hàng không chung, mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có đam mê hàng không, mong muốn sở hữu máy bay riêng được thực hiện những mong muốn của mình.

[CLIP] - Trao bằng tốt nghiệp cho học viên:

Nhà trường sẽ hướng tới chất lượng huấn luyện, chuẩn mực về an toàn, tính chuyên nghiệp của đào tạo phi công và nhân sự kỹ thuật cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trường Hàng không New Zealand đưa ra giải pháp để phát huy tối đa thế mạnh là đối tác nước ngoài Eagle Flight Training sẽ đảm nhiệm toàn bộ công tác giảng dạy, chịu trách nhiệm về giáo trình, giáo án huấn luyện…

Các nhân sự trong nước sẽ đảm trách công tác quản lý, bảo dưỡng máy bay huấn luyện, các công tác liên quan đến hành chính, tuyển sinh… Việc chuyển giao công nghệ, đào tạo giáo viên huấn luyện bay cơ bản sẽ được thực hiện ở những giai đoạn sau của dự án.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trường Hàng không Chu Lai kiến nghị: “Chúng tôi rất mong Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Nam giúp chúng tôi tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, thủ tục, tạo điều kiện về quỹ đất để thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án Trường Hàng không New Zealand, giúp các học viên có thể trở thành phi công thương mại được đào tạo hoàn toàn trong nước”.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình (số 13833) gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy Cảng hàng không Chu Lai được định hướng sẽ là trung tâm đào tạo, huấn luyện bay; trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay lớn của khu vực. Theo Quy hoạch này, Cảng hàng không Chu Lai cùng với Cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau được định hướng phát triển trở thành trung tâm đào tạo và huấn luyện bay. Đặc biệt, Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch sẽ là trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay lớn của khu vực, có năng lực phục vụ các hãng không nước ngoài.
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Bay trên bầu trời Chu Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO