[eMagazine] - Buồn vui nghề làm trống xứ Quảng

HỒ QUÂN - MỸ LINH 06/08/2022 10:43

(QNO) – “Nhất trống Lâm Yên…” là câu mà nhiều người nói về nghề làm trống nổi tiếng Quảng Nam – làng nghề trống Lâm Yên (Đại Minh, Đại Lộc). Ở Thăng Bình có làng trống Lê Ngọc Hiển cũng nổi danh không kém… Song cũng như bao làng nghề khác, quy luật thịnh - suy khiến nghề này cũng rơi vào viễn cảnh thất truyền.

 
 

Xứ Quảng cũng như nhiều nơi trên đất nước Việt, tiếng trống gắn liền với các sự kiện văn hóa cộng đồng cũng như tang ma, lễ tiết. Thời chưa có loa, đài thì từ xóm, làng, đình miếu, chùa chiềng cho đến công sở, trường học, đến các tạp kỹ, gánh xiếc Sơn Đông mãi võ, từ miền xuôi đến vùng núi cao, tiếng trống vừa là hiệu lệnh, thúc giục, vừa là công cụ truyền tin. Trẻ con lớn lên với tiếng trống lân, trống trường. Việc làng, việc xã lấy tiếng trống làm thông báo họp, hội hay để cổ động, báo động cho đến tiễn đưa người quá cố. Quan binh thì dùng tiếng trống để đốc binh, thu thuế, hiệu triệu nhân dân. Nghệ sĩ thì coi tiếng trống, nhịp trống là linh hồn của vở diễn. Còn trong sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, tiếng trống là công cụ giao tiếp với thế giới thần linh… Do vậy nghề làm trống xuất hiện khá sớm…

Tiếng trống đồng hành với sự kiện văn hóa cộng đồng xứ Quảng. Ảnh: PV
Tiếng trống đồng hành với sự kiện văn hóa cộng đồng xứ Quảng. Ảnh: P.V

Nhắc đến nghề trống trên đất Quảng Nam, nhiều nhớ ngay đến câu “Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều”. Ban đầu, chỉ vài gia đình trong một xóm nhỏ có nghề làm trống, họ đều mang họ Phan. Gốc gác của tộc Phan này ở Hải Dương. Vào những năm đầu thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, ông Phan Công Tiên rời quê, mang theo nghề trống gia truyền vào phía nam lập nghiệp. Nơi dừng chân của vị tổ Phan Công Tiên là vùng quê ngay cạnh dòng Vu Gia, tức làng Lâm Yên, xã Đại Minh, Đại Lộc ngày nay. Tộc Phan và nghề trống Lâm Yên từ đây khai mở, sinh sôi. Và xuyên suốt nhiều thế kỷ, trống Lâm Yên đã đồng hành với bao sự kiện văn hóa lớn, nhỏ của tỉnh nhà…

“Gỗ mít, da trâu, chốt tre. Chỉ 3 thứ nguyên liệu đơn giản đấy nhưng gắn kết với nhau bằng đôi tay khéo léo làm ra chiếc trống Lâm Yên” – ông Phan Văn Hai (73 tuổi, truyền nhân đời thứ 8 của làng trống Lâm Yên, xã Đại Minh, Đại Lộc) mở đầu câu chuyện về chiếc trống gia truyền. Ông Hai cũng như bao con cháu trong dòng tộc Phan lớn lên trong thanh âm của tiếng trống. Dần dà, từ phụ cưa, làm da, đóng chốt, ông Hai lớn lên cùng nghề và trở thành chứng nhân cho bao phen thịnh - suy của làng nghề.

Làng trống Lâm Yên vào thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu
Làng trống Lâm Yên vào thế kỷ XX. Ảnh tư liệu

Những năm 70 của thế kỷ trước, bom đạn tàn phá làng mạc, địch về càn quét, dân Lâm Yên tản cư khắp nơi. Gia đình ông Hai dù chạy ra tận vùng Nam Ô (Đà Nẵng) sinh sống nhưng vẫn mang theo nghề trống mưu sinh. Những ngày tháng cơ cực đó ông vẫn tìm cách làm trống, rồi ngược đèo Hải Vân bán cho người dân vùng Thừa Thiên Huế….

Đến 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Hai cùng người dân Lâm Yên trở về làng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ người dân chăm lo việc ruộng đồng cày cấy, lo xóa đói nên hội họp, lễ nghi cũng thưa thớt, tộc họ không dư dả mà sắm trống. Người làm trống rơi vào cảnh thất nghiệp.

Gỗ mít là loại gỗ duy nhất để làm trống ghép thanh. Ảnh: PV
Gỗ mít là loại gỗ duy nhất để làm trống ghép thanh. Ảnh: PV

Phải đến những năm 1990 trở đi, nghề trống Lâm Yên mới sống dậy. Thời kỳ này chưa có máy móc hiện đại, nghề làm trống cũng như bao nghề thủ công khác đều từ đôi tay và sức người. Ông Hai kể, phải tìm thân cây mít già, đo, vẽ dấu, cưa thanh. Để đường cưa chuẩn, phải có 2 người dùng cưa đôi, tỉ mỉ trong từng đường cưa mới có được thanh trống đều đặn.  

Loại da làm trống đủ chuẩn phải là da của trâu già, trâu mới chết. Trời nắng tốt, miếng da trâu phơi tầm 3 ngày, còn mùa mưa phải nhóm lửa, hong khô. Như vậy, miếng da trâu không bị ẩm, mốc qua nhiều năm sử dụng.

 

Quy trình làm trống truyền thống

Khi nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, người thợ trống bắt đầu kết thanh gỗ mít thành vành trống, sau đó đưa lên khung. Đặt miếng da trâu đã ngâm qua nước lên vành trống, căng chỉnh miếng da sao cho phần da tốt nhất sẽ làm mặt trống. Tùy loại trống lớn hay nhỏ, chất âm trầm hay bổng mà người thợ sẽ bào dày mỏng da trống cho phù hợp. Còn phần da trâu còn thừa bên ngoài mặt trống sẽ được đục lổ, móc nối dây và neo xuống phần khung. Phần vành dưới sẽ được lót bằng tấm kê. Mặt trống căng, âm thanh trầm hay bổng sẽ tùy thuộc vào độ căng của dây neo.

Khi đã căng chỉnh mặt trống, thợ trống sẽ dùng vật sắc nhọn, đóng dấu theo đường tròn ở khu vực tiếp giáp giữa vành và mặt trống, sau đó đóng chốt tre (phải là chốt bằng tre) cố định trên vị trí đóng dấu. Thông thường, một chiếc trống sẽ có khoảng 3 vòng chốt tre để giữ miếng da cố định, không bị xê dịch, méo mó. Sau khi xong một mặt trống thì tháo dây neo, lật ngược trống để hoàn thành mặt kia theo cách tương tự.

Cuối cùng, chiếc trống được “làm đẹp” bằng cách gọt phần chốt và da thừa, bào nhẵn thân trống, đóng thêm niềng tre để gia cố độ bền chắc và làm phần tay cầm. Chiếc trống đẹp đi kèm cùng chiếc dùi xứng đôi để âm thanh vang chuẩn.

[Video] - Trống của làng Lâm Yên:

Ông Phan Văn Lâm - 57 tuổi, là truyền nhân đời thứ 8 của làng trống Lâm Yên cho rằng, mới nghe qua tưởng quy trình làm trống gian truân, rối rắm nhưng thực ra không quá khó nhọc. Đam mê, quen tay, thạo nghề, khó rồi cũng thành dễ. Ngần ấy thao tác đều áp dụng được cho tất cả loại trống như trống dăm ghép, trống bát nhã, trống chầu, trống lệnh, trống nhạc… Mỗi loại trống có tiêu chí riêng về âm thanh, mẫu mã… Nghệ nhân làng trống “ăn” nhau ở tuổi nghề, mắt thẩm mỹ và khả năng thẩm âm… Điều đặc biệt là những chiếc trống gia truyền của tộc Phan làng Lâm Yên làm ra nếu bảo quản tốt thì tuổi thọ đến 20 năm, có khi vành trống bị mối mọt làm hại nhưng mặt trống hầu như còn nguyên vẹn.

Trống của tộc Phan ở Lâm Yên. Ảnh: PV
Trống của tộc Phan ở Lâm Yên. Ảnh: PV
 

Những năm cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21, trống là một trong các món chinh cổ không thể thiếu của việc làng, việc tộc. Nghề làm trống ở làng Lâm Yên cũng vì thế ăn nên, làm ra, nhất là giai đoạn tháng 3 âm lịch (dịp Thanh minh) và Tết Trung thu hằng năm.

Cơ sở ông Phan Văn Hai phất lên, hệt một công xưởng với hàng chục nhân công làm việc. Tiếng cưa, đục, tiếng thử âm trống rộn ràng từ sáng sớm đến tận tối mịt. Cơ sở của ông Phan Văn Lâm cách đó không xa cũng làm ăn sôi nổi không hề kém cạnh. Trống làm ra chất chồng, treo kín trần nhà.

 

Thời ấy, làng Lâm Yên có đến 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh trống mà chủ của những cơ sở này đều cùng họ Phan. Thời bấy giờ, làng Lâm Yên có một nghề thịnh hành, rất dễ “kiếm ăn”, là nghề buôn trống. Cả xã có hàng chục lái buôn mua trống Lâm Yên đi chào hàng nhiều nơi, rồi kiếm mối lái, buôn bán lấy lời. Không ngày nào làng trống Lâm Yên vắng khách, hết người đến đặt mua trống tới kẻ mang trống đến sửa. Làng Lâm Yên thời hưng thịnh sôi nổi, danh tiếng trống Lâm Yên ngày càng vang xa…

Cơ sở làm trống của ông Ngô Sơn. Ảnh: PV
Cơ sở làm trống của ông Ngô Sơn. Ảnh: PV

Và từ chỗ nghề trống chỉ “độc quyền” của tộc Phan, dân làng Lâm Yên bắt đầu học nghề và gầy dựng cơ sở. Ông Ngô Sơn – thôn Lâm Yên, xã Đại Minh (Đại Lộc) là thợ mộc nên không khó để ông bắt nhịp với nghề trống. Ông vừa học, vừa làm rồi dần thạo nghề, tạo dựng uy tín, có chỗ đứng trên thị trường.

 

Quảng Nam thời điểm ấy là vùng đất hứa của nghề trống, người có nghề làm trống ở các tỉnh phía Bắc Quảng Nam để lạc nghiệp. Dọc quốc lộ 1, từ Điện Bàn vào tận Núi Thành, đếm không xuể bao nhiêu cơ sở làm trống mọc lên. Trong đó, lâu năm và uy tín nhất phải nói đến Cơ sở làm trống truyền thống Lê Hiển ở Hà Lam (Thăng Bình).

Cơ sở làm trống Lê Hiển. Ảnh: PV
Cơ sở làm trống Lê Hiển. Ảnh: PV

Chủ cơ sở này là ông Lê Ngọc Hiển, xuất thân từ làng nghề trống Đọi Tam (tỉnh Hà Nam) nức tiếng. Gia đình ông Hiển chọn Quảng Nam làm nơi an cư và phát triển nghề truyền thống đã gần 20 năm nay. Suốt 2 thập kỷ qua, ông Hiển không khó để tìm thấy chỗ đứng cho sản phẩm truyền thống ít nhiều đã định hình uy tín nhất định. Quy trình sản xuất và mẫu mã trống Đọi Tam của cơ sở Lê Hiển cơ bản giống với trống Lâm Yên. Khác nhau duy nhất ở điểm trống Đọi Tam dùng niềng bằng thân cây mây có độ bền hơn so với loại niềng tre.

“Quảng Nam nằm ở khu vực Trung Bộ, thuận lợi kinh doanh, vận chuyển trống đến hai đầu đất nước. Chúng tôi gần như có đơn đặt trống quanh năm với dòng sản phẩm chủ lực là trống chùa, trống tộc, trống trường và trống múa lân. Để đánh giá trống Đọi Tam do chúng tôi sản xuất so với các loại trống bản địa thì rất khó, cần trải qua quá trình dài sử dụng. Uy tín, chất lượng gắn với tên tuổi cơ sở sẽ do người dùng quyết định. Hơn 20 năm gầy dựng cơ sở trên đất Quảng, chúng tôi nhận được sự tin tưởng của nhiều địa phương, đơn vị, tộc họ…” – ông Hiển nói.

[Video] - Trống Đọi Tam của cơ sở Lê Hiển:

 

Nghề làm trống trở nên phổ biến. Máy móc rút ngắn thời gian làm trống, nên “cung” luôn trong tâm thế chờ “cầu”. Người dùng có nhiều lựa chọn hơn có được chiếc trống ưng ý, còn người làm thì tính đến chuyện cạnh tranh. Song ở phía bên kia của câu chuyện “cung” thì giờ đây lễ hội đã thưa dần, các đoàn kịch ca múa kịch cũng dần giải tán vì không còn nhiều đất diễn… vì thế người mua trống cũng ít dần.

Quy trình làm chiếc trống bằng thiết bị hiện đại, giảm công sức.Ảnh: PV
Quy trình làm chiếc trống bằng thiết bị hiện đại, giảm công sức. Ảnh: P.V

Cơ sở sản xuất của ông Phạm Văn Lâm nhờ sắm sửa đầy đủ máy móc nên hai vợ chồng đã có thể làm thay công việc mà trước đó cần đến hàng chục người. Tuy nhiên, đơn đặt hàng mỗi năm lại vơi đi một phần. Ông Lâm nói, khách nào cũng muốn hàng rẻ nhưng thật sự bỏ công làm ra chiếc trống chi phí nhiều mà chẳng bù vốn, cũng trăn trở lắm. Nhưng tâm huyết với nghề và vì thương hiệu làng nghề trống Lâm Yên nên ông không đành lòng hạ chất lượng của chiếc trống truyền thống. Ông luôn tìm cách lan tỏa giá trị của chiếc trống truyền thống và tìm cách đáp ứng sản phẩm theo yêu cầu, mục đích sử dụng của khách hàng. Và chính chất lượng, uy tín của sản phẩm giúp ông Lâm giữ lại cho mình những khách hàng “ruột”, nhất là loại trống nhạc.

“Còn nhìn thấy cái chốt tre, niềng tre trên chiếc trống là còn thấy nét truyền thống, còn thấy tình yêu nghề vẫn hiện hữu trong lòng nghệ nhân. Giờ người ta hoàn toàn có thể thay thế các bộ phận này bằng sắt, thép… nhưng đặt lên bàn cân so sánh qua thời gian sử dụng, chắc chắn trống truyền thống sẽ ăn đứt về độ bền chắc và thẩm mỹ. Khách hàng hài lòng, mình cũng có thêm niềm vui với nghề” – ông Lâm tâm sự.

Truyền nhân đời thứ 8 này vừa trải qua khoảng thời gian dài chiến đấu với bệnh nan y. Dù bệnh tật giày vò, sức khỏe xuống dốc nhưng tình yêu với nghề trống vẫn rộn ràng trong lồng ngực. Ông vẫn làm trống để không bỏ nghề và để tay chân được vận động chứ không nặng về thu nhập. Nhưng điều người ông trăn trở, chính là nghề làm trống tới thời ông có thể là ngưng.

Trống truyền thống của làng Lâm Yên. Ảnh: PV
Trống truyền thống của làng Lâm Yên. Ảnh: PV


 

Ông Phan Văn Hai cũng chung nỗi niềm như ông Lâm về chuyện sản phẩm chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngoài thị trường. Gánh nặng tuổi tác cũng bó buộc đôi chân ông Hai, không thể đi đây, đi đó tìm kiếm khách hàng, giờ cơ sở ông Hai phải ngồi chờ khách hàng quen mang đơn đến đặt. Ông nói, tháng được đôi ba cái trống cũng có đồng ra, đồng vô và đỡ buồn tay chân.

“Tôi may mắn khi cả có 2 người con trai nối nghề. Trong đó, Phan Văn Hiệp có cơ sở riêng và thành công với dòng trống dăm luông với kích thước lớn, kết hợp với làm mõ, chạm khảm. Con cháu sống tốt với nghề thì may chăng làng nghề có hy vọng được truyền nối” – ông Phan Văn Hai nói.

Dòng trống “khủng” - hướng đi mới của người làm trống Lâm Yên. Ảnh: PV
Dòng trống “khủng” - hướng đi mới của người làm trống Lâm Yên. Ảnh: PV

Trống dăm luông như ông Hai vừa nói là thế mạnh và trở thành hướng đi mới của làng nghề trống Lâm Yên. Đây là dòng trống “khủng”, chế tác tinh xảo, công phu, có tuổi thọ và chất lượng cao và đương nhiên giá thành không thấp.

Mỗi năm, ông Phan Văn Hiệp - Chủ nhiệm HTX Làng nghề trống Lâm Yên đưa ra thị trường vài chục chiếc trống khủng, mang lại thu nhập ổn định. Bên cạnh việc đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất và sự giúp đỡ phát triển thương hiệu của nhà nước, ông Hiệp chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, đưa thương hiệu trống Lâm Yên vang xa...

[Video] - Ông Lê Ngọc Hiển giữ nghề làm trống:

Trong khi nghệ nhân có tuổi ở Lâm Yên đau đáu chuyện con cháu không nối nghiệp, thì ông Lê Ngọc Hiển, chủ cơ sở trống truyền thống Đọi Tam – Lê Hiển lại có một góc nhìn khác. Ông nói, ngay từ nhỏ, con cháu trong gia đình ông đều được truyền dạy về giá trị truyền thống của trống và nguồn gốc của làng nghề. Mưa dầm thấm lâu, tình yêu với nghề trống chắc chắn sẽ theo những đứa trẻ lớn dần. Tất nhiên cũng không nên bảo thủ, áp đặt mà tạo ra cơ hội để thế hệ trẻ phát huy sự năng động, sáng tạo qua việc áp dụng máy móc, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Như con trai ông Hiển, bên cạnh làm trống còn mở cơ sở quảng bá sản phẩm tại TP.Hồ Chí Minh và các tham gia các sàn giao dịch trên mạng, điều này giúp làng trống Đọi Tam (tỉnh Hà Nam) nói riêng và cơ sở trống Lê Hiển giữ nghề truyền thống theo thời gian.

* * *

Hồi trống vang lên – trong bất cứ dịp lễ hội hay tang ma, hiếu hỉ nào cũng bắt đầu bằng sự dõng dạc, dứt khoát, mạnh mẽ, uy dũng hay thâm trầm rồi cũng kết bằng những thanh âm nhỏ dần đều, rồi như tiếng thì thầm và đi đến hồi kết! Nghề trống cũng vậy – dù không phải là một nghề thiết yếu trong cuộc sống, song cũng trải qua bao thịnh suy.

Ngày nay, biết bao thanh âm hiện đại bên ngoài dần lấn át thứ âm thanh dung dị, mộc mạc, giản đơn của chiếc trống. Đâu đó trong những dịp lễ trọng của đất nước hay sự kiện truyền thống, người ta thi thoảng thấy những chiếc trống đại, âm thanh uy dũng vang lên cùng những thứ thanh âm khác, mới nhớ rằng có một công cụ - nhạc cụ từng làm nên một phần lịch sử dân tộc dù không còn phổ biến nhưng vẫn tồn tại trong đời sống. Chắc cũng không nhiều người nghĩ rằng có những thợ, những truyền nhân ở làng nghề như Lâm Yên đang đau đáu, lo lắng trước tương lai sẽ thất truyền nghề làm trống. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Buồn vui nghề làm trống xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO