[Emagazine] - Cần tháo gỡ khó khăn trong quản lý cai nghiện ma túy

MỸ LINH - HỒ QUÂN 29/06/2023 15:27

(QNO) - Ranh giới giữa tái hòa nhập cộng đồng và tái nghiện luôn rất mong manh. Những người từng lầm lỡ, sa ngã bởi ma túy đang phải nỗ lực chiến đấu trong lằn ranh ấy. Họ cần chỗ dựa vững chắc, cái nhìn cảm thông và quan trọng hơn là được sống trong môi trường lành mạnh để dứt bỏ quá khứ. 

 
 

Từ nhỏ N.V.A. (ở Đại Lộc) được gia đình hết mực cưng chiều. Vốn là “cậu ấm" muốn gì được nấy, A. bắt đầu hư hỏng, tụ tập đua đòi cùng bạn xấu. 18 tuổi, A. vướng vào ma túy.

Ngày A. vào cơ sở cai nghiện, gia đình gần như suy sụp, mất hết niềm tin... Rồi khi A. tái hòa nhập cộng đồng, gia đình lúc này không còn là điểm tựa và phải đối mặt với ánh mắt kỳ thị của cộng đồng. A. theo bạn xấu và tiếp tục sử dụng ma túy…. Cứ thế, cuộc đời A. lẩn quẩn trong vòng xoay cai nghiện rồi hòa nhập vài lần, nhưng gần như không thể tìm thấy niềm tin cho ngày mai.

Tỷ lệ tái nghiện ma túy khá cao sau khi người nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Tỷ lệ tái nghiện ma túy khá cao sau khi người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Hàng xóm của A. kể, cách đây vài năm A. lập gia đình. Những tưởng cột mốc này sẽ giúp A. quay đầu, chí thú làm ăn. Nhưng rồi, chứng nào tật ấy, chàng thanh niên này lại sa ngã. Dù thương yêu vợ con, nhưng lúc A. lên cơn thì không thể làm chủ được bản thân khiến gia đình bao phen hoảng loạn .

Ngày A. tái hòa nhập cộng đồng gần nhất cách đây vài tháng. Những “bóng ma” ngoài xã hội dường như vẫn âm thầm vây bám lấy A. May mắn, lần này A. có được chỗ dựa từ gia đình. A. cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, chuyên tâm làm ăn, bắt đầu với những mối quan hệ xã hội tốt hơn.

Có thời điểm do ảnh hưởng ma túy khiến đầu óc A. không được bình thường, nhưng tình thương của những người xung quanh đã giúp chàng trai này vượt qua. Hẳn trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng còn lắm gian nan, nhưng có lẽ, ánh sáng đã xuất hiện, chỗ dựa gia đình dẫn dắt A. đi về một nơi tươi sáng hơn.

Người nghiện gặp nhiều rào cản trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Ảnh: D.L
Người nghiện gặp nhiều rào cản trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Ảnh: D.L

Gần 20 năm gắn bó với công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ông Ngô Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH gặp không ít câu chuyện về sự nỗ lực của người nghiện ma túy muốn làm lại cuộc đời, song lại không chiến thắng được bản thân mình.

Đó là trường hợp anh N.T.B. Sau khi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy, B. trở về với cuộc sống đời thường, hành trang mang theo của anh là niềm tin sẽ được mọi người yêu thương, đón nhận, tạo điều kiện, cơ hội để anh làm lại cuộc đời.

Nhưng thực tế những ánh mắt dèm pha, dòm ngó, luôn theo dõi, lo sợ B. lấy trộm cái này cái khác. Cộng đồng kỳ thị đã đành, gia đình lại không có niềm tin càng khiến anh hụt hẫng. Dù nhiều lần tự động viên chính mình vượt qua sự kỳ thị ấy, song ý chí anh sụt giảm dần đi. Không trụ được, anh tìm gặp những “người bạn cũ” và trở lại với ma túy.

 
 
 
 

Phú Ninh là địa phương tiếp giáp với Tam Kỳ và Tiên Phước - là hai địa phương có tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Gần đây tình hình mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý và người nghiện ma túy trên địa bàn huyện Phú Ninh có xu hướng gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, hiện 11 xã, thị trấn của Phú Ninh đều có người sử dụng trái phép chất ma túy. Qua rà soát, toàn huyện đang có 112 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó 90 người ngoài xã hội, 22 người trong trại tạm giam, tạm giữ. Hiện có 42 người nghiện ma túy (38 người đang điều trị nghiện, 1 người đang cai nghiện bắt buộc và 2 người đang trong nhà tạm giữ).

Đối tượng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng
Đối tượng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng

Còn tại TP.Tam Kỳ, theo Phòng LĐ-TB&XH thành phố, tình hình người sử dụng trái phép chất ma tuý và người nghiện ma túy cũng rất phức tạp, khó kiểm soát, 13/13 xã, phường có người sử dụng trái phép chất ma tuý. Phần lớn người sử dụng chất ma túy tập trung ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư.

Thống kê đến tháng 5/2023, toàn thành phố Tam Kỳ có 40 người sử dụng trái phép chất ma tuý đang được quản lý, 112 người nghiện có hồ sơ quản lý, 96 người nghiện đang cai nghiện bằng chất Methadone, 9 người đang cai nghiện bắt buộc, 4 người đang bị quản lý sau cai nghiện.

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh dù các cấp chính quyền và ngành chức năng rất nỗ lực trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Nhiều địa phương còn lúng túng trong xác định tình trạng nghiện
Nhiều địa phương còn lúng túng trong xác định tình trạng nghiện

Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, công tác quản lý cai nghiện và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Hiện Sở Y tế đã cấp giấy chứng nhận cho 64 bác sĩ chuyên khoa I, II đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, trong đó có 59 bác sĩ ở 16 trung tâm y tế cấp huyện và 5 bác sĩ thuộc các bệnh viện cấp tỉnh. Đây là đơn vị xác định tình trạng nghiện ở địa phương.

Song qua theo dõi, chỉ có vài đơn vị triển khai, còn lại gặp lúng túng về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và công tác phối hợp đưa người cai nghiện vào cơ sở y tế để theo dõi tình trạng nghiện. Vì lý do này mà người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được xác định tình trạng nghiện để có hồ sơ quản lý chặt chẽ..

Cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình cũng như cộng đồng (ngoài công lập). Trong khi đó, các cơ sở y tế chủ động tham gia cung cấp dịch vụ này thì chưa được UBND cấp huyện giao nhiệm vụ.

Người điều trị cai nghiện bằng Methadone tại CDC Quảng Nam
Người điều trị cai nghiện bằng Methadone tại CDC Quảng Nam

 
 

[VIDEO] - Vai trò của chính quyền, gia đình, cộng đồng trong việc hỗ trợ người cai nghiện tái hóa nhập cộng đồng:

 

Nhiều năm làm công tác cai nghiện và tiếp xúc với nhiều trường hợp nghiện khác nhau, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam cho rằng, thời gian cắt cơn giải độc kéo dài chỉ khoảng 21 ngày, sau đó học viên sẽ trải qua quá trình lao động, giáo dục cho đến khi rời cơ sở. Hành trình nan nan hơn với họ là quá trình hòa nhập cộng đồng. Nhiều trường hợp cai nghiện rất tốt, tiếp thu nhanh, chấp hành tốt các quy định khi cai nghiện, nhưng hòa nhập cộng đồng vẫn vướng vào ma túy.

Học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam được giáo dục, học nghề.
Học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam được giáo dục, học nghề.

“Tôi nghĩ cần sự kết nối tốt từ phía cơ sở cai nghiện ma túy, gia đình và các hội đoàn thể địa phương, nhất là đoàn thanh niên. Khi tiếp nhận người cai nghiện trở về, gia đình cần tạo cho họ niềm tin, sự yêu thương, động viên chở che để hạn chế sự tiếp xúc với bạn bè cũ.

Đoàn thanh niên phải đưa họ vào tổ chức đoàn, tham gia sinh hoạt, tạo điều kiện lao động sản xuất. Từ đó họ không còn cảm giác bị “bỏ rơi”, thiết lập những mối quan hệ mới tốt hơn và hành trình hòa nhập cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả” - ông Trung cho biết.

Các sở, ngành, địa phương nỗ tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh
Họp bàn tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Theo ông Ngô Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng phòng chống tệ nạn xã hội, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai đạt hiệu quả thì gia đình, cộng đồng, chính quyền nhận thức đúng hơn về cai nghiện, đó là sự kết hợp giữa 3 yếu tố y tế - tâm lý - xã hội. Bên cạnh làm tốt công tác hỗ trợ cắt cơn, giải độc thì cần có một môi trường tốt để đối tượng hòa nhập cộng đồng.

“Người nghiện luôn có những góc khuất muốn được chia sẻ, tháo gỡ. Nếu không tìm được điểm tựa tinh thần, không có niềm tin, thiếu sự quan tâm động viên từ gia đình, cộng đồng, bản thân họ không có công ăn việc làm, bị kì thị, xa lánh thì sẽ quay lại với ma túy.

Do vậy, cần tuyên truyền, vận động cộng đồng giảm xa lánh, kì thị, tổ chức các hoạt động tham vấn chuyên sâu để người nghiện, gia đình, cộng đồng hiểu được vấn đề họ đang gặp phải để cùng tìm cách hỗ trợ, tạo môi trường tốt để người nghiện nỗ lực rời xa ma túy, làm lại cuộc đời” - ông Ngô Anh Tuấn chia sẻ.

Phú Ninh tập huấn nâng cao năng lực cho những người làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai.
Phú Ninh tập huấn nâng cao năng lực cho những người làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống ma túy, luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Mới đây, vào tháng 3/2023, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 02 quy định về nội dung, mức chi cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Đây là chính sách đặc thù tạo nhiều cơ hội cho người đăng ký cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Đồng thời ban hành chính sách cho người tham gia hỗ trợ quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và người quản lý sau cai tại các địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai nghị định, nghị quyết này ở một số địa phương còn gặp nhiều lúng túng, nhất là trong việc xác định trách nhiệm và quy trình quản lý người sử dụng trái phép.


[VIDEO] - Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề xuất giải pháp quản lý người sau cai nghiện hiệu quả trong thời gian tới:

Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp quản lý cai nghiện, sau cai một cách đồng bộ giữa 3 ngành LĐ-TB&XH - Công an - Y tế, cần đẩy mạnh tuyên truyền để Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống.

Thực tế, không nhiều người dân tiếp cận, nắm bắt được nghị quyết này để đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện tự nguyện. Chỉ khi người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện thì mới đạt hiệu quả, đúng theo tinh thần nghị quyết.

Bà Ngọc đề xuất: “Việc phối hợp giữa 3 ngành LĐ-TB&XH - Công an - Y tế cần có quy chế chặt chẽ để thực hiện tốt việc quản lý cai nghiện, sau cai hiệu quả ở từng địa phương.

Ngành y tế cần tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ với trung tâm y tế các huyện và bệnh viện tuyến tỉnh để cung cấp dịch vụ cho người đăng ký cai nghiện tự nguyện tốt nhất. Đội ngũ chuyên môn ở cấp xã hỗ trợ người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng cần được đào tạo, tập huấn bài bản hơn". 

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ma túy. Ảnh: Đ.D
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ma túy. Ảnh: Đ.D

Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH cùng các sở, ngành liên quan, địa phương tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm để tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Việc này góp phần kiềm chế gia tăng người nghiện mới, người tái nghiện, giảm thiểu các tác hại của tệ nạn nghiện ma tuý đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Cần tháo gỡ khó khăn trong quản lý cai nghiện ma túy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO