[Emagazine] - Cần tiếp tục đầu tư giao thông nông thôn

HOÀNG ĐẠO - HỒ QUÂN 10/06/2023 17:49

(QNO) - Nhờ tập trung nguồn lực đầu tư, nhiều tuyến đường ĐH, giao thông nông thôn (GTNT) được bê tông hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên qua thời gian, đường sá xuống cấp, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên các tuyến đường ĐH, ĐX đến nay không thể đáp ứng.

 
 

Đã nhiều năm qua, ông Hồ Niên (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái, Phú Ninh) và nhiều người dân sống dọc tuyến đường N6 liên xã Tam Thái - Tam Dân - Tam Đàn mong con đường này được mở rộng hơn. Vốn kết hợp lấy thân đê làm đường giao thông nên hiện trạng mặt đường tuyến N6 chỉ rộng 2,5 mét, không thể đáp ứng nhu cầu đi lại khi lưu lượng người và phương tiện ngày càng đông đúc. Vào giờ cao điểm, người lao động, xe tải nhỏ chở hàng hóa… chen chúc nhau.

 

Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phú Ninh, từ 2005 đến nay đã có khoảng 500km đường được bê tông hóa, tuy nhiên đến nay mặt đường đã hư hỏng, xuống cấp và nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. “Trước kia mặt đường chỉ thiết kế rộng từ 2 đến 2,5 mét, nay lưu lượng phương tiện giao thông nhiều, dân số tăng thì thiết kế trên không còn phù hợp, đồng thời mặt đường các tuyến bê tông ĐH, ĐX cũng xuống cấp trầm trọng. Nguyên do là sau khi đạt chuẩn NTM thì ngân sách dành cho trả nợ, khai thác quỹ đất không có nhiều, nguồn lực đóng góp của nhân dân có hạn nên khó duy tu, nâng cấp” - ông Lê Văn Bình, Phó trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phú Ninh cho biết.

Tuyến đường N6 xuống cấp, chật hẹp so với mật độ giao thông qua tuyến đường này. Ảnh: Đ.Q
Tuyến đường N6 xuống cấp, chật hẹp so với mật độ giao thông qua tuyến đường này. Ảnh: Đ.Q

[VIDEO] – Một số tuyến giao thông ở Phú Ninh xuống cấp:

Tại xã Bình Định Nam (Thăng Bình), địa phương này về đích nông thôn mới năm 2016 với tỉ lệ GTNT đạt mức 70%. Từ đó đến nay, do tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các xã chưa về đích nông thôn mới, nên nguồn vốn đầu tư GTNT tại xã Bình Định Nam rất ít.

Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cũng cho biết nguồn lực của xã hạn hẹp, không thể đầu tư cho giao thông nông thôn. Năm 2018-2020, xã linh hoạt sử dụng nguồn vốn trung hạn xây dựng nông thôn mới đầu tư làm khoảng 2,3km đường GTNT.

“Do đời sống người dân ngày càng phát triển, mật độ giao thông ngày càng dày, hạ tầng hiện tại khó đáp ứng. Chưa kể, rất nhiều tuyến đường đã xây dựng hơn 15 năm nay đã xuống cấp, nhỏ hẹp, nhiều tuyến đường đất từ khi về đích NTM không có nguồn lực đầu tư. Đây cũng là nội dung được cử tri liên tục kiến nghị trong các lần tiếp xúc với đại biểu HĐND” - ông Bảo cho biết.

Xã Bình Định Nam (Thăng Bình) vẫn còn nhiều tuyến đường đất, không có kinh phí đầu tư. Ảnh: Đ.Q
Xã Bình Định Nam (Thăng Bình) vẫn còn nhiều tuyến đường đất, không có kinh phí đầu tư. Ảnh: Đ.Q

Thực địa tại tuyến ĐX1, ông Trần Quốc Bảo cho biết tuyến đường dài 4,2km, nối các xã Bình Trị - Bình Định Nam - Bình Phú, trong đó khoảng 600 mét mặt đường chỉ rộng 2,5 mét, phần còn lại rộng 3 mét. Tuyến đường này xây dựng năm 2009 nguồn vốn hỗ trợ của huyện khoảng 40%, còn lại là xã và nhân dân.

Theo ông Bảo, thời điểm đó, tuyến đường này phù hợp điều kiện đi, nhưng đến nay thì không thể đáp ứng. Cùng với đó, nhiều đoạn hư hỏng do ảnh hưởng mưa lũ hằng năm, mặt đường bong tróc, nứt nẻ. UBND xã Bình Định Nam nhiều lần đề xuất đầu tư, nâng cấp thành tuyến ĐH nhưng Sở GT-VT vẫn chưa thống nhất.

 
Tuyến đường ĐX1 của xã Bình Trị xuống cấp, nhỏ hẹp không đáp nhu cầu đi lại. Ảnh: Đ.Q
Tuyến đường ĐX1 của xã Bình Trị xuống cấp, nhỏ hẹp không đáp nhu cầu đi lại. Ảnh: Đ.Q

Theo phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, trên địa bàn có rất nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng giai đoạn 2000 - 2010, chiều rộng mặt đường từ 1,5 - 2 mét, hiện nay không thể đáp ứng nhu cầu đi lại, trở thành vấn đề bức xúc trong người dân.

“Trước đây người dân chủ yếu đi xe máy, xe đạp nên mặt đường cơ bản đáp ứng. Song mức sống người dân nâng cao hơn, nhiều người sắm sửa ô tô, xe tải… thì hạ tầng như vậy không thể đáp ứng. Chỉ cần một ô tô hay xe tải nhỏ đi vào là cản trở giao thông” - ông Phạm Phú Hòe, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Thăng Bình nói.

Cũng theo ông Hòe, để các tuyến đường đạt chuẩn GTNT loại B với thiết kế mặt đường rộng 5 mét và lề từ 0,5 - 1 mét thì cần nguồn vốn rất lớn. Trường hợp một số xã khai thác được quỹ đất, có ngân sách đầu tư vào giao thông thì huyện sẽ cân đối ngân sách thực hiện. Còn với các xã không có ngân sách thì rất khó triển khai.

Các tuyến đường bê tông đầu tư giai đoạn 2000 - 2010 ở Thăng Bình hiện xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ.Q
Các tuyến đường bê tông đầu tư giai đoạn 2000 - 2010 ở Thăng Bình hiện xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ.Q
 
Tuyến đường thôn Phú Yên (xã Tam Đàn, Phú Ninh) được nâng cấp rộng rãi. Ảnh: Đ.Q
Tuyến đường thôn Phú Yên (xã Tam Đàn, Phú Ninh) được nâng cấp rộng rãi. Ảnh: Đ.Q

Khi tuyến đường thôn Phú Yên (xã Tam Đàn) nâng cấp hoàn thành, bà Nguyễn Thị Luân rất vui. Trước đây, đường nhỏ hẹp, vài chỗ còn là đường đất nên người dân thôn Phú Yên phải hứng chịu cảnh mùa nắng hứng bụi, mùa mưa lầy lội. “Giờ đã có đường đi rộng rãi, có nơi tránh xe ô tô, ban đêm có điện sáng nên yên tâm lắm. Lại trồng thêm hàng cây xanh nên vài năm nữa con đường này sẽ có bóng mát. Giờ khi có việc cần gọi taxi hay xe chở hàng là họ đến tận nhà, mọi thứ thuận lợi hơn nhiều” - bà Luân nói.

Tuyến đường thôn Phú Yên được nâng cấp mặt đường trục thôn Phú Yên (tuyến KDC Tây Yên cũ đến nhà ông Nguyễn Thiện) đạt chỉ tiêu kỹ thuật cấp đường GTNT theo tiêu chuẩn TCVN 10380:2014, chiều dài hơn 400 mét, tổng kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng. Bề mặt đường được làm rộng 3,5 mét, có bố trí điểm tránh xe ô tô và lề đường 2 mét… Đây là một trong số các tuyến trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn làm sớm theo kiến nghị của nhân dân Phú Ninh.

[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Luân (thôn Phú Yên, xã Tam Đàn):

Giai đoạn 2021 - 2025 tổng nhu cầu cần nâng cấp, mở rộng là 90km toàn huyện Phú Ninh. Nhưng theo đề án Nghị quyết 38/NQ-HĐND ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh Quảng Nam về đề án kiên cố hóa hệ thống đường huyện (ĐH) và GTNT (GTNT) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 thì được hỗ trợ nâng cấp chất lượng mặt đường cho 48km.

 
Phú Ninh cần hỗ trợ nhiều hơn để đáp ứng tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. Ảnh: Đ.Q
Phú Ninh cần hỗ trợ nhiều hơn để đáp ứng tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. Ảnh: Đ.Q

Nhìn con đường trước nhà giờ đã thành đường thảm nhựa rộng 7 mét, ông Nguyễn Tấn Đồng (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) rất phấn khởi. Đó là thành quả của sự chung sức đồng lòng của người dân thôn Tân Phú. Là trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ thôn, khi nhà nước có chủ trương cùng nhân dân mở rộng tuyến đường, gia đình ông Đồng đã tiên phong hiến gần 40 mét vuông đất mặt tiền.

“Gần 190 hộ dân đã đồng lòng hiến đất để mở rộng tuyến đường dài 1,8km. Đường sá thênh thang thì bộ mặt quê nhà cũng khang trang, giàu đẹp. Khi nhân dân cùng hợp sức thì chuyện khó mấy cũng làm được” - ông Nguyễn Tấn Đồng nói.

Nhiều tuyến đường mới ở Tam Kỳ có sự tham gia từ xã hội hóa. Ảnh: Đ.Q
Nhiều tuyến đường mới ở Tam Kỳ hình thành từ xã hội hóa. Ảnh: Đ.Q

Ngoài tuyến đường thôn Tân Phú đã hoàn thành giai đoạn 1, trong năm nay xã Tam Phú có thêm 2 dự án xã hội hóa mở đường là tuyến từ cây xăng Tam Phú đi chợ Kim Thành giai đoạn 1 dài 1,3km với khoảng 120 hộ dân và tuyến Tam Kỳ - Tam Thanh qua thôn Ngọc Mỹ dài gần 2,3km với 137 hộ dân.

“Xã hội hóa, phát huy nội lực nhân dân là cách để địa phương nâng cấp GTNT vì hiện tại phải phụ thuộc phần lớn ngân sách thành phố. UBND xã, các hội đoàn thể, ban nhân dân thôn bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động nên người dân tích cực tham gia hiến đất mở đường. Đối với những trường hợp vướng mắc, lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân” - ông Nguyễn Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết.

Nghị quyết 269 của HĐND TP.Tam Kỳ sẽ góp phần giải bài toán giao thông cho địa phương này. Ảnh: Đ.Q
Nghị quyết 269 của HĐND TP.Tam Kỳ sẽ góp phần giải bài toán giao thông cho địa phương này. Ảnh: Đ.Q

Theo ông Phạm Thanh Lạc - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, thì thành phố không được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 38, Quyết định số 2826/QĐ-UBND ngày 15/10/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Đề án kiên cố hóa hệ thống đường huyện và GTNT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Đó chính là điều đáng tiếc nhất cho địa phương này khi muốn nâng cấp tiêu chuẩn đường GTNT, đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi 500km đường GTNT ở thành phố này sau hàng chục năm sử dụng đã xuống cấp nhưng các xã, phường lại không đủ ngân sách đầu tư.

Để giải bài toán khó, HĐND TP.Tam Kỳ đã ra Nghị quyết 269 về quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách thành phố, xã phường để đầu tư nâng cấp, chỉnh trang và khớp nối hạ tầng. Trong đó, mục tiêu nhằm góp phần xây dựng Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại 1 vào năm 2025. Nghị quyết đặt mục tiêu 100% các kiệt hẻm nội thị được bê tông hóa, GTNT được nâng cấp, khớp nối các tuyến liên thôn đạt trên 80%... Và nghị quyết này có cơ chế ưu tiên khuyến khích cho dự án được xã hội hóa kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Nghị quyết đặt ra yêu cầu với các dự án nâng cấp đường liên xã phải có quy mô mặt đường từ 7,5 mét trở lên và nhóm dự án này sẽ được ngân sách thành phố đầu tư 100% kinh phí xây dựng. Tuyến liên thôn mặt đường trên 5,5 mét và quản lý mặt cắt đường trên 11,5 mét. Tổng nguồn vốn thực hiện dự kiến là 280 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố Tam Kỳ hỗ trợ xã, phường là khoảng 170 tỷ đồng” - ông Lạc cho biết.

Các tuyến đường ĐH và GTNT trên địa bàn tỉnh được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, thông thương của nhân dân. Ảnh: Đ.Q
Các tuyến đường ĐH và GTNT trên địa bàn tỉnh được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, thông thương của nhân dân. Ảnh: Đ.Q
 

Năm 2020, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về Đề án kiên cố hóa hệ thống ĐH và GTNT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 100% hệ thống ĐH có mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng; 80% mặt đường có chất lượng tốt, có hệ thống thoát nước dọc được kiên cố; 70% công trình cầu, cống đạt quy mô vĩnh cửu.

Có 88% đường GTNT được bê tông hóa; 75% đường có chất lượng tốt; 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông; 99% thôn bảo đảm đường bê tông nối đến trung tâm, 40% đường trục xã và trục thôn có bề rộng 2 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; các công trình cầu, cống quan trọng được sửa chữa, nâng cấp với quy mô vĩnh cửu.

Tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 2.804 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.532 tỷ đồng. Và các địa phương bố trí ngân sách, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, huy động đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 1.272 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường khá đẹp ở Đại Lộc. Ảnh: Đ.Q
Nhiều tuyến đường khá đẹp ở Đại Lộc. Ảnh: Đ.Q

Theo UBND huyện Đại Lộc, trên địa bàn huyện có 20 tuyến với chiều dài hơn 110km được cứng hóa khoảng 95km đạt tiêu chuẩn thiết kế đường cấp V, cấp VI đồng bằng theo TCVN 4054:2005. Riêng hệ thống đường huyện với chiều dài gần 95km được bảo trì hằng năm nhưng vẫn còn nhiều tuyến đường ĐH bị hư hỏng, mặt đường xuống cấp; nền đường, mặt đường hẹp; công trình thoát nước, cầu cống chưa đồng bộ, chưa kết nối thông suốt từ khu vực nông thôn với hệ thống đường tỉnh lộ ĐT609, ĐT609B, và quốc lộ 14B.

Theo Nghị quyết 38, sau khi đã rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện cần thiết đầu tư các tuyến ĐH giai đoạn 2021 - 2025 là nâng cấp mặt đường 12,47km và 14,8km chưa có mặt đường. “Tổng kinh phí là 91,68 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết 38 hơn 55 tỷ đồng. Từ nguồn này, địa phương ưu tiên kiên cố gần 12,5km đường các tuyến ĐH5.ĐL Ngã 3 Phú An - Khe Tân, ĐH10.ĐL Đại Chánh - Trà Đức, ĐH12.ĐL Thôn 9 (Đại Lãnh) -  Bãi Quả (Đại Sơn), ĐH14.ĐL Thôn 14 (Chấn Sơn) -  Thôn 3 Đại Hưng; kiên cố hóa cầu cống nhỏ là 5 cái, kiên cố hóa mương thoát nước là 8,76km, kiên cố hóa lề đường 5,95km” - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Văn Quang cho biết.

[VIDEO] - Mạng lưới giao thông ở Quảng Nam phát triển:

Thăng Bình nỗ lực đầu tư hạ tầng nông thôn. Ảnh: Đ.Q
Thăng Bình nỗ lực đầu tư hạ tầng nông thôn. Ảnh: Đ.Q

Tương tự, Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh dự kiến hỗ trợ kinh phí cho Thăng Bình khoảng 135,2 tỷ đồng. Trong đó, kiên cố hóa tuyến ĐH là 86,9 tỷ đồng và kiên cố GTNT khoảng 48,4 tỷ đồng. Theo phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, Nghị quyết này khá đầy đủ, toàn diện giúp Thăng Bình có kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Trong 2 năm 2021, 2022, tổng mức đầu tư thực hiện Đề án kiên cố hóa đường ĐH và GTNT là hơn 54 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 19,8 tỷ đồng; còn lại kinh phí huyện, xã và nhân dân. Từ nguồn vốn này, Thăng Bình sẽ kiên cố mặt đường 3 mét khoảng 28km, đường 3,5 mét khoảng 6km và xây dựng, sửa chữa khoảng 10 cầu, cống.

“Với tổng chiều dài GTNT khoảng 700km thì nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 38 vẫn chưa thể đáp ứng. Thời gian tới, Thăng Bình cần có thêm nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh để huyện, xã và nhân dân cùng làm, qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân” - ông Phạm Phú Hòe, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Thăng Bình nói.

Các địa phương cần hỗ trợ để duy tu, nâng cấp đường giao thông đáp ứng kịp sự phát triển KT-XH. Ảnh: Đ.Q
Các địa phương cần hỗ trợ để duy tu, nâng cấp đường giao thông đáp ứng kịp sự phát triển KT-XH. Ảnh: Đ.Q

Quảng Nam phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ kiên cố hóa 229km mặt đường, 236km lề đường, xây dựng 244km mương thoát nước dọc, 59 cống hộp các loại, sửa chữa 64 cầu và xây dựng 87 công trình cầu đối với hệ thống ĐH. Bê tông hóa 425km mặt đường các loại, nâng cấp 394km mặt đường trục xã và trục thôn, mở rộng 683km nền đường và 855km mặt đường trục xã, trục thôn, sửa chữa 75 cầu, xây dựng mới 89 cống hộp và 68 công trình cầu đối với hệ thống đường GTNT.

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Cần tiếp tục đầu tư giao thông nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO