[eMagazine] - Chắt chiu hạt lúa trên ngàn

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 09/04/2023 07:29

Lúa hiện hữu trong đời sống lẫn quan niệm mang tính tâm linh của đồng bào vùng cao. Từ sự yêu quý, tôn thờ của người dân về cây lúa, nhiều câu chuyện ý nghĩa đã và đang được viết tiếp, vừa góp sức bảo tồn các giống lúa quý, vừa duy trì và nhân rộng diện tích trồng lúa trong cộng đồng.

 

Không chỉ là biểu tượng về sinh tồn, lúa là nguồn sống, được tôn thờ bằng tình yêu và niềm tin của người ở núi. Cả một đời sống tinh thần lấp lánh nhiều giá trị truyền thống, hàm chứa nhiều quan niệm độc đáo từ hình ảnh cây lúa nơi đại ngàn.

Phụ nữ Cơ Tu mang giống lúa cúng thần nhân trong ngày hội làng
Phụ nữ Cơ Tu mang giống lúa cúng thần nhân trong ngày hội làng
 

Chuyện cổ về cây lúa

Trong quan niệm của các già làng, hạt lúa vẫn được nhắc đến như một biểu tượng sinh tồn, thậm chí ví như con người. Từ xa xưa, bà con quen với việc trồng lúa rẫy, lúa được gieo ở sườn đồi, sườn núi, cạnh các con suối. Chắt chiu nắng, gió, mạch nước ngầm, cây lúa cứ lặng lẽ lên xanh, cho những mùa vàng. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện cổ nhắc về cây lúa. 

Thóc lúa, hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa vùng cao. Ảnh: N.C
Thóc lúa, hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa vùng cao. Ảnh: N.C

Ông Hiên Hôn - nguyên cán bộ VH-TT xã Đắc Pre (Nam Giang) nhắc câu chuyện cổ về bà Gia Nhe, một người đàn bà ăn xin ghé đến các bản làng để xin gạo sống qua ngày. Được hai anh em nhà nghèo che chở, bà hóa phép cho 8 bụi lúa mà hai anh em sản xuất được cả một kho thóc dài tám sải tay. Lúa đầy kho, hai anh em không lo làm ăn, thường xuyên gây gổ, đánh nhau làm gãy một bông lúa. Vậy là kho thóc biến mất.

Sợ bà giận, hai anh em biết lỗi, hứa sẽ luôn thương yêu nhau. Bà Gia Nhe mới hóa phép biến hai hạt gạo còn sót lại trong gùi của hai anh em thành một mâm cơm lớn, đủ cho cả làng ăn trong lễ mừng lúa mới. Sau này, bà mất trong một cuộc tranh giành của hai người hàng xóm xấu bụng. Ở xã La Dêê, nơi máu bà Nhe đổ xuống, cây lúa mọc lên tốt tươi hơn hẳn những bản làng khác, như một đặc ân bà để lại cho những người dân cần lao vùng biên giới.

 

Hơn mười năm trước, chúng tôi ngược vùng biên khu 7 (Tây Giang), đúng mùa lúa đương xanh. Cánh đồng Chuôr (xã A Xan) ngút ngàn màu xanh mê mải của lúa. Cánh đồng Chuôr khi đó, vừa được xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

Nhiều già làng ở A Xan nói, ruộng bậc thang Chuôr đã được khai phá, tạo lập qua hàng chục năm. Cánh đồng trải dài giữa thung lũng A Rầng, bên cạnh sông K’ool như một dải lụa xanh thắm vắt ngang, mềm mại. Từ đời cha, đời ông của các già làng, đã đổ mồ hôi tưới tắm cho những hạt lúa lên xanh giữa đại ngàn.

Trong chiến tranh, hạt lúa được mang về nuôi bộ đội đánh giặc. Hòa bình, lúa từ cánh đồng Chuôr lặng lẽ góp thêm no ấm cho các bản làng. Lúa vừa là “chứng nhân”, vừa đắp bồi thêm niềm tin của bà con ở vùng cao về một cuộc sống mới. Gian khó chưa hẳn đã qua, nhưng từ những mùa vàng về trước sân gươl, bà con vùng biên có quyền nghĩ xa hơn về những sung túc đủ đầy đang dần đến.

Già làng Alăng Bê (thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) nói, cây lúa được ví với hình ảnh con người. Để thấy, sự quan trọng của cây lúa trong đời sống và cả quan niệm của đồng bào Cơ Tu nói riêng, người miền núi nói chung. Ông bật ra một lời hát lý, đại ý con người (đại diện cho cây lúa) khi bắt đầu sinh ra đều mang giá trị, mang ý nghĩa riêng với Giàng. Để phát triển, cần có sự chăm sóc, nuôi dưỡng. Dù chỉ bé mọn “bằng con chấy”, nhưng đều có cuộc đời riêng, như đời người khi dựng vợ gả chồng, cây lúa cũng đơm hoa kết hạt, mang công sức của mình đóng góp cho cộng đồng làng và không thể thiếu được trong cuộc sống.

Không thể thiếu, đó là sự khẳng định chân xác nhất về giá trị, sự tôn thờ của đồng bào, với cây lúa...

Khởi nguồn của lễ hội

Đồng bào BH'noong ở Phước Sơn vui hội tết mùa, mừng lúa mới. Ảnh: ẢNH: N.C
Đồng bào BH'noong ở Phước Sơn vui hội tết mùa, mừng lúa mới. Ảnh: ẢNH: N.C

Những cuộc đi về miền sơn cước, chúng tôi nghe nhiều câu chuyện khá lý thú gắn với cây lúa trong quan niệm sống của đồng bào. Như “lệ làng” ở Lao Đu (xã Phước Xuân, Phước Sơn): gia đình nào thu hoạch đủ một trăm gùi lúa trở lên, sẽ phải góp một con heo để đãi cả làng trong lễ cúng chung mừng cơm mới. Năm này thất bát thì dời lại sang năm sau, cho đến khi có đủ điều kiện “một trăm gùi lúa”. Lễ cúng do phụ nữ chủ trì, đàn ông chỉ có nhiệm vụ đi tìm “thịt”. Người được chọn chủ trì lễ cúng sẽ là người làm ra được nhiều lúa nhất, họ chịu trách nhiệm về lễ và trách nhiệm “tâm linh” cho cả một mùa màng sắp đến.

Đó là cách để ghi nhận thành quả lao động của từng gia đình trong đời sống tinh thần chung của cả làng, cũng là “áp lực” để dân làng không biếng nhác. Thế nên, có năm làng chọn người... lười nhác nhất, để buộc họ chủ trì, phải cố gắng, nỗ lực làm ăn, gắn trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. Một cách vận động hiệu quả hơn kiểu tuyên truyền cổ động vốn “qua loa, chiếu lệ” vẫn tồn tại ở nhiều vùng.

 

Một không gian đầy huyền nhiệm sẽ mở ra trong lễ mừng lúa mới. May mắn dự phần những cuộc vui ở đó, chúng tôi cảm nhận được không chỉ là tín ngưỡng thờ thần rừng, tôn vinh cây lúa, còn có cả sự mê đắm hào sảng của đồng bào vùng cao gắn với những vụ mùa. Họ ca hát, nhảy múa. Họ sẵn sàng giết heo, giết gà, đâm trâu để tế thần, tạ ơn rừng. Họ hân hoan sau một mùa bội thu, khi hạt lúa chắc nịch đã qua giần sàng, đưa về cất trong nhà kho.

Lúa là nguồn cơn của niềm vui say, là điểm tựa cho cả cuộc sống tinh thần phong phú và đầy màu sắc. Từ hạt lúa, họ có quyền sống, thoải mái với những nhu cầu tưởng chừng giản đơn nhất nhưng lại vẹn tròn đủ đầy nhất. Không phải cứ cất giữ thật nhiều là giàu có. Đồng bào có quan niệm của họ, sống biết đủ, sống để vui và sống đầy năng lượng. Thứ năng lượng tinh thần không thể nào vắng thiếu để họ sống thích nghi với rừng, với những gian khó của đời sống, được khởi đi từ cây lúa...

Lúa vẫn lặng lẽ lên xanh khắp núi đồi, nếm đủ mưa nắng bão dông, chắt chiu từng giọt nước trời. Mâm cúng nào cũng không thể thiếu vài bát cơm từ lúa mới, dâng trời, dâng thần linh. Đó là kết quả của niềm tin được gieo xuống cùng hạt lúa đầu mỗi vụ mùa.

Già làng Alăng Bê nói, dù đói khổ hay sung túc, dù cuộc sống có ngàn vạn những đổi thay, bà con vẫn giữ lễ mừng lúa mới, thậm chí còn đặt tâm thế của chính mình trang trọng và kính ngưỡng hơn cả Tết Nguyên đán cổ truyền. Đó là tết, là lễ hội thực sự của đồng bào, đã vượt qua mọi thứ chuyển dịch và biến động để tồn tại.

Lễ hội có mâm cơm tương đối đủ đầy, có chén rượu được chưng cất từ hạt lúa, để vui, để say và hân hoan với cuộc sống hiện tại. Và còn để thể hiện lòng biết ơn. Đồng bào vẫn luôn hướng về thần rừng, về Giàng, bằng thái độ rất khiêm cung với tự nhiên và thần linh, như một kiểu thích nghi. Thích nghi để cùng tồn tại.

Sẽ còn có nhiều câu chuyện, nhiều quan niệm và suy tư liên quan đến cây lúa trên ngàn. Nơi đó, trong những câu chuyện, cây lúa có hẳn một đời sống riêng, một “chỗ đứng” riêng, gắn chặt với cộng đồng người vùng cao, trong cuộc sinh tồn...

 

“Ruộng chung”

Nhiều già làng người Xê Đăng ở huyện Nam Trà My cho biết, họ gắn bó với nghề trồng lúa nước, đặc biệt là ruộng bậc thang từ hàng trăm năm trước. Trên các dãy núi trong quần thể rừng Ngọc Linh hùng vỹ, những cánh đồng bậc thang xếp lên nhau mang vẻ đẹp rất thơ mộng. 

Vốn có tín ngưỡng thờ thần lúa, người Xê Đăng quan niệm, mỗi mùa rẫy bội thu đều có sự phù trợ của thần cho cộng đồng, xem đó như món quà thần linh ban tặng. Chính điều này tạo nên nét văn hóa cúng thần, hàm nghĩa mừng ngày mùa lúa mới, được người Xê Đăng duy trì tổ chức hằng năm, thông qua nghi thức rước hồn lúa. Một vòng đời của lúa, với người Xê Đăng, bắt đầu từ hành trình phát rẫy, chọc lỗ gieo những hạt giống vàng xuống đất, cho đến ngày thu hoạch, mang thóc về trữ trong nhà kho.

Ruộng bậc thang vùng cao. Ảnh: N.C
Ruộng bậc thang vùng cao. Ảnh: N.C

Già làng Hồ Văn Canh (nóc Mông Priu, thôn 3, xã Trà Linh) kể về ngày trước, người Xê Đăng thường phát rẫy để trồng lúa, sau vì trồng sâm nên chuyển dần canh tác ruộng bậc thang. Nhưng, dù phương thức canh tác nào thì đến mùa gieo hạt, người Xê Đăng đều tuân thủ quy định nghiêm ngặt của làng, nhất là trong việc chọn giống lúa đảm bảo chất lượng. Mùa trỉa gieo, từ chiếc gùi loại nhỏ đặt dưới chân cây nêu, già làng lấy ra giống lúa chuẩn nhất phân phát cho từng hộ gia đình. 

 

Chuyện giữ thần lúa, thần rừng cũng được ghi nhận ở người Cơ Tu sinh sống tại các ngọn núi phía tây của tỉnh. Nhiều năm nay, khi chủ trương “không phát nương làm rẫy” được ban hành, cộng đồng làng Cơ Tu khắp vùng phát triển mạnh mô hình trồng lúa nước. Phát huy truyền thống cố kết cộng đồng, đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng cùng nhau tổ chức các đợt góp công, hỗ trợ hộ gia đình khó khăn chăm sóc, thu hoạch lúa mùa. Trên “ruộng chung” cộng đồng, mùa này lúa đang bắt đầu được gieo xuống giữa khung cảnh bậc thang thơ mộng bên sườn núi đá Trường Sơn Đông.

Thay đổi lối canh tác

Đồng bào vùng cao chuyển dần từ canh tác nương rẫy sang làm ruộng lúa nước. Ảnh: N.C
Đồng bào vùng cao chuyển dần từ canh tác nương rẫy sang làm ruộng lúa nước. Ảnh: N.C

Từ giã tập tục xưa cũ theo phương thức phát nương làm rẫy, người Xê Đăng ở Nam Trà My, người Cơ Tu ở Tây Giang và Nam Giang đã chuyển dần sang lối canh tác mới: trồng lúa nước trên ruộng bậc thang. Tích lũy kinh nghiệm dân gian trong cộng đồng, người dân miệt mài đắp đập, be bờ tạo những khoảng rãnh ngược lên sườn núi. Những khe đá, suối nước được đưa về bằng những thanh tre tạo thành máng, khớp nối với nhau bao quanh thửa ruộng.

Chứng kiến những cuộc khai hoang ruộng lúa bậc thang từ những ngày sau giải phóng, già làng Hồ Văn Chính (nóc Xa Lin, thôn 1, Trà Linh) được xem như một “chứng nhân” trong hành trình đổi hướng canh tác theo mô hình sinh kế mới. Đó là làm ruộng bậc thang kết hợp trồng sâm núi Ngọc Linh, phục vụ nhu cầu đời sống, góp sức cho mục tiêu giảm nghèo.

Trên sườn núi cao, những cánh đồng ruộng bậc thang nối dài theo hình cánh cung rộng lớn, là thành quả sau thời gian miệt mài vận động người dân chuyển đổi phương thức canh tác của chính quyền địa phương. “Làm ruộng nên ít phát rẫy, ít tác động đến rừng già. Vì thế, nhiều hộ dân có nơi để trồng sâm, phát triển kinh tế” - già Chính bộc bạch.

 

Ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch UBND xã Trà Nam (Nam Trà My) cho hay, người Xê Đăng trước đây thường làm ruộng bậc thang theo từng nhóm hộ gia đình trên phần diện tích chung. Đến mùa vụ mới, đặc biệt là đến kỳ thu hoạch, cộng đồng giúp nhau san sẻ từng phần việc, từ hộ này đến hộ khác, tạo nên sự gắn kết bền chặt.

“Cho đến bây giờ, người Xê Đăng vẫn giữ được giống lúa tốt nhất để gieo hạt tại các cánh đồng bậc thang. Hạt lúa không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống, mà còn được xem là nơi ngự trị của thần. Vì thế, có quan niệm rước hồn lúa, với ý nghĩa mang ơn thần lúa đã ban tặng hạt giống tươi tốt cho dân làng. Những năm gần đây, lúa không còn được trồng trên rẫy, nhưng giống lúa quý truyền thống vẫn được bảo tồn, trồng tại các cánh đồng bậc thang ở sườn núi cao của cộng đồng” - ông Phương nói.

 

Ở vùng cao, những cánh rẫy, ruộng lúa nước bây giờ không chỉ là nguồn sống, mà còn là “điểm đến” cho mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, an ninh lương thực và quốc phòng…

L13: VẺ ĐẸP ĐỘC ĐÁO CỦA CÁNH ĐỒNG LÚA VÙNG CAO. ẢNH: N.C
Vẻ đẹp của cánh đồng vùng cao. Ảnh: N.C

Trên hành trình khám phá non cao, những vị khách ngoại quốc trong đoàn thám hiểm rừng như không muốn rời mắt trước vẻ đẹp của cánh đồng lúa Chuôr (xã A Xan, Tây Giang) giáp biên giới  Việt - Lào. Đang vào mùa lúa chín, cánh đồng như dải lụa mềm dưới chân núi, mang sắc màu tươi mới của vùng đất đầy nắng gió. Trải gần trăm năm, cánh đồng Chuôr giờ đây đã trở thành nguồn sống cho nhiều thế hệ đồng bào Cơ Tu và cán bộ kháng chiến, được công nhận là danh thắng cấp tỉnh.

Những đợt thiên tai tàn phá, có lúc, người ta tưởng chừng cánh đồng Chuôr không thể tồn tại được nữa. Nhưng, bằng tinh thần đoàn kết và cần cù, những mảnh đất khô cằn sỏi đá, sau thời gian khôi phục đã hồi sinh. Con đường bê tông độc đạo nối các làng người Cơ Tu ở lưng chừng núi, như kéo dài sự rộng mở của cánh đồng, màu xanh của lúa thoai thoải trên khắp sườn đồi ruộng bậc thang màu mỡ, mang vẻ trù phú của vùng cao một thuở.

Cánh đồng Chuôr
Cánh đồng Chuôr - Tây Giang

Anh Pơloong Plênh, người chuyên kết nối đoàn du lịch thám hiểm rừng pơmu tại Tây Giang kể, những người con của vùng đất A Xan bây giờ đều xem cánh đồng Chuôr như miền ký ức đẹp. Bước chân ra khỏi làng, những con dân của rừng mang trong lòng sự biết ơn về tình người gắn kết, và cả câu chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống từ mạch lúa của vùng cao.

“Nghe những câu chuyện đó, trực tiếp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cánh đồng lúa, du khách bày tỏ sự thích thú và ngưỡng mộ về chiều sâu văn hóa, cũng như tinh thần gắn kết của cộng đồng làng người Cơ Tu” - Pơloong Plênh chia sẻ.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Arất Blúi, trong định hướng của địa phương, tất cả không gian làng truyền thống, quần thể rừng sinh thái, kể cả văn hóa ruộng đồng… đều có thể trở thành đặc sản du lịch để du khách khám phá và trải nghiệm.

Hạn chế phát nương làm rẫy, đồng nghĩa với việc khuyến khích đồng bào địa phương duy trì và mở rộng diện tích trồng lúa nước, đặc biệt là ruộng bậc thang được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới và phù hợp, giúp người dân bảo tồn được nguồn giống lúa chất lượng, tạo cảnh quan cho điểm dừng chân mới, cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho vùng cao trong điều kiện mưa lũ, thiên tai chia cắt.

“Đặc biệt là ruộng bậc thang, vừa mang vẻ đẹp mới lạ cho vùng đất phía tây của tỉnh, vừa bảo lưu giá trị văn hóa nông nghiệp mà cha ông ngày trước đã sáng tạo, góp sức cho mục tiêu phát triển kinh tế du lịch ở địa phương” - ông Blúi khẳng định.

 

Những năm gần đây, trước nguy cơ nhiều giống lúa quý hiếm của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dần khan hiếm và có nguy cơ thất truyền, chính quyền địa phương và cộng đồng miền núi đang xây dựng đề án bảo tồn, phục hồi giống lúa truyền thống.

Giống lúa baton chuẩn được bảo tồn trong cộng đồng người Bh'noong. Ảnh: N.C
Giống lúa baton chuẩn được bảo tồn trong cộng đồng người Bh'noong. Ảnh: N.C

Trong số ít huyện miền núi còn giữ được giống lúa truyền thống, Phước Sơn được xem là địa phương thuần chủng khá tốt hạt giống đỏ baton của đồng bào Bh’noong. Ngoài duy trì, chọn bảo lưu trong cộng đồng, chính quyền xây dựng đề án khôi phục và bảo tồn theo từng giai đoạn, tạo điều kiện lưu giữ giá trị giống lúa baton quý hiếm và đặc trưng trước nguy cơ thất truyền.

Trên cơ sở khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng tham gia công tác bảo tồn giống lúa chuẩn, địa phương đang tính đến việc hỗ trợ, lồng ghép các nguồn lực để người dân hưởng lợi; đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm đảm bảo theo nguồn cung ứng.

Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, trong đề án bảo tồn của địa phương, giống lúa baton được xây dựng thành sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của đồng bào Bh’noong. Năm 2022, lúa baton được công nhận là sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao.

L18: Lúa đặc trưng được trồng lâu đời, trở thành nguồn sống cho đồng bào vùng cao. Ảnh: N.C
 Lúa đặc trưng được trồng lâu đời, trở thành nguồn sống cho đồng bào vùng cao. Ảnh: N.C

“Từ kết quả này, chúng tôi khuyến khích người dân mở rộng diện tích, gắn công tác bảo tồn giống lúa baton với việc duy trì, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời triển khai kế hoạch phối hợp bao tiêu sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu chuẩn, đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm cho thị trường tiêu thụ” - ông Điểm cho biết thêm.

Về lâu dài, ông Điểm nói, địa phương sẽ kết nối với Công ty TNHH Minh Nga (Hiệp Đức) theo dự án “Cô gái Bh.nong - mang hương rừng ra phố” nhằm hỗ trợ giống lúa baton, mở hướng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của đồng bào địa phương. Gắn với hoạt động kết nối này, chính quyền huyện Phước Sơn kỳ vọng sẽ tạo cơ hội giúp người dân chuyển đổi dần tư duy trồng trọt tự cung tự cấp sang trồng trọt mang tính hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

 

Theo ông Alăng Ôi - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang, lâu nay, người Cơ Tu xem giống lúa ba trăng như sản vật quý, được chọn lọc tự nhiên thông qua phương thức canh tác nương rẫy. Với nhiều đặc tính nổi trội, thích nghi tốt với điều kiện sinh thái tại các khu sản xuất, giống lúa ba trăng được sử dụng để gieo tỉa qua nhiều thế hệ, cho giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, do thói quen canh tác phần lớn phụ thuộc tự nhiên, trên đất dốc bạc màu nên năng suất lúa ba trăng những năm gần đây không cao. Đặc biệt, do không có phương pháp chọn lọc, phục tráng khiến giống lúa này bị thoái hóa nghiêm trọng, làm giảm năng suất và chất lượng.

Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương xây dựng đề án phục tráng giống lúa ba trăng, vừa góp phần bảo tồn nguồn giống quý, vừa tăng năng suất, chất lượng lúa rẫy, đảm bảo ổn định an ninh lương thực tại địa phương miền núi.

“Sau thời gian nghiên cứu, chọn lọc, chúng tôi tổng hợp được các đặc điểm nông học và phục tráng thành công giống lúa ba trăng trắng nguyên chủng từ nguồn giống sản xuất tại địa phương. Bên cạnh hỗ trợ người dân nhân rộng gieo trồng giống lúa ba trăng thuần chủng, chúng tôi khuyến khích việc tổ chức sản xuất, lưu giữ và bảo quản tốt nguồn giống đã được phục tráng, phục vụ sản xuất lâu dài” - ông Alăng Ôi nói.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Chắt chiu hạt lúa trên ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO