[eMagazine] - Chính sách nhân văn cho cầu nối Việt - Lào

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ 08/01/2023 05:23

Bằng các chính sách hỗ trợ theo chương trình hợp tác về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, Quảng Nam đã đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho hàng nghìn cán bộ, học sinh của hai tỉnh Sê Kông và Chămpasak (Lào). Sau thời gian học tập, nghiên cứu và tốt nghiệp trở về nước, nhiều người trở thành cán bộ công chức có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội tại quê nhà.

 
 

Chính xác là hơn 1.500 cán bộ, học sinh các tỉnh Sê Kông và Chămpasak được đào tạo kể từ khi Quảng Nam triển khai chính sách hỗ trợ theo chương trình hợp tác vào năm 2007, với tổng khoảng kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Như sợi dây vắt ngang dãy Trường Sơn, các chính sách hỗ trợ của Quảng Nam với các tỉnh bạn luôn được xem là món quà ý nghĩa, ghi dấu tình đoàn kết bền chặt trong mối quan hệ hợp tác Việt - Lào anh em. 

Điều kiện ăn ở, học tập của lưu học sinh Lào tại Quảng Nam ổn định nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.
Điều kiện ăn ở, học tập của lưu học sinh Lào tại Quảng Nam ổn định nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.

Xem các chính sách hỗ trợ của Quảng Nam đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và lưu học sinh Lào thời gian qua như một sợ dây gắn kết nghĩa tình, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sê Kông - bà Chăn-hỏm Ma-hả-say nói, không chỉ các thế hệ lưu học sinh mà ngay cả lãnh đạo tỉnh Sê Kông luôn bày tỏ sự biết ơn và cảm phục. Chính quá trình hợp tác bền bỉ và thiết thực ấy đã nối tình nghĩa anh em giữa Quảng Nam và Sê Kông ngày thêm bền chặt, keo sơn như thác nguồn Trường Sơn hùng vĩ.

Hội nghị thường niên giữa lãnh đạo Quảng Nam và Sê Kông năm 2022
Hội nghị thường niên giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Sê Kông năm 2022

Lời ví ấy, được bà Chăn-hỏm Ma-hả-say chia sẻ trong buổi tham dự cuộc gặp gỡ, động viên giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các lưu học sinh Lào đang sinh sống và học tập tại Quảng Nam mới đây.

Bằng tất cả niềm tin và sự chân thành, bà Chăn-hỏm Ma-hả-say mong muốn Quảng Nam tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp lưu học sinh Lào trong việc tiếp cận công nghệ, trau dồi khả năng tiếng Việt, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn ngành học, nhất là ngành y dược và quản lý sư phạm.

“Tôi muốn nói với các em lưu học sinh Lào, bây giờ, các em đã có cơ hội được học tập tại Quảng Nam và nhận được sự quan tâm rất đặc biệt từ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, vì thế việc còn lại là các em hãy nỗ lực rèn luyện và học tập thật tốt, phấn đấu sau khi tốt nghiệp ra trường về phục vụ bản thân, gia đình và quê hương đất nước, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình, sự quan tâm của lãnh đạo 2 tỉnh thời gian qua” - bà Chăn-hỏm Ma-hả-say nhấn mạnh.

 
 

Là tỉnh duy nhất của cả nước có nhiều chính sách đặc biệt dành cho lưu học sinh Lào như: dạy chương trình tiếng Việt 12 tháng trước khi vào học chuyên ngành; miễn toàn bộ học phí, ký túc xá cho lưu học sinh Lào theo diện tự túc kinh phí với chế độ học bổng vượt trội so với các tỉnh trong khu vực miền Trung..., thời gian qua, Quảng Nam tích cực hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng thành công 868 lưu học sinh ra trường trở về nước công tác.

Nhiều lưu học sinh từng học tập, tốt nghiệp tại Quảng Nam sau khi về nước công tác và trưởng thành, được Đảng và Nhà nước của Lào giao giữ các chức vụ quan trọng tại địa phương.

 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Quảng Nam cho biết, tại Quảng Nam, hiện có 277 lưu học sinh Lào theo học tại các trường đại học, cao đẳng. HĐND tỉnh cũng ban hành nghị quyết quy định các chế độ, chính sách cụ thể cho lưu học sinh Lào sang học tập như: hỗ trợ 100% học phí đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tiếng Việt; hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng với số tiền 3 triệu đồng; hỗ trợ trang bị một số đồ dùng cá nhân, chi phí đi lại, bảo hiểm y tế…

“Để đáp ứng điều kiện học tập, sinh hoạt giai đoạn tiếp theo cho du học sinh Lào, mới đây, UBND tỉnh có văn bản thống nhất chủ trương tăng mức hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng và hỗ trợ tiền tàu, xe dịp tết và nghỉ hè đối với lưu học sinh Lào thuộc diện nhận học bổng của tỉnh.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, giải quyết những khó khăn sau dịch COVID-19 với mong muốn làm sao để lưu học sinh Lào có điều kiện học tập tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương Nam Lào” - ông Tuấn nói.

Quảng Nam luôn tạo điều kiện giúp lưu học sinh Lào tham gia hoạt động văn hóa -xã hội, phát triển thể chất.
Quảng Nam luôn tạo điều kiện giúp lưu học sinh Lào tham gia hoạt động văn hóa -xã hội, phát triển thể chất.

Ngoài duy trì và nâng cao chính sách hỗ trợ cho du học sinh, thời gian tới, Quảng Nam đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các địa phương của Lào, nhất là hai tỉnh Sê Kông và Chămpasak nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của các tỉnh trên trong giai đoạn tiếp theo.

Trên cơ sở xây dựng và tìm hướng nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo lưu học sinh Lào, các cơ sở đào tạo của Quảng Nam đang nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học và tư duy sáng tạo, góp phần đưa mối quan hệ hợp tác hữu nghị đôi bên bước sang tầm cao mới.

 
 

Bạn Muc-đa (sinh viên Trường Đại học Quảng Nam) cho hay, lâu nay tại Quảng Nam chưa có dịp tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa giới thiệu vùng đất, con người của Lào đến với công chúng. Để tạo cơ hội mở rộng giao lưu, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của Lào đến với người dân xứ Quảng, Muc-đa nói cần quan tâm và xem hoạt động giao lưu văn hóa như một chương trình đào tạo, góp phần đưa văn hóa Lào gần hơn với cộng đồng Việt Nam.

Lưu học sinh Lào phát biểu trong buổi gặp mặt lãnh đạo tỉnh.
Lưu học sinh Lào phát biểu trong buổi gặp mặt lãnh đạo tỉnh.

Từ ý tưởng gợi mở của Muc-đa, nhiều lưu học sinh Lào đề đạt nguyện vọng được tham gia giao lưu văn hóa giữa cộng đồng sinh viên Lào tại Quảng Nam với sinh viên các trường Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng… Đồng thời tổ chức tham quan các thành phố lớn, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam giúp lưu học sinh có điều kiện học hỏi, trải nghiệm, nâng cao kiến thức cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, lâu nay, việc chăm lo cho các lưu học sinh Lào có nhiều chuyển biến cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, quá trình quản lý, dạy và học cũng như sinh hoạt của lưu học sinh Lào vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết, nhất là nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tạo điều kiện tốt nhất để lưu học sinh Lào tiếp cận chương trình đào tạo nâng cao, có sự hiểu biết và cọ xát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới trong giáo dục, cũng như yêu cầu trình độ ngày càng nghề cao.

“Lắng nghe ý kiến của lưu học sinh Lào lần này để Quảng Nam có những quyết sách đột phá hơn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương Nam Lào ngày càng hiệu quả, chất lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển” – đồng chí Phan Viêt Cường nói.

Các cơ sở đào tạo thường xuyên quan tâm, động viên lưu học sinh Lào trong đời sống sinh hoạt và học tập.
Các cơ sở đào tạo thường xuyên quan tâm, động viên lưu học sinh Lào trong đời sống sinh hoạt và học tập.

Để giúp lưu học sinh Lào yên tâm trong học tập và sinh hoạt, ông Cường đề nghị các cơ sở đào tạo cần tiếp tục xây dựng kế hoạch mở rộng giao lưu hợp tác, hỗ trợ tham quan thực tế và thực tập nghiên cứu khoa học.

Đồng thời các trường cần đưa chủ trương, chính sách của tỉnh đến với lưu học sinh thông qua qua các kênh mạng xã hội và trang thông tin điện tử của nhà trường, giúp lưu học sinh dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin hoạt động, các bài giảng điện tử phù hợp…

“Không chỉ trong đào tạo, việc sinh hoạt, ăn ở của lưu học sinh Lào phải được quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất, đáp ứng với nhu cầu cuộc sống của các em, cũng như chính sách ưu tiên đầy tính nhân văn của tỉnh dành cho cán bộ và lưu học sinh Lào” - ông Cường nhấn mạnh.

Thống nhất chủ trương tăng mức hỗ trợ

Tại buổi gặp mặt, nhiều lưu học sinh Lào chia sẻ về thực trạng vật giá leo thang thời gian gần đây tác động đến đời sống và học tập, vì thế mong muốn Quảng Nam có cơ chế nâng mức kinh phí hỗ trợ, giúp lưu học sinh Lào ổn định cuộc sống.

Kiến nghị này lập tức được lãnh đạo tỉnh thống nhất về mặt chủ trương; đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương để trình HĐND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ sinh hoạt phí và các chế độ chính sách cho lưu học sinh Lào trong năm 2023 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và đảm bảo đúng quy định.

 

Ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, với số lượng lưu học sinh Lào theo học nhiều thứ hai sau Trường Đại học Quảng Nam, nhiều năm qua, các ngành đào tạo của trường đều có lưu học sinh đăng ký theo học.

Do đặc thù công việc và ngành học, đối tượng sinh viên ngành y tiếp xúc hằng ngày là con người trong trạng thái đau ốm. Vì thế, để thực hành nghiệp vụ nắm bắt thông tin người bệnh tốt, đòi hỏi sinh viên ngành y phải nỗ lực “hết công suất” trong việc học tập, giao tiếp tốt với bệnh nhân nhằm tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Ông Sơn nói, bằng rất nhiều biện pháp hỗ trợ từ nhà trường, công tác đào tạo chuyên môn, nhất là tăng cường tiếng Việt cho lưu học sinh Lào có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do khối lượng học tập khá nặng nên lưu học sinh rất khó thu xếp được thời gian dành cho việc nâng cao khả năng tiếng Việt.

“Nhiều lưu học sinh ở tỉnh Chămpasak, trước khi sang Quảng Nam nhập học đã có thời gian đào tạo tiếng Việt khá bài bản, giúp khả năng giao tiếp cũng như kết quả học tập tốt hơn” - ông Sơn chia sẻ.

Lưu học sinh Lào được hỗ trợ về kỹ năng phát triển tiếng Việt.
Lưu học sinh Lào được hỗ trợ về kỹ năng phát triển tiếng Việt.

Những năm qua, để nâng cao tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Trường Đại học Quảng Nam thành lập Câu lạc bộ tiếng Việt nhằm hỗ trợ khả năng giao tiếp, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Đều đặn mỗi tối cuối tuần, các thành viên câu lạc bộ cùng nhau tổ chức dạy kèm, hỗ trợ lưu học sinh kỹ năng phát triển tiếng Việt, đặc biệt là quá trình nói - nghe - viết tiếng Việt.

Nhiều lưu học sinh Lào chịu khó giao tiếp, lắng nghe và học hỏi kỹ năng từ bên ngoài, thông qua xin làm thêm tại các nhà hàng, quán ăn, cà phê… tại Tam Kỳ. Nhờ vậy, khả năng tiếng Việt dần nâng cao, góp ích rất nhiều cho việc học chuyên môn trong trường.

Tại một số cơ sở đào tạo, hằng tháng, hằng quý các trường đều tổ chức cuộc trao đổi để thăm dò và khảo quá trình học tập, sự tiến bộ của lưu học sinh.

“Đối với các chương trình đào tạo nặng như ngành y, ngoài công tác giảng dạy trên lớp theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT, nhà trường còn tăng cường thực hành, tổ chức đối thoại giữa thầy và trò để có hướng điều chỉnh phù hợp trong việc truyền đạt kiến thức, cũng như nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm và sự hiểu biết về tiếng Việt cho lưu học sinh Lào” - ông Sơn nói.

Những ký ức không quên

Sau khi ra trường, các lưu học sinh Lào hễ có cơ hội là dành thời gian để quay trở lại vùng đất Quảng Nam thân thương mà họ từng gắn bó...

Lần đặt chân nào đến Quảng Nam, ông Khăm-sỏn Kon-nhơ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Sê Kông đều tranh thủ tìm đến bãi biển Tam Thanh để “ôn lại kỷ niệm”. Ông Khăm-sỏn Kon-nhơ là cựu lưu học sinh Lào giai đoạn 1984 - 1986, theo học tại Trường Trung cấp nông lâm Quảng Nam (cũ) - nay là Trường Cao đẳng Quảng Nam.

Những người từng gắn bó với Khăm-sỏn Kon-nhơ đều kể, ông sống rất tình cảm, nói sõi tiếng Việt và nhiều gắn bó với Quảng Nam. Mới đây nhất, vào tháng 9/2022, nhân chuyến công tác tại Quảng Nam, mặc dù lịch làm việc dày đặc nhưng ông Khăm-sỏn Kon-nhơ vẫn dành thời gian dạo phố Tam Kỳ, tìm lại ký ức xưa cũ một thời gắn bó.

Ông Khăm-sỏn Kon-nhơ trong một chuyến công tác tại Quảng Nam vào tháng 9/2022.
Ông Khăm-sỏn Kon-nhơ trong một chuyến công tác tại Quảng Nam vào tháng 9/2022.

Ông kể, thời điểm theo học tại Quảng Nam cuộc sống còn rất khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù vậy, ông và nhiều lưu học sinh Lào vẫn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong quá trình học tập, sinh hoạt. Bởi vậy, ông nói, dù ở cương vị nào cũng luôn mang theo nghĩa tình Quảng Nam trong lòng như một miền nhớ của riêng mình, không thể nào quên.

“Hồi đó, tôi từng tham gia trồng cây xanh ở hồ Phú Ninh và từng đạp xe từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng để trải nghiệm. Tôi nhớ, mình cũng góp mặt trồng cây phi lao dưới bờ biển Tam Thanh nên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt, tôi có một người mẹ nuôi ở xã Tam Dân (Phú Ninh), mẹ rất thương yêu tôi nhưng qua thời gian xa cách nên tôi đã mất liên lạc với mẹ” - ông Khăm-sỏn Kon-nhơ chia sẻ.

Như tạo sự kết nối bền chặt với Quảng Nam, vài năm trước, ông Khăm-sỏn Kon-nhơ động viên con trai theo học, tiếp bước chân cha ở xứ Quảng. Năm 2017, con ông ra trường và hiện công tác tại huyện Thà Tèng (Sê Kông).

Hễ có dịp đến Quảng Nam, các cựu lưu học sinh Lào đều tìm tìm lại “dấu chân kỷ niệm” nơi vùng đất từng gắn bó.
Hễ có dịp đến Quảng Nam, các cựu lưu học sinh Lào đều tìm lại vùng đất từng gắn bó.

Khác với ông Khăm-sỏn Kon-nhơ, dù chỉ theo học chương trình đào tạo lớp Trung cấp chính trị tại Quảng Nam vào năm 2015 nhưng Khăm-phay Phim-ma-vắt (Giám đốc Sở Giáo dục và thể thao tỉnh Sê Kông) luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ và ấn tượng về văn hóa, con người Quảng Nam. Bởi với ông, Quảng Nam luôn là điểm đến lý tưởng, đầy năng động, có quá trình phát triển vượt bậc và đổi thay nhanh chóng sau mỗi lần ông đến.

Ông Khăm-phay Phim-ma-vắt nói, ông ước ao quê nhà Sê Kông có bước tiến ngoạn mục trong phát triển kinh tế - xã hội như Quảng Nam. Thời gian học tập tại Quảng Nam đối với ông còn “quý hơn vàng”, bởi sau quá trình trải nghiệm thực tế giúp ông có thêm nhiều kiến thức hay, tư duy nhạy bén, góp phần làm tốt hơn công tác quản lý ngành giáo dục tại quê nhà.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Chính sách nhân văn cho cầu nối Việt - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO