[eMagazine] - Chung sức đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19

ĐĂNG KHOA 19/08/2020 16:48

(QNO) - Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 12.2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và lây nhiễm ra các địa phương của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn về người. Sau đó, dịch lây lan nhanh chóng, nguy hiểm ra nhiều nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đến ngày 11.3.2020 tăng cấp độ, công bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

 

Hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp và khó lường, WHO đã quyết định duy trì tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời cảnh báo cuộc chiến chống dịch nhiều khả năng sẽ kéo dài.

Nhiều chuyên gia y tế trên thế giới cho rằng, với Covid-19, “không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn”, bởi vậy, WHO kêu gọi mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần chủ động và tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ, giãn cách xã hội, tuân thủ các khuyến cáo vệ sinh dịch tễ, tăng cường xét nghiệm phát hiện và khoanh vùng sớm các ca bệnh, truy dấu tiếp xúc để đảm bảo không bỏ sót ca mắc và chuẩn bị các phương tiện điều trị thích hợp.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 đang gia tăng lây nhiễm mạnh mẽ trên toàn cầu với mức độ và các giai đoạn khác nhau. Đến ngày 15.8 đã có 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) với 21.384.679 ca mắc, 764.056 trường hợp tử vong. Đáng chú ý có 5 nước có số người nhiễm cao nhất thế giới là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi. Các chuyên gia cho rằng, vi rút corona chủng mới (gọi là SARS-CoV-2) đã phải cần đến 92 ngày để lây lan đến một triệu người nhiễm đầu tiên trên toàn thế giới và bây giờ chỉ cần 4 ngày có thêm một triệu người nhiễm Covid-19 trên thế giới. 

 
 

Trong từng thời điểm cụ thể, công tác phòng chống dịch của nước ta nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ; sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.

Trong Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa. Trong cuộc chiến phòng chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khoẻ và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. 

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của WHO; cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo quốc gia, các lực lượng y tế, quân đội, công an đã khẩn trương vào cuộc, ngày đêm bám trụ ở tuyến đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh như phát hiện nhanh, cách ly tập trung, xét nghiệm, khoanh vùng, chỉ đạo dập dịch và điều trị hiệu quả. Hệ thống chính trị cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp, điều trị hiệu quả.

Ghi nhận về kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn đầu, TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bộc bạch: “Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”. 

 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định “công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh vào cuộc đồng bộ, quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân”.

UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng, triển khai kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh; công tác truyền thống được tổ chức bài bản, hiệu quả; phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch bệnh được các địa phương đẩy mạnh. Công tác cách ly, điều trị được triển khai đồng bộ. Mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh đều được công khai, chính xác, kịp thời. Các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch như đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ quân đội, biên phòng, công an… đều hăng hái xông pha nơi “chiến trường” với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Nhiều nghĩa cử đẹp trong cộng đồng, doanh nghiệp được khơi dậy cùng chung tay, góp sức, tiếp thêm sức mạnh với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình đều là một pháo đài phòng chống dịch.

Vì vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt; nhiều du khách quốc tế, nhiều trường hợp trong nước, trong tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ cách ly và họ đã rất vui vẻ, xúc động khi được sự quan tâm đón tiếp, chăm sóc, phục vụ tận tình của các ngành chức năng liên quan.

 
 

Tuy nhiên, sau 99 ngày không có ca mắc Covid-19, ngày 25.7, Việt Nam lại ghi nhận ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng tại TP.Đà Nẵng và sau đó đã ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, cho thấy dịch bệnh có nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng. 

Trong các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dịch Covid-19 lây lan nhanh ở mức cao, bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng thì không thể mất cảnh giác, chủ quan. Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”. Theo đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã vào cuộc quyết liệt. Tất cả phương án cao nhất, mạnh nhất cho “cuộc chiến đấu” mới đều đã được kích hoạt và đi vào hoạt động liên tục với tinh thần quyết tâm cao để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng. 

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị, nêu rõ: Chuẩn bị sẵn sàng các phương án và chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, giám sát y tế, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, nghi ngờ lây nhiễm. Thực hiện kê khai y tế đối với người dân trở về từ TP.Đà Nẵng từ ngày 1.7.2020 đến nay, nhất là những người có người nhà là bệnh nhân điều trị ở các bệnh viện Đà Nẵng; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xét nghiệm tất cả trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh và công tác khám, chữa bệnh; kiểm soát đảm bảo an toàn dịch tễ, tuân thủ quy trình, phòng chống dịch Covid-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly, các cơ sở khám chữa bệnh và trong lực lượng tham gia phòng chống dịch. Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng các kịch bản theo tình hình cụ thể để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho phù hợp. Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng cần tập trung cao độ, áp dụng các biện pháp phù hợp trong công tác phòng chống dịch. Cơ quan, đơn vị, địa phương nào không phát hiện, để người nước ngoài nhập cảnh trái phép, cư trú trên địa bàn; có phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong nội bộ cơ quan, đơn vị do không triển khai quyết liệt việc kiểm soát, lơ là, chủ quan, buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý, thiếu sâu sát, cụ thể thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

 
 

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 vào sáng 14.8, GS-TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết dự kiến đến hết tháng 8.2020 có thể kiểm soát được tình hình tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Thảo luận, đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất nhận định rất đáng quan tâm: Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ “không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”. Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả địa phương. Hôm nay dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác… Dịch bệnh còn kéo dài. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được dịch bệnh Covid-19 khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vắc xin đặc hiệu. Hiện chúng ta cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin để phục vụ chống dịch. 

Từ phân tích trên, Ban Chỉ đạo khẳng định, chiến lược chống dịch của chúng ta là chiến dịch của nước còn nghèo. Cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng. Phương châm phòng chống dịch của chúng ta là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”. 

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh có bài viết ““Thời covid”, sống chậm và nghĩ sâu” trên báo Thanh niên có đề cập một vấn đề rất hay: Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh... là những điều bất khả kháng. Chuyện gì xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Nếu chúng ta cứ lo lắng, than vãn... thì ngoài kia, Covid vẫn tồn tại. Con vi rút quái ác đó chưa bao giờ chết vì lời than vãn. Ngược lại, nếu thế, cuộc sống sẽ bị chìm đắm trong u tối. Ít ra cũng chán nản không muốn làm gì. Thay vì như thế, mỗi người hãy cơ hội ngay trong thảm họa. Tức là tìm những điều tích cực trong câu chuyện tiêu cực, như phần trên đã nói, lúc đó, chúng ta phát ra tần số và vũ trụ đáp lại cùng tần số, tiếp cho ta năng lượng tích cực. Suy nghĩ tích cực sẽ có hành động tích cực.

 
 

Phân tích về diễn biến phức tạp của Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân có nhận định đáng quan tâm: Từ bài học phòng dịch Covid-19 thành công của Việt Nam thời gian trước tháng 7.2020 và bài học phòng chống dịch thành công và không thành công ở các nước, chúng ta hoàn toàn có thể dập dịch thành công ở Quảng Nam - Đà Nẵng và phòng dịch thành công ở các địa phương khác trên cơ sở các phương châm và giải pháp như sau:

Thứ nhất, phương châm phòng chống dịch theo yêu cầu của dịch tễ học: Chủ động phòng dịch sớm; phát hiện kịp thời; cách ly triệt để; điều trị hiệu quả. Thứ hai, phương châm phòng dịch theo yêu cầu tổ chức thực hiện: Nhiệm vụ tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; lực lượng con người tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Thứ ba, phương châm phòng dịch theo yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội Việt Nam: Đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm cao nhất, Nhà nước chỉ đạo và chịu trách nhiệm trực tiếp trước dân, trước Đảng; toàn hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, kiên cường của người Việt Nam; mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu, mỗi quận, huyện là một pháo đài vững chắc phòng, chống dịch.

Có người nói rằng, Covid-19 là bài test trong cuộc đời này của mỗi người; nó như là phép thử đối với từng cán bộ, đảng viên và toàn dân. Phép thử đối với người công bộc của dân, đó là bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, là sự dấn thân vì dân vì nước; là khả năng chỉ huy, điều hành để “ứng vạn biến”, chủ động ứng phó trong mọi tình huống phức tạp, khó khăn nhất. Còn phép thử đối với toàn dân đó chính là ý thức, kỷ cương chấp hành quy định của pháp luật; là tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái; là sự ứng xử, xử lý mọi tình huống trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của mỗi người cùng hướng tới lợi ích của cả cộng đồng.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Chung sức đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO