[eMagazine] – Chuyện… đóa sen và con ốc

XUÂN HIỀN 12/08/2023 15:26

(QNO) – Tròn 45 năm lưu lạc, có vẻ như "đóa sen và con ốc" sẽ về lại trên đôi tay chủ nhân của mình - pho tượng đồng mang tên Laksmindra - Lokesvara (Bồ tát Tara) duy nhất của văn hóa Chămpa và cả Đông Nam Á, nếu Quảng Nam và Đà Nẵng sớm xúc tiến câu chuyện hoàn nguyên bảo vật.

 
 

Nhiều người làng Đồng Dương (Thăng Bình) vẫn còn nhớ như in chuyện kể của ông bà mình về một vùng đất thiêng ở ngay trong chốn cư ngụ bây giờ. Ông Trà Tấn Ẩn, nhà ở ngay bên cạnh Tháp Sáng - tháp duy nhất còn lại tại Phật viện Đồng Dương, kể rằng người lớn trong tộc luôn dặn cháu con mình phải một lòng tôn kính với tất cả những gì thuộc về Đồng Dương. Ở đó, họ nói đã từng có một vương triều với những bí ẩn mà mỗi lớp người tộc Trà tại đây lại có cho riêng mình những cuộc khai phá từ tiềm thức. Trong lớp sương giăng ký ức, cuộc đất vốn dĩ đã thành huyền thoại này ẩn hiện rất nhiều chuyện ly kỳ, thậm chí có cả niềm khắc khoải, mong ngóng. 

Di tích Phật viện Đồng Dương tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình.
Di tích Phật viện Đồng Dương tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình. Ảnh: H.T

Đồng Dương với số lượng hiện vật đang rải rác tại các bảo tàng trong nước lẫn quốc tế, chưa kể ở những bộ sưu tập cổ vật cá nhân, đã đủ để định danh về một Vương triều Indrapura hưng thịnh, không chỉ về mặt chính trị, kinh tế mà cả văn hóa, nghệ thuật. Để tầng đất Đồng Dương, bắt đầu từ năm 1901, là ròng rã những cuộc khai quật, kiếm tìm. Cuộc khai phá đầu tiên từ nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot.

Ông đã công bố và cho trưng bày 229 hiện vật được tìm thấy khi phát hiện ra khu di tích Đồng Dương, trong đó có tượng Phật bằng đồng cao hơn 1m.

Các cuộc khai quật trong lịch sử đã phác lộ nên một Phật viện Đông Dương với hàng trăm hiện vật quý giá. Ảnh: Tư liệu
Các cuộc khai quật trong lịch sử đã phác lộ nên một Phật viện Đông Dương với hàng trăm hiện vật quý giá. Ảnh: Tư liệu

Một năm sau đó, năm 1902, H.Parmentier thực hiện một cuộc khai quật quy mô lớn và ông đã phát hiện quần thể kiến trúc Phật giáo Đồng Dương, được nhìn nhận lúc này là độc nhất của văn hóa Chămpa và khu vực Đông Nam Á. Quá nhiều hiện vật Chăm được tìm thấy tại Đồng Dương để đến năm 1919, người Pháp thành lập Cổ viện Chàm - tức Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay để bảo quản, giữ gìn và trưng bày các hiện vật Chăm họ tìm thấy, trong đó chủ yếu vẫn là hiện vật ở Đồng Dương.

Liên tục sau này, những cuộc kiếm tìm cổ vật vẫn lặng lẽ diễn ra ở Đồng Dương. Cuộc đất này được xới tung từng ngóc ngách, để các nhà sưu tập, nhà nghiên cứu và cả giới buôn... nhặt nhạnh, săn lùng cổ vật. Người làng Đồng Dương nhìn nhau khi nhớ lại những ngày sau giải phóng. Những rôm rả từ khắp giới chơi cổ vật tìm về xứ đất này. Và có cả những lặng lẽ đào gạch, xới đất của người làng, khi họ nghĩ rằng, dưới lớp đất Đồng Dương còn những tài sản vô giá. 

 
 

Một ngày tháng 8/1978, người làng Đồng Dương tìm thấy một pho tượng nữ thần tuyệt đẹp. Trong ấn phẩm “Phật viện Đồng Dương”, GS.Ngô Văn Doanh kể lại, ông Trà Gặp – người dân của làng, cùng một số người khác, khi đào gạch gần tháp Sáng, đã tìm thấy pho tượng nữ thần bằng đồng. Phát hiện pho tượng, họ đập gãy hai vật cầm nhỏ có hình con ốc và bông sen ở 2 tay để xem thực hư về chất liệu.

Tượng Phật Bồ tát Tara với các chi tiết chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Trường Trung
Tượng Phật Bồ tát Tara với các chi tiết chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Trường Trung

Ngay sau khi được phát hiện, pho tượng này đã được thu hồi, đưa về Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) và sau đó được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng). Duy chỉ đóa sen và con ốc, nhóm dân làng thôn Đồng Dương giữ lại và được UBND xã Bình Định Bắc thu hồi, cất giữ.

Từ năm 1978 đến nay, hai pháp khí này được các đời chủ tịch xã Bình Định Bắc (Thăng Bình) thay nhau cất giữ. Tuy nhiên, trong suốt gần 25 năm, từ 1978 đến năm 2002, điều này gần như là một bí mật. Cho đến sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, địa giới hành chính của xã cũng bắt đầu có những thay đổi, câu chuyện về hai cổ vật trên mới được hé lộ cho các nhà nghiên cứu.

 

Không chỉ có vẻ đẹp của những đường nét chạm trổ tinh tế, tượng Bồ tát Tara còn ly kỳ bởi bởi những đồn đoán về 2 hiện vật bị mất ở đôi tay của bức tượng. GS. Ngô Văn Doanh trong ấn phẩm "Phật viện Đồng Dương" cho rằng, trong suốt 25 năm (1978 - 2002), từ sau khi được phát hiện, pho tượng nữ thần bằng đồng luôn khiến giới khảo cổ đau đầu. Vốn dĩ cho rằng, hai vật cầm tay trên pho tượng đã bị vỡ và mất hẳn khi bị chôn vùi trong lòng đất cả ngàn năm, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về hai vật bị mất để đoán định tên tuổi của pho tượng.

Tuy nhiên, từ các chỉ dấu trong điêu khắc gương mặt, trang phục, theo GS. Ngô Văn Doanh, đây là tượng Laksmindra - Lokesvara - là pho tượng thờ của đài thờ Đồng Dương, có niên đại 875 theo bia ký Đồng Dương.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm có rất nhiều hiện vật được khai quật từ Đồng Dương.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm có rất nhiều hiện vật được khai quật từ Đồng Dương. Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong khi đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm lại lập hồ sơ lưu trữ với tên gọi pho tượng là Bồ tát Tara. Tuy nhiên, năm 2002, khi xác định được hai vật cầm tay là con ốc và bông sen, các nhà nghiên cứu thống nhất tên gọi tượng Laksmindra - Lokesvara. Thế nhưng sau này khi là bảo vật quốc gia, dựa vào hồ sơ từ phía Bảo tàng Điêu khắc Chăm, pho tượng được công nhận vẫn với tên gọi Bồ tát Tara. 

Hai pháp khí đóa sen và con ốc hiện được bảo quản tại Bảo tàng Quảng Nam
Hai pháp khí đóa sen và con ốc hiện được bảo quản tại Bảo tàng Quảng Nam

Theo các chuyên gia, vật thứ nhất là một bông sen nở gồm 5 cánh đều đặn ôm gọn sát một bát sen tròn bên trong. Bông sen này tượng trưng cho sự tinh khiết, trí tuệ, tình yêu thương, sự sinh sôi nảy nở. Vật thứ hai là con ốc biển có chiều cao 7,2cm tượng trưng cho sự chủ trì mọi âm thanh, là vũ khí để thanh lọc, tập hợp, ban phát niềm hy vọng cho mọi loài vật trên thế gian. Các hiện vật trên tay tượng mang ý nghĩa đặc trưng tôn giáo của vương quốc Chăm-pa thời kỳ Indarvarman II. Đó là sự tồn tại song song nhưng giao hòa lẫn nhau của Phật giáo và Ấn giáo.

 

Điều kỳ thú không chỉ ở tên gọi, pho tượng Laksmindra - Lokesvara với 2 chi tiết cầm tay lưu lạc hơn 40 năm, lại làm nên một bí ẩn khác. Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Văn Hùng - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, câu chuyện tìm lại các chi tiết trên tay của tượng đồng được xới lại từ thắc mắc của một chính khách. Sau đó, lãnh đạo TP.Đà Nẵng cùng ngành văn hóa địa phương này "bắt tay" vào câu chuyện "hoàn nguyên" bảo vật.

Tượng Bồ tát Tara được trưng bày tại cuộc triển lãm ở Pháp.
Tượng Bồ tát Tara được trưng bày tại cuộc triển lãm ở Pháp. Ảnh: PHAN CÔNG HẢI

Cuối năm 2018, Đà Nẵng thành lập đoàn công tác tìm đến xã Bình Định Bắc để trao đổi về các thủ tục phải làm để bàn giao 2 chi tiết xã đang sở hữu cho phía Đà Nẵng. Ông Hùng nói, liên tục sau đó, chính quyền cũng như ngành văn hóa Đà Nẵng đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam để "xin" lại cổ vật. Thế nhưng sau khi chính quyền Đà Nẵng thay đổi nhân sự, ông Huỳnh Văn Hùng cũng đổi công tác, thì Đà Nẵng lại dừng các thủ tục đang tiến hành với Quảng Nam. 

Về phía Quảng Nam, năm 2019, UBND tỉnh và ngành văn hóa có văn bản yêu cầu xã Bình Định Bắc bàn giao lại cổ vật cho Bảo tàng tỉnh theo quy định của Luật Di sản. Sau khi Bảo tàng Quảng Nam tiếp nhận hai pháp khí từ chính quyền xã Bình Định Bắc, năm 2020, Quảng Nam đã có văn bản gửi Cục Di sản xem xét hướng bàn giao 2 hiện vật này. Cục Di sản sau đó có văn bản phúc đáp, trong đó cho rằng hiện vật trở về với hiện vật gốc là phương án tốt nhất.

Chuyên gia Ấn Độ khảo sát hiện trạng Phật viện Đồng Dương để tiến hành phục dựng trong tương lai.
Chuyên gia Ấn Độ khảo sát hiện trạng Phật viện Đồng Dương để tiến hành phục dựng trong tương lai. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Bà Phan Thị Hiệp - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc nói, người dân hoàn toàn đồng thuận việc giao lại cổ vật của địa phương cho ngành bảo tàng để có phương pháp bảo quản tốt hơn. Tuy nhiên, theo bà Hiệp, lúc đoàn công tác của Đà Nẵng vào làm việc với địa phương đã có hứa hẹn về câu chuyện hỗ trợ cho thôn Đồng Dương một nhà văn hóa để người dân ở đây sinh hoạt. Người dân Đồng Dương đến bây giờ vẫn mong chờ một động thái xứng đáng với câu chuyện phát hiện và giữ gìn hiện vật hơn 40 năm qua. 

 

Đồng Dương trở thành Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2019. Những hoạch định phục dựng một Kinh đô Phật giáo Đồng Dương, một khu du lịch tâm linh giữa vùng trung du... trở thành hy vọng về một cuộc đổi đời cho người dân xứ đất thiêng.

Cổng chính Phật viện được các chuyên gia Ấn Độ phác thảo.
Cổng chính Phật viện được các chuyên gia Ấn Độ phác thảo.

Tháng 4/2023, đoàn chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành khảo sát khu Phật viện Đồng Dương và tính toán việc trùng tu, phục dựng một phần di tích Quốc gia đặc biệt này. Theo dự kiến, Đoàn sẽ cử chuyên gia qua tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ, dọn dẹp mặt bằng, phát lộ khu vực di tích tại khu vực tháp Sáng và phụ cận với tổng diện tích khoảng 2.000m2. Đặc biệt là hỗ trợ phục hồi lại cổng chính và các cổng phụ của khu phế tích theo đúng nguyên trạng ban đầu.

Trong khi chờ thủ tục từ phía Đà Nẵng, giữa cộng đồng làng Đồng Dương, liệu có nên nghĩ đến câu chuyện "hoàn nguyên bảo vật" về chính nơi phát tích của nó? Nhưng xem chừng, rất khó...

 
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] – Chuyện… đóa sen và con ốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO