(QNO) - Đại dịch Covid-19 bất thần ập xuống với độ lây lan khốc liệt, cả thế giới không kịp trở tay…. Trong nước, hàng trăm doanh nghiệp lao đao, hàng triệu người lao động, công nhân mất việc, giảm thu nhập. Chưa kịp hoàn hồn thì làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát như một đòn trí mạng khiến đời sống xáo trộn dữ dội. Là một bộ phận “nhạy cảm” trong xã hội, nhiều tổ ấm, mảnh đời công nhân lâm cảnh chật vật, cơ hàn… do đại dịch Covid-19 gây nên.
Chỉ một tuần trước lúc gặp Thủy khi cùng đoàn từ thiện trao quà hỗ trợ, chúng tôi hỏi người phụ nữ mảnh mai này về chuyện có dự tính gì cho tương lai, lòng cô công nhân này vẫn còn đầy hi vọng với việc được đi làm trở lại, nơi làm gần nhà tiện bề chăm sóc 3 đứa con mình. Nhưng quyết định chấm dứt hợp đồng Thủy nhận được từ công ty vào giữa tháng 9 này đã dập tắt hi vọng mong manh đó. Thủy lắc đầu, chực khóc. Chị đã cạn nước mắt khóc chồng…
Hai tháng qua, bốn mẹ con nương tựa bà con, hàng xóm và chính quyền. Phần quà hỗ trợ từ chính quyền cũng được ưu tiên hơn mọi người, bà con gần nhà Thủy cho cân gạo, thịt cá. Sẵn có bầy già nho nhỏ, Thủy bán dần lấy tiền chi tiêu tạm bợ trong những ngày thất nghiệp. “Nhưng chẳng thể sống mãi kiểu này, phải đi làm vì tụi nhỏ cần cái ăn, cái mặc. Mà giờ làm nghề gì? Dịch dã mất việc nhiều, có ai nhận đâu.” – suốt buổi nói chuyện, tâm trí Thủy chỉ hiện lên câu hỏi ấy.
Clip cuộc sống gia đình chị Phan Long Hương Thủy trong những ngày mất việc kéo dài:
Căn nhà cấp bốn xập xệ của gia đình anh Ngô Đình Dũng (thôn Thanh Châu, Duy Châu, Duy Xuyên) đã lâu lắm rồi vắng hẳn những tràng cười vui vẻ. Mất việc làm giữa mùa dịch Covid-19 hồi đầu tháng 2.2020, cả gia đình trông cậy hết vào bàn tay chị Nguyễn Thị Mai – vợ anh Dũng. Quần quật với nghề phụ may nhưng cũng chỉ đủ lấp miệng qua ngày.
Biết hoàn cảnh của vợ chồng anh Dũng, Công ty TNHH MTV Sendo Việt Nam vẫn giữ việc cho chị Mai, sắp xếp công việc nhẹ để bệnh thoát vị đĩa đệm bớt hành hạ và chị đủ sức khỏe làm lụng.
Nhưng nhìn tương lai sắp đến, nếp nhăn trên trán anh Dũng sâu thêm, lòng bộn bề những toan lo khi nghĩ đến việc học hành của hai con mình. Căn nhà đã xuống cấp, không còn an toàn khi mùa mưa đến. “Bệnh lao phổi ngày càng nặng hơn nên chừ ra ngoài làm phụ hồ, bốc vác sức tôi không kham nổi. Nhưng chắc phải làm thôi vì không làm thì tiền đâu lo cho tương lai các con và cha mẹ đã già. Chỉ ước ông trời thương đừng cho tôi trắc trở “đứt gánh”, còn thở được tôi sẽ cố làm lụng” – người đàn ông “trụ cột” của gia đình rối bời khi nói chuyện mai sau.
Gian phòng trọ chật chội khoảng 12m2 sát Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thôn Viêm Trung, phường Điện Ngọc, TX.Điện Bàn) là nơi trú ngụ của gia đình công nhân Nguyễn Thị Thảo suốt 3 năm nay. Chiếc giường gỗ trở thành “sân chơi” của cậu con trai 8 tuổi. Mỗi ngày, cậu bé chỉ biết tiếp xúc với thế giới kỳ thú bên ngoài qua chiếc tivi màu cũ kỹ được vợ chồng chị Thảo mua lại từ một cửa hàng điện tử.
Chưa bao giờ, đôi vợ chồng trẻ này lại rơi vào cảnh khốn cùng như vậy khi cả hai cùng mất việc, không còn một khoản thu nhập nào. Công ty chị Thảo không tìm được đơn hàng nên chị ở nhà , chồng chị cũng không ai gọi đi làm.
Clip chị Nguyễn Thị Thảo kể về cuộc sống khó khăn của gia đình khi mình bị mất việc hơn 4 tháng:
Nhẩm tính suốt 4 tháng qua, anh Nguyễn Duy Cảnh – chồng chị Thảo đi làm áng chừng được mươi ngày. “Có ông chú quen ổng nhờ làm giúp vài ngày, có cho ít thịt heo mang về ăn được vài bữa. Cách đây chừng gần tháng thì cũng có người kêu làm được vài ngày nhưng họ chưa trả tiền công” – anh Cảnh kể lại tình huống éo le. Anh kể mình làm nghề xúc xà bần ở các công trình, nếu một ngày làm được việc thì được trả công 200 ngàn đồng. Số tiền đó anh để dành đi chợ, lo ăn uống cho cả nhà. Còn giờ thất nghiệp thì cả nhà bấm bụng ăn dèn xẻ, kham khổ từng ngày. Nếu may mắn ai đó xung quanh cho được ít thực phẩm thì hôm đó, cả nhà thêm ngon miệng.
“Không có gì ăn thì chúng em nấu mì tôm ăn qua bữa. Con em dễ lắm, có cọng rau, miếng đậu khuôn vào tô mì tôm là ăn ngon lành” – chị Thảo góp chuyện, như thể lấy cái dễ tính của các con mình để thanh minh cho cảnh khó. Người vợ dứt câu tâm sự, anh Cảnh thở dài, lặng lẽ bước qua quán nước gần nhà trọ ngồi nhờ. Thi thoảng anh lại rút chiếc điện thoại nhìn thoáng vài giây rồi lại bỏ nó vào túi quần. Không có cuộc gọi nào để đi xúc xà bần, đó là điều anh mong mỏi nhất lúc này. Cảnh nhìn mông lung, tương lai của gia đình anh như chân trời kia, xa tít tắp, mịt mờ.
Clip một bữa ăn tạp bợ của gia đình chị Nguyễn Thị Thảo trong những ngày khó khăn:
Covid-19 làm lao đao biết bao cảnh nghèo.
Hai đợt dịch, hàng triệu công nhân lâm cảnh khốn khó khi không có việc làm, doanh nghiệp lao đao vì không thể sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng… Trải qua biến cố, người lao động cùng đồng hành với doanh nghiệp, cùng nhau xoay sở vượt qua đoạn đường khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, qua 2 đợt dịch bệnh, hơn 30 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm vớio nhiều hình thức. Một số nơi cắt giảm giờ làm, ngày làm việc trong tuần. Một số nơi cho nghỉ làm việc từ 1 tuần trở lên. Lại có nơi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với người lao động vì không đủ khả năng chi trả tiền lương, chế độ cho lao động. Thậm chí có nơi, người lao động buộc phải nghỉ việc chưa biết ngày nào sẽ được đi làm lại vì doanh nghiệp quá khó khăn.
Giữa lúc công nhân lao đao, chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách nhân văn, được cả người lao động lẫn doanh nghiệp trông chờ. Chính sách này đi vào cuộc sống là nguồn động viên lớn cho người lao động. Tính đến hết tháng 8.2020, ngành chức năng của tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 884 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 270 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Tấn Triều, “gói” 62.000 tỷ đồng vẫn chưa đến tay nhiều công nhân vì các hồ sơ, thủ tục liên quan để nhận trợ cấp của nhóm đối tượng này còn vướng mắc khá nhiều. Hiện tại, các địa phương đang cố gắng chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng trong đợt 1.
Trong cơn khốn khó của kinh tế toàn cầu vì đại dịch, vẫn có nhiều doanh nghiệp trụ lại được và ổn định đơn hàng, sản xuất đến hết năm này.
Để lao động không bị mất việc làm, lãnh đạo Công ty Fashion Garment (KCN Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đã yêu cầu bộ phận marketing của công ty chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng để thỏa thuận, ký hợp đồng sản xuất khẩu trang thay thế cho các sản xuất áo quần để duy trì việc làm cho công nhân. Vượt qua cơn nguy khốn, hiện nay tình hình đã khả quan hơn khi công ty đã có thêm nhiều đơn hàng sản xuất áo quần mới, đảm bảo ổn định việc làm cho toàn bộ công nhân và có nhu cầu tuyển thêm hơn 150 lao động kỹ thuật cao, có tay nghề ở nhiều vị trí khác nhau. Khi các nguồn hỗ trợ tài chính từ Chính phủ chưa đến với doanh nghiệp được thì doanh nghiệp phải xoay sở bằng nhiều cách, nhằm duy trì việc làm cho lao động, không bị ngắt quãng. Các đơn vị như Công ty TNHH CCI Việt Nam (KCN Bắc Chu Lai, Núi Thành), Công ty TNHH Việt Vương (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn), Công ty Groz Becker Việt Nam (Đại Lộc), Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (KCN Tam Thăng)... đã cố gắng khắc phục khó khăn trong khâu nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất, tìm kiếm khách hàng xuất khẩu hàng đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và cả trong khu vực ASEAN. Dịch bệnh phức tạp, khó lường khiến doanh nghiệp khá hao hơi tốn sức. Tuy vậy, sống chung với dịch bệnh bây giờ là con đường duy nhất mà doanh nghiệp xác định phải đi.
Sau hơn 3 năm làm việc tại một công ty may ở TP.Đà Nẵng, cuối tháng 5 vừa qua, anh Cao Văn Hậu (SN 1993, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) phải xin nghỉ việc vì công ty không có đơn hàng, cắt giảm nhân công do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Mất việc, không có lương, gia đình anh Hậu lại chuẩn bị đón thêm thành viên mới khiến đôi vai Hậu oằn xuống vì gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”. Hậu phải lên mạng tìm kiếm việc làm. Thế nhưng trong thời điểm thị trường lao động khủng hoảng bởi dịch, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó sau dịch, nhu cầu tuyển dụng gần như không có nên sau hàng trăm lần tìm kiếm thông tin, Hậu vẫn thất nghiệp!
“Tôi đã gọi điện, nộp đơn xin nhiều doanh nghiệp, công ty nhưng đều bị từ chối vì không có đơn hàng, không có nhu cầu, không có lương để trả công nhân. Vợ thì sắp sinh rồi, phải chạy vạy khắp nơi, ai gọi gì làm nấy để kiếm thêm thu nhập trang trải gia đình” – Hậu kể. Hậu tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp để có tiền nuôi vợ con và tìm cơ hội mới.
Clip các công nhân vất vả tìm việc do ảnh hưởng dịch Covid-19:
Theo ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, dịch Covid-19 diễn ra thời gian qua đã khiến một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm quy mô hoạt động. Vì thế, số người đến thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm ở Trung tâm rất đông, số lượng tăng lên rất nhiều trong những tháng gần đây. Bảy tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã giải quyết chế độ cho trên 16 nghìn người, tổng số tiền chi trả là 212 tỷ đồng.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, dịch bệnh có thể quay trở lại như những làn sóng, hết đợt này đến đợt khác nên doanh nghiệp buộc phải “sống” trong trạng thái bình thường mới. Nhiều giải pháp được kích hoạt để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất. "Sức khỏe" của doanh nghiệp tốt thì công ăn việc làm của công nhân được giải quyết, có đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn khó khăn. Tất cả doanh nghiệp còn hoạt động trên địa bàn Quảng Nam đến thời điểm hiện tại đều tuân thủ rất nghiêm ngặt quy định phòng dịch để sản xuất an toàn.
Clip các doanh nghiệp tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho công nhân:
Tại Công ty CP Ô tô Trường Hải (Khu Kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành), toàn bộ 7.376 công nhân của công ty vẫn làm việc trong điều kiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do dịch bệnh, Nhà máy Thaco Bus khó khăn, phải ngừng hoạt động, nhưng người lao động ở nhà máy này không mất việc mà được điều chuyển sang làm việc tại các nhà máy khác. "Đầu năm có khó khăn, nhưng những tháng cuối năm tình hình kinh doanh có khả quan hơn, nên công ty phải vừa chống dịch vừa hoạt động. Xe bán ra được là dấu hiệu tốt, người lao động sẽ có việc làm nhiều hơn, và công ty cũng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chúng tôi đang rất cố gắng để dịch bệnh không xâm nhập bằng tất cả các biện pháp mà công ty có thể thực hiện được".
Clip doanh nghiệp tại Phú Ninh và Tiên Phước duy trì sản xuất, không để công nhân thất nghiệp:
Liên tục nhiều tháng qua, các cấp Công đoàn tỉnh bằng nhiều hoạt động đã tìm cách sẻ chia với người lao động. Những món quà tuy giá trị không nhiều nhưng thiết thực và ý nghĩa, động viên công nhân cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Tại huyện Duy Xuyên, các công đoàn cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chung tay phòng, chống dịch Covid-19 như tặng khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng, ủng hộ gạo, mỳ tôm và nhu yếu phẩm cho các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng do dịch, hỗ trợ khó khăn cho công nhân tạm mất việc. Tổng số tiền ủng hộ, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau là hơn 1 tỷ đồng.
Ông Lê Chính Đông - Chủ tịch LĐLĐ huyện Duy Xuyên cho biết: "Để kịp thời chia sẻ, động viên đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 vượt qua khó khăn trong cuộc sống, LĐLĐ huyện đã hỗ trợ 100 suất quà trị giá 500 nghìn đồng/suất cho 500 công nhân. LĐLĐ tỉnh cũng tặng 500 suất quà cho người lao động tại Công ty TNHH MTV Sơn Hà Duy Xuyên”.
Cuối tháng 8, những chuyến xe trong chương trình “Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” đã đến với công nhân ở từng doanh nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. 1.550 suất quà trị giá 100 triệu đồng và 20 nghìn khẩu trang do Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam hỗ trợ đã đến tay người lao động tại Duy Xuyên, Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn, Điện Bàn, Thăng Bình...
Theo ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh cùng vào cuộc, chung tay với người lao động, doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các cấp công đoàn đã vận động quà tặng, nhu yếu phẩm, tiền mặt với trị giá hơn 1,7 tỷ đồng để hỗ trợ công nhân.
Ông Quang chia sẻ: "Sự hỗ trợ, sẻ chia này có ý nghĩa thiết thực đối với người lao động, giúp vơi đi lo toan về chi phí trang trải đời sống trong những ngày có dịch bệnh. Các cấp công đoàn sẽ thường xuyên tuyên truyền để đoàn viên, người lao động hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, cùng chung tay với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất".
Ngay sau dịch Covid-19 lắng xuống, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên tục đến từng doanh nghiệp để động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, người lao động.
Clip ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin về chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh:
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Sở Công Thương cùng phối hợp hỗ trợ giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Đề nghị các doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh tại nơi sản xuất cũng như khi về nơi cư trú.
Gần đây nhất, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng đã yêu cầu các cấp công đoàn phối hợp vận động chủ nhà trọ giảm giá phòng trọ cho công nhân từ 1 đến 2 tháng. Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người điều hành nhà máy, công nhân sản xuất trực tiếp đi lại, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu đảm bảo cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.