Quảng Nam đang là cửa ngõ nắm giữ trục xoay kinh tế, có thể phát triển lan tỏa các hành lang kinh tế, quy hoạch không gian theo hướng phát triển cộng sinh, giảm thiểu tổn thương trong quá trình tác động đến di sản, tự nhiên.
Đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 xác định lợi thế lớn nhất là Quảng Nam đã hình thành trung tâm công nghiệp ô tô và logistics tập trung có quy mô lớn, thuộc top đầu trong khu vực ASEAN (Thaco Chu Lai). Tương lai, Quảng Nam có nhiều khả năng để trở thành cụm liên kết ngành công nghiệp ô tô hàng đầu cả nước.
Quảng Nam nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung với đầy đủ các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không), cửa ngõ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các nước lân cận.
Sự bứt phá và tăng trưởng công nghiệp đã làm xoay chuyển nhiều nơi trên đất Quảng. Và điển hình của điểm sáng trong cực tăng trưởng chính là Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp lớn không chỉ của tỉnh mà còn ảnh hưởng lớn đến vùng và quốc gia.
Điểm chung của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là có “mặt tiền” hướng ra biển, địa hình phân chia 2 khu vực đặc trưng: khu vực đồng bằng ven biển và khu vực đồi núi phía tây.
Trong đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Nam xác định một trong những trụ cột tăng trưởng là dựa vào phát triển du lịch. Các địa điểm du lịch rất gần sân bay, các tuyến đường bộ kết nối như tuyến ven biển Đà Nẵng – Hội An – sân bay Chu Lai – Dung Quất (Quảng Ngãi) là yếu tố quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh.
Tiếp đến là trụ cột công nghiệp cơ khí và sản xuất ô tô, mà theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Quảng Nam có nhiều khả năng để trở thành cụm liên kết ngành công nghiệp ô tô hàng đầu cả nước. Quảng Nam cũng xác định vận tải đường biển sẽ là “chìa khóa” để giảm chi phí vận chuyển logistics nhờ nội lực và nhận được sự ủng hộ của trung ương.
Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng biển Quảng Nam đã được quy hoạch là cảng biển loại 1 và cửa khẩu Nam Giang là cửa khẩu quốc tế, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã cho chủ trương phát triển trung tâm logistic container tại cảng Chu Lai. Đây là tiền đề cho việc phát triển các tuyến vận tải từ Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia đến cảng Chu Lai. Tuyến đường sẽ tạo ra hành lang kinh tế với các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch xuyên biên giới.
Góp ý cho đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam, bà Trần Thị Mỹ Ái – Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, theo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, định hướng chính là phát triển kết nối về phía Bắc cộng sinh với Khu kinh tế mở Chu Lai.
“Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Quảng Ngãi trong việc kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng tuyến cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của vùng theo quy hoạch, tạo sự liên kết và động lực phát triển hành lang kinh tế khu vực duyên hải Trung Bộ - khu vực Tây Nguyên kết nối với Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan” – bà Ái đề xuất.
Kết nối, xúc tiến đầu tư tuyến vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Dak Taook (Sê Kông - Lào) - con đường ngắn nhất kết nối khu vực Đông Thái Lan, Nam Lào với cảng biển Chu Lai và các cảng biển miền Trung đã được nhấn mạnh trong đồ án quy hoạch tỉnh.
Về câu chuyện trên, theo Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Kon Tum Ngô Việt Thành, Kon Tum đề nghị Quảng Nam nghiên cứu có những định hướng về đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh phát triển du lịch biển với hệ sinh thái và văn hóa miền biển kết hợp với du lịch cao nguyên với hệ sinh thái và không gian văn hóa Tây Nguyên…
Góp ý cho đồ án quy hoạch tỉnh ở góc độ phát triển nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cần hướng đến hình thành trung tâm du lịch vùng nhằm thu hút khách du lịch quốc tế, kích thích phát triển du lịch toàn vùng.
Nhiều ý kiến cũng kiến nghị, Quảng Nam có thể xem xét nghiên cứu tăng cường liên kết vùng về mặt chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, nông nghiệp… để bám sát các định hướng phát triển dài hạn theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch là đòn bẩy cho mọi sự phát triển nhưng cũng cần dự lường các tổn thương từ quy hoạch có thể tác động đến di sản, tự nhiên…
Dự lường những thương tổn
Định hướng phát triển đến năm 2030, Quảng Nam chia thành 2 vùng không gian phát triển chính là vùng Đông và vùng Tây. Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ở tiểu vùng 1 của vùng Đông, tức vùng đồng bằng ven biển phía bắc, việc gia tăng phát triển các khu đô thị mới, cụm dân cư, phát triển dịch vụ - du lịch, hạ tầng sẽ đặt áp lực rất lớn lên di sản văn hóa, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn đất ngập nước. Điều này sẽ đe dọa đến giá trị cốt lõi là hệ sinh thái, đa dạng sinh học và đặc trưng văn hóa của khu vực.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải xem lại định hướng phát triển điện gió tại Cù Lao Chàm. Dù rằng tại đây có thể đủ điều kiện về sức gió, độ cao… để đặt tua bin nhưng cần tính toán đến lợi ích mà nó mang lại bởi đây là khu sinh quyển thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái tự nhiên và xã hội khu vực lân cận.
Với tiểu vùng 2, tức vùng đồng bằng ven biển phía đông nam, các hệ sinh thái giá trị được nhận diện có nguy cơ rủi ro khi tiến hành quy hoạch phát triển bao gồm: khu bảo tồn biển Tam Hải - Tam Tiến (Núi Thành), hệ sinh thái Bãi Sậy - Sông Đầm (Tam Kỳ), hệ sinh thái dừa nước sông Trầu - Bến Đình, vũng An Hòa, khu bảo tồn loài sinh cảnh chà vá chân xám Tam Mỹ Tây (Núi Thành)…
Chưa kể, khu vực trung du (gồm các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn) nằm ở phía thượng lưu sông Thu Bồn có vai trò quyết định rất lớn đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học hạ lưu nhưng theo định hướng quy hoạch tiểu vùng này sẽ gia tăng phát triển công nghiệp, thủy điện, nhiệt điện trên các lưu vực sông. Hệ lụy đáng lo ngại là gia tăng nguy cơ suy giảm chất lượng nước và đa dạng sinh học đến các hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn đất ngập nước…
Theo PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, Quảng Nam là tỉnh phân hóa mạnh về lãnh thổ, tương phản địa hình của tỉnh rất lớn, nhất là ở miền núi. Do đó tất cả nỗ lực ở vùng ven biển và dưới biển nếu không gắn trong tổng thể để điều chỉnh hành vi phát triển trên các lưu vực sông thì chúng ta sẽ tiếp tục bị động trong việc đối mặt với các hình thái, diễn biến gây tổn thương đến hệ sinh thái
Sàng lọc, bồi đắp hệ sinh thái
Theo đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam cần xây dựng nghiên cứu nhằm lượng hóa giá trị kinh tế các hệ sinh thái quan trọng gồm: hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển, rừng dừa nước Cẩm Thanh, rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm và hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các con sông, vùng ven biển của tỉnh, từ đó đưa ra các giải pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp.
Cần có định hướng phân vùng môi trường và phương án bảo vệ môi trường, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt gồm các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng nội thị đô thị từ loại III trở lên, vùng có nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và vùng có di tích lịch sử - văn hóa.
Để giảm thiểu tác động từ quy hoạch phát triển công nghiệp, trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh, PGS-TS.Nguyễn Chu Hồi nhận định, 20 năm qua Chu Lai là khu kinh tế tương đối điển hình về thương mại tự do dù chưa đúng tầm vóc như kỳ vọng. Để Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển bền vững cần bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn về sinh thái môi trường, an sinh xã hội.
Theo đó, Quảng Nam phải đổi mới thể chế chính sách với đẳng cấp cao hơn để tạo môi trường thúc đẩy đầu tư trong nước và quốc tế, nâng cao vị thế trong khuôn khổ các hiệp định Việt Nam đã ký. Đồng thời, phải xác định đẳng cấp công nghệ của các dự án khi thu hút để sàng lọc, tránh tối đa các dự án “nâu”, dự án “đen” ảnh hưởng môi trường ngay từ đầu.
Theo KTS.Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, dù quy hoạch ra sao thì an cư lạc nghiệp của cư dân vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong mọi giai đoạn thực hiện quy hoạch. Quy hoạch sẽ có nhiều đề xuất tác động đến dân cư hiện hữu, do đó ngay từ đầu phải quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư, đa dạng sinh kế cho dân cư.
Phát triển không gian ở là chưa đủ, mà phải phát triển cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân. Để làm được điều này cần tạo lập khung quản lý cho việc điều chỉnh quy hoạch, có kế hoạch thực hiện theo hướng hợp tác đa ngành bởi hiện nay hầu hết cơ quan chức năng có xu hướng làm việc đơn ngành.
Được xác định là một trong 6 khâu đột phá phát triển trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, hạ tầng và đô thị của tỉnh đang đứng trước bước ngoặt.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 6 khâu đột phá phát triển, bao gồm: đột phá trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và đô thị, đột phá trong lĩnh vực công nghiệp, đột phá trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, đột phá trong lĩnh vực xã hội - môi trường sinh thái và đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, cải cách hành chính.
Có thể nhận định đột phá về kết cấu hạ tầng và đô thị sẽ là “đột phá trong đột phá” bởi lĩnh vực này có sức ảnh hưởng rất lớn đến việc thành công của 5 "đột phá" còn lại. Chưa kể, năng lực về kết cấu hạ tầng và đô thị Quảng Nam hiện nay trong tương quan còn rất khiêm tốn so với nhóm các tỉnh, thành phát triển trên toàn quốc.
Theo chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) - đại diện liên danh tư vấn Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, để cụ thể hóa đột phá này, Quảng Nam cần dành trọng tâm ưu tiên các hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, sân bay, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp…
Về đột phá phát triển đô thị cần mở rộng không gian tại các đô thị hiện hữu, xây mới một số khu đô thị chức năng có tính khả thi. Với 2 thành phố của tỉnh, cần phát triển nhanh không gian đô thị vùng đông Điện Bàn và Duy Xuyên để giảm tải cho đô thị cổ Hội An và khẩn trương hợp nhất 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh để hình thành đô thị loại I có tầm quan trọng cấp vùng.
Có thể thấy rất nhiều địa điểm, khu vực quan trọng liên quan đến đột phá này đều đang chờ đợi cơ chế, nguồn lực để được kích hoạt. Từ việc đưa Tam Kỳ thành đô thị loại I trước năm 2030, Hội An đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II đến mục tiêu nâng tầm sân bay Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ hàng không của khu vực Đông Nam Á…
Dự thảo quy hoạch tỉnh xác định, không gian kinh tế của vùng phía Đông sẽ giao thoa theo trục dọc của không gian kinh tế ven biển và theo các trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây có thể xem là trục xương sống quyết định đến thành bại của đột phá về hạ tầng và đô thị của tỉnh.
Ông Lê Tú - Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam cho rằng, khi đánh giá về sự phát triển của hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh không nên chỉ nhìn vào số lượng và quy mô đô thị mà cần lưu ý việc phân bổ đô thị đã hợp lý hay chưa, rồi sự liên kết giữa đô thị với đô thị, đô thị với nông thôn đã ổn hay chưa.
“Hình thái đô thị cũng rất quan trọng, đơn cử cần xác định đó là đô thị dạng cụm, đô thị dạng vệ tinh hoặc đô thị hướng tâm… mới nói lên bản chất vấn đề chứ không chỉ định vị là đô thị dọc theo quốc lộ 1 hay theo trục ven biển. Về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm bởi mới có 1 tuyến cao tốc ngang qua, còn lại hệ thống giao thông đường bộ qua Quảng Nam mới ở mức tạm được, ngay như quốc lộ 1 cũng chưa đủ cấu phần để tạo thành giao thông đường bộ được xem là hiện đại” - ông Lê Tú nói.
Sự trầm lắng trong phát triển đô thị, hạ tầng các giai đoạn đã qua có một phần nguyên do từ yếu tố dân số, nhất là thị dân còn rất khiêm tốn. Ngoại trừ TP.Hội An đang muốn kìm mức tăng trưởng dân số thì các đô thị khác trên địa bàn tỉnh đều khá chật vật trong vấn đề tiêu chí dân số, nhất là Tam Kỳ. Dự thảo quy hoạch dự lường đến năm 2030, dân số Quảng Nam sẽ đạt mốc 2 triệu người.
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói, dù là đột phá nào thì chỉ tiêu dân số cũng rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy hầu hết đồ án quy hoạch trước nay đều bị vướng do chỉ tiêu dân số quá thấp, dẫn đến chất lượng hạ tầng cũng kém do đi kèm với chỉ tiêu dân số. Do đó, phải quan tâm hơn nữa khả năng dung nạp dân số ở vùng đông của tỉnh.
Đòn bẩy để cụ thể hóa được đột phá nêu trên vẫn sẽ phải trông cậy vào hệ thống giải pháp để thu hút, tối ưu hóa các nguồn lực. Nguồn lực về đất đai bị bỏ ngỏ hoặc sử dụng không hiệu quả trên địa bàn tỉnh vẫn là bài toán gây tranh cãi lâu nay trong việc dựa vào nó để tạo đột phá về hạ tầng, đô thị.
Theo TS.Phạm Trần Hải - Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh, khai thác giá trị từ đất phục vụ phát triển vẫn là nhóm chính sách quan trọng bậc nhất của một địa phương. Quảng Nam cần nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả sử dụng đất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng bảng giá đất và tính giá đất, từ đó hướng tới thiết lập bản đồ giá trị đất, nghiên cứu xây dựng và áp dụng thí điểm các chính sách điều tiết giá trị gia tăng từ đất. Nếu thực hiện được thì địa phương sẽ quản lý hiệu quả một nguồn lực rất dồi dào để phục vụ phát triển, trong đó có tạo đột phá cho hạ tầng và đô thị.