[Emagazine] - Đất mở… chuyển mình

HỮU PHÚC - HOÀNG ĐẠO – VĂN TÂY 18/08/2023 07:06

(QNO) –  Cuối năm 1983, Núi Thành được thành lập, trên cơ sở tách ra từ huyện Tam Kỳ, lúc này cơ sở vật chất chẳng có gì, ngoài vành đai trắng của căn cứ quân sự Chu Lai. Tứ bề gian khó bủa vây. Thế nhưng, một mốc son đáng nhớ, vào năm 2003, Khu kinh tế mở Chu Lai – một khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước ra đời đã giúp Núi Thành xoay chuyển tình thế từ chủ trương đúng đắn là lựa chọn con đường phát triển công nghiệp.  Và, sau 40 năm thành lập huyện, ngoài là hạt nhân của Khu kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành còn tạo được dấu ấn riêng, trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động hàng đầu của tỉnh, giữ vị thế quan trọng trong vùng duyên hải miền Trung. 

 
 
Tam Xuân 2 hôm nay. Ảnh: P.Đ.T
Tam Xuân 2 hôm nay. Ảnh: P.Đ.T

Tam Xuân 2 là xã tiên phong trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Núi Thành. Vùng quê này hôm nay không chỉ khoác trên mình chiếc áo hạ tầng tinh tươm mà còn thay đổi trong đời sống vật chất sung túc, hạnh phúc về tinh thần của người dân.

Ông Bùi Văn Côi - Trưởng thôn Phú Nam (xã Tam Xuân 2) cho hay, xác định mục đích xây dựng NTM là lấy sức dân phục vụ cho dân dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nên địa phương chú trọng việc tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ về chương trình mục tiêu quốc gia này.

Vì vậy, người dân thôn Phú Nam khí thế hưởng ứng phong trào, làm nhiều phần việc, công trình thiết thực như hiến đất làm đường, di dời chuồng trại ra sau nhà để tạo cảnh quan, giữ vệ sinh môi trường sống...

“Đổi thay lớn nhất là đường sá không còn cảnh lầy lội và những ruộng đất bỏ hoang nay đã được nhân dân cải tạo, làm kinh tế vườn cho thu nhập khá ổn định” - ông Côi nói.

 

Theo ông Trần Thanh Xuân – Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, đến nay, xã đã đạt 100% các tuyến đường chính được bê tông và 90% đường ngõ xóm có hệ thống đường chiếu sáng.

Trên địa bàn xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi bò lai 3B, trồng nấm rơm, cây ăn trái, chăn nuôi gà, trồng và chế biến cau, các ngành nghề mộc… Ngoài ra, khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp vận tải, nhà máy sản xuất chế ô tô Trường Hải, CCI, thép Hòa Phát, may Panko…

Nông thôn mới giúp đổi thay những làng quê. Ảnh: P.Đ.T
Nông thôn mới giúp đổi thay những làng quê. Ảnh: P.Đ.T

[VIDEO] – Làng quê nông thôn mới ở Núi Thành:

Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, từ năm 2011 đến năm 2021, Núi Thành đã huy động được nguồn vốn thực hiện hơn 323 tỷ đồng để xây dựng hơn 300km đường bê tông nông thôn. Kiên cố hóa 315km kênh mương với tổng nguồn vốn hơn 312 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh một số giống cây trồng cho năng suất cao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Đến nay trên địa bàn huyện có 150 mô hình phát triển sản xuất được triển khai, 42 hợp tác xã, và 26 tổ hợp tác hoạt động, với hơn 80 nghìn lao động trên các lĩnh vực…

 

[VIDEO] – Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành:

 
Núi Thành phát triển nhiều khu công nghiệp. Ảnh: P.Đ.T
Núi Thành phát triển nhiều khu công nghiệp. Ảnh: P.Đ.T

Năm 2003, Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trọng trách trong việc xây dựng khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Cái khó là thời điểm này, Quảng Nam nói chung, Núi Thành nói riêng cơ bản không có công nghiệp, rất ít doanh nghiệp, doanh nhân. Và hạt nhân của Khu kinh tế mở Chu Lai là Núi Thành từng bước được xây dựng, với mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung.

 

Lấy lợi thế từ cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ…, Núi Thành xác định con đường phát triển mang tính bước ngoặt lịch sử là chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ sang công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ, quyết tâm xây dựng Núi Thành trở thành huyện công nghiệp của  Quảng Nam.

Cùng với sự đầu tư của trung ương và của tỉnh vào Khu kinh tế mở Chu Lai,  Núi Thành cũng đã tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng mang tính động lực như cảng biển Kỳ Hà, cảng Chu Lai - Trường Hải, sân bay Chu Lai, cảng cá Tam Quang...

Đồng thời bằng các cơ chế ưu đãi thông thoáng, tạo mặt bằng sạch trong thu hút, kêu gọi đầu tư chính là yếu tố để các doanh nghiệp, nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” vào Núi Thành.

Thời điểm này, gần như toàn bộ diện tích xã Tam Hiệp đã được quy hoạch phát triển công nghiệp, khu đô thị - dân cư. Liền kề là xã Tam Anh Nam hầu hết diện tích của xã đều nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo Quyết định 1737 ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ còn lại diện tích 700ha ở phía Tây thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Cầu vượt Chu Lai - Trường Hải - biểu tượng cho sự vươn mình đi lên của mảnh đất vốn chỉ toàn cát và nắng gió. Ảnh: P.Đ.T
Cầu vượt Chu Lai - Trường Hải - biểu tượng cho sự vươn mình đi lên của mảnh đất vốn chỉ toàn cát và nắng gió. Ảnh: P.Đ.T

Theo UBND xã Tam Anh Nam, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 1.200ha (chiếm gần 50% diện tích tự nhiên của xã) đang thực hiện các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, diện tích lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Núi Thành, của Quảng Nam và khu vực miền Trung.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam Nguyễn Vĩnh Diêu thông tin, trên địa bàn đang triển khai 6 dự án lớn với tổng diện tích thực hiện hơn 1.000ha.

“Những dự án động lực sẽ là lời giải cho bài toán về giải quyết việc làm, phát triển hạ tầng cơ sở, kinh tế của địa phương nên chúng tôi xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chính quyền sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng, nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của người dân bị ảnh hưởng” – ông Diêu nói.

 

[VIDEO] - Núi Thành phát triển mạnh mẽ công nghiệp: 

 

Kinh tế biển trở thành mũi nhọn trong tương lai. Ảnh: P.Đ.T
Kinh tế biển trở thành mũi nhọn trong tương lai. Ảnh: P.Đ.T

Ngoài công nghiệp, kinh tế biển cũng là mũi nhọn của Núi Thành khi năng lực khai thác, đánh bắt thủy sản không ngừng tăng về số lượng, chất lượng và giá trị. Ngư dân địa phương đóng mới nhiều tàu đánh bắt xa bờ và trở thành đội tàu lớn nhất tỉnh. Nhờ đó sản lượng đánh bắt hằng năm của huyện đạt cao, năm 2022 đạt trên 46.675 tấn hải sản các loại.

Hơn 30 năm vươn khơi bám biển, ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) đã có được kinh tế khá giả, sở hữu 2 tàu hành nghề lưới vây với tổng công suất 1.138CV. Và chủ tàu này giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương có được thu nhập ổn định trong nhiều năm qua.

“Đi biển nếu thuận buồm xuôi gió, mỗi lao động có thể dư được 50 – 80 triệu đồng/vụ cá. Và điều quan trọng hơn hết là chúng tôi vừa sản xuất trên biển, vừa trở thành cột mốc để khẳng định chủ quyền, bảo vệ ngư trường, lãnh thổ của Tổ quốc” – ngư dân Trần Bẹn nói.

 

Những năm gần đây, cùng với khuyến khích đầu tư đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, Núi Thành còn phát triển mạnh hậu cần nghề biển, để tiêu thụ ổn định và tăng giá trị hải sản khai thác của ngư dân.

Điển hình là Công ty TNHH Thương mại và tổng hợp Tâm Lộc (xã Tam Giang) xây dựng sản phẩm OCOP mực xà tẩm ướp gia vị giúp tiêu thụ hải sản của ngư dân và tăng giá trị sản phẩm mực xà qua chế biến. Doanh nghiệp này thu mua lượng lớn mực xà ngư dân trên địa bàn khai thác được với mức giá cao hơn ngoài thị trường.

Hay ở cảng cá An Hòa, nhiều tư thương thu mua mực xà để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc… Trên địa bàn xã Tam Giang hiện có hơn 50 tàu câu mực khơi và 20 tàu lưới chụp.

Vươn khơi đánh bắt. Ảnh: P.Đ.T
Vươn khơi đánh bắt. Ảnh: P.Đ.T

Theo Sở NN&PTNT, Núi Thành là địa phương trọng điểm nghề cá của tỉnh khi mỗi năm cung cấp sản lượng dao động 30 - 40 nghìn tấn hải sản. Ngoài đánh bắt, nghề nuôi trồng thủy sản đang được kỳ vọng sẽ đem lại giá trị kinh tế cao.

Bước đầu ngư dân đã thành công trong mô hình nuôi cua xanh kết hợp với tôm sú, cá dìa tại xã Tam Hòa; nuôi cá chim vây vàng lồng bè trên sông tại xã Tam Hòa và Tam Hải; trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy sản tại xã Tam Hải và Tam Tiến; nuôi cá mặn, lợ lồng bè bằng nhựa HDPE tại xã Tam Hòa và Tam Hải.

Ngoài ra, Núi Thành còn có các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản ven biển như cá rô phi, tôm thẻ chân trắng. 

Để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Núi Thành nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra, nhiều năm nay địa phương đa dạng dịch vụ biển, đầu tư hạ tầng cảng biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển; du lịch đa ngành gắn với vận chuyển logistics; đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển… Núi Thành đang ấp ủ khát vọng giàu mạnh từ việc tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của kinh tế biển.

[VIDEO] – Ngư dân Núi Thành làm giàu từ biển:

 
Núi Thành sau 40 năm. Ảnh: P.Đ.T
Núi Thành sau 40 năm. Ảnh: P.Đ.T

Các dự án, công trình chiến lược đã được đầu tư như cảng biển Kỳ Hà, cảng cá Tam Quang, cảng Chu Lai - Trường Hải, sân bay Chu Lai, các chợ trung tâm, hệ thống giao thông vòng xuyến quốc lộ 1, dự án đường Võ Chí Công (129) nối từ phía bắc vào Tam Kỳ - sân bay Chu Lai... làm nên sự đa dạng, hiện đại trong mạng lưới hạ tầng giao thông, đô thị ở Núi Thành.

Sau 40 năm xây dựng, những con đường nội thị thênh thang đã mở ra, 2 vùng đông – tây được kết nối thông qua xây dựng hoàn thành cứng hóa các tuyến đường ĐH3 đi Tam Thạnh - Tam Sơn,  ĐH5, ĐH7 đi Tam Mỹ Tây - Tam Trà - Tam Sơn... và gần 200km đường giao thông nông thôn được thảm nhựa hoặc bê tông. Các khu dân cư Tam Hiệp, 617, Chợ Trạm, thị trấn Núi Thành, Tam Anh Nam, Tam Nghĩa… ra dáng hình đô thị trẻ.

Đô thị Núi Thành về đêm. Ảnh: P.Đ.T
Đô thị Núi Thành về đêm. Ảnh: P.Đ.T

Tháng 5/2022, đô thị Núi Thành được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Và hiện nay một số tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại III đang làm thủ tục để công nhận.

Núi Thành đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Núi Thành đến năm 2030 trên phạm vi toàn huyện, định hướng đến đô thị loại III; quy hoạch chung xã đảo Tam Hải; quy hoạch chi tiết Khu trung tâm thể thao, khu dân cư, khu tái định cư.

Phối hợp điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng đến đô thị loại II; bổ sung cảng biển Chu Lai loại I vào quy hoạch. Huy động tối đa nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển đô thị theo tiêu chí đô thị loại III.

Song song với phát triển kinh tế, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được chú trọng. Ảnh: P.Đ.T
Song song với phát triển kinh tế, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Núi Thành quan tâm, chú trọng. Ảnh: P.Đ.T

Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng Núi Thành đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Vì vậy, theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tri Ấn, địa phương xác định sẽ tiếp tục khai thác tối đa nội lực, lợi thế của Khu kinh tế mở Chu Lai; tận dụng các nguồn lực khác để tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nhằm tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, sớm đạt mục tiêu trở thành huyện công nghiệp theo hướng hiện đại, đô thị văn minh.

Để từng bước tháo gỡ vướng mắc về công tác quy hoạch xây dựng, Núi Thành tổ chức rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được duyệt nhưng không thực hiện, hoặc đã được điều chỉnh bởi đồ án khác có trùng lắp về ranh giới.

Và, quan trọng là tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc mặt bằng các dự án trọng điểm, dự án động lực; trong đó, ưu tiên các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Núi Thành, các khu dân cư, khu công nghiệp và các dự án trọng điểm của trung ương, tỉnh.

Núi Thành đã đầu tư hạ tầng các dự án khu dân cư, đô thị động lực. Ảnh: P.Đ.T
Núi Thành đã đầu tư hạ tầng các dự án khu dân cư, đô thị động lực. Ảnh: P.Đ.T

[VIDEO] – Đô thị Núi Thành hôm nay:

 
 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Đất mở… chuyển mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO