Emagazine

[eMagazine] – Để con trẻ được trải lòng

XUÂN HIỀN – TÂY BÌNH 10/12/2023 07:00

(QNO) - Khủng hoảng tâm lý dẫn tới trầm cảm, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội vẫn đang gia tăng, đặc biệt ở tuổi thanh thiếu niên. Nhưng tình trạng này vẫn chưa được thống kê, nghiên cứu một cách có hệ thống. Các giải pháp điều trị và chăm sóc phù hợp với độ tuổi vẫn còn những chông chênh nhất định. Làm thế nào để trẻ mở lòng nói ra cảm xúc của mình, kể những câu chuyện mình đang gặp phải, tưởng dễ, nhưng lại vô cùng khó khăn...

bqn.1cdn.vn-2023-12-10-_images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-12-9-152771-_tit-chinh_lot-trong-.png

Rối loạn lo âu, kể cả trầm cảm, với các biểu hiện lẫn hành vi khác thường ở trẻ vẫn thường ít được chú ý. Cho đến khi vụ việc đau lòng xảy ra, người lớn mới giật mình nhận ra, con em họ đã phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần một mình...

Tổn thương tâm lý

"Hầu như là bố mẹ muốn mình giỏi, xuất sắc thì mình cũng muốn bố mẹ được hãnh diện các thứ, suốt ngày cứ đâm đâu vào học, sẽ xa lánh bạn bè, tự kỷ các thứ..."; "Bố mẹ nghĩ là cứ so sánh mình với đứa khác xong thấy tấm gương ấy mình sẽ học tập theo thì sẽ tốt hơn, nhưng thực chất chỉ động đến lòng tự trọng, cảm giác tổn thương về tâm lý làm cho càng học tệ đi"; "Em rất dễ tự ái, nên khi bị mọi người trêu chọc là ảnh hưởng tâm lý nhất đối với em"...

Trên đây là những câu trả lời từ các cuộc phỏng vấn sâu của chuyên gia tổ chức UNICEFT (Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc) tại Việt Nam, khi họ tiến hành đề tài "Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam".

Các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh kết nối và tránh những áp lực trong cuộc sống.
Các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh kết nối và tránh những áp lực trong cuộc sống.

Như những đợt sóng ngầm, các tâm tư kiểu vậy ở trẻ vô hình chung ngày một lớn dần khi không tìm được tiếng nói chia sẻ từ phía gia đình lẫn trường học. Áp lực về thành tích học tập, những đối sánh với bạn bè đồng trang lứa, những thay đổi của gia đình... được xem là nguyên nhân dẫn đến các khủng hoảng tâm lý ở lứa tuổi vị thành niên.

Chưa kể, nạn bạo hành trẻ em, bao gồm các hành vi ngược đãi và bạo lực, kể cả bạo lực học đường, bóc lột lao động trẻ em... cũng là nguyên nhân gây nên các vấn đề tâm lý ở trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ ngược đãi và bạo hành trong trẻ em Việt Nam hiện ở mức cao so với các nước. Có đến 69% trẻ em 10-14 tuổi từng bị kỷ luật bạo lực, trong đó, trẻ em trai có nhiều khả năng bị trừng phạt bạo lực hơn trẻ em gái.

Báo động gia tăng

Tình trạng rối loạn tâm thần ở trẻ em được cảnh báo ngày càng gia tăng. Năm 2022, kết quả khảo sát sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia ở trẻ từ 10-17 tuổi đã cung cấp những con số đáng chú ý. Có 21,7% trẻ vị thành niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần, 3,3% trong đó có các hành vi của rối loạn tâm thần. Vấn đề rối loạn lo âu phổ biến nhất với 18,6% và trầm cảm chiếm 4,3%. Cũng theo khảo sát, chỉ có 5,1% phụ huynh xác định trẻ cần giúp đỡ về các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, liên tiếp xảy ra nhiều ca tự tử ở lứa tuổi vị thành niên khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Hồi tháng 4/2022, một nam sinh (16 tuổi) đang học tại trường THPT chuyên ở Hà Nội nhảy lầu tự tử từ tầng 28. Tương tự, tại Bắc Ninh, gia đình phát hiện cháu L. (học sinh lớp 8) tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng. Trước khi treo cổ tự tử cháu L. để lại thư và nhiều trang nhật ký nói mình sắp đi xa. Tại Quảng Nam, mới đây nhất, một học sinh lớp 9 tự tử chỉ vì những hiểu lầm cùng bạn bè...

Những "rắc rối" đang âm ỉ diễn ra với trẻ, lâu ngày nếu không được chia sẻ, giải quyết sẽ khiến trẻ vị thành niên hình thành tâm lý đơn độc, trầm cảm và dẫn đến không kiểm soát hành vi. Giải quyết "mối nguy" này, đòi hỏi sự đồng hành của mỗi người lớn trong việc quan sát, nhận biết những hành vi khác thường ở trẻ em, để từng bước phá vỡ những bức tường vô hình mà trẻ vị thành niên tự mình dựng nên trong câu chuyện kết nối với gia đình, người thân, bạn bè...

Cùng với gia đình, nhà trường được xem như một "lá chắn" phòng ngừa để trẻ vị thành niên không rơi vào vòng xoáy của các vấn đề về sức khỏe tâm thần...

Từ tháng 12 này, Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi trường học phải có một vị trí việc làm chuyên về tư vấn tâm lý học đường. Điều này vừa mở ra cơ hội tiếp cận chuyên nghiệp hơn với trẻ vị thành niên nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành giáo dục.

Mô hình Phòng tư vấn tâm lý học đường đã xuất hiện hơn 10 năm tại các trường THCS, THPT của Việt Nam. Điều này cho thấy tầm quan trọng của trường học - nơi được nhìn nhận là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên.

Tại các diễn đàn trẻ em, tiếng nói của trẻ về các vấn đề xung quanh được tiếp nhận…
Tại các diễn đàn trẻ em, tiếng nói của trẻ về các vấn đề xung quanh được tiếp nhận…

Có những vấn đề ở trường học không phải học sinh nào cũng chia sẻ với gia đình, do vậy với giáo viên, hay cán bộ chuyên trách quản lý học sinh, và đặc biệt là các nhà tâm lý học đường, sẽ là những nhóm người phát hiện đánh giá các nảy sinh từ tâm lý đến sức khỏe tâm thần.

Giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường học tập trung tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc và quản lý sức khỏe tâm thần học sinh bằng những hoạt động cụ thể.

Ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, dù vai trò của mô hình Phòng tư vấn tâm lý học đường khá quan trọng, tuy nhiên, hiện nay đa số các trường, nhân lực phụ trách phòng này vẫn làm công tác kiêm nhiệm. Có trường người tư vấn là giáo viên Tổng phụ trách, có trường đưa giáo viên bộ môn Giáo dục công dân kiêm phụ trách Phòng tâm lý học đường. Các hoạt động chỉ mới dừng ở hình thức tham vấn, giải đáp thắc mắc, băn khoăn của học sinh, phụ huynh riêng lẻ chứ chưa trở thành một hoạt động trợ giúp tâm lý, tư vấn học đường chuyên nghiệp, thường xuyên.

Cha mẹ cùng con trưởng thành.
Cha mẹ cùng con trưởng thành.

Để mô hình Phòng tư vấn tâm lý ở trường học có thể hoạt động đúng nghĩa như kỳ vọng, từ ngày 16/12/2023, Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, bố trí một người làm nhiệm vụ tư vấn tâm lý học sinh.

Việc chính thức ban hành quy định với đưa nhân viên tư vấn học sinh vào danh sách vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp học sinh có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học. Đây cũng là lần đầu tiên các trường công lập của Việt Nam chính thức có vị trí nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh...

Ông Phùng Văn Huy cho rằng, quy định này tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận gần hơn với các vấn đề về tâm lý học đường ở lứa tuổi vị thành niên. Nhân lực hoạt động là câu chuyện cần đặt ra, đòi hỏi phải có những người được đào tạo từ các ngành tâm lý học, hoặc ngành sư phạm nhưng có chuyên môn ngành tâm lý.

Sự tương tác không biên giới trên thế giới phẳng khiến việc dạy con, nhất là tuổi mới lớn không hề dễ dàng. Cùng với đó, trẻ vị thành niên những sự quan tâm đặc biệt hơn, đến từ người lớn…

Hôm rồi, việc tiếp nhận hai câu chuyện nhỏ về phản ứng của con trẻ khi không được cha mẹ đáp ứng yêu cầu khiến tôi giật mình: Nếu không cho con lựa chọn cách giải trí mình thích hoặc không cho con mua món đồ mong muốn thì con… không muốn sống nữa. Đây là chuyện lớn!

Những suy nghĩ lệch lạc được gieo vào con trẻ một cách vô thức, nếu cha mẹ không kịp thời quan tâm, chấn chỉnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong những lần lang thang trên mạng, ngay cả người lớn cũng khó kiểm soát được việc bị dẫn dắt thông tin. Ban đầu chỉ là xem “review” về một bộ phim nào đó, liên tục những nội dung tương tự xuất hiện, kéo người xem đi từ phim này qua phim khác, đến khi buông điện thoại có lúc đồng hồ đã điểm quá khuya.

Vì vậy, việc giao cho con trẻ chiếc điện thoại thông minh giống như giao tương lai của con cho các thuật toán trên internet kiểm soát. Không thể cấm con tiếp xúc với internet, nhưng quản lý nội dung con xem là điều quan trọng. Cha mẹ có thể tìm hiểu những kênh bổ ích dành cho trẻ em và cho con xem thời lượng nhất định qua ti vi. Vừa làm việc nhà, cha mẹ cũng sẽ “nghe” được con xem gì để kịp thời điều chỉnh.

Hình thành cho trẻ kỹ năng kết nối thông qua các hoạt động nghệ thuật, vui chơi…
Cha mẹ cần đồng hành, làm bạn với con ở độ tuổi mới lớn

"Áp lực" là cụm từ đã trở nên phổ biến: áp lực công việc, áp lực học hành… Khi gõ từ “áp lực” trên công cụ tìm kiếm, trong 0,27 giây cho ra 178 triệu kết quả liên quan. Và việc dạy con cũng nằm trong con số tìm kiếm ấy. Thay vì tìm giải pháp trên mạng, chúng ta có thể đặt chiếc điện thoại xuống, hỏi con hôm nay có gì vui, có gì buồn, các mối quan hệ với bạn bè.

Những câu hỏi trên đường đến trường hoặc đón con về nhà là chìa khóa để nắm bắt sự chuyển động tâm lý của con để hướng dẫn, gợi ý cách ứng xử. Có thể cách xử lý của cha mẹ không hoàn toàn phù hợp với thế giới “tuổi teen” hiện đại, nhưng sẽ là sợi dây gắn kết, để con biết có một nơi an toàn để sẻ chia, dựa vào. Từ nhà đến trường chỉ có hai điểm nhưng quãng đường và điểm đến với nhiều yếu tố phát sinh nằm ngoài sự kiểm soát.

Trong bài văn tả về cô giáo, tôi hỏi con vì sao chọn cô giáo dạy từ hồi lớp 3, con trả lời rằng cô đối xử công bằng với tất cả các bạn, không thiên vị ai nên con rất thích. Tôi vô cùng biết ơn điều tử tế mà cô giáo đã gieo vào lòng con trẻ. Việc gieo một mầm thiện cho các em hóa ra thật bình dị, chỉ cần có tâm và trách nhiệm với điều nhỏ nhất. Cùng con bước ra khỏi thế giới ảo, để gợi mở cho con nhiều điều hay từ thế giới xung quanh. Cùng con lớn lên không còn là chuyện bình thường như ngày xưa, mà cha mẹ cũng phải chậm lại từng chút một…

Trong khi các điều kiện y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, cho lứa tuổi vị thành niên nói riêng, chưa đảm bảo thì sự đồng hành và chia sẻ của người lớn là liệu pháp hữu hiệu.

Chị Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hằng năm các cấp bộ đoàn tổ chức Diễn đàn trẻ em để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, qua đó nắm bắt được những vấn đề các em quan tâm, những vướng mắc, câu chuyện các em gặp phải trong cuộc sống, để kịp thời giải đáp, chia sẻ và giải tỏa tâm lý. Quảng Nam cũng đã nỗ lực để đưa các chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích vào các hoạt động trường lớp, Đoàn - Đội để giúp trẻ có môi trường sống lành mạnh hơn.

Ở góc độ chăm sóc, bác sĩ Nguyễn Hồ Hữu Tường - công tác tại Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam cho rằng, lý do tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần có chiều hướng gia tăng ngoài các tác động từ mặt xã hội thì còn do điều kiện sống từ gia đình. Nhiều trẻ được bảo bọc, che chở quá mức nên không hình thành bản lĩnh, kỹ năng sống để ứng phó trước các tình huống khó khăn, các biến cố trong cuộc sống. Thậm chí, nhiều em bị hạn chế vui chơi, giao tiếp, chỉ biết học tập và thi cử quá mức... dẫn đến rối loạn hành vi, cảm xúc.

Trong hành trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, gần như sự đồng hành chỉ xảy ra khi tự bản thân mình lên tiếng. Theo các chuyên gia tâm lý, khi cảm thấy mình luôn gặp rắc rối trong các mối quan hệ với người khác, gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe mà bác sĩ không thể giải thích hoặc cảm xúc luôn là thứ gây cho chúng ta mệt mỏi, ta cần hiểu rằng nội tâm của mình đang "gửi tín hiệu SOS" và mong nhận được sự trợ giúp. Với độ tuổi thanh thiếu niên, các em cần được học cách kết nối với nội tâm của mình và kết nối với thế giới xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] – Để con trẻ được trải lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO