[eMagazine] - Di sản xanh ở vùng cao

A LĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ - HỒ QUÂN 10/08/2023 08:16

Không chỉ đóng vai trò “lá phổi xanh” giữa đại ngàn Trường Sơn, các khu rừng đỗ quyên, pơ mu, quế, lòn bon nằm ở vùng cao Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách, đồng thời là không gian sinh kế bền vững, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân bản địa. 

 
 

Từ những khoảnh rừng tự nhiên, sau nỗ lực của chính quyền và cộng đồng Cơ Tu ở Tây Giang đã trở thành điểm du lịch sinh thái đầy lý thú cho những ai thích khám phá, trải nghiệm. Với hàng nghìn cây pơmu, đỗ quyên mọc thoai thoải trên quần thể núi Ziliêng và Kalang, nơi này chừng như đang “kích thích” sự tò mò cho du khách khi đến với rừng cây di sản.

 

Giữ rừng làm du lịch

Sau đại dịch COVID-19, Làng du lịch sinh thái Pơmu (xã A Xan) dần phục hồi trở lại, tạo điểm tham quan hấp dẫn cho du khách trên hành trình khám phá Tây Giang.

Ông Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, vài năm trước, khi quần thể rừng pơmu được công nhận Cây di sản, Tây Giang mở cửa đón khách tham quan trải nghiệm hệ sinh thái rừng nguyên sinh độc đáo này. Từ làng du lịch, du khách có thể trải nghiệm bằng nhiều cách để “chạm tay” vào các cụ pơmu hàng trăm năm tuổi. Nhưng, tất cả đều phải đi bộ.

Pơloong Plênh dừng chân trên đỉnh Kalang. Ảnh: NVCC
Pơloong Plênh dừng chân trên đỉnh Kalang. Ảnh: NVCC

Pơloong Plênh nói, ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh hoành hoành, các nhóm bảo vệ rừng pơmu đều mải miết với công việc giữ rừng. Họ xem rừng như ngôi nhà thứ hai để gìn giữ, bảo tồn và chờ ngày đón khách.

“Người Cơ Tu rất coi trọng giá trị của rừng nên từ đời này sang đời khác đều ra sức gìn giữ. Cuộc sống cộng đồng vùng cao luôn dựa vào rừng, gắn chặt vào rừng nên việc giữ rừng luôn được xem là nét văn hóa độc đáo. Bởi hơn ai hết, người vùng cao hiểu rõ vai trò của rừng trong cuộc sống sinh tồn, nhất là nước và sinh kế bền vững” - Pơloong Plênh chia sẻ.

Một cây pơ mu cổ thụ.  Ảnh: A.N
Một cây pơ mu cổ thụ. Ảnh: A.N

Nhiều lần đặt chân đến ở đỉnh núi Ziliêng nên Pơloong Plênh gần như quen thuộc ngõ ngách, vị trí cây di sản trong quần thể pơmu huyền bí. Hồi dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát, gần như tuần nào Pơloong Plênh cũng dẫn đoàn du khách đến tham quan không gian sinh thái rừng nguyên sinh. Bằng các tour trải nghiệm mạo hiểm, Plênh kết nối ngày càng đông những người khách có đam mê trải nghiệm thiên nhiên. Đây cũng là cơ hội giúp Tây Giang quảng bá vẻ đẹp cảnh quan, mở ra tiềm năng khai thác du lịch từ thiên nhiên kỳ thú của vùng rừng Trường Sơn Đông.

Nhưng, Pơloong Plênh nói, điều anh hướng đến không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, mà còn tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng miền núi. Bởi, họ chính là chủ rừng, có nhiều công sức trong việc bảo vệ rừng già trước nguy cơ xâm hại.

“Vì thế, sinh kế từ du lịch phải là của họ, khi đó câu chuyện giữ rừng mới thực sự bền vững” - Pơloong Plênh nhấn mạnh.

“Vàng xanh” trên đỉnh núi

Cuối năm 2022, lần đầu tiên Tây Giang tổ chức ngày hội theo chuỗi sự kiện “Tuần lễ văn hóa Tây Giang” với nhiều chương trình đặc sắc của cộng đồng Cơ Tu, chào đón năm mới. Không nằm ngoài mục tiêu khai mở tiềm năng vùng đất giáp biên giới Việt - Lào, các hoạt động dã ngoại trải nghiệm, khám phá và thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vỹ được kỳ vọng phát triển mô hình du lịch đặc trưng miền núi.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi cho hay, ngoài Đỉnh Quế và quần thể rừng pơmu, địa phương đang khai thác du lịch quần thể cây đỗ quyên trên đỉnh núi Kalang. Sau nhiều đợt khảo sát, vài năm trước, 435 cây đỗ quyên đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản, đánh dấu về một hành trình dài “đặt tên cho cây”.

 

Năm ngoái, nhân sự kiện “Tuần lễ văn hóa Tây Giang”, địa phương lồng ghép tổ chức giải leo núi việt dã trong rừng đỗ quyên, thu hút gần 130 vận động viên tham gia trải nghiệm. Chiến thắng với thành tích 2 giờ 30 phút, runner Đỗ Trọng Nhơn (Tây Ninh) xuất sắc giành ngôi vị cao nhất. Trong đêm trao giải, Đỗ Trọng Nhơn hồ hởi chia sẻ những điều bất ngờ và thú vị khi lần đầu tiên tham gia giải thể thao mạo hiểm, chinh phục quần thể đỗ quyên ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển.

Vận động viên người gốc Bình Định nói, anh tham gia rất nhiều giải leo núi, nhưng Tây Giang đã để lại ấn tượng thật khó phai mờ. Đó là đỗ quyên, một khu rừng nguyên sinh rậm rạp, với hình thù thân cây lạ mắt khiến nhiều người bất ngờ.

“Không chỉ nhiệt độ mát mẻ, quần thể rừng đỗ quyên còn mang giá trị về tâm linh, với sinh vật cảnh kỳ thú và lạ mắt. Phong cảnh hữu tình trải dài theo dọc đường đua, nơi này thực sự rất đẹp, giống như kho báu của đại ngàn vậy” - runner Đỗ Trọng Nhơn bộc bạch.

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, nét độc đáo của hoa đỗ quyên không chỉ ở màu sắc, độ lớn của cánh hoa mà còn nằm ở phần thân gốc. Mỗi gốc đỗ quyên cổ thụ là một tác phẩm nghệ thuật thú vị. Với 3 màu chính gồm hồng, trắng và tím - hoa đỗ quyên được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa. Vì thế, trong tương lai quần thể đỗ quyên sẽ mở ra cơ hội giúp địa phương hình thành sản phẩm du lịch thám hiểm độc đáo, phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm.

 

 

Đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My xem vườn quế là “của để dành” trong gia đình, các thế hệ nối tiếp nhau cai quản, phát triển. Vùng “Cao sơn ngọc quế” từ đó được phủ xanh bằng những cánh rừng quế bạt ngàn.

Văn hóa giữ rừng quế

Với đồng bào Ca Dong, cây quế là báu vật mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho bản làng. Dưới cái nắng, cái gió khắc nghiệt vùng cao Trà My, quế thầm lặng vươn cao, tỏa bóng và ấp ủ lại bên dưới vỏ sần sùi những dòng tinh chất thiên nhiên. Thứ tinh chất ấy, bao đời nay, đồng bào Ca Dong trân quý, luôn có sẵn trong nhà để chữa trị các chứng cảm lạnh, nhức đầu và các bệnh về đường tiêu hóa.

Cây quế Trà My gắn với đời sống văn hóa đồng bào Ca Dong. Ảnh: H.Q
Cây quế Trà My gắn với đời sống văn hóa đồng bào Ca Dong. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Chính những lý do này, đồng bào Ca Dong xem cây quế như người thân thiết. Họ đã từng nghẹn ngào khi chứng kiến những “người thân” của mình nằm chỏng chơ, xác thân héo úa dưới mưa bom bão đạn trong những năm kháng chiến.

Già Đinh Văn Nở (thôn 1, Trà Giác, Bắc Trà My) kể, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi giặc Mỹ càn quét qua, quế “đương đầu, gồng mình hứng chịu đau thương" để che chở cho bộ đội, dân làng. Và rồi, khi chiến tranh qua đi, những chồi quế tiếp tục xanh tốt, vươn cao, trở thành biểu trưng cho sức sống, tinh thần quật cường không ngại gian khó của đồng bào Ca Dong.

 

Ông Đinh Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Trà Giác nói, trồng, gìn giữ và phát triển cây quế qua hàng đời đã thành nếp văn hóa của đồng bào Ca Dong. Đây chính là "của để dành" trong mỗi gia đình và trao cho con cháu khi dựng vợ gả chồng.

“Với tài sản này trong tay, vợ chồng trẻ khi bắt đầu cuộc sống mới sẽ có vốn liếng làm ăn, sinh con cái. Nếp văn hóa này thể hiện trách nhiệm, sự che chở của cha mẹ đối với con cái; đồng thời nhắc nhở thế sau tiếp tục duy trì văn hóa giữ rừng quế” – ông Linh cho biết.

Trong mỗi kỳ cúng tế, đồng bào Ca Dong luôn trình báo với thần linh về đời sống của dân làng và cả việc phát triển cây quế. Qua đó, họ cầu mong ơn trên luôn che chở, bảo vệ tài sản, ban mưa thuận gió hòa để cây quế sinh sôi.

Những vườn quế cổ thụ

Quế mang lại thu nhập cao cho đồng bào Ca Dong
Quế mang lại thu nhập cao cho đồng bào Ca Dong

Với tâm thức muốn gìn giữ nên hiện nay nhiều hộ dân Bắc Trà My vẫn sở hữu những rừng quế cổ thụ. Ấn tượng nhất là vườn quế của già Đinh Văn Nở, rộng 2ha với khoảng 5.000 gốc, trong đó có những cây đã vài chục năm tuổi. Theo già Nở, thời trai trẻ, vốn liếng dành dụm ông dùng để mua giống quế bản địa, rồi tự gieo ươm và phát triển đến ngày nay.

Vào mùa quế đơm hoa, ông Nở vào vườn nhặt hoa chín rụng về bán trang trải cuộc sống. Ông cũng không quên dành lại một ít để ươm, tiếp tục nhân rộng nên năm nào trong vườn cũng có cây quế mới. Hiếm lắm mới thấy ông Nở khai thác, trừ khi cây quế nào đã đượm dầu. Mấy mươi năm qua, thu nhập từ vườn quế đủ giúp già Nở có cuộc sống đủ đầy, con cái ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Vài người ngã giá hơn 2 tỷ đồng để khai thác vườn quế nhưng ông nhất quyết không bán, chỉ muốn để lại lấy giống nhân rộng trên địa bàn.

Ông Đinh Văn Linh - Chủ tịch UBND  xã Trà Giác nói, những vườn quế lâu năm như hộ ông Đinh Văn Nở hay ông Nguyễn Văn Nam đã giúp địa phương có nguồn giống để nhân rộng hằng năm. Vừa qua, địa phương chọn được 6 cây quế gen trội từ những khu vườn này để làm nguồn quế gốc.

“Đến nay toàn xã duy trì 40ha quế trong nhân dân và đang tiếp tục nhân rộng trong thời gian đến. Với khung thời gian thu hoạch không dưới 15 - 20 năm và có giá trị cao nên quế không chỉ là sinh kế mà còn là giải pháp bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, giữ đất, giữ nước và chống sạt lở” - ông Linh nói.

 
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ cho biết, đã có một số sản phẩm từ quế Trà My xuất bán thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời địa phương hình thành 2 sản phẩm du lịch, gồm du lịch sinh thái vùng Ngọc Quế; du lịch cộng đồng, trải nghiệm nghề làm quế… Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao giá trị, thương hiệu, hình ảnh cây quế Trà My đến với đông đảo người dân, du khách.
 

Tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, có một công viên rừng cây ăn trái mang tên: lòn bon. Bằng câu chuyện thú vị về nguồn gốc khu rừng, các giá trị kinh tế gắn với văn hóa cộng đồng Cơ Tu mà rừng cây lòn bon này mang lại, đã thu hút sự quan tâm của của du khách.

Theo ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, kể từ khi đưa vào hoạt động, công viên lòn bon luôn tạo được điểm nhấn trong hành khám phá, trải nghiệm của du khách. Không chỉ mang đến sự mới lạ trong cách tiếp cận du lịch sinh thái, công viên lòn bon gợi ra nhiều câu chuyện thú vị đầy tính huyền thoại về tinh thần đoàn kết, hoạt động sáng tạo của đồng bào Cơ Tu trong việc giữ rừng, nhất là ở thời điểm chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt.

Trái lòn bon ở “cổng trời” có màu vàng óng, gợi lên sự thích thú cho du khách. Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Trái lòn bon ở “cổng trời” có màu vàng óng, gợi lên sự thích thú cho du khách. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Biểu tượng gắn kết

Trong ký ức của ông Alăng Tùng (53 tuổi, dân tộc Cơ Tu, ở thôn Dốc Gợp, xã Kà Dăng, Đông Giang), rừng cây lòn bon ở Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang mang nhiều điều thú vị và ấn tượng. Là bởi, ông tùng cùng nhiều người dân ở Dốc Gợp này đều gắn tuổi thơ với rừng lòn bon, xem đó như những “người bạn” trong suốt hành trình mưu sinh cơ cực.

Ông Tùng kể, những năm sau giải phóng, rừng cây lòn bon cổ thụ nằm rải rác theo từng cụm núi Gợp Ter. Khu vực Cổng trời Đông Giang địa hình bằng phẳng, chỉ thoai thoải đồi nên vào mùa hè người dân địa phương thường đến rừng lòn bon để… tránh nắng. Hồi đó, khu vực này đều là đất sản xuất, khá gần làng nên gần như ngày nào ông Tùng và trẻ trong làng đều có mặt.

“Những năm lòn bon cho nhiều trái, dân làng cùng nhau thu hoạch. Hai ba ngày một lần, lòn bon được bỏ vào gùi, rồi phân công thanh niên khỏe mạnh mang xuống tận Hà Tân (xã Đại Hưng, Đại Lộc bây giờ) để bán. Có năm, tiền bán lòn bon được dân làng nộp lại để mua trâu, mua bò làm bữa tiệc chung cho cả làng” - ông Tùng kể.

Ông Tùng và nhiều già làng Cơ Tu ở thôn Dốc Gợp không nhớ chính xác độ tuổi và số lượng cây lòn bon ở Cổng trời Đông Giang. Chỉ biết, có cây hơn cả trăm năm, gốc to đến 3 - 4 người ôm không xuể. Thời điểm chiến tranh loạn lạc, người ta đã thấy rừng lòn bon ở đó. Có năm lòn bon ra trái, quả chín rất mọng nước, người Cơ Tu ở tận các thôn của xã Mà Cooih cũng đến thu hoạch, ăn chống đói. Sau này, khi giá trị cây lòn bon được nâng lên, người Cơ Tu khắp vùng trồng mở rộng, xem đó như “của để dành”, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Một thời gian dài, chừng đâu đến năm 2000, rừng lòn bon này cũng còn thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Mãi về sau, dân làng mới chia cho nhóm hộ quản lý theo từng khu đất của gia đình. Khi Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang được triển khai xây dựng, các nhóm hộ này cũng được “ủy quyền” nhận bồi thường, xem đó như chút thù lao sau tháng ngày quản lý, gìn giữ.

Ông Alăng Tùng nói, năm ngoái, sau đợt thu hoạch lòn bon, người dân ở thôn Dốc Gợp đã đóng góp mua chung một con trâu để làm lễ kết nghĩa, mừng năm mới. Bởi rừng cây lòn bon này, với họ như biểu tượng của tinh thần gắn kết cộng đồng, luôn được gìn giữ.

Không gian du lịch thú vị

Tôi hỏi Alăng Brắc, một cư dân ở Dốc Gợp rằng, có thấy tiếc khi rừng cây lòn bon cổ thụ hàng trăm năm tuổi không còn là tài sản chung của cộng đồng? Alăng Brắc bảo, dù rừng cây có đổi chủ nhưng trong thâm tâm của người làng, rừng lòn bon ấy mang nhiều ký ức không thể phai mờ.

Anh chàng "Hot Tiktoker" người Cơ Tu này mong muốn Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang chăm sóc rừng cây lòn bon thật tốt và quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh bằng truyền thông để nhiều người cùng biết.

“Trước đây, khi giao thông chưa có, bà con chỉ hái ăn, hoặc làm quà biếu người thân, bạn bè. Bây giờ, lòn bon không những cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn trở thành điểm du lịch sinh thái thú vị cho du khách nên cũng rất mừng và tự hào vì dân làng Dốc Gợp đã góp sức nhỏ cho mục tiêu phát triển của địa phương” - Alăng Brắc chia sẻ.

 

Theo Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang - Trần Văn Hà, cây lòn bon được trồng tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang là giống lòn bon rừng, được di thực về trồng từ nhiều năm trước, tạo nên một quần thể thực vật độc đáo với hàng trăm gốc cổ thụ. Rất nhiều cây có độ cao 10-15m, lá kép lông chim, quả nhỏ hình cầu màu vàng, tuổi đời ước hơn 50 năm.

Du khách thích thú trải nghiệm rừng cây lòn bon cổ thụ. Ảnh: CTĐG
Du khách thích thú trải nghiệm rừng cây lòn bon cổ thụ. Ảnh: CTĐG

Với diện tích hơn 2ha, công viên rừng lòn bon chỉ nằm cách “cổng trời” tầm 500m. Với địa hình thuận lời này, nhiều năm trở lại đây, du khách tham quan có thêm không gian trải nghiệm, vừa ngồi dưới những tán cây lòn bon xanh mát, vừa thưởng thức tại chỗ những chùm lòn bon thơm ngọt vàng óng, mọng nước với hương vị ngọt ngào kết tinh từ núi rừng Trường Sơn.

“Du khách rất thích thú khi tham quan công viên lòn bon này nên trong chiến lược phát triển của Khu du lịch sinh thái Công trời Đông Giang, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng mở rộng cây lòn bon, tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong lành, phục vụ điểm tham quan mới, hấp dẫn cho du khách” - ông Hà nói. 

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Di sản xanh ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO