(QNO) - Tuồng Quảng Nam có quá khứ phát triển huy hoàng, là cuộc hành trình dài để tạo nên tinh hoa nghệ thuật, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Có một dòng chảy văn hóa tuồng cổ đi qua một số địa phương Trung bộ, nhưng nghệ thuật tuồng xứ Quảng phát triển đến đỉnh cao cũng đồng thời xuất hiện những tên tuổi gắn liền với câu chuyện phát triển, giữ gìn. Làm gì để đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng, khán giả vẫn là trăn trở chung của những người nặng nợ với di sản tuồng ngày nay.
Sự nghiệp tuồng Liên khu 5, hay gần hơn, hành trình tuồng trên đất Quảng, đã phát triển tới độ hoàn chỉnh. Qua những lớp lang, tuồng định danh là một loại hình nghệ thuật ký ức đi cùng quá trình lập đất lập làng của miền đất mở về phương Nam...
Lần giở sử liệu
GS. Hoàng Châu Ký - trong cuốn "Tuồng Quảng Nam" cho rằng, hành trình "trò bội" - hát tuồng - nghệ thuật tuồng là một quá trình trải mấy trăm năm. Từ trò diễn xướng dân gian đến nghệ thuật cung đình, từ "chiếu tuồng" đến nghệ thuật sân khấu tuồng là một quá trình vừa khai sáng, vừa tích lũy, vừa chọn lọc, vừa bổ sung. Cho đến khi tuồng xứ Quảng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, bộ môn nghệ thuật này “sống” trong người Quảng Nam, là bản sắc văn hóa đậm chất người Quảng.
Tuồng Quảng Nam có những đặc tính tương tự như tuồng Thừa Thiên Huế và tuồng Bình Định. Lý luận của ngành tuồng tiền nhân để lại bao gồm 184 chữ, có "Lục tự" và "Tứ tương". "Lục tự" là sáu chữ: "Tinh, Khí, Thần, Thanh, Sắc, Thục". "Tứ tương" là bốn mối tương quan trọng diễn xuất, chủ yếu là trong múa (động tác hình thể). Hồi ký của nghệ sĩ lão thành Nguyễn Nho Túy ghi lại, nghệ thuật tuồng xứ Quảng là nghệ thuật sắm vai.
"Nói đến nghệ thuật sắm vai là nói đến cách thể hiện con người. Vì vậy hát véo von, thanh giọng bổng trầm chưa đủ mà phải làm sao cho có thần trong câu hát. Cái khó trong giọng hát là từng bài, từng loại phải phù hợp với con người cụ thể đang mang cuộc sống cụ thể.
Trong tuồng có bài hát Nam của Tô Vũ, có giọng lối của Nguyệt Hạo, có câu xướng của Địch Thanh. Những bài hát của từng vai như vậy, tuy mang cái điệu chung nhưng phải mang sắc thái của một tâm trạng nhất định" - trích Hồi ký Nghệ sĩ lão thành Nguyễn Nho Túy.
Tấc lòng với tuồng
Nghệ thuật tuồng xứ Quảng phát triển đến đỉnh cao cũng đồng thời xuất hiện những tên tuổi gắn liền với câu chuyện phát triển, giữ gìn. Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh (1853 - 1926) với cuộc đời hý trường cột chặt cùng mảnh đất quê hương đã phát triển kinh nghiệm sáng tạo ở lĩnh vực tuồng, mặt khác lại có công lớn trong việc sáng tạo, nâng thể loại sân khấu này đạt tới đỉnh cao.
"Ông đã tiếp thu bao tinh hoa của dòng tuồng Đàng bộ, kết hợp cải cách của dòng tuồng Đàng nước, phát triển thành nghệ thuật tuồng Quảng Nam mang sắc thái riêng biệt là thực và đẹp, từ đó dẫn đến cái thiện nhưng vẫn gần gũi tính đại đồng của dòng tuồng" - trích từ tác phẩm nghiên cứu "Tuồng Quảng Nam" do GS.Hoàng Châu Ký chủ biên.
Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh nổi tiếng mê tuồng, đến nỗi, số báo Tiếng Dân ngày 3/2/1932 có bài "Dật sử ông Nguyễn Hiển Dĩnh" mà nhiều người cho rằng tác giả là cụ Huỳnh Thúc Kháng, có đoạn: "Bình sanh ông ra làm quan có tánh bất kỳ, một điều ưa thích nhất là nghề hát bội. Ông có con mắt đại quang, cho tuồng đời đều là tuồng hát cả... Ông đi làm quan ở đâu thì đem bọn hát bội theo đó, lúc ở nhà cũng nuôi quân hát luôn. Có kẻ mách với quan trên rằng: quan hay hát, bỏ việc. Hỏi ông, ông trả lời: Tôi có hát thì làm việc mới được...".
Một tên tuổi lớn của ngành tuồng xứ Quảng, phải kể đến soạn giả lỗi lạc Tống Phước Phổ. Ông xuất thân ở ngay vùng quê An Quán, phủ Điện Bàn - nơi đã khơi mở nên những giá trị văn hóa cũng như những lớp tinh hoa của tuồng xứ Quảng như Chánh Đệ, Cửu Thùy, Đội Tảo, Sáu Lai, Phó Sơn... Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh là người đã truyền cảm hứng yêu mê hát bội đến người cháu gọi mình bằng cậu là Tống Phước Phổ.
Những ý tình cụ Tống Phước Phổ muốn gửi gắm đều được chuyển tải trọn ven trong các sáng tác, đều bật lên tinh thần của một người yêu nước. Những câu tuồng đẹp đầy khí khái trong vở Trưng Trắc: "Ta biết bay giăng lưới họa/ Dù chết đi ta vẫn cam lòng/ Tỏa mây mù chạnh ngóng non sông/ Nặng xiềng xích thương thay nòi giống(…)/ Nhà dù tan nước giữ cho còn” (thoại Thi Sách) được viết lúc còn rất trẻ sau này đã trở thành "hồn phách" trong những vở tuồng của ông...
Ông cũng là người đầu tiên của bộ môn nghệ thuật tuồng tại Quảng Nam nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh và liên tục được lựa chọn là chủ đề để tổ chức các cuộc Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng toàn quốc.
Cố GS. Hoàng Châu Ký trước khi mất đã giao cho Trung tâm Văn hóa TP.Hội An số tiền 300 triệu đồng, và Hội An xây dựng thành quỹ mang tên Hoàng Châu Ký. Đây là nguồn kinh phí để địa phương mở và duy trì các lớp học truyền vai tuồng cổ, các hoạt động đưa tuồng xuống phố.
Có những vệt sáng từng lóe lên trong quá khứ, nhưng vùng tuồng nổi tiếng miền Trung như “tỉnh tuồng” Quảng Nam đang cần góp thêm những cục than hồng…
Dạt dào một mạch nguồn
Vệt sáng ấy thấy lóe sáng từ đầu thế kỷ 19, khi 2 gánh tuồng Đức Giáo, Khánh Thọ bắt đầu lưu diễn ở Quảng Nam. Nhưng ngọn lửa ấy có lẽ âm ỉ sớm hơn, qua các chiếu tuồng rải rác ở làng. Nhiều nhà nghiên cứu “cộng” thêm 150 năm cho lịch sử tuồng Quảng Nam, thậm chí còn sớm hơn, thuở người dân mở cõi về phương Nam. Trong dòng thời gian ấy, có một dòng chảy văn hóa của tuồng cổ được “định vị” trong 3 vùng đất Huế - Quảng Nam - Bình Định.
Hình thành muộn, nhưng chỉ vài chục năm sau thôi, tuồng ở Quảng Nam xứng danh “tỉnh tuồng” ở khu vực miền Trung vào giữa thế kỷ 19.
Bài văn tế Tổ của ngành tuồng Quảng Nam có câu: “…Tự Minh Mạng hoàng đế hữu Việt Tường công thự thiết lập hoàn thành; Chí Tự Đức vương triều dĩ Quảng Nam trung thanh duy cầu sở học” (Từ vua Minh Mạng hoàn thành xây dựng Thự Việt Tường; Đến vua Tự Đức bảo (diễn tuồng) nên học theo tiếng trung thanh của Quảng Nam).
Đội tuồng Việt Tường lập từ thời vua Gia Long, đến thời vua Minh Mạng nâng cấp thành Thự Việt Tường. Văn tế có nhắc đến “trung thanh”, chất giọng người Quảng. Theo luận giải của GS. Hoàng Châu Ký, chất giọng ấy đứng giữa tiếng Huế (nhẹ, êm dịu) và tiếng Bình Định (trong sáng, sắc sảo).
“Trung thanh” ấy cũng từng xuất hiện trong giai thoại vua Tự Đức xem gánh tuồng Khánh Thọ biểu diễn và phán: “Ca vũ nãi Khánh Thọ giáo phường; Bình xướng tất Quảng Nam trung thanh” (Múa hát thì phải nói đến gánh hát Khánh Thọ; Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh).
Mê mệt vì tuồng
“Dù cho nhịn đói ăn rau; Cũng xem cho được con đàu (đào) ông Phó Phương”.
Câu ca dao nhắc về gánh hát ông Phó Phương ở huyện Quế Sơn. Còn “con đào” kia, theo cụ Nguyễn Nho Túy, lại là một người đàn ông, người thô nhưng diễn rất hay. Lần giở ký ức, GS. Hoàng Châu Ký sực nhớ hồi 13 – 14 tuổi ông đã vài lần xem “con đào” ấy diễn. Làng của ông giáp với làng Phước Bình ở Quế Sơn.
Thi thoảng có ông già khoảng 60 tuổi gánh củi đến bán, được cha ông tiếp đón niềm nở. Mẹ trả tiền củi xong, cha gợi ý “làm một lớp nghe chơi”, thế là ông già bán củi vừa múa vừa hát. Cha ông bảo, đấy là ông Sừng, trước kia chuyên đóng đào trong gánh hát Phó Phương ở Phước Bình… Đối chiếu tuổi tác, GS. Hoàng Châu Ký dự đoán “con đào ông Phó Phương” ấy lớn hơn các NSND Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Phẩm trên dưới 20 tuổi.
Hồi ký “Khúc tiêu đồng” của cụ Hà Ngại ở Gò Nổi (Điện Bàn), người sinh trước cụ Nguyễn Nho Túy khoảng 7 năm, cũng gợi nhớ về tháng ngày tuồng cổ lóe sáng. “Các rạp hát ở thôn quê không có bán vé vào cửa như các trường hát ở thành phố. Làng hay chủ đầu tư dựng lên đám hát tự mình phải chịu cả tốn phí. Bất kỳ người nào muốn xem hát đều được vào xem, không phải mất tiền”.
Đoạn hồi ký này khiến tôi nhớ John Barrow cũng từng ghi chép tương tự cách đó hơn 100 năm, khi tàu của phái đoàn Anh ghé vùng biển Đà Nẵng. “Xem kịch hát ở Trung Quốc cũng như ở Nam Hà không bao giờ phải mất tiền vào cửa” - John Barrow kể về lần xem diễn “một vở tuồng lịch sử” và đăng kèm bức tranh minh họa “Scene in a Cochinchinese Opera”.
Sách của dịch giả Nguyễn Thừa Hỷ cho đây là bức vẽ “một cảnh trong vở nhạc kịch của người Nam Hà”, nhưng cũng có sách dịch ngắn gọn hơn: “Một buổi diễn tuồng”. Tất cả đủ để hình dung John Barrow đang viết về tuồng xứ Quảng, khi ông có chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793.
“Nhất hô bá ứng”
Ngành tuồng Quảng Nam đã phát triển tốt đẹp như vậy trong quá khứ, ngày nay chả nhẽ chúng ta không kế thừa phát triển những tinh hoa đích thực của nó?
Câu hỏi này, GS. Hoàng Châu Ký từng đặt ra tại hội thảo khoa học “Văn hóa Quảng Nam – những giá trị đặc trưng” năm 2001. Cũng trong năm 2001, khi chủ biên công trình “Tuồng Quảng Nam”, GS. Hoàng Châu Ký thúc giục: “Đội ngũ những người trong nghệ thuật tuồng của chúng ta ở Quảng Nam (và cả Đà Nẵng) suy nghĩ như thế nào để kế thừa (…) những tiền bối trong ngành?”.
Nhưng “nhất hô” mà chưa thấy “bá ứng”. Ở Quảng Nam, câu trả lời vẫn chỉ là âm ỉ ngọn lửa cũ, với các câu lạc bộ tuồng ở Duy Xuyên, các chiếu tuồng Hội An hay vài vở diễn được soạn công phu nhưng kén khán giả…
Sốt sắng là vậy, tuồng xuống phố ở Đà Nẵng vẫn chậm hơn so với Nha Trang và cũng không phải lúc nào cũng được ủng hộ. Một số nhà nghiên cứu tỏ ý lo ngại khi mang loại hình nghệ thuật bác học ra diễn ở không gian đường phố, như đã từng lo cho cồng chiêng Tây Nguyên diễn trên đường phố ở Pháp, ở Singapore những năm 2014 - 2015…
Nhưng biết làm sao được, khi tuồng đã ngủ một giấc quá dài. Ngay đến cố đô Huế, nơi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ từng ngồi khởi thảo vở tuồng Sơn Hậu hồi giữa thế kỷ 17, cuối cùng cũng đã cho tuồng xuống phố dịp Festival Huế 2022. Họ không muốn tuồng cổ tiếp tục “xa lạ” với công chúng nữa...
Hồi quang của tuồng cổ, ở “tỉnh tuồng” Quảng Nam, hẳn còn kỳ vọng lóe sáng nhiều hơn thế. Kỳ vọng và chờ đợi, như chờ để đón một cố nhân…
Kịch bản tuồng thường được chia làm hai loại: tuồng thầy, hay tuồng pho, tuồng truyện để chỉ những vở theo đề tài “quân, quốc” và tuồng đồ - tuồng “đồ lại”, loại tuồng dân gian lấy đề tài cuộc sống xã hội bình thường hay là do “trò” viết (để phân biệt với “thầy” viết). Thời hiện đại, càng có nhiều kịch bản tuồng mới tiếp cận đề tài cuộc sống đương đại.
Tuồng Quảng Nam đến nửa cuối thế kỷ 19 gắn với tên tuổi ông bầu gánh - nhà soạn tuồng - đạo diễn tuồng hát bội Nguyễn Hiển Dĩnh (1853 - 1926). Theo nhà nghiên cứu Phạm Phú Tiết, Nguyễn Hiển Dĩnh đã soạn các vở tuồng theo đề tài quân, quốc, phò vua cứu nước, diệt nịnh định đô theo các tích cổ từ sử truyện (dã sử) Trung Hoa như Võ Hùng Vương, Nhạc Phi phá Lỗ, Đường Vũ Hậu, Triệu Đình Vân, Sơn Hồ Ngạc, Tiết Nhân Quý ra đời…
Còn nhà soạn tuồng Phan Xuân Thận (Hội An) soạn các vở Phụng Nghi Đình, Trảm Trịnh Ân. Phan Xuân Chỉ - con cụ Thận - soạn các vở Tào Tháo sát Đổng Phi, Dự Nhượng đả long bào, Chiêu Quân cống Hồ…
Sau Nguyễn Hiển Dĩnh, có những vở tuồng theo đề tài lịch sử Việt Nam - một nhánh của tuồng mới, trong đó nổi bật có vở Trưng Vương những năm 20 thế kỷ 20 của cụ Phan Châu Trinh…
Nguyễn Hiển Dĩnh với việc lập ra rạp hát An Quán (Điện Bàn) đã có công đào tạo đội ngũ diễn viên, biên kịch tài năng như nghệ sĩ hát bội Nguyễn Lai, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm, Tống Phước Phổ… Chính những nghệ sĩ này trong thời kỳ chống Pháp đã lần đầu tiên sáng tác tuồng về đề tài hiện đại. Nguyễn Lai viết tuồng Chị Ngộ (Tống Phước Phổ chỉnh lý). Tống Phước Phổ viết Quán Thăng Long, Bùi Thị Cúc, Bốn nghìn năm họp mặt anh hùng (chuyển thể kịch thơ của Huy Cận), Đường lên Khuông Mánh. Dũng Hiệp viết Gan bất khuất…
Đề tài lịch sử Việt chiếm ưu thế trong tuồng hiện đại như các vở An Tư công chúa (Tống Phước Phổ), Trần Bình Trọng (Nguyễn Kim Hùng), Hào khí Đông A (Kính Dân), Thanh gươm hát bội (Mịch Quang), Quang Trung - Nguyễn Huệ (Hoàng Châu Ký), Nguyễn Duy Hiệu (Nguyễn Bội Liên), Lịch sử hãy phán xét (Xuân Yến), Đi tìm chân chúa, Tiết Giao trả ngọc (Văn Trọng Hùng)…
Nội dung, đề tài tuồng mới tập trung ca ngợi những người dân bình thường, chịu đựng những bi kịch lớn, đau khổ tột cùng, có tấm lòng yêu nước vô hạn đã vượt lên số phận để chiến thắng kẻ thù, cứu nước như chị Ngộ, chị Bùi Thị Cúc, hay các bậc trung thần, yêu nước dũng cảm hy sinh như Trần Bình Trọng, Nguyễn Huệ, Nguyễn Duy Hiệu…
Thành tựu của các vở tuồng mới là đã xây dựng được những hình tượng nhân vật có tính cách hùng tráng, cao đẹp, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh cho lý tưởng yêu nước, thương dân. Tính chất “bi hùng kịch” của tuồng cổ được kế thừa, đặc biệt, nhiều nhân vật lấy cái chết bi hùng để bộc bạch lòng tận trung với nước với dân tạo nên hình tượng đầy “ám ảnh” trong lòng người xem chứ không “có hậu” như các vở tuồng cổ.
Trong biểu diễn, tính chất “mô hình biểu diễn” của hát bội vẫn được gìn giữ nhưng được giản lược cho phù hợp với người xem hiện đại - nhất là khâu hóa trang, điệu bộ hình thể, trong nói, trong hát, trong vũ đạo, trang trí, âm nhạc…
Hành trình cải cách hát bội - nhất là biên kịch tuồng hát bội lấy đề tài đương đại là một hành trình khó nhọc, gian nan. Bởi, nghệ thuật sân khấu hát bội thực sự là ngành nghệ thuật vừa dân gian vừa bác học bởi một hệ thống các quy phạm biểu diễn đã trở thành cổ điển, mẫu mực rất khó hội nhập với sự “đọc”, sự “cảm nhận” của con người đương đại.
Thứ đến những nhân vật, sự kiện lịch sử của tuồng hát bội cần một “khoảng lùi thời gian/độ lùi lịch sử” để “thuật lại”, để rút ra bài học “ôn cố nhi tri tân” (ôn cổ để mà biết mới) cho khán giả hôm nay, tức phục hiện lịch sử tương ứng với không gian - thời gian của sân khấu tuồng hát bội.
Về việc tiếp cận đề tài cuộc sống đương đại, giới biên kịch, biểu diễn tuồng hay nhắc lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Tuồng tốt đấy, nhưng phải cải tiến, đừng dẫm chân tại chỗ, tuy nhiên cũng đừng gieo vừng ra ngô”. Ngẫm ra tuồng đồ là loại hình có nhiều ưu thế trong đời sống hiện đại hơn tuồng cổ. Hiện tại nhiều trích đoạn tuồng cổ mẫu mực hay trích đoạn tuồng đồ như “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Mạnh Lương bắt ngựa”, “Dự Nhượng tam đả long bào”, “Đánh ghen” (Nghêu, Sò, Ốc, Hến)… vẫn làm đắm say khán giả.
Trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật đang chịu sự chi phối của thời hiện đại, tâm thức hoài nghi của con người hiện đại, những kết thúc có hậu của tuồng cổ đang là một tra vấn cho con đường cải cách của tuồng mới, bởi làm sao để giữ “chất tuồng” mà không “giẫm chân tại chỗ” với tâm thức con người đương đại.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP.Đà Nẵng) không chỉ là nơi lưu giữ nghệ thuật tuồng xứ Quảng mà còn là điểm đến trải nghiệm hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước về các loại hình nhạc cụ, văn hóa truyền thống dân tộc.
Gắn với du lịch
Đầu năm 2020, chương trình “Hồn Việt” do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng chính thức công diễn. Đây là tập hợp những tiết mục nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc Việt hướng đến đối tượng khách du lịch và những người quan tâm nghệ thuật dân tộc.
Trong khoảng thời gian 60 phút khán giả được thưởng thức các tiết mục hòa tấu, độc tấu đàn bầu; múa dân gian Chăm, giới thiệu nghệ thuật hóa trang, phục trang, đạo cụ… đặc biệt là các trích đoạn tuồng được chọn lọc từ hơn 10 vở tuồng cổ kinh điển như Ngoại tổ dâng đầu, Lý Phụng Đình...
Qua sự kết nối, phối hợp với các công ty du lịch, “Hồn Việt” đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo người xem là du khách. Gần 300 ghế ngồi của nhà hát lúc nào cũng lấp đầy khán giả, thậm chí có thời điểm mỗi ngày nhà hát phải diễn 2-3 suất mới đáp ứng đủ nhu cầu người xem.
Sau khoảng thời gian nghỉ dịch COVID-19, ngày 16/11/2022, Nhà hát tiếp tục phối hợp với các đơn vị du lịch bắt đầu diễn lại chương trình “Hồn Việt”. Tuy khán giả chưa nhiều nhưng Nhà hát vẫn quyết tâm sáng đèn để chuẩn bị cho dịp Tết cuối năm.
Vì vậy, việc chuyển hướng hoạt động của Nhà hát từ biểu diễn các vở tuồng dài mang tính bác học sang những trích đoạn ngắn gọn, dễ hiểu phục vụ đối tượng khách du lịch đã mang đến sức sống mới cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.
“Trước khi tổ chức chương trình “Hồn Việt”, chúng tôi cũng đã đưa tuồng xuống phố biểu diễn hai bên bờ sông Hàn với các trích đoạn ngắn, kết hợp giới thiệu nghệ thuật hóa trang, vẽ mặt nạ… cho khách. Mục đích khơi gợi sự quan tâm tò mò của khán giả đối với tuồng.
Cách làm này đã mang lại hiệu ứng tích cực, không chỉ giúp hoạt động du lịch thành phố sôi nổi mà còn thu hút được một lượng khách và người dân đến xem, nhất là khán giả trẻ, từ đó hướng sự quan tâm của công chúng về loại hình nghệ thuật tuồng” - NSƯT Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.
Giữ lửa tuồng
Tiền thân Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam, được thành lập ngày 21/7/1967. Tháng 11/1992 UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng có quyết định thành lập Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Sau khi chia tách tỉnh, Nhà hát trở thành đơn vị nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng. Cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, Nhà hát gặp không ít khó khăn trước sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới.
Theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn, để thu hút khán giả đến với tuồng, bên cạnh xây dựng những tiết mục biểu diễn phù hợp thị hiếu người xem, nhất là khán giả trẻ, tạo điểu kiện để giới trẻ tiếp cận và hiểu được nghệ thuật tuồng thì việc đưa tuồng vào giới thiệu trong các trường học trên địa bàn thành phố cũng đã mang lại hiệu ứng khá tích cực. Một số em đã được phụ huynh đưa đến Nhà hát xem tuồng. Không chỉ tạo đất sống cho tuồng, xây dựng đội ngũ diễn viên kế cận cũng được Nhà hát đặt lên hàng đầu.
Nhà hát hiện có 70 biên chế (trong đó có 52 người trực tiếp biểu diễn), hoạt động theo phương án tự chủ một phần kinh phí. Năm 2022, Nhà hát tiếp nhận cùng lúc 12 diễn viên trẻ vào làm việc. Đây là những trường hợp được tuyển chọn gửi đi học theo chương trình đề án đào tạo diễn viên nghệ thuật truyền thống (hệ 4,5 năm) do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
“Trong lúc các em đi học Nhà hát cũng đã trình lên Sở Nội vụ đề án tăng biên chế cho đơn vị để khi các em tốt nghiệp sẽ được Nhà hát tuyển dụng ngay lập tức. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị thành phố không giảm biên chế Nhà hát theo quy định hàng năm nhằm giữ những diễn viên lớn tuổi ở lại kèm cặp, đào tạo diễn viên trẻ. May mắn là tất cả đề xuất trên đều được thành phố đồng ý” - ông Tuấn nói.
Bảo tồn tuồng không chỉ là giữ gìn các giá trị cốt lõi của bộ môn nghệ thuật này mà còn phải gắn với con người làm nghề, bởi chỉ có biểu diễn, cọ xát thường xuyên nghề mới phát triển nếu không sẽ tự xói mòn, mất đi. Và, những sản phẩm trích đoạn là hướng đi hiệu quả đáp ứng yêu cầu vừa bảo tồn vừa phát huy nghệ thuật tuồng, đưa tuồng đến gần hơn công chúng.
“Các trích đoạn của Nhà hát dù chỉ 10 -15 phút nhưng đó là những tiết mục đỉnh cao, lột tả được hết trình thức biểu diễn của nghệ thuật tuồng, đặc biệt mang đậm đặc trưng của tuồng xứ Quảng nên có sức hấp dẫn, giúp khách dễ hiểu dễ cảm nhận hơn” - NSƯT Trần Ngọc Tuấn phân tích.