[eMagazine] - Đột phá giảm nghèo năm 2022

DIỄM LỆ - ALĂNG NGƯỚC – NGUYÊN ĐOAN 18/12/2022 08:50

(QNO) - Năm 2022, Quảng Nam đã vượt chỉ giảm nghèo ngoạn mục bởi không chỉ là con số hộ nghèo giảm kỷ lục mà còn ở sự thay đổi nhận thức, phát huy hiệu quả chính sách giảm nghèo. Các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi chiếm phần lớn số hộ nghèo của tỉnh đã đi qua ngưỡng khó nhờ sự chung tay hỗ trợ hiệu quả của cả cộng đồng xã hội.

 
 

Theo kết quả rà soát sơ bộ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My, số hộ nghèo năm 2022 của địa phương là 3.722 hộ (chiếm 45,58%), như vậy số hộ nghèo giảm so với năm 2021 là 608 hộ, giảm 9,12%. Từ đầu năm 2022, UBND tỉnh giao chỉ tiêu Nam Trà My phải giảm được 500 hộ nghèo, huyện đã thực hiện vượt kế hoạch.

Năm 2022, Nam Trà My giảm hộ nghèo một cách ngoạn mục. TRONG ẢNH: Nóc Xơ Rơ, thôn 2 xã Trà Tập (Nam Trà My).
Năm 2022, Nam Trà My giảm hộ nghèo một cách ngoạn mục. TRONG ẢNH: Nóc Xơ Rơ, thôn 2 xã Trà Bui (Bắc Trà My).

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, đạt được kết quả sơ bộ này là nhờ sự cố gắng của từng phòng, ban và các xã. Dù năm nay điều kiện không thuận lợi, thời tiết trên địa bàn huyện thất thường, dự án đầu tư thuộc tất cả chương trình đều chậm vì vốn phân bổ trễ.

"Nhưng huyện không để bị động, từ đầu năm đã phân công các đơn vị, cơ quan đỡ đầu, hỗ trợ hộ nghèo trong diện tác động thoát nghèo năm 2022 để giúp họ cách làm ăn, tạo việc làm, hỗ trợ cây con giống, đặc biệt là hỗ trợ cây dược liệu làm sinh kế dưới tán rừng" - ông Mẫn nói.

 

Đơn cử tại xã Trà Cang (Nam Trà My), theo ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã, khi hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, xã thẩm tra đầy đủ điều kiện có thể thoát nghèo mới duyệt danh sách. Sau đó, xã tập trung toàn bộ nguồn lực để hỗ trợ, tác động giúp hộ thoát nghèo bền vững hơn. Có thể hỗ trợ người dân bằng nhiều cách, mà cách hiệu quả nhất là tạo việc làm bền vững và hỗ trợ các chỉ số thiếu hụt theo tiêu chí đa chiều.

Như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ái và ông Nguyễn Văn Công (nóc Tu Du, thôn 3, Trà Cang) đã được hỗ trợ tổng lực. Căn nhà của ông bà được hỗ trợ sắp xếp dân cư vào năm 2019. Sau khi ổn định chỗ ở, ông Công được giới thiệu học nghề lái xe múc, và đang làm việc cho đơn vị thi công công trình ở huyện.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên Đông Giang đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên Đông Giang đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng.

Bà Ái thì ngoài làm công việc ở thôn, còn nuôi gà, heo, trồng rừng. Điều kiện tiếp cận đa chiều của gia đình đảm bảo các tiêu chí mới, nên năm 2022 này, hộ ông Công đã thoát khỏi diện nghèo. Tại Đông Giang, theo thống kê, đến nay địa phương có 3.394 hộ nghèo (tỷ lệ 45,18%), giảm 511 hộ so với năm 2021. Trong khi đó, số cận nghèo chỉ còn 490 hộ, tăng 337 hộ so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Đáng chú ý, năm 2022 này Đông Giang có 583 hộ thoát nghèo, chủ yếu là hộ thanh niên lao động đăng ký thoát nghèo bền vững sau thời gian nỗ lực tìm kiếm cơ hội việc làm, cũng như phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả”.

Người dân miền núi Đông Giang đã nỗ lực cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Người dân miền núi Đông Giang đã nỗ lực cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Tùng, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn khá cao nhưng xét về phương diện đời sống, chất lượng đã được nâng lên rõ nét. Bởi khi áp dụng bộ công cụ rà soát giảm nghèo theo chuẩn mới đa chiều, gần như các hộ dân đều đạt tiêu chí, nhất là về nhà cửa và một số tài sản trong gia đình. Dù vậy, vẫn còn số ít hộ rơi vào tình trạng tái nghèo nhưng chủ yếu do ốm đau, bệnh tật, không còn khả năng lao động.

Để đạt chỉ tiêu tỉnh giao về giảm nghèo, chính quyền huyện Đông Giang đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế phát triển bằng các mô hình cụ thể. Trong đó, ưu tiên cho nhóm hộ đăng ký thoát nghèo, đồng hành với người dân trong suốt thời gian đầu đổi hướng làm ăn theo nội dung cam kết.

Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 (tính đến ngày 7/11/2022), số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 29.829 hộ, tỷ lệ 6,8%; so với năm 2021 giảm 3.318 hộ, giảm 0,8%. Qua số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, kết quả giảm nghèo toàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao năm 2022 (giảm 3.318 hộ/3.000 hộ chỉ tiêu giao) và tỷ lệ giảm đạt, vượt so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022 được giao tại Quyết định số 653 ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ (giảm 0,8%/chỉ tiêu giao giảm 0,3 - 0,4%).
 

Tác động giảm nghèo đa chiều cũng chính là đầu tư tổng thể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương. Và sự đầu tư đó phải hướng đến người hưởng lợi cuối cùng cần được tác động là hộ nghèo. Có con đường vào khu dân cư, vào khu sản xuất đồng nghĩa giải quyết được nhu cầu đi lại tất yếu trong nhân dân, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tác động tích cực đến việc sản xuất.

 

Chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm được giao về từng địa phương đã tạo áp lực không nhỏ. Tuy nhiên, việc phân bổ chỉ tiêu là cần thiết. Bởi lẽ, việc giao chỉ tiêu này đã được Sở LĐ-TB&XH tham mưu trên cơ sở rà soát đánh giá hộ nghèo thực tế, căn cứ số hộ có khả năng tác động thoát nghèo, trong đó hộ thiếu hụt 3 chỉ số dịch vụ xã hội trở để làm căn cứ giao chỉ tiêu.

Miền núi có tỷ lệ hộ nghèo quá cao, nên phấn đấu đến cuối 2025, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn trung ương giao thì phải còn 7,5%; đồng bằng còn 1,5%. Hộ nghèo phần lớn nằm ở 6 huyện nghèo, nên bắt buộc phải giao con số để phấn đấu.

Tạo sinh kế tại chỗ là cách thức giảm nghèo bền vững.
Tạo sinh kế tại chỗ là cách thức giảm nghèo bền vững.

Trong các cuộc làm việc xuyên suốt năm 2022 của UBND tỉnh, bám các huyện để đốc thúc lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở 6 huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đều nhấn mạnh rằng công cuộc đầu tư cho miền núi hiện nay chính là giảm nghèo. Trong các chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm rất nhiều hợp phần, mỗi hợp phần sẽ tác động đến một tiêu chí đa chiều, tổng lực sẽ tạo nên đòn bẩy giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Một hộ nghèo chỉ có thể thoát nghèo bền vững và không bị rơi vào "bẫy" nghèo khi miền núi được đầu tư hạ tầng, hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm trong và ngoài nước, đảm bảo có thu nhập thường xuyên và ổn định.

Vì thế, tiếp cận và thực hiện bộ công cụ đánh giá, rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều là cách tiếp cận mới, nên dù khó đạt tiêu chí khi tiêu chuẩn nâng cao, nhưng lại mang đến tính bền vững, hộ nghèo miền núi thoát khỏi lằn ranh mỏng manh giữa hộ thoát nghèo và tái nghèo.

Việc làm và thu nhập là những tiêu chí quan trọng trong giảm nghèo ở miền núi.
Việc làm và thu nhập là những tiêu chí quan trọng trong giảm nghèo ở miền núi.

Từ kết quả giảm nghèo năm 2022, và sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa X) đã ban hành nghị quyết, với yêu cầu UBND tỉnh tăng cường và tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo giảm nghèo thực chất, đáp ứng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 của Chính phủ. Đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác định và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo đúng quy định, làm cơ sở đề xuất chỉ tiêu giảm hộ nghèo hằng năm và đề ra giải pháp hỗ trợ thoát nghèo cụ thể, phù hợp, đảm bảo việc trợ giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững theo từng hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, điều kiện và nguyện vọng cần hỗ trợ của hộ nghèo, không áp đặt chỉ tiêu giảm nghèo cho hộ không có khả năng thoát nghèo.

Dân cư ở miền núi được sắp xếp lại mới có thể ổn định chỗ ở, sản xuất và tập trung phát triển kinh tế để giảm nghèo.
Dân cư ở miền núi được sắp xếp lại mới có thể ổn định chỗ ở, sản xuất và tập trung phát triển kinh tế để giảm nghèo.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, toàn tỉnh phải tập trung giảm nghèo bền vững, thực chất, quyết tâm thực hiện giảm 3.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra trong năm 2023. Và đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nghèo của tỉnh ít nhất xấp xỉ bình quân chung của cả nước. Sau đó, tiếp tục giảm xuống thấp hơn.

Tiếp tục quan tâm, tác động bằng các cơ chế, chính sách hiệu quả để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho bà con ở khu vực đồng bào thiểu số, miền núi.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng nhìn nhận, đã có rất nhiều nghị quyết của HĐND tỉnh dành cho khu vực miền núi, nhưng việc phát huy tác dụng của các nghị quyết còn hạn chế. Do đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các ngành phối hợp với địa phương đánh giá lại các nghị quyết cho khu vực miền núi, xem nguyên nhân vì sao việc triển khai trục trặc, khó khăn.

Hộ nghèo ở miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong thoát nghèo nên cần sự hỗ trợ.
Hộ nghèo ở miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong thoát nghèo nên cần sự hỗ trợ.

“Phải xác định rõ nguyên nhân nằm ở khâu nào để chúng ta sớm chỉnh sửa cho phù hợp. Từ việc sắp xếp dân cư, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng công trình cấp nước sạch, đầu tư cụm công nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng… để đưa chính sách đi vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói thêm.

Còn nhớ, cuối năm 2021, khi áp chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo 6 huyện miền núi cao tăng vọt, huyện nào cũng từ 50% dân số là hộ nghèo. Con số này như gióng lên hồi chuông báo động về tính bền vững của việc thoát nghèo ở miền núi, khu vực khó khăn. Dù vậy, trong cái khó, đã... ló ra nhiều cách làm hiệu quả.

Miền núi cần nguồn lực và các chính sách đột phá để giảm nghèo nhanh.
Miền núi cần nguồn lực và các chính sách đột phá để giảm nghèo nhanh.

Cụ thể, phong trào chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực. Mặt trận các cấp đã phát động nhiều phong trào chung tay vì người nghèo hiệu quả, thiết thực, trong đó Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động hơn 40 tỷ đồng.  

Các địa phương vận động cộng đồng, gia đình, dòng tộc tham gia đối ứng tiền mặt, ngày công và vật liệu hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hội, đoàn thể và nhân dân tiếp tục phát động, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua vì người nghèo, nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo về nhiều mặt và đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất, buôn bán nhỏ, trợ giúp học tập, y tế...

 

Dù thực hiện vượt chỉ tiêu giảm nghèo trong năm nay, nhưng nhiều người bày tỏ lo lắng vì thời gian tới việc thực hiện công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực hỗ trợ và năng lực thoát nghèo của người dân vẫn còn hạn chế.

Ruộng lúa nước ở vùng cao Tây Giang.
Ruộng lúa nước ở vùng cao Tây Giang.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh: Nâng cao nhận thức để loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại

Cần đầu tư, đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, chủ động, trách nhiệm trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Gắn đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy, nhân rộng các gương thoát nghèo, mô hình, điển hình thoát nghèo. Đặc biệt, tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025.

Các ngành, địa phương chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn chương trình hàng năm, tránh làm mất vốn. Tăng cường lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình MTQG, các chương trình, đề án, chính sách và nguồn lực huy động khác để thực hiện công tác giảm nghèo.

Ông Đinh Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: Cần có chính sách về vốn và phương thức đầu tư hợp lý

Tiêu chí về giảm nghèo ngày càng cao, nên việc tác động thoát nghèo bền vững cần có chính sách về vốn vay và phương thức đầu tư sao cho hợp lý. Lâu nay, ở miền núi như chúng ta đã thấy, việc hỗ trợ mô hình giảm nghèo như nuôi con gì hay trồng cây gì mang tính chất nhỏ lẻ đều không bền vững, như trồng hay nuôi con gì rồi cũng không còn vì không có tính liên kết bền vững.

Nguồn vốn đầu tư phải phù hợp, chuyển đổi mô hình cây trồng, con vật nuôi sao cho bền vững, làm sao chuyển đổi để người dân miền núi không trồng keo nữa mà phải trồng rừng, tạo nguồn lợi lâu dài dưới tán rừng, vừa cải thiện môi trường sống vừa có tính chất lâu dài.

Việc trồng keo nhiều rồi kéo theo hệ lụy sạt lở ở miền núi, đầu tư vào bao nhiêu cũng đến mùa mưa bão, sạt lở lại trôi đi hết nên không bền vững. Cần có cơ chế chính sách đầu tư thu hút vào địa bàn miền núi, sao cho doanh nghiệp đến và mang lại nguồn lợi tại chỗ cho người dân, vì người dân miền núi chủ yếu sinh kế ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp nên phải đầu tư ở lĩnh vực này. Cơ chế trồng rừng gỗ lớn hiện nay cần được xem xét lại, vì vẫn chưa đủ động lực thu hút đầu tư vào miền núi, để giải quyết việc làm và giảm nghèo cho miền núi.

Đồng bào miền núi muốn giảm nghèo bền vững phải loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng bào miền núi muốn giảm nghèo bền vững phải loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:Còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện công tác giảm nghèo

Nguồn lực bố trí cho công tác giảm nghèo tuy đã được tăng cường, năm sau cao hơn năm trước nhưng chưa tương xứng, đáp ứng theo yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác giảm nghèo bền vững. Có địa phương không có kinh phí để hỗ trợ hộ nghèo thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững; phê duyệt, ban hành chương trình, cơ chế, chính sách và phân bổ vốn thực hiện của cấp thẩm quyền còn chậm. Một số chính sách, dự án giảm nghèo có mức hỗ trợ thấp, tổ chức thực hiện có nơi còn mang tính bình quân.

Mức hỗ trợ đầu tư của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, một số chính sách giảm nghèo thường xuyên và chính sách an sinh xã hội còn thấp; một số văn bản quy định, hướng dẫn của trung ương thiếu rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế trong triển khai ở cơ sở... Việc lồng ghép hoạt động giữa chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình, dự án khác thiếu gắn kết, đồng bộ.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Đột phá giảm nghèo năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO