[eMagazine] - Đung đưa nhịp gùi…

ALĂNG NGƯỚC 10/04/2023 08:30

Người Cơ Tu hay các tộc người thiểu số khác sinh sống dọc Đông Trường Sơn đều có chung điểm nhìn về văn hóa gùi. Không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, gùi như một vật dụng “bất ly thân” với người dân miền núi, đặc biệt là phụ nữ suốt hành trình mưu sinh.

 
 

Ngày cháu gái về nhà chồng, chị tôi cẩn thận xếp tất cả lễ vật vào gùi, rồi cử người thân mang sang tận ngõ nhà trai để bày tỏ tấm chân tình. Không hoàn toàn là “của hồi môn”, các lễ vật gửi tặng, ngoài những chiếc xà lùng thổ cẩm, còn có các món ăn, thức uống truyền thống phủ trong các lớp lá chuối xanh mềm…

Một ngày trước khi diễn ra lễ cưới, từ các bản làng xa, người thân của gia đình tôi tìm đến nhà. Họ được mời tham gia cuộc vui ngày cưới - lễ tục quan trọng chung của cộng đồng làng Cơ Tu. Lược bỏ rất nhiều lễ nghi phức tạp, nhưng trên từng chiếc gùi họ mang theo, những sản vật truyền thống vẫn được phủ đầy bên trong tàu lá chuối, cùng góp tấm lòng cho ngày hỷ sự.

Cả đêm hôm đó, chúng tôi thức cùng nhau, quây quần bên bếp lửa. Những cọc gỗ được đóng xuống đất, trở thành không gian chế biến các món ẩm thực truyền thống. Mỗi người một công việc, phụ nữ hấp xôi, nấu bánh cuốt; đàn ông nướng cá, luộc gà vịt, đong những bình rượu cần đầy can… Cuộc đãi bạn diễn ra, vừa bày tỏ tấm lòng của gia đình với khách, vừa là thời khắc quan trọng để dặn dò con cháu về lễ nghi, nghĩa cử khi chung vui ngày cưới.

Phụ nữ Cơ Tu trong sắc phục truyền thống kết hợp gùi mây.
Phụ nữ Cơ Tu trong sắc phục truyền thống kết hợp gùi mây.

Sáng hôm sau, mọi người thức dậy rất sớm, hoàn tất công việc được phân công chuẩn bị lên đường. Bên trong nhà bếp, những chiếc gùi được đặt san sát nhau, tạo hình ảnh vừa thân quen, gần gũi, vừa lạ mắt sau nhiều năm tôi xa nhà.

Chị tôi dành 5 chiếc gùi loại nhỏ để riêng, không sắp lá chuối, không bỏ lễ vật. Đến khi chuẩn bị xuất phá, mới lấy ra từ trong tủ những tấm thổ cẩm nổi bật hoa văn làm “của hồi môn” gửi tặng con cái lấy chồng.

Năm đó, lễ cưới diễn ra theo phong tục truyền thống bhiệc zal, nghĩa là có đâm trâu. Vì thế, những chiếc gùi nhỏ được trưng dụng làm “đạo cụ” để phụ nữ múa điệu da dá khi nhập cuộc với dân làng và gia đình nhà trai.

Những chiếc gùi đựng quà tặng ngày cưới.
Những chiếc gùi đựng quà tặng ngày cưới.

Giữa nhịp trống chiêng rộn rã, hình ảnh những chiếc gùi mây mang đầy thổ cẩm đung đưa theo vũ điệu dâng trời, càng tạo nên sắc màu truyền thống vô cùng ấn tượng và độc đáo trong cuộc vui chung cộng đồng.

 

Hôm nọ, tôi về quê đúng dịp nhà em dâu sang thăm. Sau mùa thu hoạch lúa rẫy, người Cơ Tu thường tổ chức các cuộc thăm thân, gọi là tục tr’záo. Tục này xuất phát từ câu chuyện tình cảm giữa con hoặc em gái, chị gái với gia đình sau thời gian gả về nhà chồng. Thông thường, mỗi năm một lần, sau vụ mùa nương rẫy, người nhà thường tổ chức chuyến đi thăm, bày tỏ sự quan tâm và gắn kết giữa hai gia đình thông gia.

Chiếc gùi trở thành vật dụng quen thuộc trong đời sống cộng đồng vùng cao.
Chiếc gùi trở thành vật dụng quen thuộc trong đời sống cộng đồng vùng cao.

Đi kèm với tục tr’záo này, bao giờ cũng là hoạt động thăm thân ý nghĩa, trao gửi tình cảm cho nhau thông qua các lễ vật được đặt trong từng chiếc gùi mây xinh xắn. Người Cơ Tu vốn sống rất nghĩa tình, khi người thân mang quà biếu đến nhà (thường là đựng trong các chiếc gùi - PV), đến lúc ra về, bao giờ tình cảm cũng được đáp lại bằng món quà tương xứng, gọi là “pa’chô azong” - hiểu nôm na như cách… trả gùi.

 

Theo ông Hùng, các tập tục xưa như tr’záo hay tà-moòi và một số văn hóa khác rất có ý nghĩa trong cộng đồng, nhất là ở nhịp sống mới như hiện nay khi mọi thứ dần trở nên phai nhạt. Chưa kể, sự kết nối tình cảm giữa các tộc người thông qua lễ vật chứa đựng trong những chiếc gùi mang sắc thái đặc trưng không thể thay thế trong đời sống cộng đồng ở miền núi. Là bởi, tập tục này mang nhiều giá trị “kép” không chỉ đơn thuần là câu chuyện nghĩa tình, mà còn gợi lên mối đoàn kết thắm sâu, tạo nên nét đẹp độc đáo trong đời sống cộng đồng từ những chiếc gùi.

“Đó được xem là cốt lõi, mang giá trị văn hóa sinh động không thể thiếu trong đời sống vùng cao” - ông Hùng chia sẻ.

Gùi được sử dụng làm vật trang trí trong ngày hội truyền thống.
Gùi được sử dụng làm vật trang trí trong ngày hội truyền thống.

Người Cơ Tu hay các tộc người thiểu số khác sinh sống dọc Đông Trường Sơn đều có chung điểm nhìn về văn hóa gùi. Không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, gùi như một vật dụng “bất ly thân” với người dân miền núi, đặc biệt là phụ nữ suốt hành trình mưu sinh.

 

Gùi lên nương, lên rẫy; gùi mang vật nặng đi xa và gùi cũng là “vật chứa” quan trọng thường được dùng để sắp xếp mang những món quà đi tặng người thân, bạn bè. Thậm chí, gùi dùng để đựng thóc lúa trong nhà và địu con lên nương, lên rẫy… Vì thế, gùi mang nhiều giá trị và ý nghĩa sống trong cộng đồng vùng cao suốt hàng trăm năm sinh tồn.

Người vùng cao thường có hai loại gùi chính: gùi hình trụ dành cho phụ nữ và gùi 3 ngăn dành cho đàn ông, chủ yếu được đan bằng vật liệu mây tre của rừng. Riêng người Cơ Tu có nhiều loại gùi, được phân chia, chế tác theo từng công dụng cụ thể, như: azong kiêr, azong măt (loại gùi đan thưa dùng để mang ống nước, sắn, củi; âng’đool, pr’eeng, prôm (gùi đan khít) với lối thẩm mỹ cao dùng để đựng lúa, gạo, muối… Với người vùng cao, gùi phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày nên rất cần và không thể thiếu, dù đến bây giờ khi nhịp sống đã có nhiều đổi thay.
 

Với người cùng cao, chiếc gùi mang nhiều ý nghĩa khác nhau về giá trị cộng đồng. Ngoài vật dụng thường thấy trong các chuyến nương rẫy, gùi còn là “đạo cụ” trình diễn hội làng - biểu trưng cho sự đảm đang của người phụ nữ…

Già làng Alăng Đàn, ở thôn Bh’lô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) ví chiếc gùi như bóng dáng của người phụ nữ. Bởi, hiện trong câu chuyện của già làng người Cơ Tu này, chiếc gùi không chỉ là vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình, mà còn có sự “đa năng” giống như tính cách chịu thương, chịu khó của phụ nữ. Ví như thế, để thấy người Cơ Tu luôn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của chiếc gùi, xem đó là hình mẫu của sự cần lao.

Trong ký ức của những đứa trẻ vùng cao, gùi luôn là vật dụng gắn bó thân thuộc.
Trong ký ức của những đứa trẻ vùng cao, gùi luôn là vật dụng gắn bó thân thuộc.

Ở Đông Giang, già Alăng Đàn là một trong số nghệ nhân Cơ Tu giữ được tinh thần nhiệt huyết và lòng yêu nghề đan, chế tạo các loại gùi truyền thống. Bằng tài năng bẩm sinh, nhiều năm qua, ông miệt mài ngồi đan hàng chục chiếc gùi lớn nhỏ, xem đó là công việc vừa tăng thu nhập gia đình, vừa bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo trước nguy cơ mai một.

Già Đàn nói, phải mất gần 1 tháng trời ông mới hoàn thiện được một chiếc gùi ưng ý. Dù mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng gần như chưa có ngày nào ông ngồi không. Bởi công đoạn để đan cực kỳ phức tạp và công phu.

“Như chiếc gùi này, nguyên liệu hoàn toàn bằng mây. Sợi mây sau khi mang từ rừng về, được ngâm nhiều tháng dưới nước để tăng độ bền, sau đó mới chẻ làm 4, rồi giăng ngoài sân cho thẳng mượt. Qua nhiều lần phơi trên giàn bếp, sợi mây mới đủ độ dẻo để làm nguyên liệu đan gùi” - ông Đàn bộc bạch.

Già làng vùng cao miệt mài với công việc giữ văn hóa gùi.
Đồng bào vùng cao miệt mài với công việc giữ văn hóa gùi.

[VIDEO] - Đồng bào vùng cao đan gùi: 

Giá trị mỗi chiếc gùi của già Đàn được bán với giá 500 nghìn - 1 triệu đồng, tùy theo mẫu mã sản phẩm. Ông Alăng Phân - Trưởng thôn Bh’lô Bền cho biết, vài năm trở lại đây, khi sức khỏe không còn đảm bảo, già Đàn trực tiếp truyền dạy nghề đan gùi cho một số người dân có nhu cầu học tập kinh nghiệm. Một số học trò của ông, nay đã bắt đầu đan được một số loại gùi đơn giản.

Theo ông Phân, người Cơ Tu thường đan gùi từ phần dưới lên thân trên. Bởi mỗi chiếc gùi đều có cấu trúc ba phần, phần dưới gọi là đế gùi (r’riêu) là nơi tiếp đất, dễ bị hư hỏng nên được đan kỹ nhất. R’riêu sau khi đan được đặt trên giàn bếp cho khói ám đen để không bị sâu mọt đục hại. Tiếp đến, mới đan phần thân, thời gian đan phần thân tùy thuộc vào mỗi loại gùi, thường mất gần nửa tháng mới hoàn thành.

Phần trên cùng là vành miệng gùi, vị trí mang tính thẩm mỹ cao nhất nên được đan mây vững chắc, tròn trịa, không bị rời ra hoặc méo mó. “Khi hoàn chỉnh các công đoạn trên, nghệ nhân bắt đầu đan dây gùi. Sơi mây được chọn để đan dây gùi được chẻ mỏng, vót mềm và chắc chắn” - ông Phân nói.

Để làm ra một chiếc gùi thành phẩm, phải mất rất nhiều thời gian, công sức.
Để làm ra một chiếc gùi thành phẩm, phải mất rất nhiều thời gian, công sức.

Những năm gần đây, nghề đan gùi của đồng bào vùng cao được truyền dạy trong cộng đồng nhằm khôi phục giá trị văn hóa cộng đồng. Nhiều tổ hợp tác được thành lập, không chỉ tạo điều kiện phục hồi nghề đan lát, còn giúp cải thiện sinh kế, mở hướng phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở vùng cao.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Đung đưa nhịp gùi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO