Nhiều vùng xứ Quảng một thời vang bóng trồng chè, như miền cao có đồi chè của nông trường Quyết Thắng, xuống thấp hơn là chè xanh An Bằng, rải rác nhiều nơi trồng ở Quế Sơn, Tiên Phước, song có lẽ nức tiếng hơn là vùng chè Đức Phú, Núi Thành. Những xứ sở ấy tuy ngày này bị “lu mờ” trước những thương hiệu trà Thái, chè Tuyên, trà ô long, Tân Cương…, nhưng đã lưu dấu một vùng ký ức đẹp của cư dân bản địa. Vì vậy, bây giờ cần thiết dựng lại thương hiệu vùng chè xứ Quảng.
Hơn 30 năm, hằn khắc trong tôi là cái mùi đọt chè non thơm chát trong thùng chiếc xe rơ-moóc cũ kỹ của nông trường. Tuổi thơ của tôi lớn lên bằng thứ mùi quê ấy, trong sự tảo tần của mẹ, thế hệ những người ngụ cư đầu tiên giữa thung lũng Trung Mang, phủ quanh núi đồi bằng triền chè xanh mê mải...
1. Tôi sinh ra ở nông trường chè Quyết Thắng (xã Ba, huyện Hiên cũ, nay là huyện Đông Giang). Thung lũng Trung Mang ngày ấy bạt ngàn chè xanh. Những đồi chè như mâm xôi úp ngược, trải dài tít tắp. Người ta đặt tên cho đồi chè bằng năm những hạt chè được gieo xuống: đồi 75, đồi 81, đồi 83... Từ những mái nhà tranh tập thể, nhiều người nên vợ nên chồng, dựng nhà ra riêng, tên của làng cũng là tên của đội sản xuất.
Nhà tôi ở đội 7, một xóm nhỏ nằm lọt thỏm giữa những đồi chè. Con đường đi lại duy nhất là đường mòn được mở cho chiếc xe rơ-moóc già len lỏi mỗi chiều. Mẹ tôi cũng là công nhân nông trường. Bà từ Điện Quang (Điện Bàn), lên làm công nhân những ngày đầu giải phóng. Cũng ăn bo bo, sống trong mái nhà tập thể lợp tranh, phên tre đập dập, ngày lên nương, đi về theo tiếng kẻng.
Cái kẻng “đóng đinh” nhịp sống của hàng trăm công nhân nông trường. Sáng đánh kẻng báo hiệu đi làm. Trưa, chè được gánh về đổ đống trong nhà kho của đội sản xuất. Chiều, hai bận kẻng đi và về nữa, những gánh chè tất tả trở về từ khắp các triền đồi, chờ xe rơ-moóc của nông trường đi thu gom.
Nhà kho trở thành sân chơi của lũ trẻ chúng tôi ngoài giờ đi học. Chúng tôi lăn lộn trong căn nhà tập thể, trốn tìm quanh những đống chè xanh đã được vun sẵn, thơm chát mùi đọt non. Quẩn quanh chờ tiếng kẻng. Cái kẻng được làm từ mâm bánh xe rơ-moóc, vang rất xa. Nghe tiếng kẻng, mẹ tôi cùng các bà, các chị tất tả quang gánh với hai giỏ chè đan bằng mây gánh về tập thể.
Xe rơ-moóc đậu sát hành lang tập thể, người của đội chế biến cân chè bằng cái cân quả tạ cũ, vốc từng nắm chè để xếp loại, rồi phát một phiếu nhỏ ghi số lượng, loại chè. Cuối tháng, mẹ tôi sẽ tập hợp những phiếu thu ấy, ngồi kiểm đếm, đối chiếu với sổ ghi của nông trường, trừ lại vật tư rồi nhận lương khoán.
2. Không như nhiều nơi khác, chè ở quê tôi chỉ cao bằng thắt lưng người. Cứ độ tháng Chạp, đồi chè sẽ được phát dọn để nuôi lộc cho vụ chè mới, giữ cho cây khỏe, nhiều búp chè non, vừa là để đúng tầm người hái.
Chè ra Giêng là lứa chè ngon nhất năm. Những cành chè được chặt bỏ khô lại, rất đượm, là thứ củi đốt chống chọi những ngày đông lạnh ở xứ núi. Mùi củi chè như một thứ hương xuân của vùng cao, cứ rưng rức nhớ thương với bao người lỡ phải đi xa theo cuộc mưu sinh của phận người.
Công nhân mùa tết, sau khi chè đã được phát dọn, sẽ tranh thủ thời gian “nông nhàn” mà trồng lấy một vườn rau, gom củi chè để dành như một cách chắt chiu cho tết. Đủ đầy trong khốn khó, như cái cách mẹ tôi đã lo toan cho cả gia đình, suốt một cuộc đời.
Năm tháng mang theo nhiều mất mát. Tôi trở về, đồi chè xanh của ngày thơ đã không còn bạt ngàn tít tắp trong tầm mắt nữa. Chỉ còn vài ngọn đồi nhỏ với những gốc chè rất thưa, xơ xác, mỏng manh. Người ta không còn tận tụy với những nương chè như mẹ ngày trước, chăm bón lấy từng khoảng đồi như chăm bón chính vườn rau xanh của gia đình mình. Khu tập thể nơi mẹ tôi từng ở, giờ bỏ hoang, cũ như mặt người.
Tôi may mắn còn giữ được những hình ảnh về đồi chè hơn mười năm trước. Những hình ảnh đóng đinh phần nào đó ký ức của chính tôi, của mẹ và biết bao cư dân của nông trường. Cái giếng cũ, nơi lấy nước của cả làng bên suối, giờ đã bị xói lở khoét sâu, đưa ra giữa lòng suối cạn. Nó nằm đó, chơ vơ như một dấu chấm than đóng xuống giữa thung lũng, buồn hiu hắt. Giếng làng nuôi cả trăm gia đình, là chỉ dấu sinh tồn của một ngôi làng dung chứa bao phận người ngụ cư, gắn cuộc đời mình với chè xanh...
Tôi đứng ở con đường mòn bên hông tập thể nhìn xuống, không còn nhận ra dấu tích của suối Nam, hai đoạn suối được chia ra để phân định chỗ tắm giặt của cả làng. Bao người, trong đó có chúng tôi, đã ngâm mình trong dòng suối ngọt lành đó, vui chơi, lớn lên và ra đi. Nhặt một hòn sỏi ném thật mạnh vào miệng giếng chỏng chơ bên bờ suối, nghe tiếng rơi như tiếng lòng dội vào thăm thẳm hư không, buồn hệt khóe mắt của những người già, như mẹ...
Một lần về với đồi chè Đông Giang
Nếu muốn rong ruổi qua những nương chè xanh ngút ngàn nhưng chưa có điều kiện cho một chuyến đi xa lên Tây Nguyên hay Tây Bắc, du khách có thể ngược về phía núi xứ Quảng để một lần ghé lại với đồi chè Đông Giang.
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng hơn 40km và TP.Hội An khoảng 60km, đồi chè Đông Giang là một điểm hẹn lý tưởng cho một chuyến đi ngắn nhưng vẫn được hòa mình vào không gian kỳ thú nơi đại ngàn. Vượt qua cổng chào báo hiệu địa phận Quảng Nam tại xã Ba (huyện Đông Giang), đã thấy rải rác những rẫy chè xanh nhỏ ngay bên vệ đường dọc theo quốc lộ 14G như chỉ dấu cho mọi người biết mình sắp lạc vào “thủ phủ” chè của Quảng Nam.
Đã phôi phai đi ít nhiều so với thời hoàng kim gắn với nông trường Quyết Thắng vài chục năm trước nhưng đồi chè Đông Giang vẫn rất cuốn hút. Suốt theo vài cây số ngang qua xã Ba, du khách đều có thể dễ dàng tìm cho mình một điểm dừng chân để “check-in” cùng chè. Có vài ngọn đồi nhỏ bạt ngàn chè, bao quanh là hồ nước êm ả khiến những ai lạc bước mân mê không muốn rời đi.
Người nông dân canh tác cũng khéo léo sắp đặt những đường vòng cung đầy mê hoặc tựa như hình trái tim. Cũng có những cung đường bình yên xuyên qua đồi chè hun hút dẫn lối vào làng, trong một khoảnh khắc vắng lặng như dẫn đến tận chân trời. Ở đó chỉ còn thấy trùng điệp tầng xanh. Màu xanh của lá chè, màu xanh của rừng và phía xa là màu xanh của bầu trời.
Trong ánh bình minh của miền sơn cước, đồi chè Đông Giang hiện ra mờ ảo trong làn sương bảng lảng. Trong làn gió xuân mát rười rượi, những đọt chè lên chồi non mơn mởn. Theo người dân địa phương, khoảng thời gian đẹp nhất để ghé thăm đồi chè vào khoảng tháng 3, tháng 4. Bởi đây là mùa chè rộ nhất, giúp mọi người dễ dàng lưu lại những bức ảnh kỷ niệm cùng bạn bè. Những ngày muốn tận hưởng cảm giác yên bình để cân bằng lại bao áp lực xô bồ cuộc sống, đồi chè Đông Giang hẳn là một không gian thanh bình để lữ khách hẹn hò.
Một thời vang bóng khi được người Pháp lựa chọn để dựng đồn điền, bây giờ, sau nhiều thăng trầm, vùng chè Đức Phú (Tam Sơn, Núi Thành) đang từng bước dựng lại thời son vàng của mình...
Vùng chè xưa
Trở thành vùng "De la Geau" - đồn điền của người Pháp vào những năm 1913, nhưng từ trước đó, Đức Phú đã là một vùng chè bản địa được khai thác vào năm 1884. Trong bộ thư tịch "Đại Nam nhất thống chí", khi nói về các thổ sản của Quảng Nam thì có một dòng ngắn ngọn nói về chè. "Ngon nhất là chè nguồn Thu Bồn, huyện Quế Sơn, thứ đến chè huyện Hà Đông". Như vậy, chè đã bắt đầu có mặt ở đất Quảng từ thế kỷ 19.
Huyện Hà Đông xưa là một vùng rộng lớn, bao gồm cả vùng rộng lớn Kỳ Trà, Kỳ Sơn (Núi Thành). Đỉnh điểm đến năm 1913, đồn điền trồng chè De la Geau tại Đức Phú chiếm đến 420ha. Đất của vùng Đức Phú chủ yếu đồi núi, chính thổ nhưỡng và khí hậu là điều kiện để người Pháp lựa chọn phát triển vùng này trở thành một đồn điền chè rộng lớn.
Sử sách ghi chép lại rất ít ỏi về những đồn điền chè của người Pháp ở miền Trung, nhưng trong cuộc chuyện của những người mê trà xứ Quảng, chè Đức Phú luôn là một cái tên gợi nhắc của huyền thoại. Những cuộc chuyện truyền miệng vẫn thường hay tự hào lá chè Đức Phú đã chu du trời tây từ cả trăm năm trước. Để đến giờ khi vùng đất này qua bao loạn ly, trên những ngọn đồi lúp xúp bát úp còn đó những gốc chè cổ thụ - vốn được dân làng bảo nhau là di sản người Pháp để lại.
Các nhà nông nghiệp xác định cây chè Việt Nam được chia thành hai vùng rõ rệt, là vùng chè đặc sản và vùng chè công nghiệp. Chè đặc sản còn gọi là chè cổ với những cây chè cổ thụ có thân to từ một đến hai người ôm, cao từ 10-40m, mọc trải dài khắp các tỉnh từ Đông Bắc đến Tây Bắc. Chè công nghiệp là những giống chè được người Pháp du nhập vào Việt Nam, phát triển nhân rộng ra các vùng chè nổi tiếng như ở Lâm Đồng, Phú Thọ, Mộc Châu, Thái Nguyên...
Những năm 1960, vùng chè Đức Phú là nơi cung cấp nguyên liệu để làm nên các thương hiệu trà Mai Hạc, Kim Sơn vốn lưu danh của thị xã Tam Kỳ. Ông chủ của trà Mai Hạc nức tiếng vùng đất thị xã cũ, vốn người Đức Phú. Chính ông là người đầu tiên khởi lại tiếng tăm chè Đức Phú bằng cách dựng nên tên trà Mai Hạc.
Duy trì mãi đến cuối những năm 1980, khi các danh trà này lần lượt thoái khỏi thị trường vì khó lòng cạnh tranh với các thương hiệu trà của đất bắc, thì vùng chè Đức Phú đành ngậm ngùi số phận lãng quên.
Tuy vậy, nó vẫn sống trong lòng những người từng lớn lên với cảnh rộn ràng của những gùi chè ra phố. Và còn thực tế hơn, nó ở trong từng ngụm nước uống hằng ngày của người dân Tam Sơn. Dân xứ này vẫn đến Đức Phú ngắt chè Pháp về hãm nước uống, từ thuở xưa đến tận bây giờ. Họ nói chè cổ khi pha sẽ có sắc xanh vàng óng, hương cốm, vị chát dịu nhẹ và vị ngọt hậu sau khi nhấp. Chính hương thơm, vị đậm sâu như vậy, nên thoảng hoặc khuất lấp sau một dãy cây keo, là vài gốc chè cổ được dân địa phương cố tình giữ lại...
Dựng thương hiệu
Một ngày nọ cầm trên tay gói trà được hút chân không, bao bì đẹp mắt với tên Chè Đức Phú, ở ngay một cửa hàng tại Tam Kỳ, lòng người lại bất chợt hân hoan. Là niềm hưng phấn khi gặp lại một tên gọi cũ, vốn dĩ đã từng mường tượng từ những dòng định danh và ghi chép ít ỏi của lịch sử địa phương. Chè Đức Phú được chế biến sâu qua từng công đoạn, chậm rãi từng bước đưa ra thị trường, khởi từ người đàn ông đã bước qua dốc kia của tuổi đời.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Chè Đức Phú, vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nhớ lại ngày đầu năm 2020, lần đầu tiên, chè Đức Phú được định danh chính ngạch bằng chứng nhận chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam. Từng động thái một về pháp lý, để tên gọi chè Đức Phú trở lại thị trường. Dù trước đó, năm 2018, chính ông Nguyễn Văn Hùng, tuổi ngoài 60, đi đến từng căn nhà còn giữ lại vài chục gốc chè, để vận động họ cùng gom góp dựng lại vùng chè làng mình.
Tháng 1/2021, chè Đức Phú được cấp giấy chứng nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao của Quảng Nam. Đây chính là cú hích lớn nhất để chè Đức Phú có được nhìn nhận lẫn những đầu tư nhất định từ phía chính quyền. Đã có gần 50 hộ của làng Đức Phú cùng nhau dựng lại... vùng chè xứ sở. Và đất dành để trồng chè đã lên đến gần 60ha. Tuy nhỏ nhoi so với diện tích trồng chè của cả nước, nhưng lại là cả trời nỗ lực của những người biết trọng quý ký ức xứ sở mình.
Ông Hùng từng bôn ba với đủ thứ nghề nghiệp, cho đến ngày vốn liếng trong tay dư sức sống ổn thỏa cùng cháu con, người đàn ông này lại bị cho "gàn dở" khi nhất mực về lại quê cũ. Dựng lại căn nhà trên ngọn đồi với cả trước mặt và sau lưng đều là những gốc chè, ông tỉ mẩn vạch kế hoạch trồng chè và làm trà. Giống chè được chọn để trồng lại đất cũ, dĩ nhiên, phải là cây chè của bản địa.
Hơn 1ha trồng chè ông Nguyễn Văn Hùng dành riêng để "cứu" lại những cây chè tàn sót của một thời đồn điền "De la Geau". Với những hộ tham gia HTX chè Đức Phú, giống chè được cung cấp cũng chính từ thành quả của cuộc nghiên cứu cấy giống từ giống chè của người Pháp. Tất cả đều là nỗ lực và công sức của ông Hùng. Và chè Đức Phú, phần nào đó, dậy lên hương vị riêng với các vùng chè của Tây Nguyên hay đất Bắc.
Bình quân mỗi năm, HTX chè Đức Phú bán ra hơn 10 tấn chè tươi. Số chè khô sơ chế và thành phẩm bán ra chừng khoảng 200-300 ký. Con số không lớn nhưng ổn định. Đó cũng là lý do để chính quyền xã Tam Sơn nhận diện và định hướng việc phục hồi cây chè cũng như mở rộng diện tích trồng chè là việc nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế, ổn định an sinh của địa phương. Vỡ vạc ra thêm một chiều kích khác, rằng cây chè đã sống trong tâm thức Việt gắn liền với làng Việt, người Việt, dầu đó có khi không phải là thứ cây nguyên bản của đất Việt. Nhưng trên bước đường đi tới của một vùng đất, tiếp biến điều hay để thành của mình cũng là một lẽ của văn minh. Nếu nghĩ vậy, thì vùng chè Đức Phú xứng đáng là một di sản cần những đắp bồi, để không chỉ dừng ở mức dựng lại... một vùng trồng chè.Xây dựng trung tâm hội tụ danh trà tại Hội An không chỉ phù hợp với không gian phố cổ, góp phần quảng bá những loại trà nổi tiếng mà còn hướng đến mục tiêu biến trà trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt.
Không gian của trà hữu
Hội quán Bách Việt (89 Trần Phú, Hội An) trở thành nơi hội tụ của những người yêu trà Việt, với hàng chục loại trà nổi tiếng trong nước như trà xanh, trà vàng, hồng trà, bạch trà, trà bách thảo… Hội quán là nơi lui tới thường xuyên của những ai đam mê nét đẹp phố cổ và yêu thích trà Việt.
Đến đây, ngoài thưởng thức các loại danh trà trong một không gian sâu lắng, thực khách còn được tận hưởng những giai điệu từ nhạc cụ truyền thống dân tộc càng khiến thú ẩm thực thêm phần hấp dẫn. Dù mở cửa hoạt động chưa lâu nhưng Hội quán Bách Việt được rất nhiều du khách biết tới, nhất là khách quốc tế.
Hội An được xem là không gian lý tưởng để thưởng thức trà bởi nét cổ kính, trầm mặc của phố cổ, nơi những trà hữu có thể thư giãn, tĩnh tâm tìm về chiều sâu quá khứ và bề dày văn hóa, lịch sử, con người, vùng đất này.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam từng chia sẻ, nhắc đến văn hóa thưởng trà hay trà đạo, người ta thường nhắc đến không khí an yên, lắng đọng, tinh thần thư thái, kỹ thuật pha chế đẹp mắt, tỉ mỉ, thông qua tách trà, văn hóa quốc gia sẽ được bày ra trước mắt và Hội An là một nơi như thế.
Phân tích từ các sử liệu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa Hội An và một số vùng miền khác thông qua văn hóa trà đã xuất hiện từ lâu đời dựa trên các hoạt động giao thương trong nước và quốc tế. Trong đó, trà trở thành loại thổ sản khá đặc biệt trong các loại hàng hóa xuất qua thương cảng Đại Chiêm, tài liệu còn lại ngày nay là những hóa đơn bán trà, thậm chí Hội An từng có những xưởng trà hàng trăm công nhân làm việc.Sản phẩm du lịch khác biệt
Ngày 30/12/2022 lần đầu tiên Lễ hội tinh hoa trà Việt được tổ chức tại TP.Hội An quy tụ trên 30 nhà cung cấp trà trên toàn quốc. Gắn với đó, nhiều hoạt động trình diễn, giao lưu giữa các nhà trà, nghệ nhân với du khách... cũng được tổ chức.
Đặc biệt, ngày 1/1/2023 lần đầu tiên nghi lễ mời trà được TP.Hội An tổ chức dành cho những vị khách đầu tiên xông đất Hội An, khởi đầu cho sự hiện diện của trà trong các sự kiện văn hóa, xã hội như đón mừng năm mới Quý Mão, Tết Nguyên tiêu… trở thành một lễ nghi đón khách khác biệt của thành phố này.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc đưa trà về Hội An ngoài giúp quảng bá, giới thiệu trà như một sản phẩm thương mại thuần túy còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một sản phẩm du lịch mang tính ổn định lâu dài.
“Dự kiến, hàng năm chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện trà một lần với quy mô lớn nhằm vinh danh tinh hoa trà Việt, từng bước nâng dần cấp độ lên với sự tham gia của các danh trà khắp nơi trong cả nước. Chúng tôi muốn văn hóa trà Việt sẽ là một hình thức dịch vụ mới về đêm của Hội An trước hết là khu phố cổ dành cho người dân và du khách thưởng ngoạn.
Các hình thức nghệ thuật trình diễn trà sẽ nhẹ nhàng sâu lắng trong một không gian của tiếng đàn tranh, sáo nhị, guitar… gắn với đó là những dịch vụ cung ứng trà như trà hiếu thảo - con cái dâng cha mẹ, trà uyên ương của các cặp lứa đôi, trà của bạn hữu… ” - ông Lanh diễn giải.
Hội An không phải xứ sản xuất trà lớn của Việt Nam, nhưng từ hàng trăm năm trước, người dân phố Hội đã biết dùng trà để uống và chữa một số bệnh. Đây từng là trung tâm giao thương với các quốc gia có văn hóa trà nổi tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản… Những quốc gia này cũng đã đặt hàng đồ gốm làm trà cụ từ khu vực miền Trung Việt Nam và xuất khẩu qua thương cảng Hội An nên có thể nói vùng đất này đã mang đậm dấu ấn của trà Việt.
Theo ông Thái Quang Đức - Chủ nhiệm Cộng đồng yêu trà Việt (Hà Nội), sự khác biệt của trà Hội An chính là không gian thưởng thức, mặc dù để có một tách trà ngon đòi hỏi phải kết hợp hài hòa giữa 4 yếu tố gồm “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm”. Cụ thể, phải chọn nước tốt, thứ hai là trà tốt, thứ ba là cách pha, kỹ thuật pha và thứ tư là dụng cụ pha (trà cụ).
“Kỹ thuật pha không khó, nếu đủ tình yêu và sự tận tâm quan sát một cách chú tâm thì pha sẽ ngon. Chưa kể, trà ngon tùy thuộc vào gu người uống (đậm, nhạt…). Hội An là nơi giao thương với thế giới bên ngoài từ rất lâu đời trong đó có cây chè, nên tuy không phải là vùng nguyên liệu của trà nhưng đây là vùng hội tụ. Nếu chúng ta tiếp cận trà trên câu chuyện văn hóa, thương mại, giao thương sẽ là câu chuyện hay để truyền tải vẻ đẹp của trà ngày càng rộng khắp” - ông Thái Quang Đức nói.