Phong phú về tài nguyên thiên nhiên, sản vật vùng đất. Những tiềm năng bản địa đang dần được khai mở, từ đam mê, nhiệt huyết của những người con đất Quảng.
Những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam được bộ ngành trung ương, địa phương đánh giá cao. Trong hệ sinh thái đó, khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa đang khẳng định vị trí.
Mạnh dạn, đột phá
Chị Huỳnh Anh Thư - Giám đốc Công ty TNHH Đại Huỳnh Quang, Phó Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo huyện Thăng Bình, không chỉ là doanh nhân khởi nghiệp (KN) thành công mà cũng là người tích cực hỗ trợ cộng đồng KN.
Chị Thư nhìn nhận, hiện nay phong trào KN trong tỉnh nói chung và KN từ tài nguyên bản địa nói riêng đang phát triển khá mạnh. Bên cạnh sự nỗ lực của các chủ thể thì không thể không ghi nhận vai trò, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp. Chủ trương, chính sách của nhà nước về KN đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả thiết thực; tiếp thêm sức mạnh cho giới trẻ mạnh dạn, tự tin vấn trong lập nghiệp, KN.
Nâng tầm doanh nghiệp
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong 5 năm đến, các dự án, ý tưởng KN Quảng Nam cần mở rộng hơn, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với tự nhiên; du lịch xanh, du lịch sinh thái; cơ khí phụ trợ; công nghệ số; vật liệu xây dựng mới… Các dự án KN đã hình thành, đi vào hoạt động cần nâng tầm hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường liên kết theo nhóm ngành và hợp tác với các nhà đầu tư lớn để nâng tầm doanh nghiệp. Ban điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cần nghiên cứu xây dựng Ngân hàng ý tưởng KN cho Quảng Nam; thu hút nhiều người trẻ, doanh nghiệp Quảng Nam khắp mọi miền Tổ quốc đóng góp ý tưởng KN để chia sẻ, giao lưu cho cả cộng đồng KN.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh cho biết, qua 5 năm triển khai, Quảng Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đảm bảo cho KN. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định: “KN đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá để phát triển Quảng Nam”.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản pháp lý về xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN). Đến nay 17/18 đơn vị cấp huyện ban hành kế hoạch KN.
Quảng Nam đã tạo ra HSTKN huy động được nhiều thành phần tham gia gồm cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đào tạo, chuyên gia, nhà chuyên môn, địa phương…, và đặc biệt là cộng đồng khởi sự kinh doanh mạnh dạn nâng tầm, đầu tư trong cách nghĩ, cách làm.
Qua 5 năm, có 104 dự án KN sáng tạo được UBND tỉnh công nhận, trong đó nhiều dự án KN từ tài nguyên bản địa, lọt vào tốp 10 dự án KN quốc gia, đạt giải cao tại các cuộc thi KN cấp trung ương. Có 8 người vào tốp 100 doanh nhân trẻ KN xuất sắc. Nhiều sản phẩm KN đã xuất hiện tại thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…
Cũng theo ông Sinh, Quảng Nam là địa phương duy nhất thành lập hội KN sáng tạo cấp huyện - tổ chức nghề nghiệp theo Nghị định 45 của Chính phủ; là địa phương đầu tiên và duy nhất có Đề án đào tạo giảng viên giảng dạy về KN đổi mới sáng tạo…
Gỡ điểm nghẽn về cơ chế
Mặc dù hành lang pháp lý và cơ chế chính sách về KN đã được quan tâm xây dựng và ban hành nhưng cộng đồng KN còn hạn chế trong tiếp cận còn hạn chế. Cộng đồng KN quá tập trung vào bán hàng mà chưa chú trọng phát triển sản phẩm, gắn giá trị vào sản phẩm; sự kết nối trong cộng đồng KN đâu đó vẫn thiếu sự gắn kết.
Các chuyên gia cho rằng, đa số cộng đồng KN Quảng Nam hiện chỉ mang bóng dáng khởi sự kinh doanh; hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm còn quá thấp.
Dễ thấy, các dự án KN vẫn dừng ở quy mô hộ gia đình, chủ thể KN “vừa là ông chủ vừa là nhân viên” và thị trường vẫn quanh quẩn trong tỉnh thậm chí trong huyện, chưa vươn ra tầm quốc gia, quốc tế… Các mô hình KN mới dừng ở sáng tạo trong cách làm và thái độ phục vụ chứ chưa có sự sáng tạo trong nội chất của sản phẩm.
Một trong những rào cản lớn nhất với các nhà KN chính là nguồn tài lực. Ở Quảng Nam chưa có đơn vị nào kêu gọi vốn thành công, chưa quen với kêu gọi vốn, hoặc chưa tìm kiếm được nhà đầu tư đường dài.
Thực trạng này không riêng Quảng Nam mà là vấn đề chung của nhiều địa phương. Một số ý kiến cho rằng, để thúc đẩy HSTKN với nhiều đổi mới sáng tạo, bên cạnh nhà nước đóng vai trò tạo ra sân chơi, cơ chế chính sách như “bầu sữa mẹ”, thì vấn đề chính phụ thuộc vào chủ thể KN. Họ cần phải có tư duy cải tiến liên tục, thường xuyên, để “bơm” giá trị vào sản phẩm.
Quảng Nam đang tạo nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ KN. Tuy nhiên điểm nghẽn khiến việc tiếp cận khó khăn vẫn nằm ở thủ tục. Một cơ chế gần gũi nhất với KN là Nghị quyết 09, ngày 2.11.2020 của HĐND tỉnh, về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng HSTKN thì đến nay cũng mới phát huy ở việc hỗ trợ trưng bày sản phẩm, xây dựng video, clip…
Có thực trạng một cơ chế chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng nhưng phải mất 2 năm qua 2 hội đồng (xét duyệt và nghiệm thu) mới giải ngân được. Như vậy, tính khả thi của cơ chế hỗ trợ sẽ mất dần vì không thu hút được doanh nghiệp. Muốn đánh giá một HSTKN hàng đầu, cần phải xem xét hệ sinh thái đó có bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu nhà KN mang tầm quốc gia, quốc tế.
Quảng Nam muốn khẳng định thương hiệu và định vị KN thì cần hỗ trợ phát triển, hình thành các doanh nghiệp tầm cỡ với doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ đồng trở lên. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò dẫn dắt HSTKN của tỉnh.
Và, trong câu chuyện đó, KN từ vốn liếng tài nguyên bản địa đang nhận được sự trợ lực khá lớn từ chính sách của địa phương cho đến những hỗ trợ về tài chính, thị trường.
Khởi nghiệp du lịch từ giá trị bản địa đang dần có chỗ đứng khi xu thế chung của ngành có sự chuyển động mạnh sau đại dịch Covid-19.
Nhiều ý tưởng
Trong 61 dự án, ý tưởng khởi nghiệp (KN) đổi mới sáng tạo từ năm 2018 - 2020, có hơn 10 dự án ít nhiều liên quan đến lĩnh vực KN du lịch, trong đó một số sản phẩm đã chú trọng khơi gợi giá trị bản địa như: “lò gạch cũ farmstay”, “mô hình homestay Cơ Tu”, “Cham Village”, “du lịch sinh thái gắn với cam bản địa Tây Giang”… Đáng tiếc là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến hầu hết ý tưởng, dự án trên đình trệ hoặc bị bỏ dở.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “KN du lịch ở Hội An luôn vận động và đổi mới theo tiến trình mở cửa, phát triển du lịch của địa phương. Nhiều mô hình KN du lịch qua thời gian đã tạo lập được thương hiệu như lồng đèn Hội An, nghề may nhanh, tre Taboo Bamboo Workshop, trà Mót, ẩm thực gắn với sức khỏe… Tuy nhiên, có băn khoăn ở chỗ sản phẩm đặc trưng gắn liền với thương hiệu Hội An hiện chưa đa dạng, trong khi Hội An là thương hiệu rất lớn, nên khá lãng phí tiềm năng”.
Đại dịch Covid-19 càng khiến một bộ phận giới kinh doanh, KN du lịch nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên bản địa trong sản phẩm du lịch. Dẫu hoạt động du lịch vẫn gặp nhiều chật vật nhưng một loạt mô hình du lịch dựa trên nền tảng địa phương đã trình làng vận hành và đang tiếp tục hoàn thiện như: Chic Chillax (Hội An), làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn), điểm đến làng nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình)…
Ông Nguyễn Phong Lợi - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp làng Cẩm Phú nói, ngay từ đầu đơn vị đã xác định cư dân trong làng là nền tảng để xây dựng, phát triển điểm đến. Và khi chính cư dân bản địa có thể vận hành được sản phẩm trên cơ sở hài hòa các lợi ích thì mới phát triển bền vững được.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Phó Trưởng ban Điều hành hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, lợi thế lớn để phát huy của giá trị bản địa Quảng Nam là rất nhiều khu vực, điểm đến có sự tích tụ cả giá trị cảnh quan và giá trị văn hóa nên đây là tài nguyên rất quý giá. Dù vậy trước hết, nếu muốn tiếp cận KN du lịch thì cần thay đổi tư duy theo hướng khai thác chiều sâu của giá trị bản địa. Khi đó, chúng ta không cần đầu tư nhiều mà đầu tư trên chính nền tảng bản địa là đủ.
Xác định giá trị cốt lõi
Hiện nay, cơ chế hỗ trợ của chính quyền cho phát triển KN từ tài nguyên bản địa không thiếu, nhưng việc gắn kết để khởi động cơ chế này hầu như chưa được quan tâm. Hệ sinh thái giá trị bản địa cần tạo ra sự gắn kết, chia sẻ lẫn nhau. Điều này không hẳn tạo ra cạnh tranh mà giúp tăng giá trị của cả chuỗi sản phẩm, cộng đồng du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: “Để đổi mới sáng tạo thành công phải quan tâm tính liên kết, phải tôn trọng bản quyền sản phẩm của nhau và tạo dựng được nguồn quỹ hỗ trợ thiết thực bởi KN bao giờ cũng rất khó về kinh phí”.
Theo ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator), trong lĩnh vực du lịch, không riêng Quảng Nam mà ở miền Trung có tài nguyên bản địa rất lớn có thể khai thác, KN. Tuy nhiên, hàm lượng giá trị bản địa trong sản phẩm ở hầu khắp các lĩnh vực của KN địa phương hiện vẫn thấp, ở dạng thô, không thể hiện nhiều sáng tạo.
“Chúng ta cũng thiếu liên kết để hình thành chuỗi giá trị. Chuỗi liên kết từ nông sản đến bàn ăn rồi cả vận chuyển, truyền thông, xây dựng thương hiệu để hình thành chuỗi giá trị của chúng ta khá yếu.
Văn hóa ẩm thực có thể là một điểm đột phá trong KN gắn với du lịch, bởi nó có sự kết nối với nông nghiệp hướng theo sản xuất nông sản sạch, quan tâm đến sức khỏe, từ đó khai thác ẩm thực địa phương mạnh mẽ, tạo ra giá trị cho ngành du lịch.
Doanh thu trong ngành ẩm thực ở du lịch nước ngoài chiếm tỷ trọng rất lớn. Ngoài ra, chúng ta có thể xuất khẩu đặc sản địa phương ra quốc tế thông qua mạng lưới quốc tế cũng như mạng lưới xuất khẩu về ẩm thực” - ông Quân nói.
Ở đây những “start-up” cần xác định rõ sản phẩm KN du lịch và sản phẩm KN nương vào du lịch. Với một số sản phẩm bản địa vốn bị thất thế trước sản phẩm công nghiệp và không thể thay đổi tình thế thì gắn với du lịch là một lối ra, nhưng có nhiều sản phẩm khác bản thân cần tự tồn tại trước đã.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel chia sẻ: “Muốn phát triển bền vững, cần xác định rằng du lịch dựa vào đó gia tăng thêm giá trị chứ du lịch không thể thay thế giá trị cốt lõi, nuôi dưỡng hệ sinh thái bản địa được. Một số mô hình cứ nghĩ rằng dựa trên giá trị bản địa đưa du lịch vào phát triển sau đó thay đi hoàn toàn bản chất giá trị bản địa là không bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã nhất trí với định hướng của Quảng Nam là phát triển mạnh công nghiệp dược liệu với các giải pháp đồng bộ đảm bảo câu chuyện bảo tồn bền vững giá trị tài nguyên quý giá của các địa phương miền núi.
Hồ Thị Mười - cô gái Xê Đăng tại huyện Nam Trà My gần như là cái tên bảo chứng cho thương hiệu dược liệu Mười Cường từ Nam Trà My. Đây là một trong số những mô hình khởi nghiệp từ dược liệu nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Từ “kho dược liệu” của núi rừng xứ mình, Hồ Thị Mười đã mang giá trị tài nguyên quý giá của bản làng đến với rất nhiều người cả trong nước và thế giới.
Cũng như Hồ Thị Mười, một số mô hình trồng cây đẳng sâm tại huyện Nam Trà My, Tây Giang đã có hiệu quả rõ nét, thu nhập có hộ lên đến 50 - 70 triệu đồng/năm và nhiều sản phẩm từ cây dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP.
Nhiều năm qua Quảng Nam đã thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Nhiều nơi đã coi cây dược liệu là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị và bền vững.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện địa phương có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu với nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên như cao đẳng sâm, mứt đẳng sâm, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm… Chính điều này tạo tiền đề giúp nhiều địa phương xác định phát triển cây dược liệu là hướng đi chính để nâng cao thu nhập và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Việc tập trung mạnh mẽ và quyết liệt cho sự phát triển của ngành công nghiệp dược liệu chính là cơ hội để những mô hình khởi nghiệp tại miền núi có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Và không chỉ có người trẻ, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chú ý và xác định kế hoạch tham gia sâu vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng, cây dược liệu theo chuỗi giá trị... Đây chính là hướng mở để bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của Quảng Nam ngày càng nhiều sắc màu hơn...
Trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng như thế nào để tạo nên thời cơ phát triển doanh nghiệp là điều đang được người trẻ Quảng Nam nắm bắt, vận hành...
Nhiên Media với đầu tàu là chàng trai trẻ Phan Phước Vinh được xem là một doanh nghiệp khởi nghiệp (KN) thành công ở lĩnh vực công nghệ số, truyền thông online. Phan Phước Vinh chia sẻ, Nhiên Media được thành lập không ngoài mục đích hỗ trợ doanh nghiệp trong truyền thông - quảng cáo trên nền tảng Digital Marketing - Công nghệ số - Online. Khách hàng của Nhiên Media có số nhiều doanh nghiệp KN từ tài nguyên bản địa.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp mới thấy được sự quan trọng của truyền thông online. Trong các thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, vấn đề truyền thông quảng cáo doanh nghiệp - thương hiệu - sản phẩm - dịch vụ gặp khó khăn vô cùng. Chính Digital Marketing là cơ hội để các doanh nghiệp vươn lên và chiếm lợi thế cạnh tranh.
Nhiên Media đến nay đã có gần 100 khách hàng là đối tác thường xuyên, đặt niềm tin toàn diện trong thực hiện chiến lược truyền thông cho doanh nghiệp của họ. Trong đó có những doanh nghiệp như Công ty CP Công nghệ và năng lượng Greviso, Công ty CP Sâm Ngọc Linh - Tumơrông - Kon Tum, chuỗi nhà hàng khách sạn Bạch Dương - Măng Đen - Kon Tum, Công ty CP Nấm linh chi Quảng Nam, thương hiệu đặc sản vùng cao cô gái Bh.nong, thương hiệu nhàu Bestone, thương hiệu tinh nghệ trắng Tiên Ngọc NOSA, Công ty TNHH Triết Minh, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp Đại Việt...
Anh Vinh cho biết: “Phát triển một công ty truyền thông có thể cung cấp toàn bộ các giải pháp marketing và sản xuất những sản phẩm truyền thông chất lượng, chuyên nghiệp là điều vô cùng khó khăn.
Thường thì những công ty truyền thông chỉ chuyên một mảng như chạy quảng cáo hoặc thiết kế website hoặc làm Content hoặc Media, nhưng ở Nhiên Media, chúng tôi có đội ngũ làm được hết những việc này cho khách hàng”.
Đứng trước sự thay đổi của công nghệ, doanh nghiệp vẫn có thể đón lấy cơ hội để kịp thời hòa nhập với xu hướng và phát triển kinh doanh. Nhưng doanh nghiệp cần có một ý tưởng, một định hướng, một chiến lược cụ thể để giúp họ đi đúng đường trong phát triển Digital Marketing. Hiện Phan Phước Vinh đang triển khai dự án “nền tảng marketing chuyên nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”.
Dự án mang lại sự khác biệt rõ nét khi chỉ với chi phí bằng 1 nhân sự marketing nhưng doanh nghiệp có thể sở hữu một đội ngũ marketing chuyên nghiệp và thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến hiện nay. “Sự khác biệt này của dự án cũng là vấn đề tiên quyết, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và cho cả dự án” - Phan Phước Vinh nói.
Tháng 6 này, diễn ra Ngày hội KN sáng tạo - chuyển đổi số - sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam lần thứ 3 - TechFest Quang Nam 2022 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số - du lịch xanh nâng tầm sản phẩm xứ Quảng”. Đây được xem như cơ hội để các mô hình KN trên toàn tỉnh bày biện thành tựu của mình.
Mục đích của TechFest lần này được đưa ra bao gồm, đổi mới, liên kết và ứng dụng công nghệ số giới thiệu, quảng bá, trưng bày dự án, sản phẩm KN sáng tạo; sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xứ Quảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hướng đến sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
Quảng Nam hiện có khoảng 500 mô hình kinh tế, tổ hợp tác và hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Tỉnh cũng xây dựng Quỹ KN đầu tư với số vốn 50 tỷ đồng và thành lập Câu lạc bộ Thanh niên đầu tư KN, hỗ trợ những ý tưởng KN của các bạn trẻ. Chưa kể, hiện nay Quảng Nam xếp thứ 4 khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thuộc nhóm đầu trong số các tỉnh thành triển khai chương trình KN sáng tạo của Chính phủ.
“Việc tỉnh ngày càng có nhiều mô KN thành công đã, đang và sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống của người dân được cải thiện. Và chắc chắn việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các mô hình KN phải được chú trọng ngay từ bây giờ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.
Phát triển luôn có hai mặt của vấn đề, do đó cần tạo ra quy tắc, nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh, khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp (KN) đổi mới sáng tạo tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Mozart Việt Nam, KN đang là xu thế toàn cầu, trong đó ngành nghề được quan tâm nhiều nhất là công nghệ thông tin, nông sản thực phẩm, các loại hình dịch vụ…
Có một lĩnh vực chưa được nhiều người chú ý đến, nhưng có thể trở thành một lợi thế để tạo nên sự khác biệt đó chính là KN từ sản phẩm của làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Các làng nghề, ngành nghề truyền thống cũng là nguồn tài nguyên bản địa riêng có của mỗi địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
“Quảng Nam chú trọng vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất sản phẩm OCOP. Những sản phẩm này sẽ có quy mô phù hợp với khả năng của thanh niên khởi nghiệp. Quảng Nam cũng đang kết nối với Hiệp hội Doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (QNB) để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nhân QNB sẽ liên kết, hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa cho các doanh nghiệp OCOP của tỉnh. Nhằm hỗ trợ các start-up tìm đầu ra, bên cạnh phối hợp với QNB, sắp tới tỉnh còn làm việc với Hiệp hội Các nhà bán lẻ (mạng lưới trên khắp cả nước), có cơ chế hỗ trợ để họ bố trí một khu vực bán hàng Quảng Nam tại các siêu thị. Tỉnh cũng đang xây dựng một siêu thị online để quảng bá và bán sản phẩm của Quảng Nam”.X.H (ghi)
Sự tồn tại của làng nghề truyền thống Quảng Nam không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét, phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội của cư dân xứ Quảng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, phát triển du lịch của địa phương.
Ông Dũng cho rằng, trong những năm qua, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề chưa có được sự kết nối tốt, chưa có sự chuẩn hóa từ các cơ quan quản lý, sự hỗ trợ của nhà nước còn thiếu tập trung. Đặc biệt, chưa xuất hiện tổ chức cá nhân mạnh dạn vượt rào, vượt khó, vượt khỏi vòng an toàn để đột phá KN trong lĩnh vực làng nghề truyền thống gắn với du lịch.
“Với suy nghĩ như vậy, việc định hướng cho mô hình KN sáng tạo từ làng nghề truyền thống gắn với du lịch là hết sức thiết thực và thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống và du lịch của mỗi địa phương” - ông Dũng bày tỏ.
Trên lĩnh vực du lịch, ở góc nhìn và kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với việc hỗ trợ KN, ông Trần Xuân Mới - chuyên gia tư vấn du lịch, cố vấn huấn luyện viên quốc gia Đề án 844 nhìn nhận, KN du lịch ở Quảng Nam sẽ có nhiều cơ hội mở trong thời gian tới.
Nhưng yếu tố đổi mới sáng tạo phải được chú trọng mạnh mẽ hơn để làm sao vừa giữ truyền thống, văn hóa nhưng vẫn tăng được giá trị bằng công nghệ, công cụ để làm nổi bật câu chuyện văn hóa đặc trưng xứ Quảng trong sản phẩm. Nói là KN từ giá trị bản địa nhưng không thể tách rời với công nghệ.
Theo ông Mới, Quảng Nam cần chiến lược dài hơi để phát triển các sản phẩm bản địa, có thể thương mại hóa hoặc nương một phần vào du lịch, trong đó cần gắn với thị trường cụ thể. Tỉnh cũng có thể đề xuất, tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ vốn hay đặt mối quan tâm lớn đến phát triển bền vững trên nền tảng bản địa. Thêm nữa, làm sao phải gắn kết được mạng lưới tài nguyên bản địa, nếu hình thành được một “bản đồ” như vậy thì càng tốt, nó sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường, đối tác tốt hơn.
Về lối mở cho sản phẩm KN từ tài nguyên bản địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam đặt mục tiêu có sản phẩm bản địa chủ lực mang tầm quốc gia.
Ở tầm thấp hơn, Quảng Nam sẽ dần hình thành nhiều sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và dưới nữa là sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Năm nay Quảng Nam lấy chuyển đổi số làm tâm điểm đột phá. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học - công nghệ trong năm 2022 thực hiện xong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm liên kết được với toàn quốc và quốc tế.
Theo ông Bửu, bây giờ phát triển bất cứ sản phẩm gì cũng phải có nguồn gốc rõ ràng và theo chuẩn quốc gia. Một vùng đất đôi khi không cần phải sở hữu vựa nguyên liệu lớn nhất nhưng nếu có cách tiếp cận mới mẻ, khơi gợi được niềm tin của khách hàng thì vẫn có thể đưa sản phẩm vươn xa.
“Tôi nghĩ, lối mở trước hết cho sản phẩm KN với giá trị bản địa đến từ đồng hương Quảng Nam trên mọi miền Tổ quốc, thậm chí là ở nước ngoài. Cái này đã có một doanh nghiệp lớn đặt vấn đề kết nối để đưa sản phẩm bản địa của chúng ta vào kệ hàng của họ để quảng bá rộng rãi, quan trọng là sản phẩm của chúng ta có đáp ứng chất lượng và đủ hàm lượng bản địa hay không.
Tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với một số đơn vị liên quan xúc tiến vấn đề này. Trong tương lai, tỉnh cũng sẽ kết nối, ký kết với nhiều đơn vị, tập đoàn nữa để hàng hóa bản địa Quảng Nam phủ sóng rộng rãi nhất” - ông Bửu nói.