Âm hưởng dân ca trữ tình trong các ca khúc về Quảng Nam đã làm nên tên tuổi của nhiều nhạc sĩ – người con đất Quảng. Những giai điệu quê nhà luôn có sức lay động lòng người với nhiều ca khúc vượt thời gian. Và điều dễ nhận ra, những người xa quê lại là những người có nhiều sáng tác về quê nhà yêu dấu nhất.
Ca khúc chính là lời tự tình từ người mang thiên chức nghệ sĩ của giai điệu. Càng dày nỗi nhớ, khi cung thức âm điệu bật ra, những tỏ bày về nơi an trú của tâm hồn người càng dễ mang đến đồng cảm. Âm nhạc về quê hương của người xa quê hương, không chỉ là ký ức, là câu chuyện và hình ảnh. Nó mang nhiều tầng nấc của suy tư và cảm xúc dễ đi sâu vào lòng người...
Giai điệu bật lên, mới thấy điều khiến con người da diết nhất, bao giờ cũng từ quê nhà. Cố quận có gì khiến ai cũng thiết tha? Là dòng sông, con đò, một đồi sim tím với dáng áo nâu tất tả trong trời chiều? Hay những hoài niệm vơi cạn lại đầy cùng bao gương mặt đã dìu nhau trên từng chặng đời người?
Với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, "Quảng Nam yêu thương" trong lòng ông là những ký ức rời rạc thời bom rơi lửa đạn của "quê hương trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ", là điệu nhạc sâu lắng trữ tình kết tinh từ những nhớ nhung về người mẹ Quảng Nam, về từng vùng đất in dấu chân ông như Tam Kỳ Đại Lộc Duy Xuyên...
Những nốt nhạc, đôi hồi chính là nơi để người nghệ sĩ nương náu mình trong quê hương.
Ân tình quê xứ
Kỳ lạ rằng, giai điệu có thể kết nối và đồng cảm giữa con người. Nhớ nhau, đôi khi là nhớ những giai điệu nhạc sĩ đã gieo vào lòng người. Trần Quế Sơn đã trần tình rằng, quê nhà với anh là ân tình da diết.
Trần Quế Sơn, người ta nhớ anh bởi ngân nga hoài giai điệu của "Tình Quê" - "Về đây thăm Quảng Nam, trong lòng tôi nghe xốn xang...". Hay ngay trước đó, là "Yêu cái mặn mà". Người Quảng thích thú, bởi "cái chi chi mà rứa rứa", bởi giai điệu trữ tình nghe như thầm thì "Ôi nghe thương sao cái bên ni bên tê. Đất Quảng ân tình anh yêu từ thơ bé. Đất Quảng ân tình anh yêu từng xóm làng..." Để rồi đến lúc chín muồi hơn, Trần Quế Sơn thiết tha rằng "Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi! Tôi chắc tình tôi thắm trên triền núi, xanh ngắt vòm khoai ươm vàng nải chuối. Tôi mắc tình tôi thắm trên cành bưởi, thơm tóc mẹ tôi, xanh tóc chị tôi...".
Lớp thế hệ nhạc sĩ trẻ sau giải phóng, xem chừng người viết nhiều về quê mình xứ Quảng, chắc hẳn có Trần Quế Sơn. Anh đa đoan với "Thôn nữ" - một tuyển tập những ca khúc phổ thơ Bùi Giáng. Con đường khúc khuỷu này ít nhiều mang đến một lần cảm xúc phiêu hết mình với giai điệu của người nhạc sĩ quê xứ trung du.
Sâu xa hơn, phổ nhạc thơ Bùi Giáng - với Trần Quế Sơn còn là một cảm thức quê nhà. Bởi có ai qua nhà thơ họ Bùi khi nhắc chuyện quê hương - một cõi thực cũng là cõi mơ. Thơ họ Bùi gắn với một không gian, một xứ quê mà ông gọi là "cố quận" - một quê thực xứ Quảng nhưng cũng là một xứ mơ, một quê xưa, nước cũ đầy khái quát mơ hồ với "Biển dâu sực tỉnh giang hà/ còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh".
Hình như vì xứ Quảng quá thơ và đẹp, nên nhạc về quê hương "biển xanh dâu", bao giờ cũng thiết tha, chân tình. Giai điệu trong thể tài quê hương của Trần Quế Sơn là vậy, nghe như một lời kể với thể điệu country hay ballad cùng vài âm điệu dân ca, nên nghe ra tiếng thầm thì của chị kể chuyện em nghe, tiếng ru con à ơi của người mẹ vùng trung du, tiếng của người "em gái quê mình" trên những nương dâu biếc xanh...
Đường về quê nhà
Có những ký ức tưởng đã yên sâu, nhưng trong khoảnh khắc của hiện tại, lại bất chợt trở về. Mỗi bận có chuyện ngang qua quê hương xứ lụa Duy Xuyên, trong hình dung mình, tôi luôn thấp thoáng dáng hình người thầy - người nhạc sĩ tài hoa Vũ Đức Sao Biển. Ở miền mây trắng ấy, chắc ông đang thong dong cuộc trà cùng những người Quảng tài ba như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu hay Thuận Yến.
Vũ Đức Sao Biển, có lẽ là người yêu quê hương tha thiết nhất! Trong số những nhạc phẩm về quê nhà của mình, với tôi, "Đường về" của ông là tác phẩm biểu hiện sâu đậm nhất tình yêu này. "Chập chùng Trường Sơn giăng mắc/ Ngàn thước khe sâu, ngàn thước non cao/ Đường về Quảng Nam xa lắm/ Rừng núi mông mênh, ghềnh thác lênh đênh..." Như một dự cảm về cuộc đời mình, những đau đáu về quê nhà cứ trở đi trở lại trong nhạc phẩm của ông.
Không hẳn những câu chuyện hay địa danh cụ thể, xứ Quảng trong nhạc phẩm Vũ Đức Sao Biển là một vùng đất hào hoa, trữ tình, nên thơ và lãng mạn. Cố nhiên, con người dựng nên những hình ảnh như thơ của "Thu, hát cho người" sẽ chắc chắn nhìn mọi không gian đã trải bàng bạc một chất thơ hào hoa.
Từ sau những năm 2005 trở đi, Vũ Đức Sao Biển thường hằng về quê nhà bởi những lời mời sáng tác từ các địa phương. Tôi từng thắc mắc khi hầu như những ca khúc về mọi miền quê của đất Quảng giai đoạn sau này, ông đều gần như dùng điệu tango, valse hay những dặt dìu của cổ điển nhiều hơn là dùng chất liệu dân ca như nhiều người khác.
Vũ Đức Sao Biển nói, bởi trong ông, quê nhà ngưng đọng ở đoạn tuổi thiếu thời, thanh niên, những ký ức rời đó mang sắc màu của thanh xuân, tươi trẻ. Ông ảnh hưởng các thể điệu sang trọng của nhạc tây phương chính vào giai đoạn này. Chọn điểm nhìn là những non xanh ở mọi miền đất, là sức sống rạt rào như những chồi biếc cựa mình trong mắt lá, mỗi miền quê xứ Quảng trong sáng tác của Vũ Đức Sao Biển luôn có những hình tượng riêng. Ông tinh tế trong quan sát để gọi tên Tam Kỳ là "phố giáng hương", Duy Xuyên là "bài thơ quê lụa"... Người mộ điệu âm nhạc của Vũ Đức Sao Biển đều dễ dầu nhìn thấy điều này, rằng tất thảy những khúc tình ca hay nhạc quê hương riêng chỉ xứ Quảng của Vũ Đức Sao Biển, đều là những giai điệu hào hoa sang trọng...
Bây giờ, phần lớn người "từ phương Nam luôn mơ về Quảng Nam" đã dong ruổi những miền trời khác. Trần Quế Sơn thì về ở hẳn quê nhà. Để thi thoảng, trong các cuộc hội của xứ Quảng, lại nghe vang ngân những giai điệu ân tình...
Để tâm, mới thấy xuyên suốt những nhạc phẩm của Vũ Đức Sao Biển, luôn thấp thoáng hình ảnh những dòng sông. "Bình tâm trong những đêm yên lặng sâu lắng, ngồi trên chiếc vỏ lãi hay tắc ráng trên dòng sông Hậu mà nghe Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang hay Điệu buồn phương Nam thì ta sẽ đặt câu hỏi tại sao một người Quảng Nam lại chia sẻ thâm tình, thấu cảm cõi giới của người cuối đất đến như vậy? Có phải những năm ăn gạo, uống nước của vùng đất "dưới sông cá nhảy trên bờ Triều Châu" (?). Có phải từ một Thu, hát cho người đến Mẹ Cửu Long đã có những biến chuyển khác trong cách nhìn đời của anh. Thu, hát cho người đến Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Mẹ Cửu Long, Hoài niệm Trường Giang… đều có hình ảnh của một dòng sông; từ dòng sông cho người tình đến những con sông mạnh mẽ như bóng cha, dịu dàng như nghĩa mẹ…" - như lời cố nhà báo Lê Văn Nghĩa chia sẻ.
Chọn lấy giai điệu từ các điệu lý, điệu hò quê hương, những bài ca từ xứ Quảng vì thế dễ dầu nằm lòng nhiều thế hệ...
Trong cuộc chuyện về "địa phương ca", nhạc sĩ Hoàng Bích và Huỳnh Ngọc Hải hình như là 2 người... say sưa nhất. Vẫn miệt mài đi, quan sát, viết và ca hát, mỗi vùng đất của xứ Quảng đều có tác phẩm của họ. Trong đó, điều dễ dàng nhận thấy nhất, là âm hưởng dân ca bàng bạc trong tác phẩm hai nhạc sĩ này.
1. "Thu Bồn dòng nhớ dòng thương" - tác phẩm dài hơi với sự hội tụ của rất nhiều giai điệu dân ca của Quảng Nam. Bằng thể loại hợp xướng, "Thu Bồn dòng nhớ dòng thương" ghi tên Huỳnh Ngọc Hải ở rất nhiều giải thưởng. "Sông Thu Bồn dòng sông đồng dao tắm mát tâm hồn tuổi thơ. Sông Thu Bồn khúc dân ca dài theo biền dâu xanh mãi những bến bờ. Ôi dòng sông lịch sử ghi vào đây những thăng trầm...".
Ca từ gần như chuyển tải những hình ảnh thơ mộng lẫn sâu lắng về dòng sông mẹ của Quảng Nam. Nhưng đặc biệt hơn, như nhiều nhận xét từ giới chuyên môn, hợp xướng của Huỳnh Ngọc Hải đã kết hợp tinh tế và nhuần nhuyễn âm hưởng dân ca bài chòi, hô hát bả trạo... Như một trường ca về Thu Bồn, tác phẩm này lần nữa định danh Huỳnh Ngọc Hải ở vai một người nhạc sĩ thăng hoa với cảm xúc về quê mình xứ Quảng.
Gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng gần như cả cuộc đời, Huỳnh Ngọc Hải đã luôn chung chiêng cùng âm nhạc Quảng Nam. Khi làm nhiệm vụ quản lý Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, ông nói mình có nhiều cơ hội để tiệm cận hơn với đời sống âm nhạc dân gian từ khắp các miền đất. Quãng thời gian này được ví như một tích cóp vốn liếng để những năm gần đây, Huỳnh Ngọc Hải sáng tác liên tục. Bây giờ, ở vai trò Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc của Quảng Nam, càng dày dặn những cuộc đi và cuộc hội với âm nhạc, Huỳnh Ngọc Hải càng sâu chín hơn trong tác phẩm.
Gần 20 năm trước, "Đêm trăng sông Thu" của Huỳnh Ngọc Hải với giai điệu như day dứt trĩu nặng: "Đêm.../ Nghe dòng sông hát/ Sông hát về đời Mẹ “cánh cò lặn lội bờ sông”/ Hát câu ca chờ trông, “thuyền ơi có nhớ bến", thì ở "Cô gái làng dâu" với điệu hò khoan khiến ca khúc trở nên tươi thắm hơn và "Nơi hai dòng sông chảy qua" Huỳnh Ngọc Hải dùng điệu Lý thương nhau... ngọt ngào và lắng đọng... Dân ca trở thành chủ đạo để ông nương vào đó bật lên giai điệu cho riêng mình.
2. Đây cũng là điều nhận ra trong hầu khắp các sáng tác của Hoàng Bích. Dày tuổi đời và chinh chiến hơn, nhạc sĩ Hoàng Bích - người từ chiến khu bước ra, trong tác phẩm nào cũng nghe ra điệu ầm ào, sôi nổi. Dẫu phủ tràn sáng tác của ông, cảm hứng đầu tiên vẫn từ những làn điệu dân ca xứ Quảng. Thủ pháp xử lý quãng âm trên cơ sở các điệu thức ngũ cung của điệu Nam xuân, hay những trữ tình của điệu Nam ai, những nhấn nhá từ hò Quảng cư dân vùng sông nước xứ sở này, khiến nhiều tác phẩm của Hoàng Bích dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.
Nghệ thuật dân gian, đặc biệt là dân ca, luôn là một say mê bất tận với nhiều người. Hoàng Bích là người như vậy, ở đâu ông cũng có thể hát, ngân nga điệu lý thương nhau, điệu ca Khu 5 vừa nhộn nhịp vừa khúc khuỷu. Sống cùng đời sống dân gian, có lẽ là chất liệu tốt nhất để chưa bao giờ Hoàng Bích... "bí bài". Càng dày trải nghiệm, càng thấy cuộc đời làm nghệ sĩ hạnh phúc nhất chính là sự đón nhận của công chúng với những tác phẩm của mình.
Từ vùng biển đảo đến non cao, từ Trà My đến Ngọc Linh huyền ảo, nơi nào cũng có nhạc phẩm của Hoàng Bích. Có những tác phẩm sống lâu và vượt khỏi địa hạt "huyện ca" như "Trà My yêu thương" hay "Hồ Cao Ngạn"... Năm 2022, hai tác phẩm "Trà My yêu thương" và "Hoa phong ba trên đảo Trường Sa" của ông được chọn để trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
3. Chính từ cái nôi dân ca Trung Bộ cùng bản sắc vùng đất xứ Quảng dày dặn là chất liệu tốt nhất để âm nhạc Quảng Nam luôn có màu sắc riêng. Đây cũng là điều các nhạc sĩ có tên tuổi nhìn nhận về "địa phương ca" của Quảng Nam.
Trong một cuộc chuyện từ khá lâu, nhạc sĩ Trọng Đài cho rằng, dân ca Quảng Nam phong phú, đa dạng và việc kế thừa, phát triển được những điều này sẽ tạo nên các phẩm hay.
"Ở các cuộc thi âm nhạc quốc tế, tác phẩm mang ra thế giới đều gắn với cội nguồn. Người ta rất coi trọng và luôn để tâm đến các tác phẩm âm nhạc có bước đi kế thừa âm nhạc truyền thống. Tôi có thể kể ra một số tên tuổi các nhạc sĩ ghi dấu ấn trong lòng công chúng, và bạn để ý, họ đều dùng chất liệu từ âm nhạc dân gian truyền thống, từ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Từ Huy...
Sau thế hệ tôi, ở Quảng Nam có thêm anh Trần Quế Sơn, cũng khá mạnh trong việc ứng dụng chất liệu dân ca trong sáng tác của mình" - nhạc sĩ Trọng Đài từng chia sẻ.
Mạch nguồn dân gian được ví như một giếng khơi, càng đào sâu càng thanh ngọt. Hẳn đó cũng là cơn cớ để ngày càng nhiều hơn những ca từ đẹp về quê hương ẩn trong các giai điệu vừa quen, vừa lạ. Vì nó, là giai điệu của đời sống...Tạo kênh quảng bá cho các tác phẩm mới
Theo nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải, đa số sáng tác về các địa phương trong tỉnh được nhạc sĩ dựa vào dân ca của chính vùng đất đó để phát triển thành ca khúc. Đặc biệt, những năm gần đây chứng kiến sự ra đời của rất nhiều tác phẩm về miền núi. Lý do bởi các địa phương này liên tục mở các cuộc thi, liên hoan, vận động sáng tác về vùng đất. Các ca khúc về miền núi phần lớn dựa vào các điệu dân ca miền núi như dân ca Ê Đê, Xê Đăng... Ông Huỳnh Ngọc Hải cho rằng đây chính là một trong những cách để phát triển âm nhạc truyền thống của địa phương cũng như sẽ tạo kênh quảng bá cho các tác phẩm mới.
Tại Quảng Nam, tốc độ phát triển của bộ môn âm nhạc so với các tỉnh thành khác vẫn còn khá yếu, đặc biệt ở khâu quảng bá tác phẩm. Các tác phẩm chủ yếu vẫn do chính tác giả ở điều kiện của mình tổ chức giới thiệu hoặc thu âm. Cần sự trợ lực để các nhạc sĩ quảng bá tác phẩm về vùng đất, cần những cuộc vận động sáng tác để nhạc sĩ có điều kiện trổ bày tài năng, bên cạnh giữ gìn các vốn liếng âm nhạc truyền thống là điều nên chăng...
Những giai điệu mộc mạc, chân chất viết về Quảng Nam giờ đây đã trở thành những bài hát quen thuộc với người yêu nhạc khắp cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh con người, văn hóa của vùng đất miền Trung.
Nhạc Quảng đi xa
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn sáng tác ca khúc "Yêu cái mặn mà" vào năm 2000, trong một ngày cuối xuân ở Sài Gòn nhớ quê da diết. "Nếu em yêu cái mặn mà/Thì về Quảng Nam quê anh" .
Trần Quế Sơn nhớ lại: "Khi tôi viết xong thì đi khoe với ca sĩ Hạnh Nguyên cho vui, ai ngờ cô ấy lập tức mua độc quyền ca khúc đó hai năm". Hạnh Nguyên với chất giọng mượt mà sâu lắng là người đầu tiên đưa "Yêu cái mặn mà" đến với khán giả.
Nhưng phải đến Dương Hồng Loan thì ca khúc mới bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đỉnh điểm là MV song ca cùng Lê Sang rất nổi tiếng và trở thành những bài hát song ca phổ biến. Cho tới nay, MV "Yêu cái mặn mà" có tới 2,3 triệu lượt xem.
Ngoài Hạnh Nguyên, Dương Hồng Loan thì sáng tác của nhạc sĩ Trần Quế Sơn cũng được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện thành công như Anh Thơ, Lưu Ánh Loan, Long Nhật...
Nhắc đến ca khúc Quảng Nam được yêu thích không thể kể đến "Tình em xứ Quảng", "Quảng Nam yêu thương", "Quê hương tuổi thơ tôi"... Ngoài Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh thì nam ca sĩ Quang Lê đã mang "Tình em xứ Quảng" vượt khỏi không gian đất Quảng để thể hiện khắp mọi nơi. Các thế hệ ca sĩ sau này có Lê Minh Trung, Nguyễn Phú Quí cũng chọn sáng tác của nhạc sĩ Trần Ngọc mỗi khi đứng trên sân khấu. Không phải là người Quảng nhưng "Quảng Nam yêu thương" lại gắn liền với tên tuổi NSND Thu Hiền, ca sĩ Anh Thơ.
Đặc biệt là ca khúc "Quê hương tuổi thơ tôi" không chỉ thành công qua giọng hát Mỹ Tâm mà còn được rất nhiều ca sĩ khác thể hiện như Quang Dũng, Quang Linh trên các sân khấu lớn nhỏ. Tại chương trình Thúy Nga Paris by Night 99, ca khúc này bất ngờ vang lên tha thiết qua giọng hát của ca sĩ Ngọc Hạ khiến hàng ngàn khán giả kiều bào bồi hồi xúc động.
Sức lay động lớn
"Ôi nghe yêu sao cái chi chi mà rứa rứa..." đã làm rung động tâm hồn những người nghe, trong đó có ca sĩ Hạnh Nguyên. "Nghe Trần Quế Sơn hát tôi đã thích ngay giai điệu cùng những ca từ phương ngữ độc đáo nên tuyên bố sẽ mua độc quyền khiến nhiều người cho rằng tôi nói khoác” - ca sĩ Hạnh Nguyên nhớ lại.
Sau này, mọi người đều nhớ "Yêu cái mặn mà" qua tiếng hát Hạnh Nguyên, Anh Thơ, Dương Hồng Loan, Lưu Ánh Loan vang lên khắp nơi mà ít ai biết rằng trước đó Trần Quế Sơn bảo anh không nghĩ ca khúc này sẽ nổi tiếng như vậy. "Tôi viết cho thỏa nỗi nhớ quê và tất nhiên cũng kỳ vọng sẽ được đón nhận nhưng không ngờ lại lan tỏa mạnh như thế. Có lẽ ca khúc của tôi đã lay động được họ" - Trần Quế Sơn không khỏi tự hào.
Trong kho tàng ca khúc Việt Nam, những bài hát viết về Quảng Nam chiếm khối lượng không nhiều so với các tỉnh, thành phố lớn khác như Hà Nội, Huế, Sài Gòn... Nhưng có thể nói, rất nhiều ca khúc đã vượt biên giới ra khỏi tỉnh.
Nhiều người chưa từng đặt chân tới Quảng Nam nhưng thông qua các ca khúc nổi tiếng mà họ nghe ở bất kỳ nơi đâu cũng khiến họ biết các địa danh nổi tiếng đất Quảng, thêm yêu vùng đất này để ít nhất một lần muốn ghé thăm.
Theo nhạc sĩ Trần Quế Sơn, để một bài hát viết về một tỉnh thành "vượt biên" ra khỏi địa phương không dễ. "Thứ nhất là phải chắt lọc những nét tiêu biểu, tượng trưng nhất của quê hương đưa vào bài hát. Thứ hai là ca từ giai điệu phải dễ nghe, chân chất, mộc mạc. Thứ ba theo tôi nghĩ là cái duyên, một tác phẩm nghệ thuật thường mang tính... trời cho, không phải muốn là được, cầu là thấy".
Ở những cuộc hội ngộ đâu đó của đồng hương xứ Quảng, khi những bản nhạc về quê xứ được cất lên là lòng chùng xuống, chân muốn đi. Về quê - hai tiếng giục giã biết nhường nào.