(QNO) - Quảng Nam vừa yêu cầu thúc đẩy các cơ sở giáo dục và y tế áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường số và hình thành thế hệ công dân số, doanh nhân số cho tương lai. Tuy vậy, quá trình này cần giải pháp công nghệ tương thích và thời gian lâu dài, nhất là thay đổi thói quen của người dân.
Là yêu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế số, nhưng việc phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống hàng ngày còn nhiều rào cản, không thể ngày một ngày hai.
Những chuyển động bước đầu
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã có sự vào cuộc tích cực trong việc phổ biến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Tại đô thị Tam Kỳ, tỷ lệ TTKDTM ở một số địa điểm, lĩnh vực kinh doanh ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Đại diện nhà hàng Sen (đường Trần Phú) cho biết, hiện thanh toán tiền mặt đang ít hơn TTKDTM trên tổng doanh thu hàng ngày với tỷ lệ khoảng 40 - 60. Khách hàng lựa chọn hình thức quẹt thẻ Visa nhiều nhất, tiếp theo là chuyển khoản, quét mã QR.
Tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, hình thức TTKDTM ngày càng phổ biến. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết lúc trước TTKDTM chỉ chiếm từ 5 - 10% thì đến nay là 25 - 30%. Khách hàng cũng được hỗ trợ nhiều hình thức TTKDTM khác nhau như quẹt thẻ, chuyển khoản qua số tài khoản, mã QR…
Tại nhiều địa phương, mô hình "Tuyến phố không dùng tiền mặt" đã được phát động xây dựng. Riêng TP.Tam Kỳ, hướng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, các xã phường đã phát động xây dựng 9 tuyến phố không dùng tiền mặt.
Ông Trần Văn Thi, chủ quán mỳ Quảng Sáu Thi trên tuyến phố Trần Quý Cáp nhìn nhận rõ sự tiện ích của TTKDTM nhưng không khỏi băn khoăn khi chủ trương này chưa được triển khai đồng bộ.
“Mọi người vẫn quen rút ví trả tiền mặt khi vào cửa hàng. Nhưng giả sử khách hàng TTKDTM hết thì cũng khó cho quán. Không sẵn tiền mặt nên mỗi khi đi chợ mua nguyên liệu lại phải vào ngân hàng hoặc ra cây ATM rút tiền. Vì ở chợ, mua gà, cá, thịt… làm chi có TTKDTM” - ông Thi chia sẻ.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 4/2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị. Giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, bên cạnh công tác thu ngân sách nhà nước, Kho bạc đang tăng cường TTKDTM trong chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản hoàn thành các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc được thực hiện theo phương thức điện tử.
Cần thay đổi thói quen
TTKDTM có vai trò quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Tuy nhiên, việc phổ biến TTKDTM cần quá trình lâu dài. Ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh (Tam Kỳ) cho biết, nhiều người dân còn ngại TTKDTM, vì thế cần hỗ trợ nhiều điểm TTKDTM để người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng, thuận tiện.
Ông Nguyễn Kỹ Anh – Phó Giám đốc Viettel Quảng Nam đánh giá hạ tầng phục vụ TTKDTM đến nay đã được đảm bảo. Đặc biệt, Viettel khi ra mắt ứng dụng thanh toán số Viettel Money thì người dân miền núi, người sử dụng điện thoại bình thường cũng có thể thanh toán trực tuyến bằng cú pháp đơn giản. Quan trọng là thay đổi thói quen của người dân làm sao chuyển từ dùng tiền mặt sang không dùng tiền mặt.
Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh xác định một trong những giải pháp là đẩy mạnh TTKDTM trong khu vực dịch vụ hành chính công. Trong đó khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM.
Đến cuối năm 2025, Quảng Nam phấn đấu có ít nhất từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%; 80% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử; từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; 60% trở lên các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% trở lên số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bản đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM…
Thói quen dùng tiền mặt, chưa quen dùng thẻ, đối tượng khám chữa bệnh chủ yếu là người dân vùng nông thôn, người lớn tuổi... chính là những lý do để khó triển khai đồng bộ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở bệnh viện.
Tỷ lệ quá thấp
Ngày 4/11/2019, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh triển khai TTKDTM đối với chi phí khám chữa bệnh qua thẻ ATM của các ngân hàng, thông qua kết nối giao dịch trên các máy POS thanh toán của Ngân hàng Vietcombank. POS với chức năng dùng để quẹt thẻ để thanh toán hóa đơn dịch vụ.
Lúc này, tại BVĐK tỉnh có 3 POS thanh toán đặt tại 3 khu của BV, bao gồm khu khám bệnh, khu kỹ thuật và khoa sản. Thế nhưng, hơn 1 năm sau, nhận thấy bệnh nhân và người nhà không thích ứng với việc quẹt thẻ ATM thủ công qua các POS này, bệnh viện tiến hành... ngưng dùng POS. Tiếp đến, Ngân hàng Vietcombank triển khai thanh toán qua mã QR với chủ tài khoản là BVĐK tỉnh. Thay vì quẹt thẻ trực tiếp, người dân có thể chuyển khoản hoặc tiến hành quét mã QR.
Ngồi chờ thanh toán viện phí sau khi hoàn tất các khâu khám và xét nghiệm tại BVĐK tỉnh, bà Nguyễn Thị Hai (Núi Thành) cho biết, bà đi từ sáng sớm đến BV để... bốc số trước. Không biết thẻ ATM như thế nào, cũng không có điện thoại thông minh, người phụ nữ này chỉ biết mang theo tiền mặt để thanh toán viện phí.
Tương tự, tại khu điều trị nội trú, nhiều người nhà ngồi chờ thanh toán và vẫn giữ thói quen... rút tiền mặt từ ATM để trả viện phí. Quan sát trong một buổi sáng tại Khoa Khám bệnh của BVĐK Quảng Nam, chúng tôi không thấy ai dùng điện thoại thông minh để quét mã QR và tiến hành thanh toán qua hình thức chuyển khoản. Đa số người đến khám tại BV ở độ tuổi từ 50 - 60 trở lên, hình thức thanh toán qua apps vẫn còn lạ lẫm với họ.
Ở các BV tư nhân, số lượng người đến khám trong độ tuổi trẻ vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, ghi nhận từ các cơ sở này, lượng người sử dụng các hình thức TTKDTM vẫn rất ít. Ông Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc BVĐK Minh Thiện cho biết, BV trang bị các máy POS cũng như QR code, chuyển khoản để người dân thuận lợi nhất khi đến khám chữa bênh. Thống kê tại BVĐK Quảng Nam - Sài Gòn, tỷ lệ người sử dụng các hình thức TTKDTM chỉ có từ 3 - 5%.
Người dân chưa mặn mà
Ông Trần Công Tuấn - Phó phòng Tài chính Kế toán, BVĐK tỉnh cho rằng, TTKDTM tạo thuận lợi cho bệnh nhân thanh toán viện phí và rút ngắn thời gian chờ đợi, giúp hoạt động tài chính kế toán của đơn vị hiệu quả hơn. Bệnh viện có thể dễ dàng kiểm soát nguồn thu, giảm nhân lực kiểm đếm tiền mặt. Bệnh nhân không phải lo lắng với việc phải mang quá nhiều tiền mặt, sợ đánh rơi, mất cắp...
Đây cũng là mục tiêu mà BVĐK tỉnh triển khai đề án TTKDTM đối với viện phí qua tài khoản bệnh viện tại Ngân hàng Vietcombank, bắt đầu từ năm 2019. Tuy nhiên, qua thống kê năm 2021, tỷ lệ TTKDTM chỉ chiếm 8,5% trong tổng chi phí khám chữa bệnh được thanh toán.
Tại Quảng Nam, theo nhìn nhận của đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế, hạ tầng cơ sở và trang bị kỹ thuật phục vụ TTKDTM chưa thật sự hiệu quả và chủ yếu phân bổ ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Mạng lưới máy rút tiền tự động hay máy POS cũng rất hạn chế và chủ yếu được lắp đặt ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, nhà hàng... Ở nông thôn, miền núi, các hạ tầng còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hằng ngày, dẫn đến số lượng người dân nông thôn sử dụng thẻ ATM còn rất thấp.Chủ trương TTKDTM được nhiều trường học và phụ huynh trên địa bàn TP.Tam Kỳ tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của một số phụ huynh, nhất là ở vùng nông thôn, không phải ai cũng có thể thực hiện được.
Được thực hiện từ năm học 2021 - 2022 nhưng đến năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản mới có bước đột phá trong TTKDTM. Cô Nguyễn Thị Xuân Hoa - Hiệu trưởng trường cho biết, năm đầu tiên triển khai có khoảng 30% phụ huynh hưởng ứng. Và năm học này, sau khi thành phố chỉ đạo tăng cường chuyển đổi số, cùng với tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, nhà trường đẩy mạnh TTKDTM, cụ thể là thanh toán tiền ăn bán trú.
“Mỗi học sinh được cấp một tài khoản Ngân hàng BIDV, phụ huynh được hỗ trợ mở tài khoản, cài đặt app mà không cần phải đến ngân hàng và việc chuyển tiền qua tài khoản không tốn phí. Qua công tác vận động, tuyên truyền về sự tiện lợi của hình thức thanh toán này đã giúp tăng tỷ lệ phụ huynh TTKDTM hàng tháng lên khoảng 70%” - cô Hoa thông tin.
Cũng bước sang năm thứ hai triển khai không dùng tiền mặt, Trường Mầm son Sơn Ca đã có được kết quả tích cực. Hiệu trưởng Phan Thị Thuận cho biết, với việc phần lớn phụ huynh là cán bộ, viên chức nên việc TTKDTM rất thuận lợi và hiện có gần 80% số phụ huynh (543 trẻ bán trú) thực hiện theo phương thức này.
Một số trường học ở Tam Kỳ cũng đang tích cực triển khai TTKDTM. Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - thầy Trần Anh Hải cho biết, kế hoạch TTKDTM đang được nhà trường triển khai, phối hợp chặt chẽ với VNPT, Agribank hướng dẫn cho phụ huynh để thực hiện thuận lợi và dự kiến sẽ áp dụng toàn diện khi thu học phí năm học 2022 - 2023 sắp tới.Anh Đinh Công Huy, phụ huynh ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nói cùng với tiền điện, điện thoại, nước, internet, nay đến lượt tiền ăn học của con đều chuyển qua tài khoản rất thuận lợi. Nên chăng các khoản thu khác như bảo hiểm y tế, nhà trường cũng thu theo hình thức này. Tuy nhiên, với những phụ huynh không có điều kiện thì không nên bắt buộc mà cần linh hoạt, tạo thuận lợi để mọi người nộp tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy - kế toán của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nói, trường có gần 1.000 học sinh bán trú nên trước đây việc thu tiền bán trú khá vất vả. Còn giờ đây, với việc TTKDTM đã giúp giảm áp lực rất lớn cho công tác thu.
Còn theo chị Trần Thị Ngọc Tuyết - thủ quỹ Trường Mầm son Sơn Ca, trước đây khi thu tiền mặt phải đến trường trước 6 giờ sáng và đến chiều phân loại tiền theo từng mệnh giá để nộp kho bạc rất vất vả, chưa kể lo mất trộm vì giữ tiền mặt nhiều. Hiện nay trường vẫn tiếp tục tổ chức thu tiền mặt nhưng số phụ huynh nộp rất ít nên nhẹ nhàng hơn nhiều.
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Vĩnh Điện), hơn 70% phụ huynh nộp các khoản tiền ăn bán trú, bảo hiểm xã hội… cho học sinh qua hình thức chuyển khoản. Cô Trần Thị Phương Trâm – Hiệu trưởng trường cho biết, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm nhà trường đã phổ biển chủ trương TTKDTM để phụ huynh học sinh nắm bắt, thực hiện. “Lợi thế của trường nằm ở trung tâm thị xã, phần lớn phụ huynh đều có điện thoại smartphone nên việc cài đặt các phần mềm chuyển khoản tương đối dễ dàng” - cô Trâm nói.
Làm gì để người dân không dùng tiền mặt thanh toán?
Thống kê từ Bộ Y tế, hiện 100% BV đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ở các mức độ khác nhau, một số BV đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đây chính là điều kiện cần thiết để tiếp tục triển khai các hình thức TTKDTM tại BV.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking (ngân hàng trên điện thoại di động) và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp TTKDTM để trả viện phí. Các phương thức TTKDTM rất đa dạng, từ thẻ sử dụng máy POS, ATM hoặc cài thẻ vào điện thoại để thanh toán, dùng điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc quét mã QR được in trên phiếu viện phí để thanh toán.
Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các cơ sở y tế toàn tỉnh sẵn sàng phương tiện phục vụ TTKDTM cho tối thiểu 3 trong 4 phương thức, bao gồm Mobile Money, mã vuông QR (Chuyển khoản/Thanh toán), qua website (Chuyển khoản/Thanh toán) và thẻ (POS) cũng như tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý cơ sở y tế.