(QNO) - Người miền biển Quảng Nam và cả nước nói chung luôn luôn tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo. Qua thời gian, qua bao thăng trầm của lịch sử, quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện đại đã tác động đến đời sống, phương thức đánh bắt… đối với cộng đồng cư dân miền biển khiến các giá trị văn hóa dần phai nhạt, nhiều hình thái văn hóa truyền thống bị mất đi, tính cố kết cộng đồng làng xã có nguy cơ bị xáo trộn, bể vỡ…
Theo ông Tôn Thất Hướng – Sở VH-TT&DL (tác giả cuốn sách Quảng Nam truyền thống văn hóa biển), những cư dân miền biển Quảng Nam phần lớn đều có nguồn gốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An theo những đợt di dân khác nhau. Rầm rộ và đông đảo nhất là vào đầu thế kỷ XV (1402) đời Hồ Quý Ly; năm 1471 đời Lê Thánh Tông và sau đó là Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558).
Trong cuộc mở cõi về phương Nam, những người không có đất sản xuất phải mưu sinh đánh bắt ở ven sông, ở cồn bãi xa xôi với làng xã trù mật. Trong đó có một số người sống gắn bó với sông nước, lập thành những vạn chài. Đó chính là những cư dân đầu tiên tạo thành làng xã miền biển Quảng Nam. Hơn nữa, về sau này, vùng đất đã khai phá ngày càng trở nên chật chội, những cư dân mới đến hoặc những người ngụ cư, dân nghèo có xu hướng đi lần ra những vùng cát ven biển. Họ bắt đầu khai phá, định cư trên những bãi cát trắng này và trở thành những cư dân vùng miền biển như làng Lương Sơn, Duy Nghĩa; làng An Bàng, Cẩm An... Theo thời gian, ngày càng có nhiều lớp thế hệ cư dân đến lập nghiệp sinh sống ở những vùng ven biển. Cả một vùng biển dài của Quảng Nam được khai phá dần dần, hình thành những làng xã mới với dân số ngày càng đông.
Quá trình tổ chức cuộc sống dựa vào môi trường địa - sinh thái biển đã hình thành nên các cộng đồng dân cư làng vạn chuyên nghề đánh bắt, khai thác và gần đây là nuôi trồng hải sản ở các bãi ngang, bãi dọc và ở các hòn đảo tại Quảng Nam với các tên gọi có cội nguồn biển đảo như Tam Hải, Duy Hải, Bình Dương, Điện Dương, Cửa Đại, Cửa Lở, Bãi Rạng, Cù Lao Chàm... Cư dân miền biển trải qua gần 200 năm hình thành, có nghề mai một nhưng có nghề vẫn được truyền qua lớp lớp thế hệ.
Hơn nửa cuộc đời của ông Trần Công Như (82 tuổi, Thôn Hà Bình, xã Bình Minh) là những ngày vươn khơi, bám biển. Khi bước qua tuổi lục tuần, không còn đủ sức khỏe như lớp trai tráng, ông quay về với nghề đan thúng chai. “Thúng chai không chỉ là phương tiện không thể thiếu trong những chuyến câu mực vùng khơi mà còn để di chuyển thường xuyên của bà con miền biển. Thế hệ trước đây thường sử dụng loại thúng chai nhỏ, có đường kính 2,3m, độ sâu 0,6m nên việc di chuyển trên biển rất chậm. Khắc phục vấn đề này, tôi đan thúng có đường kính lên đến 3,5m. Thúng to, gặp sóng dễ lướt, di chuyển nhanh giúp ngư dân đánh bắt thuận lợi hơn” – ông Trần Công Như nói.
Tính cả xã Bình Minh, hiện giờ chỉ còn hơn 10 hộ theo nghề đan thúng chai, nhưng đa số đều là lão ngư. Ông Như may mắn hơn, khi có con trai cùng nhiều ngư dân trẻ trong làng theo ông học làm nghề. Có tuổi nên ông Như phụ trách kỹ thuật, hướng dẫn cho lớp trẻ. Ngoài đan thúng cho ngư dân thì những năm gần đây, thúng chai còn được rất nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hội An, Phú Quốc đặt hàng để phục vụ du lịch.
Cũng tại xã biển này, số hộ dân tham gia làm kinh tế biển là 17.000 hộ, chiếm 85% tổng dân số xã. Theo cơ cấu kinh tế của Bình Minh thì ngư nghiệp cũng chiếm hơn 55%. Ngư dân có 117 tàu thuyền, tổng công suất 53,8 ngàn mã lực, sản lượng khai thác trung bình khoảng 10.000 tấn/năm. “Ngoài việc đầu tư, cải hoán tàu, phương tiện đánh bắt để tăng năng xuất đánh bắt thì tinh thần đoàn kết của ngư dân trong việc vươn khơi bám biển đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều tổ đoàn kết đánh bắt trên biển của xã đã được thành lập, cùng nhau chia sẻ thông tin về luồng cá, thiên tai và hỗ trợ nhau khi gặp sự cố. Năm qua, một số vụ cháy tàu, chìm tàu được phát hiện, cứu hộ kịp thời cũng nhờ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau mà các ngư dân đều được an toàn” - ông Lê Xuân Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết.
Ở các xã biển Núi Thành, những nghề lưới vây đảo, câu mực khơi ngày càng phát triển và các phương tiện đánh bắt hiện đại là điều kiện thuận lợi để phát huy nghề của cha ông. Song song với gìn giữ những giá trị văn hóa, việc phát triển nghề biển còn có một nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Được thành lập vào năm 2013, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang (huyện Núi Thành) hiện có 292 đoàn viên với 197 phương tiện đánh bắt xa bờ với nghề chủ lực là lưới vây đảo, câu mực, chụp mực... Năm 2020, ngư dân xã Tam Quang khai thác được 18.900 tấn hải sản các loại, ước đạt 345 tỷ đồng và thu nhâp bình quân 80 triệu đồng/lao động/vụ. Ngư dân Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) chia sẻ: “Giữ nghề cha ông không chỉ trong việc theo nghề mà chúng tôi phát huy tinh thần gắn bó, đoàn kết khi lao động giữa biển khơi. Đồng thời, khi vươn khơi ra các ngư trường chúng tôi chính là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của quốc gia”.
Lễ tế cá Ông, còn gọi là lễ hội cầu ngư là lễ hội lớn nhất trong năm của các làng chài ven biển. Tuy ở các làng thời gian diễn ra lễ hội có nhiều thay đổi qua các thời kỳ nhưng tập trung nhất vào các tháng của mùa xuân và mùa thu. Đây là lễ hội quan trọng nhất và hội tụ nhiều giá trị truyền thống văn hóa biển, được cộng đồng ngư dân tổ chức hằng năm nhằm cầu an, cầu mùa nghề biển.Ngoài các nghi lễ, tế rước trong thời gian diễn ra lễ hội thì có diễn ra loại hình diễn xướng dân gian đặc biệt là hát bả trạo, là một hình thức sân khấu hoá, trong đó âm nhạc sử dụng các làn điệu, các kiểu “hát - nói - kể...” kết hợp động tác chèo thuyền rập ràng, đều đặn theo tiết nhịp âm nhạc do tập thể các con trạo thể hiện và vũ điệu của nghệ thuật tuồng truyền thống do các ông tổng thực hiện. "Biên chế" của đội hát bả trạo tuy có sự cách tân vận dụng ở mỗi địa phương, nhưng theo quy định là đội chèo phải có từ 14 đến 20 người phải là số chẵn và hoàn toàn là nam giới.
Theo khảo sát, hiện tại, đội hát bả trạo xã Bình Minh được xem là đội hình biểu diễn chuyên nghiệp nhất trong tỉnh, cả về con người, trang phục lẫn kỹ thuật hô hát, ca từ. Nhưng khi kể về nét văn hóa này của địa phương, tổng tiền Trần Văn Tám (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) vừa tự hào, vừa lo lắng. “Trước đây, hát bả trạo không có bản nhạc được ký âm, không theo một làn điệu cố định. Sau này, khi đưa làn điệu, nốt nhạc vào lời hát giúp người hát dễ dàng, người nghe dễ hiểu. Tuy nhiên, để hát, biểu diễn loại hình nghệ thuật này không đơn giản, cần có đam mê, không đơn thuần như hát dân ca. Hiện nay, giữ những ngón chèo này rất khó nếu không có những lớp đào tạo cho các thế hệ trẻ” – ông Tám nói. Đáng mừng là Phòng VH-TT huyện Thăng Bình đã thành lập được câu lạc bộ hát bả trạo, trong đó có 18 con trạo và 4 ông tổng. Nhờ đó, nét đẹp văn hóa tâm linh này được duy trì ở các xã miền biển Thăng Bình.
Hát bả trạo - lễ hội cầu ngư không chỉ là dịp để "ôn cố tri tân" mà còn là nơi mà cộng đồng cư dân tìm đến sự hứng thú vui chơi giải trí. Hơn nữa, do đặc thù lao động ngành nghề sản xuất của họ là giữa biển khơi, con người phải luôn đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, giữa sự sống hay cái chết. Nên từ đó, hoạt động đánh bắt của người dân vạn chài không đơn thuần là sống cho qua ngày, mà chính họ cũng cần có nhu cầu, có niềm vui và nghi thức lễ hội cầu ngư hình thành đã tạo điều kiện cho họ xích lại gần nhau hơn, hiểu và biết san sẻ cho nhau hơn. “Đến với hát bả trạo cũng là dịp để con người trao truyền những kinh nghiệm, tái hiện cách thức lao động trên biển đầy bí ẩn; đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần về thế giới tâm linh khi con người đối mặt với thiên nhiên, với biển khơi đầy sóng gió” – ông Tôn Thất Hướng nhấn mạnh.
Cảnh đẹp làng biển Quảng Nam. Cảnh December - Minh Quảng Nam
Khi hát bả trạo được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ngoài vinh dự thì cũng là điều các nghệ nhân lo lắng cho số phận của bả trạo sẽ mai một.Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một là theo năm tháng, những cao niên hiểu biết bả trạo qua đời khi chưa kịp truyền cho con cháu. Trong khi đó, lời các bài hát hò, vè, cách diễn xướng, các động tác trong biểu diễn bả trạo vốn lâu nay chỉ được truyền miệng, chỉ dạy trực tiếp từ người này qua người khác. Và tập hát bả trạo đòi hỏi tốn rất nhiều công sức và thời gian, vì mưu sinh hằng ngày nên những người trẻ thường không mặn mà. Ngoài ra một nguyên nhân nữa là chưa có sự quan tâm đúng mức cho những người hát bả trạo, người giữ đam mê bả trạo nên loại hình nghệ thuật này dần dà mai mọt.
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động kinh tế biển, Quảng Nam cũng có nhiều chính sách nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng ven biển. Theo Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Quảng Nam đang thành công với chiến lược lồng ghép văn hóa vào phát triển du lịch, hạn chế di dời các làng chài, gìn giữ những cộng đồng ven biển. Tuy nhiên hiện nay, các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đang ngày càng chịu sức ép nặng nề về hạ tầng và lợi ích lớn từ di sản biển mang lại.
Bài: ĐOÀN ĐẠO - HỒ QUÂN - XUÂN HIỀN
Ảnh: HẢI HOÀNG - CẢNH DECEMBER - PV
Clip: CẢNH DECEMBER - MINH QUẢNG NAM