(QNO) - Đã mười năm trôi qua kể từ lần cuối cùng một cá thể sao la được nhìn thấy ngoài tự nhiên qua hình ảnh được chụp lại từ bẫy ảnh trên dãy Trường Sơn tại Quảng Nam, đã có nhiều chính sách và dự án, chương trình đã được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung - nơi sinh sống loài vật cực kỳ nguy cấp này nhằm tìm kiếm và thực hiện các công tác bảo tồn.
Được mệnh danh là “Kỳ lân châu Á”, sao la được xem là biểu tượng đa dạng sinh học của Việt Nam và Lào. Đến nay, chưa nhà sinh vật học nào từng nhìn thấy loài thú này sống ngoài tự nhiên. Vài hình ảnh hiếm hoi của sao la lọt vào hệ thống bẫy ảnh tại các cánh rừng miền Trung là dữ liệu mang tính lịch sử, đánh dấu sự tồn tại loài vật này qua vài mốc thời gian. Chính sự quý hiếm và có phần bí ẩn như vậy, sao la được nhận định là loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
Trong hành trình cùng các nhà sinh vật học của WWF Việt Nam - Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam nghiên cứu về sự tồn tại của sao la tại 6 tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, chúng tôi ghi nhận nhiều dữ liệu quan trọng. Ở từng vùng miền, tên gọi của loài vật này có sự khác biệt, song hình dạng, đặc điểm, tập tính dường như có chung một mẫu số.
Sao la theo cách gọi của người Tà Ôi là “a ngao”, người Bru Vân Kiều là “là giàng”, còn người Cơ Tu gọi là “song sonr”.
Ông Viên Đăng Minh - người Tà Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) cho biết, năm 1998, một người dân địa phương đi săn heo rừng thấy một con a ngao mắc bẫy. Sau đó, người dân cùng lực lượng kiểm lâm đã thả con vật này về rừng.
Theo quan sát của ông Minh, a ngao có sừng dài và nhọn, bộ lông xám mượt; hai bên má có vệt trắng nổi bật. Thân hình loài vật này trông giống một con nai nhưng đuôi ngắn hơn. Loài thú này rất thích ăn môn thục - một loài cây mọc dọc theo bờ suối.
Còn theo lời kể của ông Hồ Ta Ngà - 80 tuổi, người Bru Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), thế hệ ông trở về trước đều biết đến sao la với tên gọi “là giàng”. Ông Ngà trước đây cũng từng bắt được một con. Loài vật này nặng gần 1 tạ, nếu lọt xuống khe nước thì không thể trèo lên được. Do đó, ngày trước - khi chưa được tuyên truyền về bảo tồn loài sao la, người dân đi rừng thường xua đuổi loài vật này xuống khe để bắt một cách dễ dàng.
“Là giàng sống riêng lẻ, con đực thường đi một mình và con cái đi cùng con non. Sừng con đực dài và thẳng hơn sừng con cái. Mũi loài vật này rất thính, có thể nghe hơi người ở khoảng cách hơn 50 mét. Khi bị đuổi, loài vật này chạy rất nhanh theo hướng dọc khe và giấu mùi trong nước. Đặc tính của là giàng thường thay đổi nơi sinh sống trong khoảng 1-2 năm nên việc tìm kiếm không dễ dàng” - ông Ngà cho hay.
Trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở trung Trường Sơn, người Cơ Tu có cách lý giải thú vị về cái tên “song sonr” để chỉ loài sao la. Theo già làng Alăng Lấp - xã Bha Lêê (Tây Giang), tên song sonr bắt nguồn từ việc loài vật này thích ăn là cây sonr. Trước đây loài cây này mọc rất nhiều dọc khe suối, nhưng theo thời gian thì mất dần, ít người gặp, giống như việc đi rừng hiếm khi được gặp song sonr.
Còn già làng Lê Văn Lượng - huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) kể, năm 1996 khi đi rừng, ông từng gặp một con song sonr đã chết bên bờ suối. Loài vật này có chân thẳng, thân hình thon và có bộ lông xám. Máu song sonr rất tanh, kiếm ăn dọc suối, khe sâu trong rừng già. Ở lại rừng qua đêm, nghe 1-2 tiếng kêu kéc kéc vang dọc khe suối là biết song sonr đi kiếm ăn.
Đã là “quá khứ”, nhưng rất buồn lòng khi phải lần tìm sự tồn tại của sao la từ câu chuyện những cặp sừng - thành quả từ những cuộc mưu sinh trong rừng. Tại Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi được mách có một gia đình đang sở hữu cặp sừng sao la đã hàng chục năm nay. Ông Hồ Văn H. - chủ nhà cho hay, trước đây ông nội của ông H. là thợ săn. Trong một lần săn được sao la, thấy cặp sừng đẹp nên giữ lại, treo trong nhà như vật trang trí.
Hay tại xã Bha Lêê (Tây Giang), một vài gia đình còn lưu giữ những gặp sừng sao la - thành quả của những lần đi săn. Dù sừng đẹp, quý hiếm nhưng họ không trưng bày trong nhà mà cất kĩ và rất ít chia sẻ với người lạ vì sao la đang là loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ. Đồng thời, việc không khoe thành quả trong quá khứ như vậy là cách tuyên truyền để con cháu thực hiện tốt các chủ trương về bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
Từ năm 2017 đến nay, chiến dịch tìm kiếm sao la được WWF Việt Nam tiến hành với sự tham gia của 11 tổ chức quốc tế. Chiến dịch này bắt đầu bằng các hoạt động tuyên truyền, khảo sát kiến thức sinh thái của người dân bản địa sống gần rừng thuộc sinh cảnh của sao la ở 6 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
“Dựa trên kiến thức sinh thái bản địa và kinh nghiệm của người dân, chúng tôi tìm 15 điểm có khả năng tìm được sao la. Và 15 điểm này trùng với kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về các khu vực sao la còn tồn tại trong núi rừng. Tín hiệu đáng mừng, tháng 4/2023 vừa qua, người dân đi rừng có nhìn thấy sao la” - ông Nguyễn Nhất An - nhân viên Dự án giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng của WWF Việt Nam cho hay.
Hiện nay một chương trình lớn hơn về nhân giống với mục đích tái thả, bảo tồn sao la đang được ấp ủ tại Việt Nam. Song điều kiện đủ, tiên quyết vẫn là phải tìm thấy sao la trong tự nhiên.
WWF Việt Nam đang triển khai 4.000 lượt bẫy ảnh đặt tại 15 điểm trong bản đồ phân bố sao la tại Việt Nam; phân tích ADN môi trường bằng mẫu vắt. Riêng tại Quảng Nam, Khu bảo tồn loài sao la đang thiết lập hơn 180 bẫy ảnh tại 12 điểm để giám sát, đánh giá đa dạng sinh học và tìm kiếm sao la. Đáng chú ý, vừa qua, các nhà bảo tồn của Việt Nam lần đầu tiên áp dụng phương pháp thu mẫu nước suối để phân tích gen các loài động vật quý hiếm, công nghệ hiện đại nhất hiện nay để tìm kiếm sao la và các loài động vật quý hiếm tại khu vực trung Trường Sơn. Kết quả các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loài quý hiếm như mang lớn, hoét vàng, sơn dương,..
Sao la được xếp hạng ở mức Cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ. Loài vật này dễ mắc vào bẫy dây - loại bẫy “chết chóc” với bất kỳ động vật nào không may vướng phải. Và dọc cánh rừng trung Trường Sơn, mỗi năm ghi nhận hàng nghìn chiếc bẫy giăng ra, trở thành mối đe dọa với tất cả các loại động vật quý hiếm, trong đó có sao la.
Tại Quảng Nam, Ban quản lý Khu bảo tồn loài sao la được thành lập năm 2011. Khu bảo tồn này có diện tích vùng lõi là 15.486,46ha trải dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang, vùng đệm trên 35.135,44ha. Nơi đây có hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đai địa hình đất thấp vùng Trung Trường Sơn với hệ động, thực vật phong phú và sự hiện diện của nhiều loài quý hiếm trong Sách Đỏ thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, khu vực này thường xuyên bị tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến để khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và săn, bẫy bắt động vật.
Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cho biết, những năm đầu thành lập, đơn vị xử lý rất nhiều vụ vi phạm và tháo gỡ hàng nghìn chiếc bẫy thú mỗi năm. Để hạn chế tình hình này, Khu bảo tồn đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và động vật hoang dã, phòng cháy chữa cháy rừng,… bằng nhiều hình thức. Trong đó tập trung tuyên truyền cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, cộng đồng vùng đệm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sao la và công tác bảo vệ rừng trong trường học; tọa đàm cùng cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín…
“Hiện nay chúng tôi giao khoán cho 17 cộng đồng bảo vệ trên diện tích hơn 8.850ha. Nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp bà con cải thiện thu nhập mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng thông qua các hoạt động tuần tra, giám sát” - ông Lê Hoàng Sơn cho biết.
[VIDEO] - Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra, tháo gỡ bẫy thú trong Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam:
Một thách thức khác đối với Khu bảo tồn loài sao la là nhiều diện tích rừng giáp ranh với lâm phận nước bạn Lào, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Vườn quốc gia Bạch Mã. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, lực lượng chuyên trách của Khu bảo tồn đã chủ động tuần tra dọc biên giới Việt - Lào, ngăn chặn việc xâm nhập, tác động vào rừng ở khu vực này. Riêng với huyện A Lưới và Vườn quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn loài sao la và 2 đơn vị này đã có quy chế phối hợp về tuần tra, bảo vệ khu vực giáp ranh.
Phát triển du lịch
A Roàng là xã giáp biên, thuộc huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Đời sống người dân nơi đây phần lớn phụ thuộc vào rừng. Dù công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp, phương tiện sinh kế liên tục được hỗ trợ hàng năm, nhưng vẫn còn tình trạng người dân tác động vào rừng. Trăn trở trước câu chuyện sinh kế từ rừng, anh Viên Đăng Phú - người dân địa phương tiên phong phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm dựa trên những đặc trưng về văn hóa, thiên nhiên bản địa.
Được sự hỗ trợ của địa phương, cộng vốn kiến thức tích lũy, anh Phú đầu tư homestay dựa trên nguyên bản nhà truyền thống người Tà Ôi, với chất liệu gỗ, tre nứa và lá cọ, thân thiện với môi trường. Từ một điểm đến hẻo lánh và kém thu hút, qua nhiều nỗ lực của anh Phú, homestay với thương hiệu “Hương Danh” đã thu hút hơn 1.000 khách trong, ngoài nước mỗi năm.
Anh Phú cho biết, để phục vụ khách du lịch, anh tự học tiếng Anh, tiếng Cơ Tu, tiếng Lào, Tiếng Việt và tham gia khóa học hướng dẫn viên du lịch nội địa. Khách đến đây sẽ được tham rừng nguyên sinh, cắm trại qua đêm, tắm suối nước nóng và thưởng thức các loại đặc sản của địa phương. Anh cũng không quên giới thiệu về những động, thực vật quý hiếm, đặc trưng trong rừng, nhất là loài sao la để du khách nâng cao hiểu biết, chung tay bảo vệ rừng.
Hiện nay, mô hình du lịch này đang thu hút 3 hộ gia đình tại xã A Roàng tham gia, doanh thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng, anh Phú sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho người dân địa phương. Qua đó, vừa bảo tồn văn hóa người Tà Ôi, tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng, hạn chế thấp nhất những tác động vào rừng.
Tại Tây Giang (Quảng Nam), với sự hỗ trợ Dự án Trường Sơn xanh, điểm lịch sinh thái cộng đồng cho thôn Ta Lang, xã Bhalê bắt đầu đưa vào khai thác, phục vụ du khách từ năm 2020. Dự án đã hỗ trợ xây dựng 5 homestay; đưa các hoạt sinh hoạt truyền thống, ẩm thực của đồng bào Cơ Tu và tận dụng thế mạnh, điều kiện thiên nhiên ở Ta Lang để đưa vào tour. Trong 3 năm qua, Ta Lang là điểm du lịch trải nghiệm thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương và hạn chế thấp nhất những tác động vào rừng.
Ông ALăng Sen - Trưởng thôn Ta Lang cho biết, hoạt động du lịch của thôn luôn lấy việc bảo tồn văn hóa cộng đồng, giá trị môi trường lên hàng đầu. Trong đó, Ta Lang nói không với rác thải nylon, chai nhựa, ảnh hưởng đến môi trường; nói không với săn, bắt động vật hoang dã, làm nương, rẫy ảnh hưởng đến rừng già, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh.
Với đồng bào Cơ Tu, văn hóa cộng đồng luôn được đề cao. Tất cả các hoạt động, từ khai thác du lịch, bảo vệ rừng, mọi người dân đều làm gia và được chia sẻ quyền lợi như nhau. Và khi đã ý thức được những lợi ích từ từ rừng mang lại, họ tự giác và nhắc nhở nhau chấp hành tốt việc giữ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.
Để người dân giữ rừng tốt hơn
Khi người dân nâng cao ý thức, có sinh kế ổn định thì việc tác động vào rừng sẽ hạn chế, do đó, câu chuyện sinh kế dưới tán rừng luôn là bài toán của chính quyền các cấp và các ngành chức năng. Nhiều năm qua, với các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cùng các dự án từ các tổ chức phi chính phủ, người dân có thêm thu nhập và xây dựng các mô hình kinh tế dưới tán rừng như trồng dược liệu, du lịch sinh thái, trải nghiệm..
[VIDEO] - Hiệu quả từ sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng:
Tại thôn Đang (xã Bha Lêê, Tây Giang), một nhóm 74 hộ đang nhận khoán từ Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam với diện tích 550ha. Sau khi trừ 2 triệu đồng cho Ban điều hành quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn và chi 45% cho lực lượng tuần tra thì số tiền còn lại sẽ chia đều cho cộng đồng.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về sinh kế dưới tán rừng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, cần tiếp cận với tư duy tạo ra sinh kế dưới tán rừng để từ đó rừng sẽ sống động hơn, chứ không phải chỉ tiếp cận bằng một nguồn duy nhất là kinh phí thuê bảo vệ rừng hay khoán bảo vệ rừng.
“Chúng tôi chuẩn bị trình với Chính phủ trong sửa đổi nghị định về liên quan tới lâm nghiệp và đầu tư lâm nghiệp là phát triển dược liệu dưới tán rừng, du lịch dưới tán rừng, tín chỉ carbon rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghĩa là chúng ta làm tổng hợp. Cách tiếp cận là làm sao tạo ra nhiều việc làm với sinh kế để bù lại vào khoản chưa đủ với phần bỏ ra của bà con bảo vệ rừng” – ông Lê Minh Hoan nói.
* * *
“Giữ rừng nguyên vẹn - tái hẹn sao la”, một nửa thông điệp mà WWF Việt Nam đưa ra về “giữ rừng nguyên vẹn” đang các cấp, ngành, địa phương và người dân khu vực 6 tỉnh trung Trường Sơn hưởng ứng, thực hiện tốt. Những cánh rừng đang dần nối liền, tạo sinh cảnh liền mạch cho các loài hoang dã. Và các vụ việc tác động vào rừng trong thời gian qua giảm đi rõ rệt về số vụ và cả quy mô. Hy vọng giữ rừng sẽ là điều kiện đủ để một ngày không xa, các nhà khoa học, sinh vật học sẽ tìm thấy sao la ngoài tự nhiên và tiếp tục cho các phương án bảo tồn loài vật đặc hữu này một cách dài hơi, bền vững.