Một cuộc sống hạnh phúc không ở đâu xa. Nó ngay trong nếp nhà mình, trong những ràng rịt vô hình mà hiện hữu của điều gọi là tình làng nghĩa xóm. Từ những ngôi làng xa xôi đến những vùng quê đang tấp sát đô thị mỗi ngày, chỉ số hạnh phúc không chỉ riêng mỗi điều kiện sống... Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, mời bạn đọc cùng báo Quảng Nam thử góc nhìn hạnh phúc ở làng.
Xây dựng nông thôn mới cần hướng đến mục đích cuối cùng là người ở nông thôn hài lòng và hạnh phúc với chính không gian sống của mình.
Hàng rào thưa...
Mẹ tôi, vào ngày ba mất, cả quyết một hai với đám con cháu, đừng đưa bà đến nơi nào ngoài làng Trung Phước (Nông Sơn). Những ngày cuối của đời mình, ba tôi đã chọn ở nhà, giữa làng mình, giữa thân thuộc của họ hàng, xóm giềng. Ngày rời đi, người của làng trăm năm cùng đến tiễn đưa ông đến chặng cuối cùng.
Trong bất giác vô hình của những cơn nhớ, tôi luôn hình dung thấp thoáng gương mặt của nhiều thế hệ người làng. Họ đã ở đó, cùng chia sẻ khốn khó, cùng vui những chuyện thành đạt của cháu con làng mình...
Ở ngôi làng của tôi, người ta cặn kẽ nhau từng nỗi buồn của nhà kề bên. Những ngôi nhà san sát nhau như nhà phố, nhưng cung cách sống thì là của người làng, người nông thôn.
Tôi vẫn nghĩ mình may mắn khi có một làng quê để trở về mỗi dịp cuối tuần, mỗi lúc lễ tết. Còn quê, là còn đó tình nghĩa với những người không ruột rà huyết thống. Để mỗi lúc phải soi rọi lại cách hành xử, lại mang những đức tính của xóm giềng quê nhà mình mà tham chiếu, hay thậm chí tỉnh thức. Đó là dung thứ, là độ lượng, là quan tâm...
Nhưng hình như, thứ khiến người ở làng hạnh phúc, có lẽ vậy, tôi vẫn nghĩ, vì họ có niềm tin. Tin vào người đối diện, tin vào nhà kề bên, tin vào những cách cư xử chân thật giữa xóm giềng với nhau. Vì làng thì nhỏ lắm, nếu không chân thành mà đối đãi nhau, thì ngày sau còn mấy người ở kề cận mình...
Trong một chiều kích khác của chuyện ở làng, có sự xuất hiện của những hội đồng hương. Hình như đó là một ngôi làng thu nhỏ hay đúng hơn là một phiên bản của những đức tính người làng cùng tụ nhau lại. Để nên một "ngôi làng" nơi đất khách. Để giữ cho chính làng ở quê nhà mình còn đó thuần một ngôi làng hạnh phúc, không toan lo chuyện cháu con xa xôi, không vì những sinh kế mà đánh mất những căn tính tốt đẹp của người ở làng...
"Lõi" của nông thôn mới
Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM) chỉ có hai tiêu chí về văn hóa nhưng các tiêu chí này gần như bao hàm hết tiêu chí còn lại. Bởi xét đến cùng, các tiêu chí xây dựng NTM muốn đạt được kết quả bền vững đều bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó chính là nếp sống văn hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhìn ở góc độ nào đó, văn hóa chính là nông nghiệp. Văn hóa chính là nông thôn. Văn hóa chính là giá trị đa sắc màu, đa giá trị. Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta làm mai một dần những nét văn hóa. Những ngôi nhà của bà con dân tộc mất dần, thay vào đó là những ngôi nhà mái bằng, ngôi nhà hình ống như đô thị.
"Nhưng, nói về nông thôn, người ta thường liên tưởng đến cây đa, bến nước, sân đình… gắn với không gian cộng đồng. Nông thôn là không gian giao lưu của những con người trong ngôi làng, những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Đó là không gian hợp tác, không gian của sự sẻ chia. Bởi vậy, bằng mọi cách chúng ta phải giữ được "hồn cốt" đó của nông thôn" - ông Hoan chia sẻ.
Quảng Nam bước qua năm thứ 12 bắt tay xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh. Diện mạo nông thôn thay đổi nhiều, sinh kế người dân cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, liệu đã đủ để người dân hạnh phúc, an toàn?
Diện mạo các làng quê đã bừng sáng từ chương trình này, nhưng chất lượng sống, với các tiêu chí từ môi trường, nguồn nước, việc xử lý rác thải đến những sinh hoạt văn hóa liệu đã đáp ứng được nhu cầu người dân nông thôn. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, đặc biệt với chuyện xử lý rác thải sinh hoạt, chưa kể, ở những khu vực nông thôn gần cụm, khu công nghiệp, nguồn nước sử dụng sinh hoạt tại đây cũng khiến người dân phải lo lắng.
Trong cuộc tham vấn ý kiến cộng đồng về chặng đường xây dựng NTM mới giai đoạn tiếp theo của Quảng Nam, đã có rất nhiều ý kiến người dân tại một số địa phương đánh giá việc xây dựng NTM vẫn chưa sát với thực tế nhu cầu của họ.
Từ tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, cho đến những tiêu chí mềm như chất lượng sinh hoạt văn hóa, gìn giữ văn hóa làng... đều có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng sống của người dân. Đây chính là "lõi" của xây dựng NTM, với mục đích hướng đến cuối cùng là người ở nông thôn phải hài lòng và hạnh phúc với chính không gian sống của mình.
Các ngôi làng "sống được" - với việc sở hữu các tài nguyên cảnh quan trong lành, xinh đẹp lại đang phải đối diện với hàng loạt cuộc biến động dân cư, theo xu hướng người ở đô thị lớn chọn về sống ở các ngôi làng này. Cùng với đó, một xu hướng ngược lại, có những vùng quê lân cận đô thị với tên gọi đô thị hóa nông thôn. Vậy nên, lựa chọn phát triển một vùng đất, trên cơ sở các chỉ số của một vùng đất hạnh phúc, buộc phải là một cuộc suy tính kỹ lưỡng và lâu dài.
[VIDEO] - Các ngôi làng ở miền quê xứ Quảng đang tiếp cận với các chỉ số hạnh phúc trên hành trình xây dựng nông thôn mới:
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, nói nông thôn mới sai hết là không đúng, nhưng ta đang sa vào phát triển hình thức vật chất mà quên đi căn cơ là văn hóa làng, là cố kết cộng đồng. Hiện đại nông thôn, chính là lối sống, cách sống và phương tiện giúp dân thoát nghèo, chứ không phải hiện đại mà nếp làng mất đi. Ví dụ Phần Lan, 75% diện tích rừng, nhưng họ sống hạnh phúc. Nhật Bản, nông thôn hiện đại nhưng dân sống bình lặng, an vui, nhưng nhà cửa rộng rãi chứ không dày ken khin khít như mình. Hàn Quốc cũng vậy.
Không gian làng Cẩm Phú (Điện Phong) và vùng Gò Nổi (Điện Bàn) cách không xa “hơi thở” đô thị. Nhưng theo thời gian, nét đẹp chân quê của vùng đất này vẫn được bảo lưu nguyên vẹn mặc cho những cách trở địa lý với phố thị đã xóa nhòa.
Sống chậm ở Cẩm Phú
Hai người đàn bà chạy chợ, ba mẹ con từ Sài Gòn về thăm quê cùng tôi và ông Thành - chủ nhà (thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong) ăn trưa với bánh bèo dưới chòi tre nhỏ. Không quen biết nhau nhưng cuộc cà kê vẫn rôm rả tiếng cười xoay quanh mấy mẩu chuyện… nhà quê. Phía trong nhà, cả gia đình ông Thành vẫn đang cặm cụi đúc bánh để kịp bán phiên chợ chiều.
Bà Nguyễn Thị Thảo - vợ ông Thành cho hay, gia đình theo nghề bánh bèo cũng ngót chục năm. Cái duyên với nghề bắt nguồn từ một bà cô trong làng trước khi qua đời đã tận tình chỉ dạy lại. Ở đây chẳng cứ bà con, hết thảy mọi nhà trong làng đều biết mặt quen tên, sống thân thương với nhau từ bao đời và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
Ông Thành nói, hàng ngày bán tại nhà, tại các chợ và “ship” đi Đà Nẵng cũng khoảng 1.500 đến 2.000 chén bánh bèo. Khá nhiều, nhưng vui nhất là cả nhà ai cũng xắn tay vào làm. Từ sớm tinh mơ trước khi đến cơ quan làm việc, ông Thành đã lọ mọ xay mấy xô bột để vợ và chị gái ở nhà đúc bánh. Con gái ông Thành mới học lớp 2 nhưng sau giờ học rất thích phụ xắt thịt, gỡ sắp bánh hơn là vùi đầu vào các thiết bị công nghệ thông minh. Còn mẹ ông đã hơn 80 tuổi vẫn ra vào bưng bê, phụ dọn dẹp và bắt chuyện cười móm mém cùng mọi người trong làng khi có ai đó ghé quán ăn.
Trở lại đường chính - tuyến ĐT610B, qua chợ Phú Bông, cái tên như chỉ dấu một thời: “Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đỏa, có sông Thu Bồn”. Chợ Phú Bông khẽ khàng, chân quê đến nỗi khách đường xa quẹo vào bất giác tưởng như lạc vào một bữa chợ của độ mấy chục năm trước.
Có bà cụ bưng mủng rau vừa hái trong vườn nhà. Rồi một bà cô xách vội mớ tép chưa rũ hết nước sông sóng sánh đon đả chào mời. Khách mua không sợ hớ vì mỗi “giao dịch” chỉ dăm mười nghìn đồng. Dễ mà người ta còn xiêu lòng vì một nụ cười chất phác của người bán đến độ chẳng màng mặc cả.
Ông Phan Phước Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, ở hai thôn Cẩm Phú 1 và Cẩm Phú 2 hiện còn khá nhiều gia đình thông thạo các nghề thủ công và chế biến ẩm thực như tráng mỳ, tráng bánh tráng, bánh bèo, bánh thuẩn, làm bún, xay xác gạo… Làng Cẩm Phú được bao bọc bởi sông Thu Bồn và sông Trùm Ngô. Trong làng còn nhiều bàu nước tự nhiên. Có thể nói đây là một trong những ngôi làng thuần Việt đặc trưng bậc nhất của xứ Gò Nổi.
Chỉ dấu của làng quê đáng sống
Đã nhiều người cảm thán rằng, dù từ ngả đường nào đặt chân vào Gò Nổi thì cũng lập tức thẩm thấu chút gì đó khác biệt. Bao xô bồ, nhộn nhịp của phố, của vùng bán đô thị như được ngăn lại bởi một bức tường vô hình nào đó dù Gò Nổi chẳng còn cách trở đò giang.
Từ năm 2014, cả 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang đều sớm “cán đích” nông thôn mới với đầy đủ 19 tiêu chí. Có lẽ từ rất lâu rồi Gò Nổi đã thiết lập cho mình chỉ dấu của một vùng quê đáng sống chứ không đợi đến khi khái niệm “nông thôn mới” ra đời.
Điều dễ nhận thấy là Cẩm Phú hay hầu khắp các làng mạc nơi đây vẫn còn bảo lưu được nếp làng, nhịp sống khoan thai của người nhà quê không hề gượng gạo. Phải chăng, những mạch nước chằng chịt hòa cùng dòng phù sa màu mỡ bao năm bao bọc đã níu giữ hương làng để “hương đồng gió nội” nơi đây chỉ phôi pha ít nhiều.
Trong một kỳ họp HĐND thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế cho rằng, các địa phương đang xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã chẳng cần học tập đâu xa mà chỉ cần về với 3 xã vùng Gò Nổi là đã có thể vỡ ra nhiều điều về nông thôn mới.
Rõ ràng chất lượng sống ở nông thôn cần được đánh giá tổng thể ở nhiều khía cạnh, không chỉ đơn thuần qua các con số về kinh tế. Và tiểu vùng Gò Nổi là một không gian nông thôn đáng mơ ước. Một không gian vốn dĩ quen thuộc trong ký ức nhiều người nhưng không dễ kiếm tìm trong bối cảnh hiện nay…
Làng lên phố. Những xô lệch xuất hiện trong đời sống thường nhật. Dấy lên không ít ưu tư trong lòng những người già khi gắn đời phần lớn đời mình với làng. Bình yên, liệu có còn giữ được khi đời sống đã bắt đầu hiện hữu nhiều biến động...
Ngoại ô trượt theo đô thị
Từ góc nhìn flycam, làng Đoan Trai (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) vẫn giữ được màu xanh mê mải mùa lộc biếc. Cây lá “chứng nhân” cho làng, khi người làng trở thành thị dân. Ký ức con người, đâu đó cũng hằn in ít nhiều mất mát.
Trong câu chuyện với ông Huỳnh Đức Tỉnh - một người con của tộc Huỳnh Đức làng Đoan Trai, dẫu hình hài làng xưa không quá nhiều biến đổi, nhưng gắn đời với phố, làng nhỏ cũng bắt đầu chịu đựng những xâm lấn vô hình.
Trong ký ức của ông Tỉnh, bà con những tộc lớn Huỳnh, tộc Trần, tộc Bùi... lâu đời và chiếm đại đa số dân cư làng Đoan Trai bao đời sống bằng canh tác nông nghiệp dọc sông Bàn Thạch. Sự cộng cư trong sinh hoạt và sản xuất tạo nên một “nếp làng” bình yên và thân thuộc. Người tộc này kết thông gia với tộc kia, càng gia cố thêm cho mối khắng khít của bà con ở làng.
“Sống giản đơn cũng là một thứ hạnh phúc. Họ có đủ gạo, thừa rau xanh, chia nhau những niềm vui bé mọn của người nhà quê bằng những tối quây quần cùng nhau xắt sắn, tuốt đậu, tuốt bắp. Họ có mặt trong mọi lễ lạt cúng chạp của từng gia đình dòng tộc, dự phần và đóng góp bằng những thứ mình có được, với tất cả lòng lành. Không một ai cô độc, vì dẫu sang nghèo có khác nhau chút ít, nhưng đọng lại vẫn là sự sẻ chia trong vui buồn hay khốn khó” - ông Tỉnh nói.
Đoàn kết là điều được ông Trần Văn Quang (60 tuổi, Khối trưởng của làng Đoan Trai) nhắc đi nhắc lại như một niềm tự hào. Mỗi năm, Đoan Trai có ít nhất 4 đận lụt lớn. Nước bạc mênh mông, đường sá chìm trong nước, nhưng không ai phải đơn độc chật vật xoay xở trong căn nhà của mình khi ngập lụt. Bà con xúm xít nhau khiêng dời vật dụng lên cao, ghe thuyền luôn sẵn để di dời dân.
“Mấy năm nay, những dự án phát triển hạ tầng đô thị được đầu tư rầm rộ, phần nào đó tác động lớn đến môi trường. Lụt lội gây ô nhiễm. Lao động nông nghiệp giảm sút, nhiều diện tích canh tác bỏ hoang, không khí và nguồn nước rõ ràng không thể sạch được như trước. Đó cũng là mất mát” - ông Quang chia sẻ.
Góc làng sau tái định cư
Một dạo, tôi về Duy Nghĩa (Duy Xuyên) khi làng quê vùng cát quay cuồng trong cơn sốt đất. Những ồn ào trỗi lên rất lâu, dai dẳng “sóng ngầm” phía sau rậm rịch công trình, sau những căn nhà mọc lên khu tái định cư. Dư ba của đời sống khi người làng bỗng chốc hóa “thị dân” xao xác trong lòng những người già còn ở lại.
Đận đó, ông Nguyễn Tấn Quý, một “lão nông tri điền” ở làng kể về đất, về làng khi còn xanh cây xanh trái, kể về cuộc sống yên bình của làng quê xanh thắm những nghĩa tình. Cuộc đời ông Quý gắn với mảnh đất của ông bà, gắn với những vườn đậu, vườn mè được tưới tắm bằng mồ hôi của bao thế hệ.
“Nhà cửa đâu có san sát như bây giờ, nhưng có chuyện gì mà vắng thiếu bàn tay xóm giềng giúp đỡ, sẻ chia. Từ đổi công làm hoa màu đến ma chay hiếu hỉ, mỗi người một tay, việc của xóm giềng cũng như việc của nhà mình. Nghèo mà vui, mà chân tình đầm ấm. Khu tái định cư bây giờ, ngó mà chột dạ. Nhà sát nhà, dựa tường nhau nhưng đi ra đi vô là đóng cửa, còn chi tình làng nghĩa xóm. Có muốn cho nhau cọng rau trái bí cũng làm chi có mà cho, ruộng vườn hết rồi.
Duy Nghĩa xưa làm chi có ma túy, chừ đầy ra đó. Thanh niên cậy có mấy đồng đền bù, xử ra ăn nhậu, cờ bạc, quán xá thì um sùm. Đổi đời, hay tụt hậu thì không biết, nhưng rõ ràng là tụt lại về đạo đức. Anh em ruột rà họ còn giành giật ly tán chỉ vì miếng đất. Có khi mô giàu có mà buồn như chừ đâu” - ông Quý thả tiếng thở dài.
Tôi chứng kiến câu chuyện của những người anh em ở “làng mới” Bh’lô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang). Giữa cuộc vui, từ dưới bếp, những thanh niên của làng mang đến gươl một mâm cỗ đầy mời khách. Chiếc mâm được phủ bởi những tàu lá chuối xanh, bên trong là xôi, gà luộc và một vài món ẩm thực truyền thống, được chọn đặt ở vị trí chính giữa của gươl làng. Cuộc sắp xếp nhanh gọn, khi ché rượu cần được đặt xuống, những người anh em có mặt và khách ngồi quanh mâm, già làng bắt đầu cất giọng bằng câu lý đầy minh triết của vùng cao.
Ông Alăng Bê, một cao thủ nói lý - hát lý của Bút Tưa mở lời bằng câu ví von, rằng chính những người anh em hội ngộ ở đây đã tạo nên sự gắn kết đặc biệt ở ngôi làng vùng cao.
“Hạt bắp, hạt lúa bây giờ được trồng chung trên một cánh rẫy. Dưới ánh nắng mặt trời, chúng màu mỡ lên xanh góp thêm hình ảnh đẹp vào sắc núi. Nhờ mọc chung trên cùng một mảnh đất và được tưới mát bởi sương mai nên sau thời gian chăm sóc đã mang lại thóc lúa đầy bồ, bắp đầy zơng” - ông Bê nói.
Ông Alăng Phân - Trưởng thôn Bh’lô Bền nói, vài năm trước, từ chủ trương của địa phương, sau cuộc trưng cầu ý nguyện người dân, Bh’lô Bền được sáp nhập từ Bút Tưa, Sơn, Bền và Cloò - trở thành “mái nhà chung” đúng nghĩa của cộng đồng Cơ Tu, Kinh ở vùng cao.
“Ở đây, không ai phân biệt ai, người Cơ Tu hay người Kinh đều là anh em một nhà, cùng uống chung nguồn nước, làm chung rẫy keo, câu chuyện phát triển quê hương được xem là trách nhiệm chung của cả cộng đồng” - ông Phân chia sẻ.
Những chủ làng của vùng cao kể, sự có mặt của cộng đồng người Kinh, Cơ Tu và một vài dân tộc di cư khác đã tạo nên tính đa sắc màu văn hóa cho vùng đất Coong Chooih, bên dòng sông R’lang huyền thoại.
Theo Trưởng thôn Alăng Phân, không phải đến bây giờ “câu lý thương nhau” mới được kể, mà ngay cả khi đồng bào Kinh bắt đầu đặt chân lên vùng đất này, sự gắn kết đã được xác lập. Thời đó, chính người Cơ Tu đã nhường đất, nhường rẫy để hỗ trợ đồng bào Kinh lên sinh sống, canh tác; ngược lại, đồng bào Kinh giúp người Cơ Tu khai hoang ruộng lúa nước, vận động con em đến trường học tập…
“Bây giờ, khi thôn được sáp nhập, tình cảm và sự gắn bó giữa cộng đồng càng thêm thắt chặt, bền vững hơn” - ông Alăng Phân tâm sự.
Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho rằng, những năm qua, cộng đồng người Cơ Tu, người Kinh ở các bản làng miền núi luôn phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Quá trình sắp xếp dân cư miền núi thời gian qua tác động không nhỏ đến cuộc sống của người. Tuy nhiên, chúng tôi luôn khơi dậy sự gắn kết, phát huy tinh thần sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng như là nền tảng giúp người vùng cao xây dựng đời sống tốt đẹp, an lành.
Cuộc sống bây giờ đã khác. Nhưng sự gắn kết, đùm bọc giữa đồng bào Cơ Tu, Kinh vẫn luôn được kể bằng rất nhiều câu chuyện cảm động. Chung mái gươl làng, những cuộc hội họp luôn đủ đầy gương mặt, vui trong ngày hội đoàn kết bằng “câu lý thương nhau” vững bền... Phải chăng, đó chính là cội nguồn hạnh phúc của những cộng đồng làng dưới mái nhà Trường Sơn...